22/03/2020 - 07:01

Chuyện về soạn giả Chí Sinh 

Con đường dẫn vào phường Tân Phú, quận Cái Răng giờ mang tên Chí Sinh. Đó là cách để người Cần Thơ hôm nay tri ân một nghệ sĩ - liệt sĩ, một huyền thoại của Văn công Cần Thơ năm xưa. Với đồng đội, soạn giả Chí Sinh luôn chọn lối sống chí tình để đối nhân xử thế.

Bìa cuốn "Chí Sinh - Hoa mùa xuân" với bức chân dung soạn giả Chí Sinh dung dị giữa đời thường.

Những trang tư liệu trong quyển "Cuộc đời và sự nghiệp văn nghệ sỹ Tám Danh, Bảy Nhiêu, Điêu Huyền, Quốc Thanh, Chí Sinh" (Sở Văn hóa Thông tin TP Cần Thơ, 2006) phác họa về cuộc đời và sự nghiệp văn nghệ của soạn giả Chí Sinh. Ông tên thật là Nguyễn Văn Dễ, sinh năm 1931, tại làng Thường Thạnh, tỉnh Cần Thơ (nay thuộc phường Thường Thạnh, quận Cái Răng), là con trai út trong gia đình có 12 người con. Lúc 16 tuổi, năm 1947, ông tham gia Ban Chấp hành Thiếu nhi cứu quốc huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ và sau đó 3 năm thì được tổ chức đưa đi học văn hóa.

Sau Hiệp định Genève năm 1954, ông được tổ chức phân công ở lại miền Nam cùng đồng bào đấu tranh chống Mỹ - Diệm. Ông đã góp phần với Đảng bộ xã Đông Phước lãnh đạo phong trào quần chúng làm cuộc Đồng Khởi năm 1960 thắng lợi, giải phóng xã nhà. Sau Đồng Khởi 1960, ông được giao nhiệm vụ làm Trưởng Ban Tuyên Văn Giáo xã Đông Phước. Ông đã tập hợp anh em đờn ca tài tử và số có năng khiếu để thành lập đội văn nghệ xã do ông làm Trưởng đoàn. Các tiết mục của đoàn do ông sáng tác, lấy bí danh cũng như bút danh là Chí Sinh.

Năm 1962, soạn giả Chí Sinh nhận nhiệm vụ Phó Tiểu ban Văn nghệ. Ông đã đi các huyện, xã để chỉ đạo xây dựng phong trào văn nghệ, đồng thời đi thực tế sáng tác để cung cấp các tiết mục văn nghệ cho Văn công Cần Thơ lúc bấy giờ. Giai đoạn năm 1968 - 1969, Ban Tuyên huấn phân công soạn giả Chí Sinh vừa là Phó Tiểu ban Văn nghệ, vừa trực tiếp làm Trưởng Đoàn Văn công Cần Thơ. Soạn giả Chí Sinh hy sinh ngày 20-10-1971, trong một chuyến đi công tác tại xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ. Hy sinh khi mới 40 tuổi nhưng những tác phẩm cùng lối sống chí tình của soạn giả Chí Sinh mãi được đồng đội và thế hệ hôm nay nhắc nhớ bằng cả sự kính trọng.

Cách đây chừng 5 năm, chúng tôi có thực hiện đề tài về lịch sử và những cống hiến của Đoàn Văn công Cần Thơ, gặp khá nhiều nghệ sĩ của Văn công Cần Thơ năm xưa. Điều làm chúng tôi ấn tượng là khi nhắc về soạn giả Chí Sinh, ai ai cũng rưng rưng cảm xúc với hồi ức về vị lãnh đạo đoàn nghĩa tình, một nghệ sĩ đa tài. Những năm 1969-1970, địch lấn bình định vùng giải phóng rất quyết liệt, mở chiến dịch "Nhổ cỏ U Minh" tàn khốc nhưng ông lại viết chặp cải lương "Bình định thành bình địa". Qua hai nhân vật Móc và Moi, ông đả kích sự thất bại của thầy trò Mỹ - Ngụy trong âm mưu bình định: "Mạnh cái cóc khô gì mà không bình định nổi miền Tây, kế hoạch U Minh cũng cam đành thất bại chua cay. Thiệt là ước vọng của Huê Kỳ như chuông treo sợi tóc…". Moi và Móc ghi dấu thành công của cặp đôi Thanh Liêm - Minh Thơ hay Thanh Liêm - Thanh Đời đến tận hôm nay.

Với Nghệ nhân Ưu tú Thanh Liêm, soạn giả Chí Sinh có một khả năng tiên đoán lạ kỳ. Giọng ông chùn xuống khi kể về sự hy sinh của soạn giả Chí Sinh. Đó là vào tháng 10-1971, soạn giả Chí Sinh từ giã Thanh Liêm để về Kinh Ngang - Hàng Điệp (Phụng Hiệp) với lời nói: "Chú Út (tức Út Sinh - soạn giả Chí Sinh - PV) đang viết một kịch bản lớn để chuẩn bị cho ngày toàn thắng, để trong thùng sắt ở căn cứ Long Sơn, phải về lấy viết tiếp". Nhưng nào ngờ, đó là cuộc nói chuyện cuối cùng của soạn giả Chí Sinh với nghệ nhân Thanh Liêm. Một kịch bản chuẩn bị cho ngày toàn thắng của dân tộc không thể hoàn thành, đã theo ông nằm trong lòng đất mẹ Cần Thơ.

Trong ký ức của những nghệ sĩ Văn công Cần Thơ năm nào, cố soạn giả Chí Sinh, mọi người quen gọi là chú Út Sinh, đã quen với cách sống: giành cực khổ, hiểm nguy về phần mình, đảm bảo an toàn cho đồng đội. Trong quyển "Cuộc đời và sự nghiệp văn nghệ sỹ Tám Danh, Bảy Nhiêu, Điêu Huyền, Quốc Thanh, Chí Sinh" có thuật lại lời kể của nhà báo Thanh Phương: Có lần, cố soạn giả Chí Sinh cùng anh em "ém quân" ở Ngã Cạy (Đông Phước - Châu Thành) vì giặc ruồng dữ dội. Thấy anh em xanh xao vì ngủ hầm, đói khổ, chú Út Sinh quyết định đi chài tép về nấu canh bồ ngót cải thiện bữa ăn cho anh em. Một đồng đội đòi theo, vừa xuống xuồng, chú Út Sinh nói: "Nước vầy coi bộ không có tép, thôi để tối hãy đi chài". Ai cũng chắc là vậy. Nào ngờ, tối đến chú Út đi chài một mình. Thì ra, giữa chiến sự ác liệt, chú Út sợ giặc phóng pháo: "Chết hết thì uổng lắm, chú còn trẻ, nhiều triển vọng, tôi phải bảo vệ chú". Nhà báo Thanh Phương còn kể thêm, những ngày sống chung với nhau, sau mỗi đợt sáng tác, soạn giả Chí Sinh thường dắt ông ra Cái Chanh, Cái Muồng chơi và kiếm trái cây ăn bồi dưỡng. Hễ ra đường, soạn giả Chí Sinh lại giành đi trước, còn xuống hầm tránh pháo thì xuống sau anh em. "Có món gì ngon anh ăn ít, có khi nói gạt là ăn rồi để nhường cho anh em ăn…", lời nhà báo Thanh Phương.

Nói về công việc sáng tác chập cải lương, kịch bản sân khấu, viết lời mới cho bài bản tài tử, soạn giả Chí Sinh là một tấm gương tự học, tự rèn luyện. Ông vốn dĩ không rành lắm nhạc tài tử. Vậy là với khả năng văn chương, ông nhờ các thầy đờn đờn và ghi lại bài ca để ông sáng tác. Cứ thế, những bài ca hừng hực khí thế, mang đậm tinh thần yêu nước của soạn giả Chí Sinh ra đời, được khắp nơi đón nhận. Sau này, ông càng viết, càng học nên rất thuần thục về bài bản, điệu thức tài tử. Thời gian sáng tác không dài, nhưng soạn giả Chí Sinh để lại cho đời nhiều ca cảnh, chập cải lương, bài ca cổ, bài bản tài tử giá trị. Do chiến tranh, các tác phẩm của ông thất lạc khá nhiều, không còn giữ được nguyên bản. Một số tác phẩm sưu tầm được hiện nay là do các nghệ sĩ Đoàn Văn công Cần Thơ năm xưa như Thanh Liêm, Thanh Đời, Minh Thơ, Linh Phượng, Thu Hồng, Nguyễn Tiến, Lệ Hoa, Minh Tuấn… nhớ và ghi chép lại cũng như sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau.

Nhìn lại các tác phẩm của soạn giả Chí Sinh, lại càng khâm phục tài năng của một nghệ sĩ chiến sĩ. Văn chương mượt mà, gần gũi và trữ tình, đặc biệt là từ một người không rành nhạc tài tử nhưng nhờ học hỏi, trau dồi, ông đã sử dụng thuần thục, phong phú và bài bản, điệu thức trong tác phẩm của mình. Trong sự nghiệp sáng tác của soạn giả Chí Sinh, không thể không nhắc đến hai tác phẩm rất hay là chập cải lương "Hoa mùa xuân" và bài ca cổ "Giấc ngủ trầm tư".

Bối cảnh của chập cải lương "Hoa mùa xuân" là Cần Thơ Xuân Mậu Thân 1968, địch điên cuồng càn quét, bố ráp, làm tan hoang nhà cửa, dân thường thiệt mạng. Đó là câu chuyện của anh chiến sĩ giải phóng quân với những người dân yêu nước, căm thù giặc và khát khao hòa bình. Dù thời lượng không dài nhưng chập cải lương đôi lúc khiến người xem ngạt thở bởi những gút thắt rất gay cấn, hồi hộp được soạn giả Chí Sinh thể hiện tài tình. Qua đó, tình quân dân sâu nặng được chuyển tải nhẹ nhàng như mấy câu ca trong qua điệu Lý Giao duyên:

"Nước Cửu Long cuộn chảy

Dân ở đây khao khát lâu rồi

Được sống đời hạnh phúc yên vui

Nước ngọt ngào tình nghĩa ai ơi!".

Một sáng tác để đời khác của soạn giả Chí Sinh là bài ca cổ "Giấc ngủ trầm tư", phỏng theo thơ Nguyễn Bá. Bài ca cổ này ra đời ngay sau khi Bác Hồ về cõi vĩnh hằng, được nghệ sĩ Lệ Hoa của Đoàn Văn công Cần Thơ thể hiện rất thành công, khiến bao nhiêu người nghe phải rơi lệ. Theo một bài báo cáo khoa học của tác giả Hoàng Bửu Hiếu đăng trên Tạp chí Khoa học Cần Thơ: "Riêng về bài "Giấc ngủ trầm tư", theo ý kiến của dư luận và giới chuyên môn, đây là bài ca cổ viết về Bác Hồ hay nhất ở Cần Thơ từ trước đến nay". Xin trích dẫn mấy lời trong câu 6 của bài ca này: "Ôi! Nức nở cả hai miền dân tộc. Vạch đất trời kêu mãi Bác Hồ ơi! Đây miền Tây như đứa con trai út, vâng lời cha đánh giặc cuối trời…".

Nhắc lại mấy điều này càng thấy tự hào về truyền thống của Đoàn Văn công Cần Thơ thời kháng chiến, tự hào về những người nghệ sĩ tay đàn tay súng "tiếng hát át tiếng bom". Lại nhớ về những nghệ sĩ Văn công Cần Thơ đã ngã xuống; nhớ soạn giả Chí Sinh với những khúc ca như "Hoa mùa xuân" còn để lại cho đời! 

ĐĂNG HUỲNH

-------------

Tài liệu tham khảo:

- "Cuộc đời và sự nghiệp văn nghệ sỹ Tám Danh, Bảy Nhiêu, Điêu Huyền, Quốc Thanh, Chí Sinh", Sở Văn hóa Thông tin TP Cần Thơ, 2006;

- "Chí Sinh- Hoa mùa xuân", Hội Văn học Nghệ thuật TP Cần Thơ, 2006;

- "Đờn ca tài tử, Sân khấu cải lương Cần Thơ", Thái Ngọc Anh, NXB Đại học Cần Thơ, 2014.

Chia sẻ bài viết