13/06/2018 - 21:13

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu:

Chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp 

Nhằm góp phần thực hiện Nghị quyết  120/NQ - CP 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (Nghị quyết 120), ngày 9-6, UBND tỉnh Đồng Tháp và Thời báo Kinh tế Sài Gòn đã phối hợp tổ chức hội thảo “Giúp nông dân làm kinh tế nông nghiệp”. Dịp này, Báo Cần Thơ đã phỏng vấn ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập toàn cầu (GIBC), về giải pháp thực hiện Nghị quyết 120, bắt đầu từ chuyện chuỗi giá trị nông nghiệp...

* Theo phân tích của GIBC thì chuỗi giá trị nông nghiệp ở nước ta hiện đang còn hạn chế nhiều mặt. Thưa ông, vì sao như vậy?

- Hiện chuỗi giá trị nông sản Việt Nam từ đầu vào đến đầu ra đều tồn tại nhiều bất cập. Đầu vào, chi phí còn cao với giá cả biến động và lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đến khâu sản xuất thì quy mô khá nhỏ, manh mún, thiếu liên kết. Ngoài ra có quy trình kỹ thuật sai, sử dụng quá nhiều lao động và chất lượng không đồng nhất. Do vậy giá nông sản cao trung bình 10% so với các nước.

Ví dụ, trong khi giá thịt bò ngon của Việt Nam đang bán tới 270.000 đồng/kg, loại rẻ cũng tới 170.000 đồng/kg thì cùng thời điểm, giá thịt bò ba chỉ Úc và Mỹ nhập khẩu, tới tay người tiêu dùng chỉ có 150.000 đồng/kg. Hay như thịt gà, từ năm 2015, giá thịt gà nhập khẩu từ Mỹ về Việt Nam chỉ ở mức 17.000-20.000 đồng/kg; trong khi ta đã có nhiều trang trại đạt trình độ chăn nuôi gà không thua kém nhiều nước, nhưng giá vẫn ở mức 25.000-26.000 đồng/kg; trong khi GDP bình quân đầu người tại Mỹ gấp 10 lần GDP bình quân đầu người tại Việt Nam.

Ở khâu sau thu hoạch, mức tổn thất còn khá cao so với các nước khác ở Đông Nam Á: với rau quả là 32%, thịt là 14% và thủy sản là 12%. Ngoài ra, ta còn thiếu kho chứa đảm bảo tiêu chuẩn. Việc vận chuyển, đóng gói kém và giao dịch thì quá nhiều khâu trung gian.

Ở khâu chế biến, hạn chế rõ nhất là công nghệ thấp, giá trị gia tăng thấp, quy mô nhỏ, manh mún. Chi phí vận chuyển logistics tính theo tỷ trọng GDP khoảng 18-20%, gần gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển và cao hơn 4% mức bình quân toàn cầu.

Riêng về xuất khẩu, hạn chế dễ nhận thấy là chất lượng thấp, giá thấp. Sản phẩm xuất khẩu thiếu thương hiệu. Ngoài ra, quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm kém, thiếu thông tin thị trường. Về thương hiệu nông sản ta vẫn chưa nâng tầm thành thương hiệu quốc gia. 

* Riêng với vùng ĐBSCL, dường như thực trạng này còn dẫn tới nhiều thách thức hơn so với cả nước?

- Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp ĐBSCL đã chậm lại, từ mức 7,15%/năm giai đoạn 2001-2010, xuống còn khoảng 5% vào giai đoạn 2011- 2016. Cơ cấu nội ngành cũng đang dịch chuyển khá chậm, vẫn chủ yếu dựa vào trồng trọt và sinh kế của nông dân cải thiện tương đối chậm so với mặt bằng chung cả nước. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2015 thu nhập bình quân đầu người tại ĐBSCL vẫn thấp dưới mức trung bình cả nước, khi chỉ đạt 40,2 triệu đồng trong khi bình quân cả nước là 47,9 triệu đồng.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng rõ nét. Hạn hán, lũ lụt, mưa trái mùa, mùa đông ấm, rét đậm kéo dài… tác động mạnh đến sản xuất và làm bùng phát nhiều sinh vật gây hại mới. Việc lạm dụng thuốc hóa học và phân bón vô cơ của người dân cũng rất đáng báo động; dẫn đến nguy cơ về mất an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường, thoái hóa đất và đặc biệt là tình trạng kháng thuốc.

Ngoài ra, việc các quốc gia láng giềng đẩy mạnh xây dựng thủy điện trên thượng nguồn sông Mêkong đang làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản và gia tăng xâm nhập mặn. Và ĐBSCL cũng đang thiếu sự liên kết vùng trên diện rộng.

*  Vậy theo ông, cần làm gì để thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ nhằm thay đổi được thực trạng này và thúc đẩy ĐBSCL phát triển bền vững?

- Có thể nói, với Nghị quyết 120, Chính phủ đã đưa ra những định hướng chiến lược đúng đắn để phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Theo đó, chúng ta có thể làm và phải làm nhiều việc cấp bách, nhưng ưu tiên, theo tôi là nên có những bước đi cùng một lúc như sau:

Một, quy hoạch từng ngành trong nông nghiệp theo xu thế của nền kinh tế thị trường, hội nhập với các nền kinh tế khác dựa trên cơ sở chất lượng và giá thành. Cần cân nhắc giữa lợi ích ngắn hạn và dài hạn trong việc tăng trưởng bền vững.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai phát biểu tại Hội thảo “Giúp nông dân làm kinh tế nông nghiệp” ngày 9-6-2018.  Ảnh: H.KIM

Hai, cấu trúc lại mô hình sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, xây dựng quy mô cho phù hợp với xu thế của hội nhập và đặc thù của nông nghiệp Việt Nam. Tỷ lệ sử dụng đất trên 5ha chỉ khoảng 3%, trong đó 70% là dưới 0,5ha. Đây là lý do cơ bản làm hạn chế áp dụng các công nghệ tiên tiến, chi phí cao, chất lượng sản phẩm kém.

Ba, tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng nhằm giảm chi phí cho tất cả các công đoạn của quy trình sản xuất và kinh doanh. Số lượng doanh nghiệp tham gia đầu tư vào sản xuất và kinh doanh trong ngành nông nghiệp còn thấp. Cần có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp nắm bắt cơ hội tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp. Cần có nhiều hơn doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào nông nghiệp. Và cũng cần có những doanh nghiệp Việt trong ngành có quy mô đủ tầm để có thể cạnh tranh ngang sức ngang tài trong một thị trường bao gồm nhiều nền kinh tế hội nhập cũng như trên chính sân nhà đối với các doanh nghiệp nước ngoài (FDI).

Bốn, chú trọng áp dụng công nghệ cao cùng với đổi mới và sáng tạo, vì đây luôn là chìa khóa cho mọi vấn đề về hiệu quả trong sản xuất kinh doanh để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh.

Năm, gia tăng năng suất lao động để đảm bảo hiệu quả đồng thời nâng cao đời sống của lực lượng lao động trong nông nghiệp vốn có thu nhập thấp và không ổn định.

Sáu, cần thay đổi sang hướng nông nghiệp sạch, giảm thâm canh và đầu tư vào chuỗi giá trị nông sản để phát triển bền vững nguồn nước ở ĐBSCL.

Bảy, nhà nước cần kết hợp với doanh nghiệp quy hoạch sản phẩm đầu ra cho cả ngành một cách chiến lược theo từng giai đoạn, từng thời kỳ hòng giảm thiểu tình trạng mất cân đối cung cầu vẫn hay xảy ra.

Tám, có chiến lược phát triển du lịch ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu để nâng cao hiệu quả của chuỗi giá trị trong sản xuất và kinh doanh nông nghiệp. Cấu trúc lại quy mô và mô hình sản xuất trong nông nghiệp thông qua chiến lược phát triển du lịch sẽ tăng hiệu quả cho bà con nông dân sản xuất nhỏ.

Chín, phát triển thương hiệu nông nghiệp ĐBSCL với một chiến lược xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu ngành, thương hiệu địa phương, quốc gia và quốc tế theo một tầm nhìn dài hạn và bền vững, trong điều kiện của sự biến đổi khí hậu.

Mười, Chính phủ cần sớm ban hành chính sách mạnh mẽ hơn, khuyến khích tích tụ ruộng đất nhằm xây dựng vùng sản xuất lớn, dọn đường cho công nghiệp chế biến tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, các quy trình sản xuất tiên tiến, thúc đẩy sản xuất an toàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch theo chuỗi giá trị nông nghiệp.

Tất cả những điều này đòi hỏi phải thay đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp” của các nhà quản lý và hoạch định chính sách nông nghiệp cũng như các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là quan điểm chính trong Nghị quyết 120 của Chính phủ.

* Xin cảm ơn ông!

Chuỗi giá trị nông nghiệp (Agricultural Value Chain) là chuỗi những hoạt động để đưa một sản phẩm từ sản xuất đến tiêu dùng cuối cùng. Các hoạt động trong chuỗi giá trị nông nghiệp bao gồm sản xuất, thu gom, chế biến, bán buôn, bán lẻ cũng như các chức năng hỗ trợ như cung ứng vật tư đầu vào, dịch vụ tài chính, dịch vụ hậu cần, đóng gói, marketing…

Chuỗi giá trị nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi các đặc tính của sản phẩm nông sản. Sản phẩm nông sản có các đặc tính đặc thù như tính mùa vụ, mau hỏng, chất lượng không đồng nhất, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm của sản phẩm. Những đặc tính những vấn đề trong tổ chức, hoạt động, và hiệu suất của chuỗi, từ đó ảnh hưởng tới đặc điểm của chuỗi.

Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Hình thức này đảm bảo cho các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

HUỲNH KIM (thực hiện)

Chia sẻ bài viết