* Ký: TRUNG DŨNG THÁI LAM
Bài cuối: Bậc thầy về chiến thuật công đồn
Căn nhà của Trung tá, Anh hùng LLVTND Phạm Thành Sự (Sáu Sự), nguyên Tham mưu phó Tỉnh đội Cần Thơ nằm trong con hẻm nhỏ ở thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang). Giữa vườn cây xanh um lá, thằng bé trạc 10 tuổi, gương mặt khôi ngô, tò mò giở những trang tiểu sử anh hùng của ông ngoại, đọc vang với vẻ mặt đầy ngưỡng mộ, tự hào. Tiết trời trở lạnh, những vết thương lại đau nhức khiến cả người ông ê ẩm, nhưng giọng của người anh hùng tuổi 70 vẫn sôi nổi khi kể về những năm tháng hào hùng nhất là về chiến thuật công đồn giặc.
Dạn dày trận mạc
Gần 56 năm qua, ông Sáu Sự vẫn không quên cái đêm kinh hoàng vào giữa năm 1959, tại quê nhà Thường Thạnh (thuộc địa bàn quận Cái Răng ngày nay). Do phẫn uất trước cảnh địch vào ấp lùng sục, bắt bớ, đánh đập người dân nên hôm đó bà con kéo nhau ra đối chất với bọn ác ôn, tề ấp và hàng chục người dân vô tội bị chúng đánh đập dã man. Ông Sáu Sự kể: Từ những năm 1959 1960, chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp khủng bố khốc liệt. Với chủ trương “giết lầm hơn bỏ sót”, chúng lê máy chém khắp miền Nam. Sinh ra trong gia đình truyền thống, ông thường nghe cha (cán bộ kinh tài xã), dạy rằng “nước mất thì nhà tan” hay “còn giặc xâm lược thì bà con mình còn đau khổ, lầm than
”. Ở tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, Phạm Thành Sự ý thức phải góp sức mình bảo vệ người thân, quê hương. Cũng từ đó, đêm đêm, Sự tìm đến các anh, chị du kích bàn kế đánh bọn tề ấp, dần dà xin gia nhập luôn vào du kích xã Thường Thạnh. Chàng trai mạnh khỏe, gan dạ, cháy bỏng tình yêu quê hương ấy sớm được Chi bộ xã chú ý giáo dục, rèn luyện trở thành du kích mật tại địa phương. Khi đó, không ai ngờ Thành Sự sau này trở thành một chỉ huy giỏi, có biệt tài huấn luyện bộ đội địa phương biết đánh đồn với chiến thuật thông minh, gây nhiều thiệt hại cho địch. Tháng 6-1961, ông Sự được rút lên Đại đội 20, rồi trở thành Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn Tây Đô II vào cuối năm 1969.
 |
Niềm vui của ông Phạm Thành Sự bên con cháu. Ảnh: Q. THÁI |
Ông Sáu Sự còn nhớ rõ sau đồng khởi, năm 1961, để thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, địch đưa ra kế hoạch “bình định cấp tốc” với âm mưu tách dân ra khỏi cơ sở cách mạng. Vì vậy, chúng ra sức dồn dân lập ấp chiến lược với qui mô lớn, nhằm “tát nước bắt cá”. Khắp các xã từ Phong Điền vào cầu Nhím, Trường Thành, Trường Long mọc lên chằng chịt đồn bót địch. Để đập tan âm mưu của địch, ta ráo riết chuẩn bị lực lượng tiêu diệt hệ thống đồn bót của chúng. Tháng 2-1962, Sáu Sự được giao nhiệm vụ làm Tổ trưởng, mũi trưởng tiêu diệt đồn Ba Mít (xã Trường Thành, huyện Ô Môn), nhằm mục đích mở rộng vùng giải phóng. Biết địch bố trí mỗi đồn một trung đội, quanh đồn bao bọc nhiều lớp hàng rào kẽm gai, ngoài ra còn có một trung đội dân vệ thường xuyên hoạt động, Sáu Sự phân công một số chiến sĩ bí mật áp sát, thọc sâu đồn, ông cùng với 6 chiến sĩ dùng thủ pháo, lựu đạn phá hàng rào, tấn công ồ ạt, khiến địch bất ngờ. Chúng chống trả quyết liệt nhưng bị ta tiêu diệt hoàn toàn, thu toàn bộ vũ khí. Đó cũng là trận công đồn đầu tiên mà ông tham gia.
Dấu vết của nhiều trận đánh ác liệt còn hiện diện qua những vết thương chằng chịt trên cơ thể của ông. Chỉ những vết thương hằn sâu trên bụng, tay chân, ông kể chi tiết về trận đánh trực thăng đổ quân tại kinh Chệt Thợ, xã Trường Long vào tháng 4-1962. Đây là trận đánh trực thăng vận đầu tiên, với nhiều máy bay và xung quanh có nhiều đồn bót như: đồn Đông Pháp, đồn Cai Cang, đồn Chệt Xồi. Quân ta bao vây các đồn, địch cho trực thăng đến đổ quân. Đơn vị chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng cũng giành được thắng lợi, ta diệt và bắn bị thương 150 tên, bắn rơi 3 máy bay HU1B. Trận đó, ông bị trúng đạn gãy tay, bể xương đùi phải chuyển về trạm xá (Long Mỹ) điều trị gần 2 tháng. Với ông, đó là một trong những trận đánh hết sức ác liệt, ta giành giật với địch từng giờ, từng phút, có những lúc ta và địch cách nhau 1 bờ đất.
Khi thương tích đã lành, ngày ông cùng đồng đội hành quân về chiến trường Ô Môn, Phụng Hiệp thì hay tin cha bị địch bắt, tra tấn dã man và hy sinh. Nỗi đau mất cha khiến ông càng nung nấu quyết tâm chiến đấu góp phần giải phóng quê hương.
Chỉ huy công đồn giặc
Trước nhiệm vụ mở rộng vùng giải phóng và gầy dựng cơ sở cách mạng ở vùng trắng các xã Vĩnh Tường, Vị Thanh và một phần xã Hòa An, năm 1972, ông Sáu Sự được phân công trực tiếp chỉ đạo thành lập lực lượng du kích và một đại đội tại vùng này. Đây là tiền đề quan trọng tiến tới thành lập Tiểu đoàn Tây Đô III về sau. Chỉ trong thời gian ngắn, ông đã xây dựng được lực lượng du kích địa phương gồm 200 quân. Theo ông, thành công đó là nhờ nhân dân tin tưởng cách mạng, phấn khởi sau khi vùng giải phóng được mở rộng, nhiều gia đình vận động con em tham gia du kích, phong trào cách mạng vì thế ngày càng dâng cao, sôi nổi. Trước tình hình đó, giữa năm 1972, địch buộc phải điều Trung đoàn 33 - Sư đoàn 21 ngụy, gồm 4 Tiểu đoàn trực thuộc phối hợp với 1 Tiểu đoàn Bảo an chia thành 4 mũi tấn công, bao vây đánh chiếm vùng này. Dưới sự chỉ huy tài tình của ông, trong 7 ngày 7 đêm, tiêu diệt 100 tên địch, thu 2 máy PRC25, 12 khẩu súng, 5 tấn đạn dược. Sau đó, ta đã tiêu diệt gọn 4 đồn tam giác: Cầu Xáng, Vàm Tám Ngàn, số 1 hậu Vị Thanh và cầu Đình Tam Giác Mã Lai. Trong suốt 4 năm (từ năm 1972 đến khi giải phóng), ông đã chỉ huy lực lượng du kích, địa phương quân chiến đấu chống lại 15 trận càn lớn của địch, đập tan âm mưu tái chiếm, bình định của kẻ thù. Ông kể, địch rất cay cú tìm mọi cách tái chiếm khu vực bị mất này, bởi 3 xã này có vị trí chiến lược quan trọng, án ngữ vành đai Vòng Cung Cần Thơ.
