18/06/2022 - 18:12

Chuyện về những nhà báo tiên phong, cách mạng qua tên gọi một số giải báo chí ở ĐBSCL 

Ở ĐBSCL, nhiều tỉnh, thành chọn tên các nhà báo tiên phong, cách mạng để đặt tên cho các giải thưởng báo chí của địa phương. Đó không chỉ là lòng tri ân với các thế hệ nhà báo đi trước mà còn khẳng định bề dày báo chí của địa phương, vun bồi tình yêu nghề báo cho thế hệ hôm nay. Xin giới thiệu 4 giải báo chí tiêu biểu như thế.

Chân dung nhà báo Phan Ngọc Hiển và nhà báo Nguyễn Văn Nguyễn. Ảnh: tư liệu sưu tầm

Chân dung nhà báo Phan Ngọc Hiển và nhà báo Nguyễn Văn Nguyễn. Ảnh: tư liệu sưu tầm

Giải Báo chí Phan Ngọc Hiển (TP Cần Thơ)

Nhiều người vẫn biết Anh hùng Phan Ngọc Hiển là chiến sĩ cách mạng, người lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Hòn Khoai (Cà Mau) vào năm 1940, nhưng ít ai biết ông còn là một thầy giáo và là một nhà báo kỳ cựu.

Nhà báo Phan Ngọc Hiển (1910-1941), quê ở rạch Cái Khế, ấp Thới Hòa, xã Thới Bình, TP Cần Thơ, nay là phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Mồ côi cha mẹ từ sớm, ông được người cậu ruột là ông Trương Quan Đẩu cưu mang. Sau khi lấy bằng Đíp-lôm Sư phạm, thầy giáo Hiển không xin được việc làm do lúc còn học ông thường xuyên lên án chế độ thực dân Pháp. Vì vậy, ông về Cần Thơ cộng tác cho tờ An Hà báo. Trong 2 năm (1931 và 1932), An Hà báo đăng tải nhiều tác phẩm của ông. Đây là những tác phẩm ra đời trước những tác phẩm thời ông rời Cần Thơ xuống Cà Mau dạy học và tham gia cách mạng.

Riêng trên tờ Tân Tiến, chỉ hơn 1 năm (1936 và đầu năm 1937), khi nhà báo Phan Ngọc Hiển đã về Cà Mau, có khoảng 70 tác phẩm báo chí của ông được đăng tải. Điểm nổi bật trong tác phẩm của ông là tư tương yêu nước nồng nàn, căm thù giặc xâm lược, trăn trở về đời sống lao khổ của người dân và lo toan việc phát triển kinh tế, cải cách xã hội, bênh vực quyền lợi cho người lao động cùng khổ dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Nhiều tác phẩm rất sắc bén, thu hút dư luận. Điển hình như bài điều tra mang tên “Vào quê” hay loạt phóng sự “Đêm ở kinh đô Hậu Giang”, ông viết rất tình cảm, văn miêu tả hấp dẫn mà vẫn đầy tính báo chí, thời sự. Hay bài điều tra “Về vụ kiểm lâm Cà Mau”, ông thực hiện bằng cách đi thực tế, phỏng vấn nhân vật như anh cai tuần báo, anh Nguyễn Văn Vọng, anh Châu Công Đính... và kết luận với lời văn sắc bén: “Sau khi rõ cách khó khăn của kiểm lâm, chúng tôi cũng lấy danh dự của chúng tôi ra mà yêu cầu Chánh phủ 3 điều: 1, Sửa luật lệ kiểm lâm lại cho rành rẽ. 2, Chánh phủ nên ngó đến đơn yêu cầu của dân. 3, Trừng trị hẳn hòi những người hành luật lạm quyền”.

Tự hào là quê hương của nhà báo Phan Ngọc Hiển, TP Cần Thơ chọn tên ông để đặt tên cho giải thưởng báo chí hằng năm, năm nay đã lần thứ 16.

Giải Báo chí Sương Nguyệt Anh (tỉnh Bến Tre)

Giải Báo chí Sương Nguyệt Anh được tỉnh Bến Tre tổ chức hằng năm và người được chọn đặt tên giải thưởng là bà Sương Nguyệt Anh (ái nữ của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu), nổi tiếng với câu ca dao: “Đem chuông lên đánh Sài Gòn/ Để cho nữ giới biết con Ông Đồ”.

Bà Sương Nguyệt Anh (1864-1921) là chủ bút tờ Nữ giới chung - tờ báo đầu tiên chuyên dành cho phụ nữ và bà trở thành nữ chủ bút đầu tiên ở nước ta. Bà lấy chồng năm 1888, nhưng sớm góa bụa, về quê Ba Tri sống cảnh mẹ góa con côi. Con gái của bà sau này lập gia đình, nhưng vắn số, để lại cháu ngoại cho bà chăm nuôi.

Trở lại chuyện làm báo, năm 1917, qua lời giới thiệu của con rể bà là ông Mai Văn Ngọc, ông Lê Đức, người tham gia phong trào Duy Tân, đã mời bà làm chủ bút một tờ báo chuyên dành cho phụ nữ vì cảm phục tài văn chương, khí khái của bà. Ngày 1-2-1918, tờ Nữ giới chung số đầu tiên ra đời. Tờ báo không chỉ bàn chuyện nữ công gia chánh, hạnh phúc gia đình, mà chủ bút Sương Nguyệt Anh còn muốn tạo tiếng nói, vai trò của phụ nữ trong xã hội, như tên gọi Nữ giới chung - tiếng chuông của giới nữ. Dĩ nhiên thời đó, tư tưởng của bà gây nhiều tranh cãi. Nhiều người áp tội bà “Cha làm Thầy, con đốt sách”, vì cụ Đồ Chiểu trong “Lục Vân Tiên” đã nêu “Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”. Nhưng với bà Sương Nguyệt Anh, “tiết hạnh” ở xã hội đương thời đã khác. 

Tờ Nữ giới chung ra đời chưa đầy 6 tháng thì đình bản. Dù thời gian khá ngắn ngủi nhưng bà Sương Nguyệt Anh đã để lại những dấu ấn đặc biệt về tờ báo cho nữ giới đầu tiên, nữ chủ bút đầu tiên và tư tưởng tiến bộ, canh tân.

Giải Báo chí Nguyễn Văn Nguyễn (tỉnh Tiền Giang)

Năm 2022 này, Giải Báo chí Nguyễn Văn Nguyễn (tỉnh Tiền Giang) được tổ chức lần thứ 14. Nhà báo Nguyễn Văn Nguyễn (1910-1952), quê ở làng Điều Hòa, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho, nay là phường 1, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Ông đậu bằng Thành chung tại Trường Collège de Mytho và được cấp học bổng học Trường Sư phạm Sài Gòn. Nhưng không lâu sau đó, ông bị đuổi học vì tham gia hoạt động chống chính quyền thực dân. Năm 1930, ông được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam, hoạt động ở Sài Gòn. Năm 1930, 1931, ông 2 lần bị địch bắt và bị đày ra Côn Đảo vào năm 1932.

Giữa chốn địa ngục trần gian, ông Nguyễn Văn Nguyễn, khi đó mới hơn 22 tuổi, vẫn tích cực viết báo, dạy chữ, soạn kịch và cải lương, sinh hoạt văn nghệ… Năm 1934, mãn hạn tù trở về Sài Gòn, ông Nguyễn Văn Nguyễn tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng, dấn sâu vào báo chí. Ông viết cho nhiều tờ báo khác nhau: La Lutte (Tranh Đấu), Dân Quyền, Mai, Việt Nam (ở Sài Gòn), Đông Phương tạp chí (ở Mỹ Tho)... Năm 1937, nhà báo Nguyễn Văn Nguyễn giữ nhiệm vụ Thư ký Tòa soạn tờ L’avant Garde (Tiền Phong) - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Đông Dương, do đồng chí Hà Huy Tập, Tổng Bí thư Đảng, trực tiếp chỉ đạo. Chính quyền thực dân tìm mọi cách tiêu trừ tờ báo này cũng như Nguyễn Văn Nguyễn nên vu cáo ông và bắt bỏ tù. Sau 2 lần bắt rồi thả, rồi lại bắt, ông bị đày ra Côn Đảo lần thứ 2 và chuyển về giam ở Tà Lài (Biên Hòa). Trong lao tù, ông vẫn giữ khí tiết cách mạng và hoạt động báo chí mạnh mẽ, hiệu quả.

