02/10/2022 - 18:49

Cơ hội từ thị trường tôm xuất khẩu cuối năm 

HỮU ÐỨC

Vùng nuôi tôm ở các tỉnh ven biển ÐBSCL đang thu hoạch cuối vụ, sản lượng giảm dần. Trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tìm cách chuyển hướng thị trường, giảm thiểu bất lợi.

Kỳ vọng từ vùng nuôi

Ở ÐBSCL có 2 vụ nuôi tôm chính trong năm. Ðến nay ở các tỉnh có vùng nuôi tôm nước lợ đang vào mùa thu hoạch cuối vụ 2. Theo người nuôi tôm khu vực Bán đảo Cà Mau, vụ 2 nuôi tôm gặp nhiều khó khăn, chịu tác động thời tiết biến động hơn vụ 1.

Tuy nhiên, năm nay nuôi tôm theo quy trình có kiểm soát, nuôi tôm trúng. Nuôi tôm ao bạt đáy, còn nuôi tôm ao đất tỷ lệ thành công cực thấp. Tuy nhiên, trong vùng hiện thời có nhiều người nuôi tôm ứng dụng kỹ thuật nuôi theo mô hình của một số công ty bán tôm giống đưa ra, có hướng dẫn cách nuôi nên thường trúng hơn người nuôi tôm nhỏ lẻ không liên kết.

Thu mua tôm nguyên liệu ở vùng nuôi tôm Bán đảo Cà Mau. Ảnh: Xuân Trường

Trong khi hiện nay các nhà máy chế biến thủy sản cho biết do đơn hàng không nhiều, lượng tôm nguyên liệu ít hơn cùng kỳ năm ngoái. Do không tạo ra áp lực nhu cầu nguyên liệu nhiều, các nhà máy giảm năng suất chế biến.

Nhìn lại qua 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu tôm cả nước đạt mức tăng trưởng khả quan. Ðó là do nhiều yếu tố, dịch COVID-19 giảm xuống nên hệ thống phân phối phục hồi, kết nối mua hàng tích cực hơn. Mặt khác, năm 2021 do dịch COVID-19 nên tồn kho nhiều, qua 2022 các doanh nghiệp tập trung xuất khẩu. Giá xuất khẩu bao hàm thuế phí tàu "tăng ảo" 10% giá trị xuất khẩu. Ðó là những lý do khiến xuất khẩu tăng trong nửa đầu năm.

Trong 6 tháng cuối năm tình hình xuất nhiện một số bất lợi mới. Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine tác động mạnh đến tình hình kinh tế thế giới, khiến nhiều nước rơi vào lạm phát. Trong đó các thị trường tiêu thụ lớn bị ảnh hưởng, khiến sức mua giảm. Mặt khác, mức tiêu thụ số hàng đã nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm không được như ý, vẫn còn tồn kho. Trong khi 2 cường quốc nuôi tôm như Ecuador và Ấn Ðộ năm nay nuôi tôm trúng, có sản lượng khá tốt. Còn nuôi tôm ở ÐBSCL dịch bệnh còn diễn ra âm ỉ khiến cho sản lượng tôm nuôi không đạt thành quả tốt như năm 2021.

Từ những yếu tố trên dẫn đến hoạt động xuất khẩu tôm trong năm 2022 dự đoán có thể đạt mức tăng trưởng hơn 4 tỉ USD.

Chuyển hướng thị trường

Từ nay đến cuối năm các doanh nghiệp cho biết không chịu áp lực bởi hợp đồng xuất khẩu, do tình hình lạm phát toàn cầu, dự báo sức tiêu thụ sẽ không như kỳ vọng. Thị trường tôm xuất khẩu đang chịu tác động mạnh bởi nguồn cung lớn từ Ấn Ðộ và Ecuador. Ðây là 2 cường quốc nuôi tôm có tốc độ tăng trưởng cao. Từ 2018 đến nay, riêng Ecuador luôn đạt mức tăng trưởng cao, kế đến là Việt Nam và Indonesia. Hai nước có sản lượng tôm lớn, nguồn cung dồi dào, cạnh tranh với giá thấp. Loại tôm tươi lột từ Ecuador, đóng hàng rời lấn sân sang thị trường Mỹ với lợi thế đường biển gần, chi phí vận tải biển thấp, từ 500-4.000 USD/container. Trong khi hàng thủy sản xuất từ châu Á xuất qua Mỹ, chi phí vận chuyển tăng cao hơn gấp 3-4 lần.

So với cùng kỳ năm ngoái giá tôm xuất khẩu của Việt Nam tăng hơn, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu tôm cho rằng đó là mức "tăng ảo". Ví như cước tàu biển 1 USD tăng tương đương 10%, giá bán tăng nhưng đó là tăng ảo, vì chủ yếu là tăng bởi cước tàu. Nhìn chung hiệu quả của doanh nghiệp đạt không cao. Ngoại trừ doanh nghiệp có đầu tư vùng nuôi tôm trúng mùa, hạ được giá thành.

Nhận định thị trường và dự báo năm 2022, sản lượng tôm toàn cầu trên 5 triệu tấn, tốc độ tăng trưởng trung bình 5%/năm. Trong đó, Trung Quốc là nước nuôi tôm lớn và nhập khẩu tôm lớn. Trung Quốc có sản lượng tôm tiêu thụ nội địa hàng đầu thế giới với cả ngàn nhà máy chế biến và cũng là nước xuất khẩu tôm bao bột lớn nhất vào Mỹ. Trung Quốc mua tôm Việt Nam thông qua thương lái và một số nhà máy chế biến thủy sản nhỏ, chủ yếu chỉ mua tôm tươi luộc và tôm sú (loại tôm luộc có màu đỏ đẹp, bắt mắt khi chế biến món ăn) là lợi thế của 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Chế biến thực phẩm Sao Ta (Fimex VN), nhận định: Thị trường xuất khẩu tôm đang gặp bất lợi. Ở châu Âu, do đồng bảng Anh và đồng Euro mất giá khoảng 12%, đồng Yên của Nhật suy yếu, mất giá khoảng 14-16%. Do vậy, sản phẩm tôm Việt sức cạnh tranh có phần yếu đi khi xuất sang thị trường các nước này. Trong khi đó thị trường Mỹ, tuy tiền đồng so với đồng USD nên có chút lợi thế, song do tôm Ấn Ðộ và Ecuador "lấn sân" cạnh tranh quá mạnh.

Hiện nay tình hình lạm phát của một số nước khiến đầu vào vật tư sản xuất tăng giá, giá thành sản xuất tăng trong khi hàng bán không tăng giá. Như vậy bất lợi hai đầu nên khiến hiệu quả doanh nghiệp chế biến xuất khẩu rủi ro. Trước tình hình như vậy, một số doanh nghiệp xuất khẩu tôm tìm cách giữ lợi thế bằng cách chuyển hướng thị trường xuất khẩu. Tôm Việt Nam chọn các thị trường xuất khẩu gần hơn để giảm bớt chi phí cước tàu vận chuyển.

Chia sẻ bài viết