12/01/2020 - 11:59

Chuyện xóm tôi 

Truyện ngắn:Ngọc Chiểu

Buổi trưa hè, hàng nghìn sợi nắng dệt thành tấm lụa sáng choang bên khung cửa sổ. Tôi nằm trên võng ngó mông lung cảnh đẹp ngút ngàn ngoài kia. Tiếng chim ríu rít đâu đó trong vườn khiến tay chân tôi ngứa ngáy quá chừng, nhưng vẫn chần chờ bởi lời đe dọa “Còn đi, má đuổi ra chuồng heo ở” văng vẳng bên tai.

Khi thấy má vừa đội nón lá ra sau vườn hái rau, tôi làm gan co giò chuồn lẹ ra sân, không quên mang theo cái ná thun. Thằng Phèn đợi tôi ngoài ngõ, lúp ló cả buổi trời trước hàng rào bông bụp, huýt sáo méo cả miệng tôi mới lò mò bước ra. Hội ngộ rồi chúng tôi quyết định đi bắn chim trong vườn nhà bà Tám.

Nhà bà Tám xưa nay hiếm đứa con nít nào dám sang chơi. Căn nhà nhỏ nằm đơn độc giữa mảnh vườn xanh um, ngoài ngõ có hàng rào xương rồng lổm chổm. Bà Tám dường như chỉ thu mình trong một thế giới riêng. Tánh tình bà kỳ lạ, sẵn sàng to tiếng với bất cứ người nào động đến vườn nhà bà. Quá đáng hơn là con gà hàng xóm lỡ chạy qua, bà phang cho cây củi lọi giò kêu quang quác hoặc tắt thở rồi chễm chệ vô nồi nằm chéo cánh. Nhánh xoài vươn tàn qua rìa đất, bà cũng leo lên đốn bỏ cho thiên hạ ngứa mắt, ngứa miệng chơi. Trớ trêu thay, lũ chim cả xóm này dường như dọn vô ở hết trong vườn nhà bà Tám. Chỉ ngó mắt thôi, tôi với thằng Phèn cũng thấy tụi nó tung tăng chuyền cành, lả lướt theo khúc nhạc ban trưa, nom yêu đời hết biết.

Chúng tôi chui tọt vào vườn không mấy khó khăn. Hiển nhiên là sau khi đã quan sát rất kỹ, rằng bà Tám đã đi xóm rồi. Mải mê rình mò mục tiêu mà chúng tôi quên mất con sáo biết nói bà Tám nuôi để giữ nhà. Con sáo này khôn khỏi bàn, hổng thấy chủ, nó không dám giở trò với ai. Nhưng có bà Tám ở đó, đứa nhỏ nào ngang qua ngõ, nó đều bay ra mổ vào đầu tới tấp rồi sà vào sân nói giọng ỏng ẹo “lêu lêu mắc cỡ”.

Thằng Phèn hí hửng trèo lên cây mít bắt lấy con chim bị thương nằm vắt vẻo trên cành thì chợt nghe tiếng con sáo: “Có trộm, có trộm”. Nó nhảy tưng tưng hét ầm ĩ. Bà Tám vừa về tới, biết ngay là có người lạ, vội ra sau thì bắt quả tang thằng Phèn ngồi lủng lẳng trên cây mít. Đứng dưới gốc, thoạt thấy bóng người tôi co giò nấp sau bụi chuối. Bà Tám gào lên:

- Mày vô vườn nhà bà làm gì? Trộm mít hả? Lần này chết cha mày rồi con ơi.

Mặt cắt không còn giọt máu, thằng Phèn thanh minh thanh nga:

- Con, con chỉ đi bắn chim thôi, bà tha cho con.

Nếu nói trông bà Tám bây giờ y chang như bà phù thủy thì tôi tin liền. Dáng người bà gầy gò, gương mặt hốc hác, riêng đôi mắt sáng quắc, hai gò má bà giựt giựt. Bà đứng dưới gốc mít, thằng Phèn khóc tu tu cầu cứu.

Dì Ba cạnh nhà nghe xôn xao thì ra xem. Thấy vậy bèn lên tiếng.

- Thôi bỏ qua đi dì Tám, con nít phá phách chút thôi mà...

- Cái ngữ trộm cắp này tôi hổng có ưa. Còn cô nữa, lấy quyền gì khuyên tôi.

Biết việc khuyên can không đặng, dì Ba xuống nước nhỏ.

- Nhưng lỡ kiến cắn quá thì tội cho nó.

Bà Tám gằn giọng:

- Không thể tha thứ được.

Biết tình hình không ổn, tôi chạy lẹ về nhà báo tin cho cha thằng Phèn hay. Đó giờ không mấy ưa bà Tám, bác Đực ba thằng Phèn hùng hổ chạy tới nhà bà Tám nói lý một trận, rằng thằng Phèn chỉ ham chơi, không phải phường trộm cắp. Cuộc chiến nảy lửa. Dì Ba đứng giữa khuyên can miết mà không xong, tới khi ông Hai là bậc cao niên trong xóm đến khuyên giải thì thằng Phèn mới được trèo xuống với cái quần ướt mem. Bị đám con nít trong xóm chọc quê, nó thề độc trong lòng có chết cũng không đặt chân vô vườn nhà bà Tám lần nữa.

Còn riêng tôi, lần đó dù không phải dọn ra ở cùng lũ heo nhưng cái mông cũng nổi lằn ngang dọc. Cái roi trúc của má lợi hại quá chừng, nó vùn vụt kèm theo câu của má “Bỏ tật nha con”.

***

Hôm nay là Chủ nhật, má cho tôi đi chơi xả hơi. Nghề bắn chim chẳng lành nên tôi bỏ. Tôi qua rủ thằng Phèn đá banh. Kiếm thêm vài đứa, chúng tôi lập một đội bóng nhí nhố chơi trong sân nhà thằng Tồ. Vô tình, thằng Phèn tung cước sút thẳng cẳng trái banh bay vèo vô nhà bà Tám đối diện. Cả bọn hú vía nấp vội bên hè nghe ngóng tình hình. Tôi ngẩn ngơ tiếc một tháng nhịn thèm, nhịn khát để có tiền mua banh nay đã đổ sông đổ bể. Lúc lâu vẫn không động tĩnh gì. Xót của quá tôi giục thằng Phèn:

- Mày đá thì mày vô lụm lại đi.

- Tao thề độc rồi, có chết tao cũng hổng vô.

- Trong nhà im re. Chắc hổng có người. Mày lẹ đi. Mày hổng vô thì ai vô?

Thằng Phèn lưỡng lự nuốt nước miếng đánh ực.

- Vậy cho tao bỏ lời thề 5 phút.

Thằng Phèn nhè nhẹ vô nhà như con mèo hoang rình chuột. Nhìn dáng nó lúc này mà bị bà Tám bắt gặp đổ lỗi cho ăn trộm thì quả không sai. Chợt “Aaaaaa... !!!”, thằng Phèn la thất thanh. Cả bọn rùng mình chuyến này chắc toi đời. Chưa kịp lấy hơi để chạy thì thấy thằng Phèn chạy ra la bài hãi :

- Bà Tám chết rồi tụi bây ơi.

Dì Ba bên nhà vội chạy sang. Một cảnh tượng hãi hùng: bà Tám nằm sống soãi dưới đất không cử động. Con sáo trung thành nhảy rối loạn quanh bà. Hàng xóm bắt đầu bu quanh, bác Đực chở bà vô bệnh viện. Thì ra bà bị tai biến. Nghe bác sĩ nói nếu không được cấp cứu kịp thời thì bà Tám đã theo ông theo bà. Thằng Phèn vô tình lập đại công cứu bà Tám.

Tối đó mọi người đến thăm. Tôi cũng lò tò theo má. Nhác thấy mọi người, Bà Tám quay mặt vào vách.

Má tôi cười hiền:

- Dì Tám khỏe chưa? Con có mang ít cam nhà trồng biếu dì ăn lấy thảo.

- Mọi người về hết đi, tôi không cần.

