04/03/2023 - 14:36

Chuyện về rạp hát cải lương đầu tiên ở Việt Nam 

DUY KHÔI

Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vừa công bố Tốp 100 Kỷ lục Bất biến của Việt Nam, trong đó có Rạp hát Thầy Năm Tú (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) với kỷ lục bất biến là "rạp hát cải lương đầu tiên ở Việt Nam". Ngày 15-3 tới đây, rạp Thầy Năm Tú sẽ tròn 105 năm, kể từ ngày khai trương.

Rạp hát Thầy Năm Tú. Ảnh: daidoanket.vn

Trước khi nói về Thầy Năm Tú, có lẽ phải nhắc đôi điều về một người cũng mê cải lương, đờn ca tài tử không kém đương thời là ông Lê Văn Thận, tục gọi Andre Thận hay Thầy Thận, chủ một hãng tàu ở Sa Ðéc. Từ năm 1915-1916, Thầy Thận đã mở gánh xiếc, các đêm diễn đều có xen kẽ hát ca ra bộ hoặc hát chập, với những bài ca được xâu chuỗi, có nội dung, điệu bộ thể hiện.

Nhưng chuyện làm chủ gánh hát của Thầy Thận không thuận lợi, không lâu sau đó, ông Châu Văn Tú, tục gọi Pièrre Tú hay Thầy Năm Tú, sang lại gánh, mời thêm diễn viên, ban nhạc, đầu tư cảnh trí, sân khấu rất khang trang, khai trương vào ngày 15-3-1918, đúng sinh nhật của ông. Theo nhiều nhà nghiên cứu, dù thời gian ngắn nhưng Thầy Năm Tú có bước chuẩn bị để khai trương rạp hát rất công phu, chuyên nghiệp.

Có nhiều tài liệu có ý kiến khác nhau về vở cải lương đầu tiên được diễn rạp Thầy Năm Tú đêm 15-3-1918, được coi là "sinh nhật" của cải lương Việt Nam. Tuy nhiên, ý kiến của số đông là vở "Kim Vân Kiều" do Mạnh Tự - Trương Duy Toản soạn tuồng, diễn 3 đêm liên tiếp. Trước đó, thầy tuồng Trương Duy Toản từng viết nhiều kịch bản ca ra bộ, hát chập, các bài lẻ và "Kim Vân Kiều" là vở diễn hoàn chỉnh, công phu. Theo tài liệu sưu tầm được, trong đêm diễn mở màn tuồng "Kim Vân Kiều" ở rạp Thầy Năm Tú, bảng phân vai như sau: cô Hai Cúc trong vai Thúy Kiều, cô Ba Ðắc trong vai Thúy Vân, cô Năm Thoàn trong vai Hoạn Thư, cô Hai Nhiễu trong vai hồn ma Ðạm Tiên, cô Ba Ðiều trong vai Sư cô Tam Hợp, cô Hai Xã trong vai Giác Duyên, cô Sáu Mão trong vai Tú Bà, Hai Thông trong vai Kim Trọng, Sáu Nhiêu (em Năm Tú) vai Vương Quan, Tám Cang vai Viên ngoại, Sáu Ðỏ vai Từ Hải, Năm Thiên vai Sở khanh, Tám Danh vai Mã Giám Sinh. Cũng xin được nói thêm, đây là những nghệ sĩ hàng đầu thời bấy giờ, cho thấy uy tín của rạp hát Thầy Năm Tú.

Năm 1920, cũng trên sân khấu Thầy Năm Tú, vở tuồng "Lục Vân Tiên" của Trương Duy Toản được dựng, với sự tham gia của dàn nghệ sĩ rất hùng hậu. Bên cạnh một số nghệ sĩ đã diễn "Kim Vân Kiều", còn có sự góp mặt của cô Tư Sạng, cô Hai Nhiễu, Ba Du...

Thầy Năm Tú được nhiều người nhắc đến như một "bậc thầy" về quảng cáo, làm kinh tế cải lương. Ðể thu hút khách, mỗi đêm, trước khi khai diễn, ông nghĩ ra tiết mục "tableau vivant", cho tất cả các nghệ sĩ tham gia vở diễn ra chào sân để khán giả nhìn ngắm, "coi giò coi cẳng". Vì thời đó, cải lương là bộ môn nghệ thuật mới, nghệ sĩ luôn tạo cho khán giả sự hiếu kỳ. Thầy Năm Tú còn đưa gánh hát lên diễn ở Chợ Lớn. Ðặc biệt, ông hợp tác với hãng đĩa hát Pathé Phono của Pháp để sản xuất đĩa hát cải lương, máy hát cải lương bán chạy vô cùng.

Sau nhiều lần thay tên như Hí viện Vĩnh Lợi, Rạp Tiền Giang… hiện nay tên cũ Rạp hát Thầy Năm Tú đã được giữ nguyên như thuở ban đầu, là sân khấu biểu diễn của Ðoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang. Năm 2015, UBND tỉnh Tiền Giang xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh với rạp hát trăm năm này.

Chia sẻ bài viết