08/09/2024 - 10:21

Có gì trên tờ báo thứ hai ở miền Tây? 

Trong lịch sử báo chí Việt Nam, tên “Đại Việt tập chí” xuất hiện 2 lần và đều gắn với Hồ Biểu Chánh. “Đại Việt tập chí” đầu tiên ra đời ở Long Xuyên năm 1918 gồm 7 số, Hồ Biểu Chánh là một trong những chủ bút. “Đại Việt tập chí” bộ mới xuất bản ở Sài Gòn từ năm 1942 đến năm 1944 gồm 54 số, Hồ Biểu Chánh làm giám đốc. Trong bài viết này, chúng tôi xin phác họa về Đại Việt tập chí 1918. Do thời gian tồn tại ngắn ngủi, ít ai biết rằng, “Đại Việt tập chí” là tờ báo bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên ở tỉnh An Giang, thứ hai ở ĐBSCL (sau An Hà báo ở Cần Thơ ra đời vào năm 1917).

 

Sự ra đời Đại Việt tập chí

Năm 1913, Hồ Biểu Chánh đến làm việc ở tỉnh Long Xuyên. Năm 1917, ông và các trí thức địa phương thành lập Long Xuyên Khuyến học hội. Năm 1918, “Đại Việt tập chí” - cơ quan ngôn luận của Long Xuyên Khuyến học hội ra đời. Tạp chí phát hành số đầu tiên vào tháng 1, sau đó tổ chức lễ khánh thành ở Long Xuyên vào ngày 24-2. Tạp chí xuất bản mỗi tháng 1 kỳ, từ tháng 1 đến tháng 7 ra 7 số, mỗi số trên 100 trang. Tòa soạn do Nguyễn Văn Cư làm quản lý, cùng với 5 chủ bút, mỗi người phụ trách 1 chuyên mục, gồm: Lê Thúc Thanh (Chánh trị khoa), Hồ Biểu Chánh (Lý tài khoa), Nguyễn Định Chi (Bác học khoa), Lê Thường Tiên (Đông Tây thời vụ) và Đặng Thúc Liêng (Âu Á từ đàng).

Số đầu tiên có bài “Quảng cáo đồng nhơn”, trong đó có trình bày về định hướng của 5 khoa nói trên. Chánh trị khoa là nơi giới thiệu “những lề luật, những châu tri cùng những nghị định mới của Chánh phủ ban hành”. Lý tài khoa dùng để bàn luận “những vấn đề thuộc về thương cổ, nông tang, công nghệ và bày tỏ chư môn thiệt nghiệp”. Bác học khoa có nhiệm vụ “phiên dịch những pháp luật, địa dư, sử ký, cùng những sách bác vật, hóa học, y học, triết học…”. Đông Tây thời vụ chia sẻ tin tức “thời sự lạ xảy ra trên hoàn cầu”, đặc biệt là Thế chiến thứ nhất đang diễn ra thời điểm đó. Âu Á từ đàng là chuyên mục dành cho “những sử, sách, truyện, ký, ca, phú, thi, văn của Việt, Pháp và Trung Hoa”.

Những nội dung chủ đạo

Với vai trò là cơ quan ngôn luận của Long Xuyên Khuyến học hội, nhiệm vụ hàng đầu của Đại Việt tập chí dĩ nhiên là khuyến học. Ở bài “Quảng cáo đồng nhơn” (số 1), những người thực hiện bày tỏ rằng dân tộc Việt Nam có học thức và đạo đức hàng ngàn năm, nhưng “ta thì lấy lời hiền thánh mà giáo hóa dân, còn người thì đem bác vật hóa học mà dạy chúng”. Thông qua tạp chí, họ “muốn truyền tư tưởng mới, muốn tỏ môn thiệt học, ngõ giúp quốc dân muôn một trong đường tấn hóa”.

Bài diễn thuyết của Nguyễn Văn Cư tại lễ Khánh thành Đại Việt tập chí (in lại trong số 2) cũng nêu lên hoài bão tương tự: “Vậy bọn chúng ta phải liệu thế nào mà gầy dựng cho quê hương ta được một nền học thức tân kỳ vững chắc, đặng đối đãi với sự học thức của các dân tộc khác trên hoàn vũ nầy”. Từ định hướng đó, những bài viết trong các số Đại Việt tập chí có nội dung khá đa dạng, xoay quanh nhiều lĩnh vực như chính trị, giáo dục, lịch sử, địa lý, nông nghiệp, thương nghiệp, thời sự trong và ngoài nước, văn thơ, nghệ thuật… Lược qua các chuyên mục suốt 7 số, người đọc có thể nhận thấy một số nội dung nổi bật như sau:

Chánh trị khoa: Loạt bài “Việt Nam chánh trị lược biên” (số 1-7) tóm tắt chế độ chính trị Việt Nam qua các thời đại, loạt bài “Đề hình sự vụ” (số 3-7) hướng dẫn một số quy định về thi hành pháp luật, hay bài “Ngày lễ Kỷ niệm nước Việt Nam” (số 6), đưa tin vua Khải Định chọn ngày vua Gia Long đăng cơ là ngày 2 tháng 5 âm lịch làm ngày Lễ Kỷ niệm nước Việt Nam...

Lý tài khoa: Xuất hiện các loạt bài quan trọng như “Đại Việt tài nguyên” (số 1-7), “Nông nghiệp Tương tế hội” (số 3-6), “Đệ huynh tranh luận” (số 3-7), “Sản vật xuất dương” (số 1-2 và 5-6)… Chuyên mục nầy có nội dung phong phú, từ những đề tài gần gũi với đời sống nhà nông như “Luận về sự trồng chuối” (số 3), “Dùng máy cày ruộng” (số 4), “Bán hột đu đủ dầu” (số 5)… đến những thông tin về kỹ thuật trên thế giới như “Hãng chế tạo đồ chơi bên Nhựt Bổn” (số 4), “Các mỏ đồng trong thế giới” (số 7)…

Bác học khoa: Có các loạt bài xuất hiện đều đặn từ số 1 đến số 7 là “Thương vụ luật lệ”, “Địa lý học”... “Thương vụ luật lệ” cung cấp những quy định của pháp luật trong lĩnh vực thương mại. “Địa lý học” là loạt bài bổ ích giúp người bình dân hiểu thêm về các kiến thức địa lý một cách khoa học như: thiên văn, địa cầu, hiện tượng tự nhiên, lịch pháp, chủng tộc… 

Đông Tây thời vụ: Trong bối cảnh Thế chiến I đang diễn ra, chuyên mục nầy giới thiệu loạt bài “Âu châu chiến sử” (số 1-7) và nhiều bài viết ngắn có liên quan. Ngoài ra, một số loạt bài với những đề tài khác cũng được giới thiệu như “Lễ tế Nam giao” (số 4-5), “Mười ngày ở Huế” (số 5-7)… Vì mang tính chất thời sự, chuyên mục này còn có nhiều tin ngắn.

Âu Á từ đàng: Các mục “Văn”, “Thi” và “Vọng Tây tiểu thuyết” được duy trì đều đặn cả 7 số. Ngoài ra, các mục “Ca”, “Kịch xã”, “Bài diễn thuyết”… cũng đan xen xuất hiện. Đặc biệt, “Tiểu tự điển” từ số 1 đến số 5 được dùng để giải thích những từ khó hiểu mà “xưa nay quốc dân ta ít hay dùng đến”...

Những hạn chế và sự ảnh hưởng

Sự xuất hiện một tờ tạp chí với những nội dung phong phú như thế đã thổi một luồng gió mới vào đời sống xã hội. Tình hình phát hành Đại Việt tập chí khá khả quan. Ở số 4, tòa soạn thông báo: “Mỗi tháng gởi cùng trong Đông Dương kể đã trên 900 tập”.

Tuy vậy, Đại Việt tập chí cũng có những hạn chế nhất định. Về hình thức, dù được trình bày khá quy củ, nhưng tạp chí vẫn còn nhiều lỗi chính tả. Đây cũng là tình hình chung thời bấy giờ, do nền báo chí còn non trẻ và chữ Quốc ngữ cũng còn những bất cập: “Xét về mặt ngôn ngữ học, không có vấn đề phát âm sai hay đúng mà chỉ phát âm khác nhau thôi […] người miền Nam đã viết theo cách phát âm của mình, nên đã viết khác cái mà người ta tưởng là chính tả mà thôi”(1).

Về nội dung, Đại Việt tập chí có bài viết về chính sách của Pháp. Điều này phần nào vì tạp chí tồn tại khi nước ta bị đô hộ và phải chịu sự kiểm duyệt của Pháp. Thế nhưng nhìn chung, qua “Đại Việt tập chí” cũng có thể nhận thấy nỗ lực nâng cao dân trí và đề xuất các chính sách có lợi cho đồng bào, như một nghiên cứu từng nhận định: “Khi những người trí thức thời thuộc địa biết nước Việt còn yếu về mặt kinh tế và quân sự, họ buộc phải chọn một con đường là tìm cách duy trì sự tồn tại của dân tộc bằng ngôn ngữ và văn hóa”(2). Đơn cử như tại lễ khánh thành “Đại Việt tập chí”, Hồ Biểu Chánh có bài diễn thuyết (in lại trong số 2), trong đó nêu lên những trăn trở của giới trí thức đương thời làm sao để tự mình làm nhiệm vụ quảng khai dân trí cho đồng bào mình: “Cái vùng đất Đông Dương nầy chất chứa biết bao sản vật, chở che mười mấy triệu đồng bang; mà sản vật nầy một phần thì chưa biết chỗ mà dùng, còn một phần thì để cho thiên hạ lợi”. Hoặc ở “Đại Việt tập chí” số 1, Hồ Biểu Chánh đề xuất mỗi tỉnh thành lập một Nông vụ Ngân hàng. Đến số 3, ông tiếp tục đề xuất thành lập Nông nghiệp Tương tế hội để bảo vệ quyền lợi của nông dân, cho biết hình thức này khởi nguồn từ Pháp năm 1757. Đến số 5, tạp chí đưa tin vào ngày 26-5-1918, Nông nghiệp Tương tế hội tỉnh Long Xuyên đã tổ chức đại hội để đặt điều lệ và lập Tương tế Ngân hàng. 

***

Không thể phủ nhận những hạn chế nhất định của “Đại Việt tập chí” do bối cảnh thời đại, nhưng đồng thời qua đó chúng ta cũng hiểu thêm về một bộ phận những người trí thức đầu thế kỷ XX luôn mong muốn góp phần khuyến học, nâng cao dân trí. Báo chí là một trong những con đường quan trọng mà họ lựa chọn. “Đại Việt tập chí” ra đời trong tâm thế như thế. Hơn một thế kỷ trôi qua, đọc lại 7 số “Đại Việt tập chí”, người đọc sẽ nhận thấy những cố gắng đó của nhóm chủ bút và Long Xuyên Khuyến học hội. Tạp chí dù không gây được những tiếng vang lớn trong lịch sử báo chí Việt Nam, nhưng đã góp phần trong việc truyền bá văn hóa ở Nam Kỳ và đánh dấu sự ra đời của báo chí An Giang.

VĨNH THÔNG

(1) Nguyễn Văn Trung (2015), Hồ sơ về Lục châu học, NXB Trẻ, tr. 481.

(2) Trần Thu Dung (2020), Sự hiện diện của thành viên Tam Điểm tại Việt Nam, NXB Hội Nhà văn, tr. 195.

Chia sẻ bài viết