16/12/2012 - 17:33

SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

Chuyển từ số lượng sang chất lượng

Mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" (CĐML) ra đời phù hợp với định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp của huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. Đây cũng là địa phương đi đầu trong việc mở rộng diện tích CĐML của thành phố để tiến tới những cánh đồng lúa chất lượng cao, quy mô lớn, phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. CĐML là bước hoàn thiện việc thực hiện Quyết định số 80/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ "Về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng", góp phần đưa sản xuất lúa gạo huyện phát triển bền vững…

* Kết quả bước đầu

Nông dân trong CĐML ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai chăm sóc lúa đông xuân 2012-2013. 

Từ vụ đông xuân 2011-2012, huyện Thới Lai tổ chức tập hợp nông dân sản xuất lúa theo CĐML, khởi điểm mô hình 500ha tại ấp Đông Giang và Đông Phước (xã Đông Bình), với 297 nông hộ tham gia. Năng suất lúa trong CĐML đạt 8 tấn/ha, chi phí sản xuất giảm còn 22 triệu đồng/ha thay vì khoảng 25 triệu đồng/ha như trước đây. Trên cơ sở đó, vụ lúa hè thu 2012 mô hình phát triển lên đến 2.341ha, năng suất bình quân đạt 5,9 tấn/ha, cao hơn 0,28 tấn/ha năng suất chung toàn huyện. Vụ thu đông 2012, mô hình duy trì 2.333ha, năng suất đạt 5,43 tấn/ha, cao hơn 0,2 tấn/ha năng suất toàn huyện. Trong vụ đông xuân 2012-2013, có 10/13 xã của huyện xây dựng CĐML, quy mô trên 3.860ha…

Thực tế cho thấy, mô hình CĐML đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nông dân, đồng thời giải quyết căn bản những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo nên được nông dân ủng hộ. Ông Nguyễn Văn Thống, nông dân ấp Trường Khương, xã Trường Xuân, nói: "Đây là vụ đầu tiên (đông xuân 2012-2013) tôi tham gia cánh đồng mẫu. Trước đây, ấp này toàn sạ IR 50404, khi cán bộ khuyến nông vận động, 99% diện tích trong ấp đã chuyển sang sạ giống Jasmine 85. DN cam kết mua cao hơn giá thị trường 100 đồng/kg, nên nông dân tham gia cũng an tâm". Xác định DN đóng vai trò "nhạc trưởng" trong mô hình CĐML, do đó, huyện tăng cường mời gọi DN hỗ trợ "đầu vào" và bao tiêu "đầu ra" cho nông dân. Hiện các CĐML trên địa bàn huyện Thới Lai có sự tham gia của các DN cung ứng lúa giống, thuốc bảo vệ thực vật như: Công ty Việt Nông, Công ty Hóa nông Hợp Trí, Công ty Cổ phần Gentraco, Công ty Mekong...; DN bao tiêu lúa gồm: Công ty Thới Thạnh, Công ty Cổ phần Gentraco, Công ty Mekong, Công ty Lương thực Sông Hậu, Công ty Cửu Long...

Theo phản ánh của nông dân, nhờ áp dụng đồng bộ những giải pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến như: IPM, "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm"; sử dụng chế phẩm nấm xanh, phân vi sinh... vào sản xuất lúa đã giúp tăng năng suất, giảm chi phí đầu tư. Theo tính toán của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Thới Lai, sản xuất lúa trong mô hình CĐML, nông dân giảm chi phí phân thuốc, lợi nhuận tăng từ 4,5-5 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống. Ngoài ra, nông dân được tập huấn, đào tạo quy trình nhân giống, góp phần vào việc chuyển đổi cơ cấu giống lúa phẩm chất lượng kém sang các giống chất lượng cao…

* Còn khó khăn

Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện, dù được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, sự nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc tạo mối liên kết giữa DN-nông dân, song diện tích bao tiêu lúa trên địa bàn huyện chưa cao. Năm 2012, tổng diện tích lúa ký hợp đồng bao tiêu hơn 2.152ha. Trong đó, vụ đông xuân 2011-2012, diện tích bao tiêu hơn 615,97 ha, kết quả đạt 100%. Tuy nhiên, sang vụ hè thu 2012, diện tích bao tiêu chỉ đạt 20,5% so với hợp đồng đã ký (316/1.536ha), lúa thu đông 2012 không thực hiện được hợp đồng bao tiêu… Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thới Lai, cho biết: "Điều khoản hợp đồng chưa thống nhất (ẩm độ, phương thức vận chuyển, giá cả...) là nguyên nhân dẫn đến phá vỡ hợp đồng giữa nông dân và DN. Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến phức tạp, đặc biệt trong vụ thu đông trong khi hệ thống lò sấy, sân phơi của DN lại không đảm bảo". Mặt khác, CĐML là mô hình sản xuất mới, một số nông dân tham gia chưa áp dụng triệt để các giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao.

Cũng như các địa phương khác, quá trình xây dựng và phát triển CĐML, Thới Lai cũng gặp không ít khó khăn, song huyện xác định vẫn tiếp tục nhân rộng mô hình này. Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thới Lai cho rằng, DN đóng vai trò quyết định giúp nông dân giảm tối đa chi phí sản xuất, lược bỏ tầng nấc trung gian trong khâu tiêu thụ. Tuy nhiên, do năng lực của DN còn hạn chế, đặc biệt là đầu tư hệ thống sấy lúa nên không thể mở rộng diện tích bao tiêu. Do đó, huyện sẽ tập trung đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, hỗ trợ DN xây dựng hệ thống lò sấy lúa đáp ứng nhu cầu thu hoạch lúa tập trung và nhu cầu bán lúa tươi của nông dân…

Ông Nguyễn Thanh Danh, Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, nhấn mạnh: Liên kết sản xuất theo mô hình CĐML là giải pháp tối ưu, phù hợp với thực tiễn và tình hình sản xuất lúa tại địa phương. Do đó, tiếp tục hoàn thiện và nhân rộng mô hình là mục tiêu Thới Lai đang hướng đến. Ngoài việc theo dõi chặt chẽ quá trình thực hiện hợp đồng tiêu thụ lúa hàng hóa, huyện đẩy mạnh công tác tham mưu để UBND TP Cần Thơ đề ra cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm hài hòa lợi ích các bên, đặc biệt là liên kết giữa nông dân và DN, phát huy tối đa sức mạnh mối liên kết "4 nhà"… CĐML là con đường chuyển đổi sản xuất lúa từ số lượng sang chất lượng, từng bước nâng cao giá trị hạt gạo, tăng lợi thế cạnh tranh ngành sản xuất lúa gạo tại địa phương. Đây là giải pháp giúp giải quyết rốt ráo vấn đề "đầu vào"-"đầu ra", góp phần gia tăng thu nhập cho người trồng lúa...

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết