DUY KHÔI
“Ai đã từng đi qua sông Cửu Long Giang. Cửu Long Giang sóng trào nước xoáy. Ai đã từng nghe tiếng Tiểu đoàn. Tiếng Tiểu đoàn ba trăm lẻ bảy. Buổi xuất quân Tiểu đoàn năm ấy. Cả Tiểu đoàn thề dưới sao vàng. Người chiến sĩ tiếc gì máu rơi”. Những ca từ quen thuộc, những giai điệu hùng tráng của ca khúc “Tiểu đoàn 307” hẳn đã không còn xa lạ với nhiều người. Tuy nhiên, chuyện về hoàn cảnh ra đời ca khúc cùng sự kết hợp giữa hai nhạc sĩ, thi sĩ tài hoa để làm nên nhạc phẩm bất hủ này không phải ai cũng biết.
Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Ðình lịch sử, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ghi dấu thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám vĩ đại. Tuy nhiên, chỉ hơn 20 ngày sau đó, ngày 23-9, Nam Bộ kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược. Ðể xây dựng lực lượng kháng chiến trên vùng đất Ðồng Tháp Mười nói riêng, ÐBSCL nói chung, Tiểu đoàn 307 được thành lập vào đầu tháng 5-1948 tại vùng căn cứ Ðồng Tháp Mười, gồm lực lượng của Khu 8 và một bộ phận của Trung đoàn 99 Bến Tre hợp thành, với tên gọi đầu tiên là “Tiểu đoàn Liên quân lưu động”, sau đổi thành Tiểu đoàn 307. Buổi xuất quân của Tiểu đoàn vào ngày 5-7-1948 tại Thạnh Phú, Bến Tre với lời thề của cả Tiểu đoàn “Người chiến sĩ tiếc gì máu rơi”. Ngay trong năm đầu thành lập, Tiểu đoàn 307 đã đánh thắng hai trận nổi tiếng là trận chống càn Tháp Mười và trận công đồn Mộc Hóa - La Bang.

Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí, sáng tác bài hát “Tiểu đoàn 307”, rất giỏi đàn violon. Ảnh: CGVDT
Hưởng ứng Nam Bộ kháng chiến, nhà thơ Nguyễn Bính rời thành phố vào chiến khu tham gia kháng chiến. Ông hoạt động vùng Chắc Băng, Trèm Trẹm, Huyện Sử, Thới Bình (nay thuộc tỉnh Cà Mau). Năm 1948, nhà thơ Nguyễn Bính rời vùng U Minh, Rạch Giá về tham gia Ban Văn nghệ Khu 8 ở Ðồng Tháp Mười. Tại đây, nhà thơ Nguyễn Bính có nhiều bài thơ hay về cảnh sắc, con người vùng bưng biền, trong đó nổi tiếng nhất là bài “Ðồng Tháp Mười”.
Năm 1949, được sự động viên của cấp trên về việc sáng tác một ca khúc cho Tiểu đoàn 307 “đánh đâu được đấy, oai hùng biết mấy”, thi sĩ Nguyễn Bính đã viết nên bài thơ “Tiểu đoàn 307” khá dài, đăng gần hết trang 2 tờ Tổ quốc của Khu 8. Bài thơ nhanh chóng lan tỏa trong giới văn nghệ sĩ kháng chiến, trong đó có nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí, cán bộ Quân nhạc Khu 8.
Ðạo diễn Minh Trị, nguyên Phó Ban Quân nhạc Khu 8, thuật lại rằng: Cuối tháng 9-1949, Tổ Quân nhạc Khu 8 đang phục vụ cho một hội nghị của tỉnh ở Mỹ Tho, anh em trong tổ phấn khởi vì có một bài hát rất hay của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí, tên gọi “Tiểu đoàn 307”. Buổi chiều hôm trước, khi trời đã chạng vạng, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí hồ hởi nói với anh em trong tổ: “Nè, nè, khoan ăn cơm đã, hát thử bài này nghe ra sao, để tối không thấy đường...”. Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí ôm violon cất lên giai điệu, anh em xướng âm rồi chia thành hai bè hòa giọng. Càng hát càng hăng hái, càng hay. Ghi-ta, băng-dô, tam-bo... đệm theo, không khí bừng bừng từ các chiến sĩ quân nhạc. Ông bác chủ nhà nghe hay, ra nghe rồi nói: “Tui không biết nhạc Tây nhưng mấy chú hát cái “lẻ bảy” này hăng quá. Vệ quốc đoàn 307 mà nghe bài hát này chắc ưng bụng lắm”. Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí xin mọi người góp ý, và ai cũng khen ca khúc gọn gàng, khí thế, đề nghị đưa vào danh mục biểu diễn phục vụ với giới thiệu “ca khúc Tiểu đoàn 307, nhạc Nguyễn Hữu Trí, lời phỏng thơ Nguyễn Bính.
Buổi trưa sau hội nghị tỉnh, một cán bộ đến mời Tổ Quân nhạc do nhạc sĩ Huệ Nhu làm tổ trưởng đi theo ông. Hóa ra, điểm đến là Ðài Tiếng nói Nam Bộ đang đóng ở Nhị Mỹ, Cao Lãnh. Sau khi được mời cơm, cả Tổ nhạc vào phòng thu. Sau khi hát “Ðoàn Vệ quốc tiến lên” của nhạc sĩ Huệ Nhu, “Kèn thi đua” của Phan Vân, “Chiến sĩ Việt Nam” của Văn Cao, phát thanh viên giọng hùng hồn đọc giới thiệu thành tích “đánh đâu được đấy” của Tiểu đoàn 307 và mời thính giả nghe ca khúc viết về đơn vị này. Xong, phát thanh viên gật đầu ra hiệu, các chiến sĩ quân nhạc hát vang: “Ai đã từng đi qua sông Cửu Long Giang. Cửu Long Giang sóng trào nước xoáy...”. Ðạo diễn Minh Trị kể: “Trong giờ phút đó như thấy trước mắt các chiến sĩ 307 đang xốc tới tiêu diệt quân thù bằng lời thề: Người chiến sĩ tiếc gì máu rơi!”. Hát hết lượt thứ 2, cả tổ hừng hực khí thế, liếc nhìn qua tổ trưởng Huê Nhu và nhận được dấu hiệu, hát lại lần nữa...
Kể từ buổi hát trên sóng phát thanh Ðài Tiếng nói Nam Bộ giữa chiến khu bưng biền Ðồng Tháp Mười năm ấy, đến nay, giai điệu và ca từ “Tiểu đoàn 307” luôn trong tim hàng triệu trái tim bao thế hệ người dân Việt Nam, hát lên bằng xiết bao tự hào.
Nói thêm về hai tác giả, thi sĩ Nguyễn Bính thì có lẽ nhiều người đã biết và yêu thích thơ ông. Thi sĩ của đồng quê, thi sĩ của thơ tình lại có những bài thơ hùng hồn về chủ đề kháng chiến, cách mạng. Riêng với nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí, ông là người theo đạo Công giáo, sinh ra ở Sài Gòn, lớn lên ở quê gốc Mỹ Tho và cuối đời sống ở huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. Cách mạng Tháng Tám nổ ra, ông tham gia phong trào Việt Minh. Sau khi Pháp tái chiếm Nam Bộ, hưởng ứng Nam Bộ kháng chiến, ông gia nhập Vệ quốc đoàn vào tháng 10-1945. Do có năng khiếu âm nhạc nên ông được phân công về công tác tại Tổ Quân nhạc thuộc Ban Tuyên truyền Khu 8. Sau khi ký hiệp định Giơ-ne-vơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí thuộc diện tập kết ra Bắc nhưng vì sức khỏe nên ông không thể đi được. Năm 1956, ông lập gia đình với bà Phan Thị Ðượm, người con gái Vĩnh Mỹ, Bạc Liêu, kết thúc binh nghiệp, lo toan chuyện gia đình. Hơn 20 năm sau, ông qua đời. Ông bà có 9 người con, trong đó có người con áp út là linh mục Phanxico Nguyễn Phước Hậu, thuộc linh mục đoàn Giáo phận Cần Thơ. Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí qua đời, để lại hình ảnh một nhạc sĩ Công giáo yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo và nhất là để lại cho đời một ca khúc bất hủ về một Tiểu đoàn Anh hùng trên đất miền Tây.
--------------
Tài liệu tham khảo:
- Sách “Đây! Đài Phát thanh Tiếng nói Nam Bộ kháng chiến”, nhiều tác giả, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 1995;
- “Đồng Tháp đất và người tập 2”, nhiều tác giả, NXB Trẻ, 2009;