02/04/2020 - 09:06

Cơ giới hóa và tiến bộ kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa 

Trong khuôn khổ Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) được triển khai tại Cần Thơ, ngành Nông nghiệp thành phố đang tích cực hỗ trợ nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa trong các khâu sản xuất lúa, từ làm đất đến gieo sạ, bón phân tưới nước, thu hoạch, phơi sấy lúa. Đồng thời, tập huấn, hướng dẫn nông dân áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” để nâng cao hiệu quả trồng lúa.

San phẳng mặt ruộng bằng công nghệ laser tại HTX nông nghiệp Hiếu Bình, huyện Vĩnh Thạnh.

►Quan tâm từ khâu làm đất

Để thực hiện tốt giải pháp kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” trong sản xuất lúa thì khâu làm đất là rất quan trọng. Nông dân cần phải chú ý san phẳng mặt ruộng, làm đất và gia cố kỹ các bờ ruộng mới thực hiện giảm hiệu quả lượng giống gieo sạ, cũng như giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới và công chăm sóc lúa. Do vậy, Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững Cần Thơ (VnSAT Cần Thơ) và ngành Nông nghiệp thành phố nói chung rất quan tâm việc hướng dẫn nông dân áp dụng các trang thiết bị, máy móc và công nghệ mới trong khâu làm đất, nhất là thực hiện san phẳng mặt ruộng bằng công nghệ laser.

Vụ lúa hè thu 2020, Dự án VnSAT Cần Thơ hỗ trợ nông dân tại Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hiếu Bình ở xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh thực hiện mô hình trình diễn ứng dụng công nghệ laser san phẳng mặt ruộng gắn với đẩy mạnh cơ giới hóa và áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào các khâu trong quá trình sản xuất lúa. Mô hình này được thực hiện trên diện tích 8ha và Dự án cũng triển khai mô hình đối chứng, làm đất theo cách thông thường hiện nay, với diện tích 9ha để cuối vụ thu hoạch lúa có sự so sánh, đánh giá. Qua đó, có các định hướng và khuyến cáo phù hợp cho nông dân.

Ông Cao Văn Khải, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hiếu Bình, cho biết: “HTX rất vui vì được Dự án VnSAT chọn làm nơi thực hiện mô hình trình diễn ứng dụng công nghệ laser san phẳng mặt ruộng. Đây là cơ hội tốt để các xã viên HTX được tiếp cận và “cọ sát” với công nghệ mới này, từ đó nhận thấy rõ hiệu quả mà nhân rộng mô hình ra”. Theo ông Khải, HTX Hiếu Bình hiện có 20 xã viên, với diện tích canh tác 170ha. Bên cạnh đó, HTX còn thực hiện liên kết làm các dịch vụ bơm tưới nước, cung cấp vật tư phục vụ sản xuất và bao tiêu lúa cho hơn 450 hộ nông dân, với diện tích canh tác lúa 1.200ha. HTX cũng đang được Dự án VnSAT hỗ trợ xây dựng 1 trạm bơm điện, 1 nhà kho chứa lúa khoảng 1.000 tấn và 1 lò sấy lúa có công suất 40 tấn/mẻ sấy.

Trong quá trình HTX Nông nghiệp Hiếu Bình thực hiện san phẳng mặt ruộng bằng công nghệ laser, nông dân sản xuất lúa tại nhiều nơi đến tham quan, tìm hiểu. Ông Lương Hồng Sinh, nông dân tại HTX Nông nghiệp Trung Hưng, ở xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Tận mắt chứng kiến việc san phẳng mặt ruộng bằng công nghệ laser tại HTX Hiếu Bình, rõ ràng là cách làm hiệu quả cần được nhân rộng”. Hệ thống thiết bị phục vụ san phẳng mặt ruộng bằng công nghệ laser bao gồm một trụ có điểm phát laser và bộ máy kéo san đất. Từ điểm phát laser cố định, bộ máy kéo có gắn thiết bị định vị sẽ tiến hành san phẳng mặt ruộng một cách đồng đều. 

Theo ông Phan Văn Năm, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh, khâu làm đất để mặt ruộng bằng phẳng là rất quan trọng giúp thuận lợi cho việc quản lý nước trên đồng ruộng và chăm sóc lúa,  tiết kiệm được nhiều chi phí...

►Hỗ trợ cần thiết cho nông dân

Dự án VnSAT Cần Thơ được triển khai thực huyện tại 4 quận, huyện sản xuất lúa trọng điểm ở TP Cần Thơ: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai và Thốt Nốt, với tổng diện tích thực hiện 38.863ha và 32.231 hộ dân tham gia. Theo Ban Quản lý Dự án VnSAT Cần Thơ, mô hình trình diễn ứng dụng công nghệ laser trong san phẳng mặt ruộng nhằm hướng đến mục tiêu giúp nông dân trong vùng Dự án đẩy mạnh áp dụng các giải pháp kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” vào sản xuất lúa một cách hiệu quả. Từ mô hình này, Ban Quản lý Dự án cũng có các cơ sở, dữ liệu để khuyến cáo, nhân rộng mô hình và tìm ra biện pháp canh tác lúa tiết kiệm nước tưới và giảm khí thải nhà kính.

 Dự án VnSAT Cần Thơ cũng tiến hành nhiều hội thảo, tọa đàm và tổ chức hàng trăm lớp tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn nông dân áp dụng các giải pháp “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” vào sản xuất lúa. Triển khai nhiều mô hình trình diễn, áp dụng cơ giới hóa và các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa. Qua đó, giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập nhờ giảm chi phí nhân công, giảm lượng sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới và nâng cao được chất lượng, giá bán sản phẩm. Dự án cũng  khuyến khích, vận động nông dân tăng cường liên kết với nhau và với doanh nghiệp để phát triển chuỗi giá trị sản xuất gạo bền vững. Triển khai các hoạt động đào tạo, tập huấn năng cao năng lực hoạt động cho các HTX, tổ hợp tác và có các gói hỗ trợ nông dân tại HTX đầu tư cơ sở hạ tầng và các thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh. Cụ thể, như xây dựng trạm bơm điện có quy mô lớn phục vụ cả cánh đồng, xây nhà kho, lò sấy lúa, đầu tư máy cấy lúa, máy phun hạt phục vụ sạ lúa và bón phân, đầu tư hệ thống đường dây điện trung áp và trạm biến áp… Đối với các hạ tầng: nhà kho, lò sấy và trạm bơm điện, nông dân được hỗ trợ đến 80% chi phí; còn khi đầu tư các thiết bị máy móc: máy cấy lúa, máy cuốn rơm... nông dân được hỗ trợ 30% chi phí đầu tư. Đến nay, có 7 trạm bơm điện với quy mô phục vụ bơm tưới cho từ 300-500ha lúa/trạm được đầu tư xây dựng tại các vùng sản xuất lúa của 5 HTX tại các huyện: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết