31/01/2014 - 16:24

Chuyện làm ăn ở những hợp tác xã kiểu mới

Hà Triều

Làm ăn bây giờ mà không hợp tác, liên kết khó có thể thành công! Liên kết ở đây là mối liên kết “4 nhà”, cốt lõi nhất là liên kết giữa nhà nông với doanh nghiệp để ký kết hợp đồng “đầu vào, đầu ra”. Nhiều hợp tác xã (HTX) ở ĐBSCL đã làm được điều này và trở thành những HTX kiểu mới điển hình.

1. Tôi có dịp về các xã Tài Văn, Viên An… của huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Đi theo những con đường giao thông nông thôn rợp bóng cây xanh, tôi chứng kiến nhiều điều thú vị. Gần như nhà nào cũng có chuồng nuôi từ 2 con bò sữa trở lên vì nơi đây được ví như là cái nôi của nghề chăn nuôi bò sữa ở Sóc Trăng.

Ông Trương Hải Phước, Trưởng Ban Quản trị HTX Nông nghiệp Evergrowth (HTX Evergrowth), cho biết: Tháng 3-2004, thông qua Dự án Nâng cao đời sống nông thôn tỉnh Sóc Trăng do SOCODEVI (một tổ chức phi lợi nhuận Canada) tài trợ, HTX Evergrowth chính thức được thành lập ở ấp Chắc Tưng, xã Tài Văn với 171 xã viên; tổng đàn có 447 con bò sữa. Khác với những HTX nông nghiệp thông thường, Evergrowth hoạt động theo mô hình HTX của Canada. Đó là: Trước khi thành lập HTX, các hộ nông dân được tập huấn rất kỹ về kỹ thuật chăn nuôi bò sữa, biện pháp phòng trị bệnh, kỹ thuật trồng cỏ; được tập huấn về tính chất và mục đích của HTX để người dân hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ... Ban quản trị do xã viên bầu ra; các hoạt động được kiểm soát bởi Ban kiểm soát. Chỉ có Giám đốc và nhân viên được Ban quản trị thuê mướn mới có lương… Và các câu lạc bộ là “chân rết” cho HTX… Hơn 10 năm qua, với bao thăng trầm, nhưng HTX Evergrowth vẫn trụ vững, là niềm tin của nhiều hộ xã viên. Ông Liêu Văn Đơ, người dân tộc Khmer, ở ấp Bờ Đập, xã Viên An, huyện Trần Đề, kể: “Năm 2003, tôi nuôi 1 con bò sữa từ dự án. Được đi học kỹ thuật, tham quan nhiều nơi về áp dụng. Bây giờ, đàn bò sữa của tôi đã 9 con… Mỗi tháng, gia đình tôi để dành hơn 15 triệu đồng từ tiền bán sữa”. Nhà ông Đơ có trên 1ha đất trồng lúa và dưa hấu. Giá lúa, dưa hấu bấp bênh, năm 1996 ông phải cầm cố đất để lấy tiền trang trải nợ nần. “Tôi đã chuộc đất cả trăm triệu đồng. Nhà trước, nhà sau đến cái xe máy đi lại… đều nhờ con bò sữa cả. Nhiều nông dân ở ấp này mê con bò sữa dữ lắm” – ông Đơ cười sảng khoái.

Cảnh nhộn nhịp tại nơi thu mua sữa bò ở HTX Evergrowth.  Ảnh: T.L 

HTX Evergrowth hiện có hơn 1.500 xã viên, tổng đàn bò sữa phát triển lên 3.875 con, trong đó có trên 1.800 con đang cho sữa với sản lượng bình quân trên 16 tấn/ngày. Từ chỗ chỉ có điểm thu mua ở tại trụ sở, nay HTX đã phát triển định hướng các điểm mua tại Trần Ðề, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Mỹ Tú, Châu Thành. Điểm thu mua tại trụ sở và ở xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú đã có kho lạnh với tổng công suất trên 16 tấn. HTX đang lắp đặt thêm hệ thống làm lạnh mới, công suất thiết kế 12 tấn, kinh phí trên 2,5 tỉ đồng trích từ nguồn vốn tích lũy của HTX đáp ứng nhu cầu đi lên của HTX. Để chăn nuôi bò sữa mang lại hiệu quả cao hơn, HTX luôn chủ động tìm và cung cấp các dịch vụ (cám, đá liếm, sữa cho bò con…). HTX hợp tác tốt với Công ty TNHH Một Thành Viên PROCONCO, Công ty Cổ phần Chăn Nuôi C.P Việt Nam cung cấp vật tư bằng với giá của đại lý cấp I. HTX ứng trước vốn và trừ dần vào tiền bán sữa của xã viên, hoàn toàn không phát sinh lãi...

Ngày nào cũng vậy, tầm 16 giờ, nông dân đến điểm thu mua sữa của HTX. Trời càng về chiều càng đông người tới giao sữa. Người đi bằng xe đạp, vắt vẻo thùng sữa phía sau, người chạy xe gắn máy mang tới có khi 2-3 thùng sữa… Tiếng cười nói, tiếng va chạm của những thùng inox lúc bà con làm vệ sinh rộn ràng cả một vùng quê. Anh Trần Hoàng An, Giám đốc HTX Evergrowth, nói đầy hãnh diện: “Nếu được chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, một con bò có thể cho thu nhập tương đương với 1ha trồng lúa/năm”.

2. Phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ có “địa lợi” là diện tích đất cồn, bãi bồi tiếp giáp với sông Hậu khá lớn, thuận lợi nuôi cá tra xuất khẩu. Nhưng nghề này phải có vốn lớn – quá tầm tay của nhiều hộ nông dân. Giải bài toán này, 10 hộ nông dân ở Thới An thống nhất thành lập HTX Thới An vào tháng 10 - 2003.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Thới An, chia sẻ: Bộ máy HTX hoạt động theo mô hình quản lý vừa sản xuất, vừa điều hành. Cán bộ quản lý là những người có uy tín, có khả năng sắp xếp, điều hành tốt công việc. Một yếu tố quan trọng khác, cán bộ quản lý HTX phải có kinh nghiệm trong nghề nuôi cá tra để hướng dẫn, giúp đỡ xã viên. Ban quản lý HTX đưa ra đại hội cổ đông và được xã viên thống nhất cao phương án: Theo từng vụ nuôi, HTX trích 0,6% lợi nhuận trước khi thực hiện trích lập các quỹ dành cho công tác quản lý. Nếu vụ nuôi nào lỗ, quản lý xem như làm không công… “Nhờ cách làm này, Ban quản lý HTX đã nghĩ ra nhiều cách làm hay, nuôi cá tra xuất khẩu mang lại hiệu quả cao, tạo được lòng tin trong xã viên” – ông Nguyễn Ngọc Hải phấn khởi nói. Cách làm của HTX đã được kiểm chứng bằng thực tiễn nhiều năm nay. Trong khi nghề nuôi cá tra xuất khẩu khủng hoảng về giá, sản lượng. Nhiều hộ nuôi cá thể, kể cả có nhiều “đại gia” lần lượt phá sản, trắng tay, nhưng chuyện làm ăn HTX “bình chân như vại” và còn có hướng phất lên.

Thu hoạch cá tra ở HTX Thới An.  Ảnh: T.L 

Làm ăn hợp tác, tin tưởng nhau chính là chìa khóa vàng giúp HTX đứng vững. Đặc biệt, xã viên HTX sẵn sàng giúp nhau về vốn, không tính lãi trong lúc khó khăn. Để giảm chi phí sản xuất cho xã viên, HTX chủ động tìm nguồn và cung cấp thức ăn, thuốc trừ bệnh… cho cá trực tiếp từ nhà máy, công ty giá rẻ hơn các đại lý... “Nói chung, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, Ban quản lý HTX đều có phương án, kế hoạch. Tất cả phải được bàn bạc cụ thể, thống nhất cao thì mới có thể đi đến thắng lợi” – ông Hải nói. Từ năm 2005, các địa phương vùng ĐBSCL mở rộng vùng nuôi cá tra nguyên liệu phục vụ xuất khẩu. HTX dự đoán tiêu thụ cá sẽ khó khăn nên đã chủ động liên hệ với Công ty Cổ phần Hùng Vương ký kết hợp đồng bán cá trước khi nuôi. Công ty chấp thuận, HTX giao cá đúng thời gian, chất lượng sản lượng… Từ đó, công ty tín nhiệm và chia sẻ khó khăn cùng HTX. Nghĩa là tại thời điểm giao cá cho công ty, nếu giá cá trên thị trường cao hơn giá ký hợp đồng, công ty sẵn sàng cho thêm 50% giá cao hơn giá đã ký hợp đồng.

Tránh tình trạng “treo ao”, năm 2008, HTX đàm phán với Công ty Cổ phần Hùng Vương thỏa thuận nội dung hợp đồng mới trên cơ sở hợp tác đầu tư. Công ty khoán cung cấp thức ăn và chi phí khác bao gồm tiền cá giống, thuốc trị bệnh, công nuôi… HTX tổ chức nuôi, giao sản phẩm cho công ty và hưởng giá trị trên cơ sở sản lượng và phần chi phí do tiết kiệm được trong quá trình nuôi cá. Với cách làm mới này, HTX và hộ xã viên nuôi ao nhà, không phải đầu tư vốn nhiều, chỉ cần nuôi cá đạt theo yêu cầu hợp đồng với chi phí thấp nhất có thể. Nhờ vậy, 5 năm qua HTX có lãi ổn định từ 1.500– 2.000 đồng/kg cá.

Từng bước vững chắc, HTX Thới An tạo lập vị thế trong ngành nuôi cá tra. Diện tích nuôi khi mới thành lập 3.000m2 lúc phát triển cao điểm (năm 2010) đạt 300.000m2; vốn điều lệ từ 500 triệu tăng lên 5,6 tỉ đồng và doanh số từ 1,5 tỉ đồng/năm tăng lên 300 tỉ đồng/năm. Chủ nhiệm HTX Thới An Nguyễn Ngọc Hải chia sẻ: “Phải thuyết phục xã viên tin tưởng, thống nhất và cam kết với HTX không được “bẻ kèo” khi giá thị trường cao hơn hợp đồng. Tình trạng này nhiều năm nay đã không xảy ra. HTX xác định thành công trên là yếu tố quyết định là niềm tin của xã viên vào Ban quản lý và vào tương lai của HTX…”.


3. HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Cường (HTX Tân Cường) ở ấp Tân Cường, xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp là điểm sáng về những thành công trong sản xuất kinh doanh. Hôm tôi đến HTX, trước sân ngôi nhà cấp 4 khang trang chất đầy những bao lúa giống, bao phân chuẩn bị cho mùa vụ mới… Ông Nguyễn Văn Trãi, Giám đốc HTX, cho biết: “HTX vừa chuyển trụ sở mới hơn nửa tháng nay… Trụ sở cũ bên kia, bây giờ là nhà kho tạm, chứa vật tư nông nghiệp”.

Tháng 10-2000, HTX Tân Cường chính thức hoạt động với ý định ban đầu của 130 xã viên là làm dịch vụ tưới tiêu. Những năm tiếp theo, chuyện làm ăn của HTX dần “nở nồi”. Ông Nguyễn Văn Trãi chia sẻ: Mỗi năm HTX đều có thêm dịch vụ mới, hiệu quả, đem lại lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước. Ngoài dịch vụ tưới tiêu, HTX phát triển dịch vụ tín dụng nội bộ, nước sạch nông thôn, cung ứng vật tư nông nghiệp, cơ giới hóa trong và sau thu hoạch, sản xuất lúa giống và tiêu thụ lúa hàng hóa; dịch vụ sấy, bảo quản và sơ chế. Chuyện làm ăn nào bà con xã viên xắn tay gắn sức vào là xong chuyện đó! Từ chỗ chỉ phục vụ 430ha, nay 1.200ha đất sản xuất của HTX đã chủ động tưới tiêu bằng bơm điện. Dịch vụ tín dụng nội bộ doanh số dư nợ nay đạt hơn 7,5 tỉ đồng, gấp 6 lần năm đầu tiên (2004)… Doanh thu của HTX Tân Cường năm 2012 đạt trên 3,6 tỉ đồng, tăng hơn 1,4 tỉ đồng so với năm trước; lợi nhuận sau thuế hơn 900 triệu đồng; thu nhập của xã viên HTX đạt 3 triệu đồng/người/tháng. Năm 2013, lợi nhuận sau thuế của HTX ước đạt 1,2 tỉ đồng.

Nhớ về những ngày mới thành lập, ông Nguyễn Văn Trãi không giấu được vẻ đăm chiêu. Ông kể: “Hồi đó, HTX chỉ có 31 triệu đồng vốn điều lệ so với yêu cầu thực tế cần 325 triệu đồng!”. “Vậy HTX làm gì để người dân tin tưởng, tham gia góp vốn?”- tôi hỏi. “Cái gì cũng phải xuất phát từ nhu cầu, lợi ích của xã viên. Sau đó mới tính tới thực lực vốn, nhân lực… Người dân còn nghèo, đồng vốn bỏ ra là cả những ngày cực khổ…” - ông nói. Như chuyện tổ chức sản xuất lúa theo hướng hiện đại. Từ năm 2009, HTX cùng xã viên thực hiện mô hình cánh đồng lớn gắn với hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp. “Thực hiện mô hình cánh đồng lớn năm 2009-2011, xã viên HTX thu hoạch trên 21.000 tấn lúa chất lượng cao. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lợi nhuận từ việc trồng lúa của HTX tăng thêm 2,5-3,2 tỉ đồng, thúc đẩy các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp phát triển. Vụ đông xuân 2013-2014, HTX đã ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty Võ Thị Thu Hà cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho 1.500ha trồng lúa… Đến nay HTX thu hút được gần 10.390 cổ phần, gấp 10 lần so với năm 2009”- ông Trãi chia sẻ. “Cái yếu nhất của các HTX nông nghiệp hiện nay là nguồn nhân lực, nhất là cán bộ quản lý, HTX Tân Cường đã giải quyết vấn đề này như thế nào?” - tôi hỏi thẳng thắn. Không ngần ngại, ông trả lời: “Những năm đầu thành lập thì rất khó… Bây giờ, 5/11 thành viên trong bộ máy tổ chức quản lý, điều hành của HTX có trình độ đại học. Trong số này có 3 người HTX cử tuyển con em đi đào tạo. Nhờ vậy, mọi hoạt động đã vào nề nếp”.

Một trong những đột phá của HTX giai đoạn 2013-2016 là đầu tư kho, lò sấy, nhà máy chế biến gạo với diện tích 11.500 m2. Ngoài Dự án cạnh tranh Nông nghiệp (ACP) do Ngân hàng thế giới tài trợ (xây dựng lò sấy tháp 40 tấn/mẻ, 2 kho chứa 2.000 tấn), HTX sẽ đầu tư xây dựng 6 lò sấy vỉ ngang công suất 240 tấn và nhà máy xay xát, chế biến 40.000 tấn/năm… Giám đốc Nguyễn Văn Trãi tâm huyết nói: “Nâng cao hơn nữa lợi nhuận cho người trồng lúa, không gì khác hơn bằng cách rút ngắn khoảng cách từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ; giảm thất thoát sau thu hoạch… HTX sẽ hoàn thành điều này vào năm 2015!”.

***

Trong bối cảnh phát triển kinh tế hợp tác, HTX còn không ít khó khăn, thì thành công hơn 10 năm qua của HTX Tân Cường, HTX Evegrowth, HTX Thới An… là những điểm sáng. Những hình mẫu có tính thực tiễn này đã rũ bỏ “cái bóng” của HTX kiểu cũ; nâng cao nhận thức vị trí, vai trò và xu thế của kinh tế hợp tác trong phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, hội nhập với kinh tế thế giới.

Chia sẻ bài viết