31/10/2023 - 22:56

Chuyện của người dọn dẹp hiện trường... 

Dọn dẹp hiện trường vụ án là công việc không chỉ đòi hỏi chuyên môn mà còn là sự tử tế và tôn trọng đối với những sinh mệnh đã ra đi. Với kinh nghiệm phong phú nhiều năm trong nghề, tác giả Lư Lạp Lạp (Đài Loan, Trung Quốc) đã kể lại hành trình mình làm nghề cùng những câu chuyện có một không hai trong tự truyện: "Người dọn dẹp hiện trường án mạng" (NXB Dân trí, 2023).

Sau khi tốt nghiệp ngành Khoa học về Sự sống và Cái chết của Đại học Nam Hoa, Lư Lạp Lạp đã đi ngược lại với tương lai mà bố mẹ hy vọng khi chọn làm dịch vụ mai táng, rồi chuyển sang làm dọn dẹp hiện trường án mạng. Dù gặp sự phản đối quyết liệt của gia đình, nhưng anh đã cho mọi người thấy con đường mình chọn tuy khó khăn, vất vả nhưng rất ý nghĩa. Anh cho rằng: "Mục đích duy nhất của việc dọn dẹp hiện trường là hi vọng có thể đưa hiện trường trở về nguyên trạng, không để người nhà chịu đả kích lần hai. Chúng tôi không chỉ dọn sạch vết máu, mà còn dọn đi nỗi sợ và đau thương trong lòng con người" (trang 14).

Qua ngòi bút của Lư Lạp Lạp, công việc của anh hiện lên với những gì chân thực nhất và hết sức đặc thù, đòi hỏi người làm phải có thần kinh thép, sức khỏe tốt và sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, chịu được áp lực cao. Bởi hầu hết các hiện trường đều rất đáng sợ. Nhiều người yếu bóng vía hoặc sức chịu đựng kém đều bỏ chạy khi chứng kiến hiện trường. Do đó, những người làm sạch hiện trường vụ án như tác giả thật sự đáng nể phục. Bên cạnh đó, với những trường hợp nạn chất sống một mình, đội dọn dẹp còn phải vệ sinh toàn bộ căn nhà, phân loại các tài sản, đồ đạc xem thử thứ nào còn dùng được giao cho người nhà hoặc quyên góp, thứ nào vứt đi.

Chứng kiến nhiều hoàn cảnh thương tâm, tác giả cũng không khỏi buồn cho thế thái nhân tình. Có những đứa con bất hiếu bỏ mặc cha mẹ sống một mình, khi họ chết thì lo tranh giành tài sản hoặc vơ vét của cải, không đoái hoài việc lo hậu sự cho tử tế, thậm chí quỵt luôn tiền công dọn dẹp của tác giả. Có những người trẻ vì không chịu nổi áp lực công việc hoặc thất tình mà tự tử, để lại nỗi đau khôn xiết cho người thân. Có những người sống một mình không người thân, họ hàng, cuối cùng vì bệnh tật, tuổi già hoặc cuộc sống bí bách mà ra đi trong cô độc…  

Mỗi một hoàn cảnh, một một hiện trường, một câu chuyện giúp độc giả hiểu thêm về một thế giới mới, những góc khuất trong nghề đặc biệt mà tác giả theo đuổi, đặc biệt là hiểu hơn về tính cách của tác giả. Tác giả tận tâm, trách nhiệm, nghiên cứu, tìm tòi để công việc đạt hiệu quả cao nhất. Anh không nhượng bộ với những người ủy thác keo kiệt, cò kè bớt 1 thêm 2, nhưng lại lấy giá rất rẻ với những gia đình nghèo, những hoàn cảnh đáng thương, thậm chí còn cho tiền họ lo hậu sự cho người thân.

Lư Lạp Lạp còn đề cập đến một phần cuộc sống, xã hội, về những khó khăn khi con người phải bon chen nơi phố thị, sống trong những căn nhà nhỏ chật hẹp hoặc những phòng trọ "ốc sên", về những suy tư, trăn trở của anh với chuyện đời, chuyện nghề… Bên cạnh nội dung độc đáo, thì giọng văn tự sự, gần gũi, pha chút hóm hỉnh, hài hước của tác giả mang lại cho người đọc sự cuốn hút, đồng cảm.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết