30/08/2020 - 10:04

Cơ hội thu hút vốn FDI cho ĐBSCL

Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, cả nước hiện có 32.539 dự án FDI còn hiệu lực, vốn đăng ký gần 381,2 tỉ USD; vốn thực hiện bằng 58,5% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực (khoảng 223,1 tỉ USD). Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 58,5% tổng vốn đăng ký, tiếp đến là kinh doanh bất động sản chiếm 15,7% tổng vốn đăng lý, sản xuất và phân phối điện chiếm 7,2% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc dẫn đầu về vốn FDI đầu tư tại Việt Nam, Nhật Bản xếp thứ hai, kế đến là Singapore, Ðài Loan, Hong Kong… Ba địa phương gồm TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội và Bình Dương chiếm tới 32% tổng vốn đầu tư đăng ký cả nước.

Trong 8 tháng năm nay, ÐBSCL thu hút được 119 dự án mới, vốn hơn 4,487 tỉ USD; nếu tính cả vốn tăng thêm, vốn góp và mua cổ phần thì toàn vùng thu hút thêm gần 4,99 tỉ USD (trong đó 4 tỉ USD là của dự án tại Bạc Liêu). Trong số 13 tỉnh, thành có 10 địa phương có dự án FDI mới, trừ Cà Mau, Ðồng Tháp và Sóc Trăng. Toàn vùng hiện có 1.781 dự án FDI còn hiệu lực, vốn đăng ký hơn gần 27,76 tỉ USD; chỉ chiếm hơn 7,28% tổng vốn FDI cả nước. ÐBSCL được nhận định có nhiều tiềm năng, với nguồn nguyên liệu nông sản dồi dào là đầu vào của công nghiệp chế biến, nhưng hạ tầng giao thông chưa kết nối liên hoàn làm ảnh hưởng đến các phương thức vận tải hàng hóa của vùng; chất lượng nguồn nhân lực, môi trường đầu tư và tiềm năng mở rộng sản xuất… được các nhà đầu tư nhìn nhận còn nhiều hạn chế. Do vậy, ÐBSCL muốn tận dụng lợi thế để thu hút đầu tư FDI cần sự bứt phá mạnh hơn.

Hiện tỉnh Long An dẫn đầu về thu hút FDI, với 1.122 dự án, vốn đăng ký hơn 8,31 tỉ USD; kế đến là Kiên Giang xếp vị trí thứ hai với hơn 4,8 tỉ USD, Bạc Liêu đứng thứ ba với hơn 4,55 tỉ USD nhờ dự án đầu tư mới trong 8 tháng năm nay; Trà Vinh đứng thư tư với trên 3,33 tỉ USD, xếp thứ 5 là Tiền Giang hơn 2,69 tỉ USD, tỉnh Bến Tre đứng thứ sáu với hơn 1,08 tỉ USD. TP Cần Thơ dù có lợi thế hơn về hạ tầng giao thông và nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng xếp thứ 8, sau tỉnh Vĩnh Long. Các địa phương tốp cuối lần lượt gồm: Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Ðồng Tháp và Cà Mau. Trong các địa phương vùng ÐBSCL, bứt phá mạnh nhất có thể nói đến là Bạc Liêu và Trà Vinh, Bến Tre là những tỉnh ít có lợi thế nhưng đã vươn lên mạnh mẽ nhờ chiến lược thu hút đầu tư hiệu quả và tiềm năng về năng lượng.    

Theo các tổ chức quốc tế và chuyên gia dự báo, Việt Nam đang có nhiều cơ hội đón “sóng” đầu tư từ các quốc gia, nhất là sau đại dịch COVID-19. Ðây cũng là cơ hội lớn cho ÐBSCL. Song, chắc lọc dự án FDI để không rơi vào “bẫy” công nghệ thấp là vấn đề phải được ưu tiên, bởi có nhiều nguyên nhân nhà đầu tư dịch chuyển dòng vốn FDI, đó là: chuyển đến quốc gia có nền chính trị ổn định hơn, lao động tay nghề cao nhưng chi phí thuê rẻ hơn, có môi trường kinh doanh thuận lợi, hoặc tiêu chuẩn môi trường thấp hơn so với nơi mà dự án đang đầu tư. Trong chiến lược thu hút vốn FDI, phần lớn các địa phương đều đặt mục tiêu kiểm soát ngay từ khi tìm hiểu đầu tư, giới thiệu dự án, tiêu chuẩn về môi trường cũng đặt ra khắt khe hơn. Có thể nói trước đây, thu hút đầu tư trọng tâm là để lấp đầy các khu công nghiệp đã quy hoạch thì nay tư duy mời gọi đầu tư của ÐBSCL đã khác. Các địa phương có chiến lược thu hút đầu tư cụ thể hơn, môi trường đầu tư thông thoáng hơn và đặc biệt là giảm chi phí không chính thức.

SONG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết