07/05/2019 - 08:47

Chuyện những người “đánh trống, thổi kèn” 

Những người lính ở Đội Quân nhạc, Bộ Tham mưu Quân khu 9 luôn ghi nhớ và thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Trống năng rèn, kèn năng thổi”. Bằng niềm đam mê, sáng tạo, những đóng góp của Đội Quân nhạc đã góp phần làm cho những buổi lễ thêm phần trang nghiêm, trọng thị.

Đến thăm Đội Quân nhạc, Bộ Tham mưu Quân khu 9 đúng lúc toàn đội đang luyện tập ráp đội hình giữa sân chào cờ. Ai nấy đều ướt đẫm mồ hôi, nhưng nhìn theo đôi tay mềm mại của nhạc trưởng, các nhạc công đều tập trung, say sưa thổi hồn vào giai điệu của những bài hát cách mạng. Toàn đội đã tập gần 3 giờ với nhiều nội dung chuẩn bị phục vụ cho các ngày lễ, kỷ niệm trong tháng 4 và tháng 5.

Một buổi phục vụ của Đội Quân nhạc, Bộ Tham mưu Quân khu 9.

Theo Trung tá Trần Văn Phê, Đội trưởng Đội Quân nhạc, đơn vị được thành lập năm 1977, biên chế gồm 31 người, trong đó có 1 đội trưởng, 1 nhạc trưởng và 29 nhạc công; 4 người tốt nghiệp cao đẳng và 27 người tốt nghiệp hệ trung cấp Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Từ ngày thành lập đến nay, tuy nơi ăn ở, sinh hoạt, tập luyện của Đội còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhạc cụ xuống cấp, nhưng bằng sự say mê sáng tạo, không ngừng khổ công rèn luyện, đến thời điểm này, Đội đã có một dàn nhạc khá đồng đều. Mỗi năm, Đội phục vụ hàng chục lượt tại các sự kiện trong và ngoài Quân đội. “Các lần đi phục vụ đều đảm bảo chất lượng chuyên môn tốt, đúng nghi thức, nghi lễ quy định, được thủ trưởng các cấp và các đơn vị, ban, ngành, đoàn thể địa phương biểu dương, khen ngợi”- Trung tá Trần Văn Phê cho biết.

Để mỗi buổi nghi thức đạt chất lượng chuyên môn, Đội luôn tổ chức duy trì huấn luyện theo kế hoạch và chủ đề của từng buổi lễ. Mỗi nhạc công tự giác luyện tập phân bè, nhóm, sau đó mới tập ráp đội hình. Không chỉ tập trung rèn luyện, hoàn thiện các tác phẩm theo từng chủ đề, Đội còn thường xuyên luyện, rèn các tư thế đứng nghiêm ngoài trời, mỗi buổi từ 3 đến 4 giờ/ngày. 

Trung tá Trần Văn Phê, Đội trưởng Đội Quân nhạc chia sẻ, khó khăn nhất đối với dàn nhạc là phải tập bè nhiều, có nhiều loại bè rất cứng. Vì vậy để có được một bản nhạc hoàn thiện, nhuần nhuyễn, bên cạnh sự khổ luyện của các nhạc công, phải hòa âm, phối khí thật tốt. Trung bình mỗi bài nhạc hòa âm, phối khí khi hoàn thành phải gần một tháng. Trước tiên phải phối cho từng bè tập riêng, sau đó mới ráp cả đội, nhiều lúc ráp vô thấy bị “chênh nhịp” lại phải viết lại. Cũng theo anh Phê, những bài nhạc khó hòa âm, phối khí nhất là những bài truyền thống cách mạng, đặc biệt là những chỗ điệp khúc.

Với thâm niên trên 30 năm chơi kèn Clarinet, Trung tá Trần Văn Tháo là nhạc công lớn tuổi nhất Đội. Theo Trung tá Trần Văn Tháo, bản nhạc dù mới hay cũ, nhưng để thổi cho đúng, có hồn, đồng đều, thống nhất điều quan trọng là nhạc công phải thuộc từng nốt nhạc, sau đó mới bước vào tập luyện. Mỗi người một góc tự tập luyện riêng, chỗ nào yếu, chưa đạt yêu cầu thì phải tập đi tập lại nhiều lần đến khi tập tổng hợp sẽ không bị “chênh nhịp”, gây ảnh hưởng đến toàn Đội. “Bây giờ cũng có tuổi rồi, nhiều khi gặp những nốt nhạc cao, hơi bị đuối. Do vậy, mỗi buổi sáng tôi phải xông kèn, lấy tông, tập ém hơi khoảng 30 phút, sau đó mới bước vào luyện tập”- Trung tá Trần Văn Tháo nói.

Còn Trung úy Lê Hoàng Anh, nhạc công kèn Cymbals cho biết: “Đối với nhạc công thổi kèn, phải biết kết hợp giữa răng, môi và hơi phải luôn đảm bảo. Thời gian đầu về Đội, tôi thật sự vất vả trong luyện tập, cổ họng đau, môi mỏi, tê lưỡi, nhiều bữa ăn cơm cảm giác không biết ngon, thậm chí có bữa phải bỏ ăn. Kèn mà tôi đang sử dụng là loại kèn kép, mới được biên chế. Khi mới tiếp xúc với nhạc cụ này, nhiều lần tôi phải gọi điện thoại cho các thầy, cô để được hướng dẫn, chỉ bảo thêm những chỗ chưa hiểu. Đến nay, tôi hợp luyện cùng đồng đội không mất nhiều thời gian như trước nữa, đặc biệt là không còn bị mỏi môi, hụt hơi”.

Hơn 20 năm nay, Thiếu tá Phạm Văn Đồ “mang” chiếc trống cái nặng trên 10kg và anh chưa vắng mặt bất cứ một chuyến công tác nào của toàn Đội. Theo chia sẻ của Thiếu tá Phạm Văn Đồ, tầm quan trọng của người đánh trống chỉ đứng sau vị trí của nhạc trưởng, nếu trống cái đánh “sung” thì sẽ dẫn dắt toàn Đội, tạo hứng thú và hiệu quả buổi lễ càng cao. Do vậy mỗi lần ráp tập cùng toàn Đội, Thiếu tá Đồ luôn tập trung cao độ, phân chia nhịp điệu, tiết tấu để cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Một nguyên tắc đối với những người lính “đánh trống, thổi kèn” là trước, trong mỗi chuyến công tác, đều nói “không” với rượu, bia và thuốc lá. Theo giải thích của các anh, nếu buổi chiều hôm trước mà uống rượu, bia thì sáng hôm làm lễ sẽ ảnh hướng lớn đến sức khỏe, công việc chung sẽ khó hoàn thành. Ngoài ra, những buổi lễ nếu làm lễ trong hội trường thì đỡ vất vả, còn gặp những buổi lễ trang nghiêm ở ngoài trời nắng, các anh phải đứng nghiêm, có nhiều buổi lễ phải đứng hơn 3 giờ.

Bằng tất cả niềm đam mê, chịu khó học hỏi, nghiên cứu và khổ công luyện rèn, hơn 40 năm qua, những người lính “đánh trống, thổi kèn” ở Đội Quân nhạc, Bộ Tham mưu Quân khu 9 luôn được nhiều người thương yêu, quý mến. Nhiều năm liền, Đội được cấp trên khen thưởng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Đảng bộ đạt trong sạch vững mạnh.

Bài, ảnh: QUANG ĐỨC

Chia sẻ bài viết