Đầu năm 1945, ông vượt ngục thành công, tham gia lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn. Sau Cách mạng Tháng 8, ông làm Xứ ủy viên Nam Bộ của Đảng Cộng sản Đông Dương kiêm Chủ tịch Mặt trận Việt Minh Nam Bộ. Tháng 1-1946, ông trúng cử và trở thành đại biểu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - đơn vị tỉnh Mỹ Tho. Sau đó, ông được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng như Ủy viên Ủy ban Kháng chiến - Hành chánh Nam Bộ, Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy, Giám đốc Sở Thông tin Nam Bộ, Chủ bút Báo Cứu Quốc Nam Bộ, Giám đốc Đài Phát thanh Tiếng nói Nam bộ... Đầu năm 1953, theo sự điều động, ông lên đường ra chiến khu Việt Bắc, nhưng mới đến Bình Định, ông bị bệnh và qua đời ở tuổi 44.

Nhiều tác phẩm báo chí tiêu biểu của nhà báo Nguyễn Văn Nguyễn được tập hợp và in trong quyển “Nguyễn Văn Nguyễn - Tháng Tám trời mạnh thu” (NXB Trẻ), nằm trong bộ sách “Nam Bộ nhân vật chí”. Nhà báo Nguyễn Văn Nguyễn nói thẳng, nói thật, chỉ đích danh, lên án “đúng người, đúng tội”. Chỉ nghe tên tác phẩm thôi đã thấy sức nặng: “Bù nhìn bị “xộ”, lá bài Vĩnh Thụy lộ tẩy”, “Ông Bửu Lộc muốn gạt ai đây?”, “Tìm kiếm ông trời”....

Giải Báo chí Trần Ngọc Hy (tỉnh Cà Mau)

Nhà báo Trần Ngọc Hy sinh năm 1924, quê ở xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Ông sớm tham gia phong trào nông dân đấu tranh ở địa phương. Ông tốt nghiệp Tú tài vào năm 1943 và hăng hái tham gia cách mạng. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ông làm cán bộ Ty Thông tin tỉnh Bạc Liêu. Sau khi Tỉnh ủy Bạc Liêu lập tờ báo Chiến vào năm 1946, ông được phân công làm cán bộ chuyên trách công tác báo chí. Sau năm 1954, tờ Chiến đổi thành tờ Hòa Bình Thống Nhất, nhà báo Trần Ngọc Hy làm Trưởng Ban Biên tập.

Năm 1957, cơ quan báo Hòa Bình Thống Nhất đang hoạt động bí mật tại vùng rừng Đồng Ong Nghệ, Cái Trăng, Năm Căn thì bị địch phát hiện. Nhà báo Trần Ngọc Hy bị bắt. Sau thời gian tra tấn, hành hạ rồi mua chuộc, dụ dỗ, nhà báo Trần Ngọc Hy vẫn giữ vững khí tiết cách mạng. Cuối tháng 10-1957, địch hành quyết nhà báo Trần Ngọc Hy. 

Theo hồi ức của những nhà báo kỳ cựu, nhà báo Trần Ngọc Hy giỏi nghề, chịu cực chịu khổ, say sưa làm nghề, làm cách mạng. Ở tỉnh Cà Mau, ngoài giải báo chí truyền thống của tỉnh mang tên Trần Ngọc Hy, còn có nhà in, trường học, con đường mang tên ông.

DUY KHÔI

------------------------------

Tài liệu tham khảo:

- “Nguyễn Văn Nguyễn - Tháng Tám trời mạnh thu”, NXB Trẻ, 2001;

- “Tác phẩm Phan Ngọc Hiển - Bất khuất”, NXB Mũi Cà Mau - Hội Nhà báo tỉnh Cà Mau, 1994;

- “Nữ sĩ Sương Nguyệt Anh”, Nguyễn Phương Thảo, NXB Phụ nữ, 1990;

- https://www.baocamau.com.vn.

Chia sẻ bài viết