07/09/2008 - 21:55

Đồng bằng sông Cửu Long

Chuyển biến tích cực trên những công trình giao thông trọng điểm

Sau Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL vừa qua tại TP Cần Thơ, các địa phương trong vùng đã thống nhất kiến nghị lên Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương về đầu tư hạ tầng giao thông cho vùng. Hiện nay, một số công trình giao thông trọng điểm trong vùng như cầu Rạch Miễu, cầu Cần Thơ, sân bay đã có sự chuyển biến về tiến độ thực hiện và một số công trình khác đang chuyển động...

QUÁ TẢI VÀ XUỐNG CẤP...

Đó là nhận xét của các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL về kết cấu hạ tầng giao thông vận tải (GTVT) của vùng. Theo phản ánh của các địa phương trong vùng, nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông khá lớn, ngân sách địa phương không đáp ứng được, trong khi nguồn vốn ODA bố trí cho vùng chưa đáp ứng nhu cầu. Ông Nguyễn Thanh Bế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Đầu tư cho giao thông, ngân sách địa phương không thể đáp ứng. Do đó, Trung ương cần ưu tiên hỗ trợ vốn ngân sách, ODA, trái phiếu Chính phủ cho vùng”. Tổng nhu cầu vốn cho xây dựng mạng lưới đường bộ đến năm 2020, tỉnh Bạc Liêu cần 10.435 tỉ đồng, trong đó các tuyến quốc lộ (QL) chiếm 1.489 tỉ đồng. Từ nay, đến năm 2010, tỉnh cần hơn 2.000 tỉ đồng đầu tư đường tỉnh và huyện.

Còn ông Vương Bình Thạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, bức xúc: “Sự không đồng bộ về trục tuyến, cầu cống, kết cấu, kỹ thuật... trên đường bộ do thiếu qui hoạch và năng lực đầu tư. Bến tàu, phà khai thác sử dụng hầu như tự phát, lệ thuộc vào điều kiện tự nhiên, trang thiết bị quản lý an toàn còn rất thiếu. Tuyến QL 90 có đến 37 cây cầu, trọng tải chênh lệch, cầu yếu xuống cấp trầm trọng; bến phà Vàm Cống, An Hòa luôn trong tình trạng quá tải, kẹt xe kéo dài. Đến nay, vẫn chưa có cơ chế phù hợp về suất đầu tư công trình giao thông đối với nền đất yếu của ĐBSCL”. Ông Thạnh cho rằng, chỉ có sự liên kết giữa các địa phương trong vùng mới tránh sự phân tán, đầu tư trùng lắp và đảm bảo hiệu quả cao trong đầu tư.

ĐBSCL chiếm 90% lượng gạo xuất khẩu, hơn 50% sản lượng thủy sản của cả nước. Hiện nay, hầu hết các sản phẩm nông sản có thế mạnh xuất khẩu của vùng đều thông qua cảng TP Hồ Chí Minh, làm đội chi phí sản xuất của doanh nghiệp, giảm lợi thế cạnh tranh của sản phẩm. Hàng năm, ĐBSCL phải nhập hơn 2 triệu tấn phân bón và các sản phẩm lọc dầu (trên 1,5 triệu tấn), chủ yếu thông qua cảng tại TP Hồ Chí Minh, chỉ một phần nhỏ qua cảng Cần Thơ. Về giao thông bộ, một số tuyến QL hiện đã quá tải, không đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và sự phát triển kinh tế của vùng. Mặt khác, việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào vùng chủ yếu là những quốc gia ở khu vực châu Á, còn EU và Mỹ chưa nhiều và những dự án với hàm lượng công nghệ trung bình, sử dụng nhiều lao động...

Thi công đúc trụ cầu ở bờ bắc cầu Cần Thơ.
Ảnh: V.K.K 

Trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC) năm 2008, hội nghị lãnh đạo UBND các tỉnh, thành đã đạt được tuyên bố chung để kiến nghị lên Chính phủ, các bộ ngành về đầu tư hạ tầng giao thông vận tải cho vùng. Về đường bộ tập trung đầu tư đồng bộ cho các tuyến QL quan trọng gồm: QL 1, N2, N1, cao tốc TP Hồ Chí Minh- Cần Thơ, QL 80, QL 63, QL 50, QL 60 (cho phép kéo dài tại điểm giao QL1A, từ thành phố Sóc Trăng đi qua đường Sóc Vồ Đường tỉnh 938 - Đường tỉnh 937 thuộc địa phận Sóc Trăng) và nối vào QL61 tỉnh Hậu Giang, tạo liên thông 6 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang và Kiên Giang). Mặt khác, xem xét và có kế hoạch đầu tư tuyến QL ven biển dựa trên các tuyến QL hiện hữu, nhằm tạo điều kiện phát triển đô thị ven biển, kinh tế biển, đồng thời nâng cao suất đầu tư hạ tầng giao thông thủy, đảm bảo đồng bộ giữa giao thông thủy và giao thông bộ cho vùng. Cần có một cơ chế phù hợp, thông thoáng và mạnh dạn cho việc thu hút đầu tư tại ĐBSCL, xã hội hóa việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông ở vùng ĐBSCL; hỗ trợ ngân sách thực hiện đề án Xúc tiến cho vùng, xây dựng một chương trình xúc tiến và truyền thông chuyên nghiệp...

Ông Lưu Phước Lượng, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Trưởng ban chỉ đạo MDEC, nhận xét: “MDEC 2008 tuy còn hạn chế, nhưng đã đạt được những thành công nhất định, tạo được dấu ấn và tiếng nói chung của vùng ĐBSCL về những vấn đề cần giải quyết. Trên cơ sở này, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đã đề xuất lên Chính phủ xem xét. Các địa phương trong vùng tham gia diễn đàn một cách thật sự, chứ không phải với tư cách khách mời. Như vậy, mới đạt được những vấn đề cần kiến nghị, tạo sức mạnh vùng”.

Cuối tháng 8-2008, Phòng Thương mại- Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ đã tổ chức Hội thảo CEO ĐBSCL trong hội nhập kinh tế. Các CEO đã mạnh dạn đề xuất: sớm nâng cấp hạ tầng giao thông trong vùng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh và có chính sách phù hợp để doanh nghiệp tham gia đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT. Mặt khác, nhất quán chính sách giữa các địa phương, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển.


Theo dự kiến, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho toàn vùng ĐBSCL giai đoạn 2006- 2010 cần 450.000 tỉ đồng (khoảng 26 tỉ USD) và nguồn này phải huy động từ nhiều nguồn từ mọi nguồn lực khác nhau trong xã hội. Việc ưu tiên đầu tư cho các công trình giao thông trọng điểm để đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng đang là vấn đề bức thiết hiện nay.

TẠO TIẾNG NÓI CHUNG

Công nhân xây dựng công trình cầu Rạch Miễu đổ những mẻ bê tông cuối cùng để hợp long cầu. Ảnh: THU HÀ 

Từ đầu năm đến nay, ĐBSCL thu hút hơn 2,8 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng. Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch- Đầu tư), cho rằng: “Để cải thiện thu hút đầu tư, cần cải tạo và xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế- kỹ thuật cho vùng và điều này đòi hỏi có nguồn vốn lớn. Do vậy, nhà nước cần tăng cường vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế cho vùng ĐBSCL, nhất là các dự án có tác động đến toàn vùng như: giao thông đường bộ, đường thủy, cầu trên tuyến quốc lộ, xây dựng cảng sông, cảng biển, sân bay, bưu chính viễn thông, cấp điện và nước. Ngoài ra, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư cho vùng, mở rộng xã hội hóa vào nhiều lĩnh vực, cơ chế thu hút nhân tài. Các địa phương cần liên kết với nhau để xây dựng hình ảnh chung của vùng, tránh giẫm chân lên nhau”.

Ngày 26-7-2008, tại Hội nghị Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, đã có kết luận về một số vấn đề trọng tâm cần phải tập trung trong đầu tư hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL. Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông- Vận tải (GTVT) chủ trì phối hợp cùng các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố ĐBSCL tập trung giải quyết những vướng mắc về vốn, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng đường giao thông, sớm đưa vào khai thác, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội vùng. Đó là các công trình: cầu Rạch Miễu, cầu Cần Thơ, cầu Hàm Luông, dự án khôi phục QL1 đoạn Cần Thơ- Năm Căn, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh- Trung Lương, tuyến N1 (đoạn Tịnh Biên- Hà Tiên), mở rộng QL 1 đoạn Mỹ Thuận- Cần Thơ, sân bay Cần Thơ... đồng thời khởi công xây dựng QL 50 đoạn TP Hồ Chí Minh- Gò Công-Mỹ Tho, QL 91 đoạn Châu Đốc- Tịnh Biên, đường cao tốc Trung Lương- Cần Thơ, cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, kênh Quan Chánh Bố, nạo vét luồng Định An và những công trình khác đã được xác định trong kế hoạch 2008.

Một số công trình giao thông vận tải trong vùng hiện đã có chuyển biến tích cực về tiến độ thi công. Công trình cầu Rạch Miễu đã hợp long và dự kiến thông xe kỹ thuật trong tháng 10-2008 để đưa vào sử dụng vào ngày 17-1-2009. Công trình cầu Cần Thơ (gói thầu số 2) đã thi công trở lại; một số tuyến QL đi qua vùng sắp được khởi công...

Theo dự kiến, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho toàn vùng ĐBSCL giai đoạn 2006- 2010 cần 450.000 tỉ đồng (khoảng 26 tỉ USD) và nguồn này phải huy động từ nhiều nguồn từ mọi nguồn lực khác nhau trong xã hội. Việc ưu tiên đầu tư cho các công trình giao thông trọng điểm để đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng đang là vấn đề bức thiết hiện nay.

Riêng luồng tàu vào các cảng khu vực sông Hậu có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế- xã hội khu vực đã có phương án đầu tư cụ thể (ngày 2-8-2008, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng chủ trì và kết luận về vấn đề này). Về chủ trương phục vụ vận tải biển khu vực ĐBSCL, nghiêm túc thực hiện theo Quyết định 344/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Giao Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục nạo vét duy tu luồng Định An với cao độ đáy luồng -3.5 m (hải đồ) cho tàu 5.000 DWT, hình thức chọn nhà thầu theo qui định. Lập dự án đầu tư nạo vét duy tu luồng Định An với mức độ chạy tàu hạn chế có lợi dụng thủy triều cho tàu 5.000- 10.000 DWT; thực hiện đấu thầu trọn gói, rộng rãi mang tính quốc tế; phân tích và đánh giá tính khả thi của dự án và hoàn thành trong tháng 10-2008. Mặt khác, tập trung hoàn chỉnh thiết kế kỹ thuật một gói thầu về Dự án Luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu (qua kênh Quan Chánh Bố) để khởi công trong quí I-2009... Đây là tiền đề cho các sản phẩm hàng hóa của vùng vươn xa và tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế- xã hội vùng ĐBSCL.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết