Sau TP Hà Nội, Việt Nam vừa có thêm 2 thành phố được công nhận danh hiệu "Thành phố sáng tạo" của UNESCO. Ðó là "thành phố sương mù" Ðà Lạt (tỉnh Lâm Ðồng) và phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam).

Hội An được UNESCO công nhận là “Thành phố sáng tạo” lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian.
Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO được ra đời từ năm 2004, hiện có sự tham gia của 350 thành phố thuộc hơn 100 quốc gia trên thế giới. Mạng lưới nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố được vinh danh, với tôn chỉ hướng tới là thúc đẩy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị bền vững. Có 7 lĩnh vực sáng tạo được xác định để UNESCO xét ghi danh, tham gia mạng lưới, gồm: thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông đa phương tiện và âm nhạc.
Tháng 10-2019, UNESCO đã công nhận Hà Nội là "Thành phố sáng tạo". Dù nổi bật ở hầu hết các lĩnh vực sáng tạo theo danh mục của UNESCO, nhưng chính quyền TP Hà Nội đã chọn lĩnh vực thiết kế để đề xuất. Với bề dày truyền thống và lịch sử, Hà Nội bảo đảm các tiêu chuẩn của "Thành phố sáng tạo" ở lĩnh vực thiết kế như: có nền công nghiệp thiết kế phát triển; nguyên vật liệu cho sáng tạo thiết kế dồi dào; nhân lực mạnh... 4 năm qua, chính quyền TP Hà Nội đã khai thác rất tốt danh hiệu này trong phát triển công nghiệp văn hóa ở địa phương, đồng thời chú trọng bảo tồn các giá trị cốt lõi của "Thành phố sáng tạo" trong lĩnh vực thiết kế.
Trong đợt công nhận mới nhất, cùng với 53 thành phố khác trên toàn thế giới, TP Ðà Lạt và TP Hội An vinh dự trở thành "Thành phố sáng tạo". Trong đó, Ðà Lạt là "Thành phố sáng tạo" lĩnh vực âm nhạc và Hội An là "Thành phố sáng tạo" lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Thông tin vui này không làm bất ngờ nhiều người vì các lĩnh vực này cũng chính là "đặc sản" của hai thành phố và trở thành thương hiệu du lịch.
Ðơn cử như ở Ðà Lạt thời gian qua, các sân khấu, chương trình âm nhạc ra đời ngày càng nhiều, thu hút rất đông khán giả, du khách. Nhiều người chọn đến Ðà Lạt chỉ để được thưởng thức những đêm nhạc biểu diễn giữa rừng thông reo vi vu, giữa cái se lạnh của thành phố mờ sương. Còn với Hội An, những công trình cổ kính, ghi dấu thời gian chính là điểm nổi bật ở thành phố này. Ngoài ra, những loại hình thủ công truyền thống, âm nhạc dân gian ở Hội An như hát bài chòi, nghề làm đèn lồng, nghề làm mì Quảng, cao lầu, trầm... cũng là sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Ðề án phát triển hệ thống các thành phố sáng tạo Việt Nam thuộc Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì xây dựng, triển khai, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào đầu năm 2023. Theo đó, Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) là cơ quan chủ trì triển khai đề án, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đảm nhiệm tư vấn chuyên môn, phối hợp với các địa phương xây dựng hồ sơ, thực hiện các cam kết gia nhập mạng lưới "Thành phố sáng tạo". Lộ trình từ nay đến năm 2030, mỗi hai năm (chu kỳ xét chọn) sẽ có tối đa 2 thành phố ở Việt Nam xây dựng và nộp hồ sơ ứng cử gia nhập mạng lưới "Thành phố sáng tạo". Mục tiêu đến năm 2030, có từ 4 đến 6 thành phố được công nhận là "Thành phố sáng tạo" của UNESCO.
Bài, ảnh: ÐĂNG HUỲNH