Bà Tám giữ nguyên thái độ bằng cái miệng méo lệch một bên. Bác Đực còn tức chuyện hôm bữa nên nói chuyện chỏng lơ:

- Nói thiệt nghen, tôi nghĩ tình chòm xóm nên đối tốt với dì. Dì cứ vậy thì thôi, tôi về.

Tôi cũng tức mình, kéo tay má:

- Thôi mình về đi má.

Ngó quanh chẳng còn ai. Má biểu tôi về trước, má sẽ ở lại chăm bà một đêm. Má tôi cũng kỳ, người ta có ưa gì mình đâu. Nhưng chuyện người lớn tôi chẳng dám xen vô.

***

Từ ngày bà Tám xuất viện thì nằm một chỗ. Má tôi, dì Ba, má thằng Phèn, má thằng Tồ thay nhau cơm nước, tắm giặt cho bà, dù không máu mủ ruột rà. Người nhà quê là vậy. Chẳng nghĩ chuyện xưa. Chủ yếu cái tình. Có ai đâu ngờ tai bay họa gửi chỉ trong phút chốc, hẳn bà Tám cũng nghĩ thông. Thoạt thấy ánh mắt bà chẳng còn dữ dằn như trước, tôi cũng bớt giận bà.

Một ngày mưa lâm râm, đủ khiến con đường ướt mem, dậy bùn. Đến lượt má sang nhà bà Tám. Lui cui quét tước, má tôi cao hứng hỏi han gia cảnh, người thân ra sao. Liếc thấy bà Tám làm thinh mắt ngó lơ chỗ khác, chắc má đã thầm trách mình dữ lắm. Má cười lái câu chuyện sang hướng khác:

- Con sáo biết nói cũng vui nhà, vui cửa dì hen.

Chợt đôi mắt bà hoe đỏ, đôi môi khô ráp khẽ thều thào:

- Cũng lâu rồi, tôi không biết không khí gia đình ấm áp thế nào nữa.

***

Năm bà Tám mới hơn 16. Gia đình ép gả bà cho một người lắm của trên chợ huyện. Ăn ở với nhau ngót chục năm trời mới có mụn con gái, nhưng ông chồng muốn có thằng con trai để nối dõi tông đường, nên gia cang hay lục đục. Năm bé lên 3 cũng là lúc gia đình xảy ra biến cố.

Bữa đó, bà Tám có việc ra ngoài không thể mang con theo, nhờ chồng trông dùm giây lát. Ông chồng ậm ờ, rồi không mấy quan tâm vì bận coi xổ số. Lúc trở về thì thấy trước nhà mình đông đúc. Bà chạy vào trong, nhìn thấy con mặt cắt không còn giọt máu, người ướt mem nằm ngửa trên sàn. Bà ngất đi, tỉnh dậy thì mới hay con té mương chết đuối được hàng xóm vớt lên. Phẫn uất bà lao tới chất vấn chồng, nhưng bị ổng đánh một trận rồi đuổi ra khỏi nhà, với lời mắng:

- Đồ đàn bà hư không biết đẻ.

Bà Tám lang thang khắp chốn rồi trôi dạt về đây định cư cho đến bây giờ. Phẫn uất với lòng người tàn nhẫn, bà thu mình, sống chẳng cần ai.

***

Nhác thấy lũ chim chiều đập cánh tít đằng xa như những chấm đen trên nền trời ửng đỏ, con trâu già thủng thỉnh vác cái bụng căng tròn, ngúc ngoắc cặp mông lắc lư theo tiếng sáo của thằng nhỏ ngồi trên lưng, lũ gà nháo nhác gọi con chuẩn bị cho buổi đêm nhập nhoạng, là chúng tôi lại sang nhà bà Tám chơi. Bà ngồi đó trên chiếc xe lăn, dường như từ lâu bà không nghe được tiếng cười con trẻ. Chạy mệt, tôi toe toét gọi bà :

- Ngoại Tám, cho con xin ly nước.

Bà khẽ cười làm những nếp nhăn trên gương mặt giãn ra, trông thật hiền từ như một bà tiên nhân hậu.

 

Chia sẻ bài viết