Tài chỉ huy đánh đồn của ông càng được khẳng định qua trận đánh tiêu diệt 7 đồn tam giác ở huyện Phụng Hiệp. Ông còn nhớ rõ đêm 6-12-1974, ông trực tiếp chỉ huy Đại đội địa phương quân huyện rút 3 Tiểu đội du kích tăng cường tập kích tiêu diệt đồn tứ giác Liên đoàn Bảo an 885, diệt 2 Đại đội địch, làm chủ trận địa, thu toàn bộ vũ khí và phương tiện chiến đấu của địch. Trong đó, có 2 máy PRC25, 1 máy 15W, diệt hơn 100 tên địch (trong đó có 3 tên đại úy). Với chiến thuật kỳ tập, áp sát thọc sâu vào lòng địch trước khi nổ súng, hàng loạt các đồn địch bị tiêu diệt, mở ra vùng giải phóng rộng lớn ở huyện Phụng Hiệp. Ông Sự kể, sau khi trinh sát, thám thính tình hình, 60 cán bộ, chiến sĩ ở các mũi tấn công thực hiện đúng theo kế hoạch hiệp đồng tác chiến. Đúng giờ G, ông điều một tiểu đội gồm 6 chiến sĩ dùng lựu đạn, thủ pháo thọc sâu vào trung tâm trước khi nổ súng, đồng thời khai hỏa trận đánh, ta xông vào tấn công các mục tiêu. Bị tấn công bất ngờ, địch chống trả quyết liệt, nhưng vì hoang mang vì bị quân ta “thọc sâu” ở nhiều mũi khác nhau nên chỉ trong thời gian ngắn ta đã tiêu diệt hoàn toàn các đồn.
Trong năm 1974, ông đã chỉ huy đánh nhiều trận gây thiệt hại nặng nề cho địch, như: trận phục kích đánh thiệt hại một Đại đội, giải phóng đồn Mỹ Thuận, xã Phụng Hiệp; tập kích tiêu diệt 1 trung đội cảnh sát dã chiến, 2 trận phục kích tiêu diệt 1 tiểu đoàn bảo an của địch ở Long Sơn
Ông kể rằng có những trận đánh đòi hỏi chiến thuật tác chiến cao, trong khi lực lượng do ông chỉ huy chủ yếu là du kích và địa phương quân. Vì vậy, bên cạnh ra sức huấn luyện kỹ thuật tác chiến trong thời gian dài, công tác giáo dục chính trị - tư tưởng được ông rất chú trọng. “Điều cốt lõi là phải giáo dục cho chiến sĩ có lập trường chính trị vững vàng, tinh thần kiên cường, quyết dấn thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc
” ông Sáu Sự nói. Để cách mạng thành công, ông cho rằng phải biết khơi dậy sức dân. Hồi ông được phân công làm Trưởng Ban khu vực Vĩnh Tường, Vị Thanh, ông cùng với các đoàn thể đã phát động nhiều phong trào nấu cơm, khám bệnh cho bộ đội. Người dân càng tin tưởng cách mạng càng tích cực vận động con em tham gia lực lượng du kích, phong trào cách mạng vì thế càng dâng cao, khiến địch càng hoang mang, nhụt chí.
Với những thành tích trong chiến đấu, năm 1978, LLVT huyện Phụng Hiệp vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng LLVTND và Huyện đội trưởng Sáu Sự cũng được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND trong niềm phấn khởi, vui mừng của đồng đội.
Khi đất nước thống nhất, do mang nhiều thương tật trong chiến đấu (tỷ lệ thương tật 61%), sức khỏe yếu nên ông ở nhà dưỡng bệnh. Ông có một người con gái sống bằng nghề buôn bán. Dù cuộc sống còn khó khăn nhưng ông luôn động viên con cố gắng nuôi các cháu ăn học đến nơi đến chốn. Tuy đau yếu, nhưng mỗi khi có đoàn viên thanh niên đến thăm, ông lại say sưa kể chuyện chiến đấu, giáo dục truyền thống cách mạng cho các bạn trẻ. Tiễn chúng tôi ra về, Nguyễn Đức Minh đứa cháu ngoại kháu khỉnh của ông, thỏ thẻ với tôi: “ Con thương ông ngoại lắm. Con ước mơ sau này trở thành bộ đội giống như ông”. Nghe lời trẻ thơ, trên gương mặt anh hùng Phạm Thành Sự rạng rỡ nụ cười và niềm kỳ vọng thế hệ sau sẽ giỏi giang hơn cha ông của chúng.