24/01/2024 - 12:02

Chuyện tuyển trạch cầu thủ Nhật Bản 

Châu Á có nhiều thị trường nhưng Nhật Bản xuất khẩu cầu thủ sang châu Âu nhiều nhất.

Trước khi khoác áo CLB Arsenal hiện nay, tuyển thủ Nhật Takehiro Tomiyasu (trái) từng thi đấu cho Sint Truiden của Bỉ. Ảnh: Getty Images

Hiện có 16 cầu thủ Nhật đang chơi bóng ở Bỉ, 9 cầu thủ ở Đức, 7 cầu thủ ở mỗi nơi gồm Scotland, Bồ Đào Nha, Hà Lan, cùng nhiều cầu thủ khác tại Anh, Mỹ, Ba Lan, Thụy Sĩ và Pháp. Tại giải Asian Cup 2023 đang diễn ra, đội tuyển Nhật Bản có tới 11 cầu thủ đang thi đấu ở châu Âu.

Môi trường bóng đá trẻ ở Nhật Bản rất khác so với châu Âu, nơi các CLB chuyên nghiệp thường chiêu mộ những tài năng xuất sắc nhất từ độ tuổi rất nhỏ và hy vọng các em sẽ từng bước được đôn lên đội một.

Các trường trung học vẫn là một phần quan trọng trong hệ sinh thái bóng đá của xứ hoa anh đào. "Năm ngoái, 40% trẻ em nhận được hợp đồng ở giải J.League của Nhật đến từ các trường trung học và 60% đến từ các học viện thực sự của J.League", Tom Byer, người kết thúc sự nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp ở Nhật trong những năm 1980 và sống tại Tokyo từ đó, chia sẻ. Người Nhật đi theo con đường như thế là vì các trường trung học tại đây chuyên về bóng đá ngay từ khi bọn trẻ nhập học. Những trường trung học, đại học đào tạo và thậm chí thi đấu nhiều trận hơn một CLB chuyên nghiệp.

Được biết, văn hóa Nhật Bản cho phép khi một cậu bé hoặc cô bé 6 tuổi gia nhập CLB bóng đá, các em sẽ tập luyện tối thiểu 4 lần/tuần, đôi khi 2-3 giờ/buổi. Mùa giải về cơ bản kéo dài 45 tuần. Điều đó phải trả giá khá đắt: tập luyện quá sức, kiệt sức, dính chấn thương, một số vấn đề về sức khỏe tâm thần. Nhưng một số trường trung học mang tính biểu tượng tại Nhật, nổi tiếng và có vị thế cao hơn các CLB J.League. Nhiều CLB Đức đã ký hợp đồng với các cầu thủ trực tiếp từ các trường trung học và đại học Nhật.

Thương hiệu bóng đá được HLV Ange Postecoglou triển khai tại CLB Celtic (Scotland) và Tottenham Hotspur (giải Ngoại hạng Anh) càng giúp hợp pháp hóa J.League như một nơi mà các CLB có thể mua cầu thủ. Vào năm 2021, ông Postecoglou mang về cho Celtic các cầu thủ Nhật gồm Kyogo Furuhashi, Reo Hatate và Daizen Maeda, sau đó chiêu mộ thêm 3 cầu thủ Nhật và một cầu thủ Hàn Quốc. Kết quả nhà cầm quân người Úc giành 5/6 danh hiệu quốc nội trong 2 mùa giải ở Scotland.

"Nhật Bản là thị trường có giá trị tốt nhất trên thế giới. J.League có nhịp độ chậm hơn và thiếu thể lực hơn vì có ít đường bóng dài trong các trận đấu. Nhưng đây có lẽ là một trong những giải đấu có kỹ thuật tốt nhất thế giới", Tom Chambers, trưởng bộ phận tuyển dụng của CLB Bỉ RWD Molenbeek, đánh giá.

Trong khi đó, Hàn Quốc vướng hai yếu tố ngăn cản nước này trở thành thị trường được khai thác tốt như Nhật Bản. Mức lương trung bình ở K-League cao hơn nhiều so với J.League. Ngoài ra còn có vấn đề liên quan đến nghĩa vụ quân sự của cầu thủ tại quê nhà. Nếu một cầu thủ Hàn Quốc đến châu Âu thi đấu, họ cần phải trở về nước để hoàn thành nghĩa vụ quân sự trước 26 tuổi, trừ khi được miễn trừ như tiền đạo Son Heung-min khi anh giành huy chương vàng bóng đá nam tại Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) năm 2018.

Hiện Hàn Quốc chỉ có 4 cầu thủ đang thi đấu ở Ngoại hạng Anh.

BÌNH DƯƠNG

Chia sẻ bài viết