15/02/2025 - 08:33

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Phong, Phó Hiệu trưởng Trường ÐH FPT, Giám đốc Trường ÐH FPT Phân hiệu Cần Thơ:

Chuyển đổi số góp phần nâng cao chất lượng quản lý, đào tạo 

Nhiều năm qua, Trường Ðại học (ÐH) FPT Phân hiệu Cần Thơ luôn quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CÐS) vào các công tác của nhà trường, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao cho TP Cần Thơ, ÐBSCL và cả nước. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Phong, Phó Hiệu trưởng Trường Ðại học FPT, Giám đốc Trường ÐH FPT Phân hiệu Cần Thơ, cho biết:

Thời gian qua, cùng với hệ thống Trường ÐH FPT trên cả nước, Trường ÐH FPT Phân hiệu Cần Thơ đã triển khai mạnh mẽ ứng dụng CNTT và CÐS trong công tác quản lý và đào tạo. Trường áp dụng hệ thống quản lý học tập LMS (Learning Management System), cổng thông tin FAP (FPT Academic Portal) để triển khai các hoạt động liên quan đến đào tạo, lưu trữ tài nguyên học tập và cung cấp thông tin thông suốt tới cán bộ, giảng viên và sinh viên.

Ðể thực hiện phương pháp giáo dục “Kiến tạo xã hội”, nền tảng EduNext do FPT phát triển cũng được triển khai như một hệ sinh thái nhằm tổ chức và quản lý toàn bộ hoạt động học tập, giảng dạy, nghiên cứu bài và tương tác trên lớp. Trường ÐH FPT đã đưa các khóa học trực tuyến Coursera vào 20% số môn học của trường, nhằm giúp sinh viên làm quen với mô hình học trực tuyến cùng các giáo sư đến từ các trường ÐH hàng đầu thế giới theo triết lý “học tập tinh thông” (mastery learning). Ðiều này vừa giúp cho sinh viên được tiếp cận với các tri thức mới nhất của thế giới, đồng thời học được kỹ năng tự học để học tập suốt đời - là kỹ năng quan trọng nhất cho sinh viên trong bối cảnh công nghệ hiện nay và trong tương lai. Trong một số hoạt động khác như tuyển sinh, Trường ÐH FPT đã áp dụng các cổng thông tin điện tử phục vụ việc đăng ký và nhập học của thí sinh, giảm thiểu tối đa thời gian của phụ huynh và thí sinh trong việc làm và nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển, thủ tục nhập học.

Dấu ấn nổi bật trong CÐS tại nhà trường cụ thể là gì, thưa Tiến sĩ?

- Bên cạnh hiệu quả trong CÐS nêu trên, thì dấu ấn nổi bật trong CÐS tại Trường ÐH FPT là việc không sử dụng tiền mặt trong toàn trường, từ đóng học phí đến thanh toán tiền ăn uống tại căn tin nhà trường. Chính sách không dùng giấy (paperless) cũng được áp dụng triệt để trong việc quản trị và đào tạo của toàn trường, từ tài liệu phục vụ học tập, đề thi, tiểu luận, đồ án, thông báo, báo cáo, ký hợp đồng, thanh toán… tất cả đều sử dụng bản mềm, bản điện tử. Các thủ tục, dịch vụ sinh viên được tổ chức theo mô hình một cửa điện tử, giúp sinh viên có thể dễ dàng có được các hỗ trợ của nhà trường. Ðặc biệt, kể từ sau đại dịch COVID-19, Trường ÐH FPT Phân hiệu Cần Thơ triển khai mạnh mẽ mô hình lớp học kết hợp trực tiếp - trực tuyến (blended learning), điều này giúp đảm bảo chất lượng đào tạo, đồng thời tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí cho sinh viên, nhà trường và cộng đồng.

Thưa Tiến sĩ, nhà trường đã chuẩn bị các điều kiện, nguồn lực nào để phục vụ công tác CÐS?  

- CÐS chỉ có thể thành công nếu triển khai đồng bộ được cả 3 khía cạnh: con người, công nghệ và tài chính. Trong đó, yếu tố then chốt nhất là quyết tâm và tầm nhìn của lãnh đạo. Sau đó là việc xác định chính xác các vấn đề đang tồn tại hay những điểm có thể thay đổi triệt để nhằm giúp tổ chức đạt hiệu quả hoặc mang lại các giá trị, trải nghiệm khác biệt cho người dùng. Trường đã xây dựng một đội ngũ kỹ sư CNTT và chuyên gia hàng đầu để phát triển các ứng dụng và hệ thống phục vụ cho việc CÐS này. Song song đó là đào tạo và triển khai các hệ thống này tới tất cả thành viên của Trường ÐH FPT, từ cán bộ giảng viên đến sinh viên, phụ huynh. Ngoài những lợi ích khi được làm quen và ứng dụng công nghệ vào việc học tập hằng ngày, sinh viên FPT còn có cơ hội được sống, trải nghiệm trong môi trường công nghệ; áp dụng các tư duy công nghệ vào giải quyết các vấn đề của bản thân. Ðiều này sẽ tạo nên sự khác biệt về kỹ năng và tư duy trong công tác sau này khi các bạn ra trường, dù làm việc trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật hay bất cứ một lĩnh vực nào khác của cuộc sống.

Một buổi học của sinh viên Trường ĐH FPT Phân hiệu Cần Thơ. Ảnh: CTV

Bên cạnh đó, lãnh đạo trường luôn quan tâm đầu tư như hệ thống các phòng Lab hiện đại, các phòng học mô phỏng, hệ thống mạng không dây… phục vụ sinh viên. Trường ÐH FPT còn được thừa hưởng những hạ tầng và lợi ích công nghệ của Tập đoàn FPT, đặc biệt trong những lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện CÐS, bên cạnh thuận lợi, nhà trường còn gặp những khó khăn, đặc biệt là sự thay đổi trong nhận thức của cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên. Bởi thói quen cũ, việc ngại thay đổi cũng là những rào cản lớn trong việc thực hiện CÐS, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của tập thể thầy và trò.

Ðược biết, Trường ÐH FPT Phân hiệu Cần Thơ mở mới một số ngành/chuyên ngành phục vụ CÐS. Tiến sĩ có thể thông tin cụ thể hơn về các ngành này?

- Với sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ mới, các cách thức vận hành mới trong kinh doanh và cuộc sống, việc các trường ÐH mở thêm các ngành học mới phù hợp với xu thế xã hội là tất yếu. Không chỉ đáp ứng cho các đổi thay trước mắt, các trường ÐH tiên phong cần phải nhìn trước nhu cầu và có phương hướng chuẩn bị nhân lực cho nhiều năm về sau.

Hiện tại, tại Trường ÐH FPT Phân hiệu Cần Thơ, chúng tôi đã triển khai các ngành liên quan như: Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ ô-tô số, ngành hẹp IoT (Internet vạn vật), An toàn thông tin, Thiết kế vi mạch bán dẫn… Ðây là những ngành học mũi nhọn để phục vụ cho việc CÐS và thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các chương trình đào tạo của nhà trường luôn được xây dựng dựa trên các quy định của Bộ Giáo dục và Ðào tạo cùng với các chuẩn quốc tế và nhu cầu doanh nghiệp. Nhà trường đã đầu tư các phòng Lab với trang thiết bị tiên tiến cho việc triển khai các ngành học này. Ðồng thời tuyển chọn các giảng viên là thạc sĩ, tiến sĩ có nhiều kinh nghiệm về các lĩnh vực này từ nước ngoài về để triển khai các chương trình đào tạo.

Tiến sĩ có thể cho biết định hướng phát triển sắp tới của nhà trường?

- Trong thời gian tới, nhà trường tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo để cung cấp nguồn nhân lực tốt nhất cho lĩnh vực CÐS và các lĩnh vực khác tại TP Cần Thơ, ÐBSCL và cả nước. Nhà trường đã có kế hoạch bổ sung các ngành học mới phù hợp với sự thay đổi của xã hội và công nghệ. Tất cả các ngành học đều được xem xét để thay đổi, bổ sung và cập nhật các ứng dụng công nghệ, đặc biệt là về ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Song song với các chương trình đào tạo học thuật, chúng tôi tập trung tăng cường trải nghiệm cho sinh viên, trong đó 3 chương trình trải nghiệm chính đang được tập trung triển khai bao gồm: Trải nghiệm công nghệ, Trải nghiệm quốc tế và Trải nghiệm khởi nghiệp, với mục tiêu giúp sinh viên FPT có đủ tư duy và kỹ năng công nghệ, có khả năng làm việc trên quy mô toàn cầu và sẵn sàng đóng vai trò then chốt tại các doanh nghiệp.

Xin cảm ơn Tiến sĩ!l

Trường ÐH FPT Phân hiệu Cần Thơ hiện có 7.000 sinh viên, với 4 nhóm ngành trình độ ÐH gồm: CNTT, Kinh doanh, Công nghệ truyền thông, Ngôn ngữ. Ðội ngũ giảng viên đạt chuẩn trình độ từ thạc sĩ, tiến sĩ trở lên, trong đó hơn 70% du học từ nước ngoài về.

BÍCH NGỌC (Thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết