17/04/2020 - 09:59

Cơ hội "làm mới" ngành bán lẻ 

Dịch COVID-19 với những tác động đa chiều đã khiến hầu hết các ngành nghề đều bị ảnh hưởng, trong đó có ngành bán lẻ. Lo ngại dịch bệnh, người tiêu dùng ít đi mua sắm hơn, việc chuẩn bị những mặt hàng thiết yếu cũng chuyển từ mua trực tiếp sang mua trực tuyến (online). Theo các chuyên gia kinh tế, đây cũng là cơ hội để ngành bán lẻ "làm mới" theo xu hướng tiêu dùng hiện đại.

Việc mua sắm trực tuyến được xem là giải pháp hữu hiệu trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19.

Ngay từ đầu giờ mở cửa, nhân viên quầy Dịch vụ và chăm sóc khách hàng - Siêu thị Co.opmart Cần Thơ đã rất bận rộn với những cuộc gọi đặt hàng của khách. Song song đó, nhân viên thực hiện xử lý những đơn hàng được chuyển về từ hệ thống bán hàng trực tuyến... để hàng hóa được chuyển đến khách hàng một cách nhanh chóng nhất. Theo siêu thị Co.opmart Cần Thơ, từ ngày bùng phát dịch bệnh, đặc biệt, khi người dân thực hiện theo các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc giãn cách xã hội, thói quen mua sắm của người dân cũng thay đổi...  Do đó, lượng nhân viên trực quầy và giao hàng của các siêu thị cũng phải tăng cường để thích ứng với những thay đổi này.

Để tổ chức kinh doanh thích ứng với tình hình dịch bệnh, song song với việc tăng cường hàng hóa tại các điểm bán, các đơn vị còn đẩy mạnh kênh mua sắm qua điện thoại, mua sắm trực tuyến qua wesbite, ứng dụng trên các thiết bị di động... Theo ghi nhận tại các siêu thị, khách mua hàng qua điện thoại, trực tuyến tăng lên rất nhiều, nhất là từ ngày 1-4, khi Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31-3-2020 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 có hiệu lực. Theo đó, kênh thương mại điện tử của Saigon Co.op có hàng triệu lượt tương tác mỗi ngày, cùng đó khách mua đặt hàng qua điện thoại tại các siêu thị tăng lên rất nhiều so với trước kia.

LOTTE Mart Việt Nam cũng cho biết, các đơn hàng trực tuyến của hệ thống tăng từ 150-200% trong những ngày gần đây. Vincommerce (đơn vị chủ quản của hệ thống VinMart, VinMart +) cũng đồng loạt triển khai 3 giải pháp bán hàng online. Cụ thể, mỗi siêu thị đều có 1 hotline đặt hàng riêng, khách hàng có thể gọi điện thoại trực tiếp cho siêu thị để đặt hàng mua sắm hoặc có thể mua qua trang web: vinmart.com, mua qua ứng dụng điện thoại VinID. Hệ thống siêu thị MM Mega Market cũng công khai số hotline (đường dây nóng), điện thoại đặt hàng tại 20 siêu thị trên cả nước, đồng thời MM Mega Market tăng cường giới thiệu các sản phẩm cùng các chương trình khuyến mãi trên trang mạng xã hội (Facebook).

Theo nghiên cứu mới đây của Nielsen Research Việt Nam (Công ty nghiên cứu thị trường) cho thấy, hành vi tiêu dùng của người dân chịu tác động lớn của dịch COVID-19 khi họ tăng cường tích trữ các sản phẩm thiết yếu; tránh tụ tập đông người và thường xuyên mua hàng online... Cô Phạm Thị Thu Hà, ở đường 3 Tháng 2, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, cho biết, thói quen mua sắm của tôi là phải tự tay lựa chọn hàng mới yên tâm chứ ít khi đặt hàng qua mạng hay mua qua điện thoại. Từ ngày xảy ra dịch COVID-19, để tránh lây nhiễm, tôi phải hạn chế đi ra ngoài, tôi đã cài đặt các ứng dụng (app) mua sắm trực tuyến, học cách đặt hàng trực tuyến trên website... Việc mua sắm quả thực khá dễ dàng, hàng hóa giao đảm bảo đúng với công bố, chưa kể rất nhiều chương trình khuyến mãi dành cho khách hàng mua sắm trực tuyến. Sau này, khi hết dịch, tôi sẽ tiếp tục sử dụng hình thức mua sắm này song song với việc mua hàng trực tiếp.

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), hiện nay, Việt Nam được đánh giá một trong những thị trường tiêu dùng tăng trưởng nhanh nhất châu Á với tốc độ tăng trưởng thị trường bán lẻ duy trì ở mức cao, khoảng trên 10%/năm. Kinh doanh trực tuyến, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ, đã trở nên phổ biến trước xu hướng tiêu dùng online tăng mạnh. Thông qua các kênh phân phối trực tuyến trên website hay phần mềm trên nền tảng di động, những năm qua các siêu thị đã đầu tư khá mạnh cho mảng kinh doanh này. Các chuyên gia dự đoán, sự thay đổi thói quen mua sắm hàng hóa trong thời điểm ảnh hưởng dịch COVID-19 mặc dù gây ảnh hưởng không nhỏ cho ngành bán lẻ nhưng đây cũng có thể là cơ hội để định hình lại ngành bán lẻ. Để thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp phải quyết liệt hơn với mảng kinh doanh này; doanh nghiệp nào chưa mặn mà với bán hàng trực tuyến thì buộc phải "chuyển mình" thay đổi. Cùng với đó, các nhà bán lẻ cần cơ cấu lại phương thức kinh doanh, củng cố, thắt chặt quan hệ hợp tác, liên kết với các đối tác; chủ động giữ quan hệ chặt chẽ với nhà sản xuất - cung ứng để đảm bảo nguồn hàng có chất lượng, giá cả phù hợp. Tích cực xây dựng hình ảnh doanh nghiệp có trách nhiệm thông qua các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản, tăng cường các công tác marketing trên nền tảng số…

Bộ Công thương cho rằng, trong bối cảnh dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, loại hình kinh doanh trực tuyến đã và đang là biện pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu việc tiếp xúc trực tiếp, tập trung đông người cần được khuyến khích. Do đó, Bộ Công thương đã chỉ đạo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số phối hợp với các doanh nghiệp phân phối hỗ trợ đẩy mạnh các hoạt động, hình thức mua bán hàng hóa trực tuyến.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết