19/05/2021 - 09:39

Chuyển hướng kinh doanh với thương mại điện tử 

Kinh doanh online đưa sản phẩm tiếp cận khách hàng nhanh chóng, tiết kiệm chi phí, tối đa hóa lợi nhuận. Trong bối cảnh dịch COVID-19 tái bùng phát, hoạt động kinh doanh online được xem là lối mở để các cá nhân, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp (DN) tại TP Cần Thơ tập trung khai thác.

Bộ phận phụ trách mảng kinh doanh online của Công ty TNHH Thời trang Eros Việt Nam.

Bắt nhịp kinh doanh online

Thông thường, các DN lớn có bộ phận kinh doanh, bán hàng, marketing được tuyển dụng, đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, trong khi DN nhỏ và vừa lại hạn chế về nguồn lực. Vì thế, chọn lựa tiếp cận khách hàng, xây dựng thương hiệu qua kênh thương mại điện tử, qua mạng xã hội là lựa chọn của không ít hộ kinh doanh cá thể cũng như các DN nhỏ và vừa hiện nay.

Công ty TNHH Thời trang Eros Việt Nam (quận Ninh Kiều) chuyên sản xuất, phân phối các sản phẩm thời trang thể thao được thành lập được 10 năm nhưng phát triển mạnh mảng thương mại điện tử từ năm 2016. Showroom của Công ty chuyên về trưng bày sản phẩm và chỉ chiếm khoảng 5% doanh số. Kênh bán hàng offline của Công ty tập trung phân phối vào hệ thống bán sỉ với doanh số chiếm từ 40-50% và doanh số còn lại đến từ kênh online. Ðể phát triển kênh online, Công ty thành lập phòng marketing tại trụ sở chính và thuê thêm bộ phận makerting dịch vụ tại 2 thị trường lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đồng thời kết hợp các hoạt động chạy quảng cáo trên Google, Facebook để tăng cường khả năng tiếp cận khách hàng.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thời trang Eros chia sẻ: Ðể đầu tư chạy quảng cáo, Công ty phải bỏ ra chi phí rất lớn nhưng đổi lại là tăng khả năng nhận diện sản phẩm của khách hàng. Bộ phận marketing có trách nhiệm xây dựng các chiến dịch quảng bá cho sản phẩm, viết nội dung truyền thông và kiểm soát lợi nhuận mang lại từ một chương trình quảng bá. Yêu cầu cơ bản nhất là chi phí quảng cáo ít nhất phải bằng với doanh thu trở lên. Bên cạnh đó, Công ty không tập trung bán hàng trên các kênh thương mại điện tử mà dành thị phần này cho đại lý bán sỉ. Như vậy khách sỉ có thể đăng tải sản phẩm lên Tiki, Sendo, Shopee, Lazada… để tìm kiếm khách hàng.

Tùy thuộc vào định hướng phát triển thị trường và đối tượng khách hàng mà các đơn vị chọn lựa kênh tiếp cận cũng như hình thức tiếp cận khách hàng online sao cho phù hợp. Làm chủ cơ sở kinh doanh trái cây Lộc Anh, chị Nguyễn Thị Nhã Trân (quận Ninh Kiều) đã nhanh chóng bắt nhịp với công nghệ để phát triển thị trường sau khi tham gia một khóa học về đào tạo kỹ năng bán hàng online. Chị Trân chia sẻ: Cơ sở kinh doanh trái cây Lộc Anh của tôi chuyên bán sỉ trái cây toàn quốc, chủ yếu bán các loại trái cây đặc sản của ÐBSCL ra miền Bắc và nhập trái cây từ nhiều vùng, miền về bán tại Cần Thơ và các tỉnh lân cận. Trước đây tôi bán hàng dựa vào mối quen là chính, nhưng khi dịch COVID-19 bùng phát, tôi tham gia khóa học về bán hàng online từ tháng 8-2020 và ứng dụng những kỹ năng đó vào việc phát triển mạng lưới cộng tác viên bán hàng online; chú trọng hơn đến việc quảng bá sản phẩm thông qua kỹ năng chụp ảnh, quay video clip các mặt hàng trái cây sao cho đẹp mắt để gửi cho đại lý và cộng tác viên. Nhờ kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp, lượng khách hàng lẫn doanh số của cửa hàng đều tăng đáng kể.

Giữ khách hàng bằng uy tín

Ða phần DN tại Cần Thơ để có quy mô nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ. Số hộ kinh doanh cá thể quy mô gia đình cũng chiếm đáng kể với đa dạng ngành nghề kinh doanh. Và môi trường kinh doanh online, thương mại điện tử thực sự mở ra sân chơi lớn, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp ra khỏi phạm vi địa phương, vùng miền. Sân chơi lớn này đòi hỏi DN phải tạo được dấu ấn riêng. Anh Nguyễn Văn Tuấn, chia sẻ: Ðể kênh bán hàng online phát huy hiệu quả, sản phẩm của công ty phải tạo được sự khác biệt, phải đảm bảo uy tín, chất lượng. Bởi dù chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội sẽ tăng lượng khách hàng tiếp cận sản phẩm gia tăng doanh số, nhưng việc giữ chân khách hàng với sản phẩm mới là yếu tố quyết định cho sự phát triển lâu dài của doanh DN. Do đó, Công ty chú trọng đầu tư dây chuyền sản xuất, nâng cao tay nghề của người lao động. Ðặc biệt là các dòng sản phẩm của công ty phải tạo được sự khác biệt về chất lượng, mẫu mã thiết kế để chinh phục khách hàng.

Bản thân DN, các hộ kinh doanh cá thể luôn nhận thức được rằng dù thị trường có rộng mở đến đâu, công cụ tiếp cận khách hàng có chuyên nghiệp, hiện đại như thế nào cũng phải bắt nguồn từ cái gốc là chất lượng sản phẩm. Chị Nguyễn Thị Nhã Trân chia sẻ: Các công cụ online giúp cơ sở tiếp cận gần hơn với khách hàng, giúp xây dựng hình ảnh sản phẩm sao cho thu hút khách hàng. Song đó chỉ là một phần. Ðối với mặt hàng trái cây, để giữ vững uy tín, cơ sở đã chủ động liên kết với các nhà vườn để canh tác theo quy trình sạch, đảm bảo chất lượng sản phẩm, thậm chí kết hợp chính sách bán hàng bao đổi trả nếu phát sinh vấn đề về chất lượng. Chính sự cam kết này khiến hệ thống đại lý bán sỉ, cộng tác viên bán lẻ lẫn khách hàng yên tâm và tin tưởng vào chất lượng trái cây mà cơ sở cung cấp.

Ông Trần Hải Long, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết: Trong năm 2021, sẽ tập trung thực hiện Ðề án “Xây dựng giải pháp quản lý dữ liệu và xúc tiến bán hàng trực tuyến hỗ trợ DN TP Cần Thơ” nhằm thúc đẩy việc ứng dụng có hiệu quả thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, hỗ trợ các DN vừa và nhỏ xây dựng, phát triển mạng lưới bán hàng, quản lý và chăm sóc khách hàng hiệu quả. Theo ông Long, DN là chủ thể trong quá trình triển khai hoạt động thương mại điện tử. Vì thế, DN phải xem việc đầu tư, tiếp cận và ứng dụng thương mại điện tử là việc làm cấp thiết, tránh tình trạng lệ thuộc vào các kênh thương mại truyền thống. Ðặc biệt, trên môi trường thương mại điện tử, khách hàng có nhiều cơ hội để tiếp cận với sản phẩm của nhiều DN. Ứng dụng thương mại điện tử giúp DN tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn song cùng mang đến nhiều áp lực cạnh tranh hơn, nhất là trong bối cảnh phải thích ứng với tình hình dịch COVID-19 tái bùng phát hiện nay. Do đó, đi đôi với hoạt động xúc tiến thương mại điện tử, DN phải không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu khách hàng, gia tăng khả năng tiếp cận, khai thác dư địa từ thị trường nội địa.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết