03/12/2023 - 09:18

Chuyện phim thương hiệu ở Hollywood 

Năm 2023 Hollywood không có nhiều sáng tạo mới ra rạp, thay vào đó là những phim làm lại từ thương hiệu cũ. Phim nhượng quyền, phần tiếp theo, phim làm lại dường như trở thành công thức chung để duy trì rạp chiếu trong những năm gần đây, dù tiềm ẩn rủi ro...

Mỗi năm Hollywood sẽ có vài chục phim liên quan đến những thương hiệu đã thành công, từ ngoại truyện, tiền truyện, phần tiếp theo cho đến khởi động lại. Đơn cử như mùa phim lễ hội cuối năm 2023 đang quy tụ các thương hiệu quen thuộc: “Saw X”, “The Exorcist: Believer”, “The Marvels” (ảnh), “Aquaman 2”…

Việc liên tục khai thác các phim thương hiệu diễn ra từ lâu ở Hollywood và chưa có dấu hiệu dừng lại. Lý giải về điều này, nhà nghiên cứu, phê bình Walt Hickey cho rằng những câu chuyện tiếp theo dễ ra rạp hơn những phim nguyên tác và ít bị thua lỗ. Dễ nhận thấy cả Disney và Marvel đều thích làm phim dựa trên thương hiệu đã thành công trước đó. Walt Hickey cho rằng tài chính là động lực chủ yếu cho phim khởi động lại, phần tiếp theo, phần tiền truyện. Các phim khởi động lại thực sự là những cỗ máy kiếm tiền đáng tin cậy hơn phim nguyên tác, với những ví dụ cụ thể như thành công của “Avatar”, “Despicable Me”, “Black Panther”, “Dune”, “Mission: Impossible”…

Thực tế, ưu tiên hàng đầu của các nhà sản xuất khi xem xét chọn dự án là tránh rủi ro. Bởi vì các nhà làm phim, nhà sản xuất thường bị sa thải nhiều hơn khi chọn một kịch bản không ai biết tới. Ngược lại khi thất bại ở một chuỗi phim đã được biết đến thì ít có sự sa thải và mọi việc vẫn có cơ hội cứu vãn ở những phần tiếp theo.

Lại thêm thống kê cho thấy trung bình một phim nguyên tác hoặc phim không được xây dựng dựa trên tài sản trí tuệ có sẵn, thường kiếm về gấp 2,8 lần chi phí khi thành công ở phòng vé toàn cầu. Trong khi đó, những phim phần tiếp theo thường mang về trung bình gấp 4,2 lần kinh phí sản xuất khi thành công phòng vé. Thực tế có đến 66% phim phần tiếp theo thu hồi kinh phí tại Bắc Mỹ, 29% có thể thu về gấp đôi kinh phí. Trong khi với các phim nguyên tác, chỉ 44% là có thể thu hồi kinh phí tại Bắc Mỹ. Rõ ràng phim nguyên tác có độ rủi ro cao hơn.

Mặt khác, việc sản xuất chuỗi phim có thể lôi kéo những nhà làm phim giỏi. Có rất nhiều lý do khiến một đạo diễn danh tiếng muốn quay lại với chuỗi phim. Một phần vì các nhà làm phim muốn “thăm” lại thế giới mà họ đã xây dựng, tiếp tục mở rộng nó. Một phần vì các nhà làm phim sẵn sàng đầu tư vào đó. Ví như “Avatar” được 20th Century Fox phát hành nhưng không cần bỏ vốn. Thay vào đó, James Cameron - người sáng tạo và đạo diễn của phim, đã tự thân đầu tư và tìm hai công ty cổ phần tư nhân tài trợ. Hay phim chuyển thể “The Lord of the Rings” của Peter Jackson do chính đạo diễn đi gọi vốn...

Mặc dù phim làm lại an toàn về tài chính, khả năng thua lỗ thấp; nhưng điều đó không thể đảm bảo cho Hollywood phát triển. Bởi vì thị hiếu khán giả đang thay đổi, chuỗi phim thương hiệu cũng bị đánh giá khắt khe. Nhiều phim trong các chuỗi thương hiệu vẫn thất bại tại phòng vé năm nay. Điều này cảnh tỉnh các nhà sản xuất, vì cho dù làm phim dựa trên ưu thế đã có thương hiệu, thì khán giả vẫn mong tác phẩm phải có sự đầu tư và mới mẻ.

BẢO LAM (Tổng hợp từ Hollywoodreporter, Yahoo News, Variety)

Chia sẻ bài viết