10/06/2017 - 17:35

Cơ hội đón "sóng" đầu tư

Từ đầu năm 2017 đến nay, TP Cần Thơ đón rất nhiều đoàn nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, ký kết hợp tác. Thành phố cũng tổ chức nhiều đoàn xúc tiến đầu tư nước ngoài để quảng bá, giới thiệu tiềm năng của Cần Thơ, trong đó đặc biệt chú trọng thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc.

Nhiều cơ hội kết nối

 

 Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc là nơi kết nối các doanh nghiệp Hàn Quốc với doanh nghiệp TP Cần Thơ. Ảnh: MINH HUYỀN

Hiệp hội DN TP Cần Thơ (CBA) vừa qua có chuyến thực địa tại Hàn Quốc vào cuối tháng 5 theo lời mời của Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc để xúc tiến thương mại hai chiều. Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch thường trực CBA, kiêm Tổng thư ký CBA cho biết: "Khi đi chợ và siêu thị của Hàn Quốc, tôi chỉ thấy bán thanh long Việt Nam. Trong khi đó xoài, chuối và các loại trái ngon của mình như măng cụt, bưởi... thì chưa xuất qua thị trường này. Người Hàn rất thích xoài của Việt Nam và giá xoài ở Hàn Quốc rất đắt. Lợi thế của Cần Thơ là trái cây và hàng nông sản, DN Cần Thơ cũng đang rất muốn xuất trái cây tươi sang Hàn Quốc, nhưng còn rất nhiều vấn đề về các tiêu chuẩn chất lượng, bảo quản... phải tính tới mới có thể tính tới việc xuất khẩu này". Theo bà Thuận, Hàn Quốc nổi tiếng về lĩnh vực thẩm mỹ và mỹ phẩm trên thế giới. Các công ty mỹ phẩm hàng đầu của Hàn Quốc đang nhìn về Cần Thơ là nơi để tiếp cận thị trường Việt Nam cho thương hiệu sản phẩm của họ. Sản phẩm của một số công ty khác cũng đang cần tìm đối tác ở Việt Nam. CBA đang giới thiệu ráp mối cho 2 bên và cũng đang có kết quả bước đầu.

Lợi thế có Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam- Hàn Quốc đặt tại khu công nghiệp (KCN) Trà Nóc 2 đã tạo nhiều cơ hội kết nối giao thương giữa Cần Thơ- Hàn Quốc. Theo ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Trưởng Ban Quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp (BQL KCX&CN) Cần Thơ, dự án nhà máy sản xuất giày thể thao thành phẩm của Công ty TNHH Tae Kwang Cần Thơ (Hàn Quốc), có tổng vốn đầu tư trên 171 triệu USD tại KCN Hưng Phú 2 B đang vào giai đoạn nước rút. Các công trình nhà xưởng, văn phòng đến nay đạt khoảng 85% khối lượng, dự kiến trong quý II-2017 hoàn thiện và vận hành thử. Thành phố đang nỗ lực để kết nối đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất cho các DN trong và ngoài nước khi đến Cần Thơ.

Trong 2 năm gần đây, nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản rất quan tâm đến ĐBSCL, trong đó có Cần Thơ. Các lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng... được DN quan tâm tìm kiếm các cơ hội hợp tác, song các địa phương chưa tận dụng tốt, do chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư; tiềm năng của vùng lớn, nhưng chưa tạo ra hấp lực cho nhà đầu tư.

Tận dụng lợi thế

Tính đến cuối tháng 5-2017, TP Cần Thơ có 75 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký 645,6 triệu USD. Trong đó, 24 dự án trong KCN, 51 dự án nằm ngoài KCN. Rõ ràng xét về tiềm lực của đô thị loại I, trung tâm vùng ĐBSCL thì vốn FDI vào thành phố chưa tương xứng. Cần Thơ có hạ tầng giao thông tương đối hoàn chỉnh so với các địa phương trong vùng, có sân bay, cảng biển, đường bộ khá thuận lợi, nhưng vẫn chưa tạo được đột phá trong thu hút vốn FDI. Nhiều ý kiến cho rằng, các dự án mời gọi đầu tư của thành phố chưa tạo được nét đặc thù riêng, gắn với tiềm năng, thế mạnh của thành phố. Thêm vào đó, thành phố không có nhiều quỹ đất sạch sẵn cho nhà đầu tư, mà chủ yếu có nhà đầu tư rồi mới giải phóng mặt bằng. Theo ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Trưởng BQL KCX&CN Cần Thơ, các KCN thiếu đất sạch, nhiều đơn vị đầu tư hạ tầng KCN khó khăn về vốn đầu tư, trong khi chi phí đầu tư đất sạch cao. Lẽ đó, các nhà đầu tư thứ cấp vào KCN hoạt động phải thuê đất với giá cao; trong khi Hậu Giang, Vĩnh Long giá thuê đất trong KCN thấp hơn. Thành phố đang định hướng quy hoạch các ngành nghề mời gọi đầu tư theo từng quy hoạch chức năng của các KCN, đảm bảo phát triển bền vững.

Theo bà Nguyễn Mỹ Thuận, khi đi xúc tiến đầu tư ở Hàn Quốc, DN Hàn Quốc hầu như chưa biết nhiều về Cần Thơ. Hà Nội và TP HCM thì họ còn biết và có nghe thông tin. "Chúng tôi phải giới thiệu rất nhiều về Cần Thơ, đặc biệt là nói cho họ biết Cần Thơ là một trong 5 thành phố lớn trực thuộc Trung ương để họ yên tâm về năng lực kinh tế của thành phố. Tháng 7 tới, CBA dự kiến có chương trình kết nối DN Cần Thơ và Hàn Quốc. Theo kế hoạch, chuyến đi Cần Thơ tháng 7 của DN Hàn Quốc chuyên về ngành bất động sản. Tuy nhiên trong số doanh nhân tham dự cũng có các ngành khác. Chúng tôi đang chờ xác nhận của đối tác đồng tổ chức phía Hàn Quốc để thông báo cho DN Cần Thơ"- bà Thuận nói.

Có dự án khả thi, có sẵn quỹ đất sạch, nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là tính kỷ luật trong làm việc là những yêu cầu cần thiết mà các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc đặt ra khi đến tìm hiểu đầu tư tại Cần Thơ. Do đó, thành phố cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành chức năng để tận dụng các cơ hội, phát huy lợi thế của Cần Thơ. Chú trọng quảng bá hình ảnh và chứng minh cho nhà đầu tư thấy rõ tiềm năng khi đầu tư vào Cần Thơ, DN có thể tiếp cận thị trường rộng lớn của cả vùng ĐBSCL- nơi chiếm hơn 18% thị phần bán lẻ cả nước. 

Gia Bảo

Chia sẻ bài viết