Truyện ngắn: Khuê Việt Trường
Tôi kiên quyết bảo với anh rằng sau khi lấy nhau phải ở riêng. Luyến bảo: “Nhưng nhà anh chỉ còn mẹ già, nếu không có mình, mẹ buồn chết. Thương anh, em cùng anh về ở với mẹ em nhé!”. Ngôi nhà hai tầng lầu ở con phố vắng ấy rộng thênh thang, tôi vẫn có thể về ở, nhưng tôi không thích làm dâu. Bởi tôi ám ảnh cảnh chị Hằng, chị lớn của tôi làm dâu nhà chồng.
Anh Cảnh, chồng chị, cũng nói như Luyến: “Nhà anh còn mẹ già, anh lại là con trai lớn, anh phải ở chung với mẹ". Yêu chồng, chị Hằng khăn gói về nhà chồng. Mẹ chồng chị Hằng năm nay 75 tuổi, cả đời phải tảo tần buôn bán nuôi con ăn học, lại một tay nuôi người chồng thích đèo bồng hết cô gái trẻ này đến cô gái trẻ khác, cho nên bà sống không vui vẻ. Có nhiều ngày, chị Hằng về nhà, khóc sưng cả mắt khi kể chuyện làm dâu, khiến cho tôi càng kiên quyết chuyện ra riêng với Luyến.
Nhà Luyến có bốn anh chị em, anh là con út, các anh chị đều đã định cư ở nước ngoài. Mẹ của anh cũng gần tuổi 70, có lúc lẩm cẩm. Tôi đã đến nhà anh rất nhiều lần và biết rằng mẹ anh khó tính. Có lần bà hỏi tôi: “Tại sao cháu chọn thằng Luyến?". Tôi e dè: “Dạ, chúng cháu yêu nhau". “Cháu làm việc ở đâu?”. “Dạ cháu làm bên ngân hàng”. Bà càm ràm: “Đã bảo chọn cô giáo mà lấy, lại chọn ngân hàng”. Quả thật, dẫu nhà của Luyến chỉ có mỗi mẹ của anh, nhưng tôi thực sự nghẹt thở vì bà, thì làm sao ở chung được?
Rốt cuộc thì dẫu có nghiêng về mẹ, nhưng Luyến cũng không thể mất tôi. Bởi cả hai đứa có một khoảng thời gian rất dài yêu nhau trước khi quyết định thành chồng vợ. Vả lại, nhà hai đứa thuê cũng chỉ cách nhà của mẹ anh có một con đường, chỉ mất khoảng hơn 5 phút qua lại. Anh nhường tôi một bước, còn tôi thỏa hiệp ở gần để khi đi làm về hoặc bất cứ lúc nào, anh vẫn chăm sóc và gần gũi mẹ. Sau khi cưới, tôi ngập tràn hạnh phúc trong cuộc sống có Luyến. Có tôi, Luyến cũng vui vô bờ. Được yêu và nhận lấy tình yêu ấy trọn vẹn, được về ở chung với người mình yêu, chia cho nhau những khó khăn, cộng lại những hân hoan là mơ ước của tất cả mọi người.
***
Trước nhà Luyến có một hàng cây bã đậu, nghe nói được trồng rất lâu rồi, dễ chừng cả trăm năm. Con đường nhà anh không mở rộng vì thành phố muốn giữ lại hàng cây cổ thụ này. Tôi vẫn thường đứng đợi ở dưới gốc cây bã đậu trước nhà anh mỗi khi hai đứa hẹn hò. Nhưng từ khi lấy nhau, tôi rất ít ghé nhà anh, bởi lẽ giờ đây anh đã ở bên cạnh tôi rồi.
Luyến vẫn thường đi công tác xa dài ngày bởi công việc của anh là giám sát các công trình cầu đường. Những con đường, cây cầu công ty anh nhận đôi khi phải băng qua những cánh rừng, những ngọn đèo, phương tiện đi lại vô cùng khó khăn. Anh bảo: “Thỉnh thoảng em nhớ về thăm mẹ, em nhé!”. Thăm mẹ anh chắc chắn không là niềm vui của tôi rồi, nên tôi cứ lần lựa mãi chuyện ghé qua nhà mẹ anh, dù chỉ phải đi một đoạn đường rất gần. Luyến biết điều đó, anh buồn nhưng không nói ra.
Để rồi Luyến rất ngạc nhiên sau khi anh đi công tác trở về, tôi bảo với anh: “Mình qua thăm mẹ đi anh”. Anh nhìn tôi chăm chú, như thể trên gương mặt tôi đang có một vết lọ nghẹ nào đó. Tôi hỏi anh:
- Bộ hôm nay mặt em dính gì lạ hả anh?
Luyến cười rất vui:
- Đâu có. Những lần trước anh bảo qua thăm mẹ thì em bảo anh đi một mình đi. Còn lần này tự em chủ động bảo qua thăm mẹ.
Tôi trả lời:
- Vì anh chỉ có mẹ. Mẹ cần anh, cần cả em nữa.
Và một điều bí mật khác, tôi nói nhỏ với anh:
- Và con của mình cũng cần bà nội...
Tôi chợt nhớ câu nói của một ai đó: “Chỉ khi có con mới hiểu lòng người mẹ”. Và cũng từ câu chuyện vào một buổi tối có cơn bão về thành phố...
***
Tối hôm đó thời tiết bất thường, bởi đã vào mùa có những cơn bão hình thành ở biển, tạt vào đất liền. Những cơn bão gần như không đổ vào thành phố tôi đang ở, vì ngoài khơi có một dãy núi che chắn. Tuy rằng bão không đổ về, nhưng mỗi khi những cơn bão rớt tạt qua là thành phố có nhiều gió và có những cơn mưa mù đất mù trời.
Luyến đi công tác ở tận Cà Mau. Anh bảo do công việc gấp rút, cần phải thi công cho kịp tiến độ nên anh ở lại đó, không về thường xuyên. Ở nhà một mình, buổi tối, sau khi ăn cơm xong, tôi thường khóa cửa trước cửa sau, nhốt mình trong phòng ngủ với chiếc tivi trước mặt. Tôi cứ dò đủ kênh cho đến khi có chương trình mình ưa thích, canh chế độ tắt tự động mà ngủ.
Đêm hôm đó mưa rất lớn, gió thổi lay cây ngoài đường dữ dội. Khi tôi vừa đóng cửa nhà thì điện thoại reo. Bên kia đầu dây là giọng mẹ anh rất hoảng hốt: “Mẹ đây. Thủy ơi, con qua nhà ở với mẹ đêm nay được không?”. Chính tiếng nói hoảng hốt của mẹ anh khiến tôi đi qua nhà bà.
Tôi đã đi bộ trong cơn mưa, giữa gió thổi ào qua phố vắng. Đêm lập lòe những ánh đèn đường vàng vọt hắt chiếu. Tôi nhìn thấy mẹ anh đang choàng áo mưa đứng dưới gốc cây bã đậu trước nhà, đợi tôi qua.
Tôi nói trong tiếng mưa: “Trời ơi, sao mẹ không ở trong nhà đợi con qua”. Chỉ khi đưa mẹ anh vào nhà, lau khô cho bà, tôi mới cảm thấy trong lòng mình dấy lên sự hối hận, áy náy. Nhà có một cô cháu giúp việc, nấu cơm nước giặt giũ, thì đã tự ý bỏ về nhà cả nửa tháng nay. Còn một mình mẹ già lom com trong căn nhà buồn tênh. Căn nhà buồn muốn khóc.
Tôi nhìn thấy ghế bàn chổng chơ. Tôi nhìn thấy nồi cơm còn đầy trên bàn. Và tôi thấy sự trống vắng đến xót xa trong căn nhà.
Mẹ anh bảo: “Tối nay con ở với mẹ con nhé?”. Tôi nghẹn ngào: “Dạ”.
***
Tôi sắp sinh con gái đầu lòng. Hai vợ chồng rất vui. Luyến nói: “Dẫu gái hay trai, con ta là số một”. Tôi bảo với anh trả căn nhà thuê, về ở với mẹ. Anh trêu: “Em không sợ mẹ chồng già khó chịu với mình à?”. Tôi ôm anh, đắc ý: “Mẹ già rồi, sống vui vẻ là quan trọng nhất. Vả lại mẹ mà có cháu trong nhà, sẽ bận với cháu, hơi đâu để ý em?”.
Luyến không bao giờ biết cái đêm bão rớt về trong lòng thành phố ấy. Nỗi cô đơn tuổi già đã khiến mẹ ra đường đợi tôi dưới gốc cây bã đậu trước nhà. Anh càng ngạc nhiên khi tôi dành hết thời gian rảnh rang của mình cho mẹ. Ngôi nhà như vừa nhóm lên một bếp lửa hồng, tỏa ấm cả những ngóc ngách.
Bạn bè hỏi tôi: “Mày không sợ làm dâu nữa sao Thủy?”. Tôi lắc đầu: “Không!”.