06/08/2016 - 15:56

Chuyện bên dòng Kinh Giải Phóng

Ký sự  Nhật Hồng

"Đất địa ở đây linh thiêng lắm, vì nó đã nhuộm máu của những người kiên cường, không khuất phục đầu hàng giặc", ông Ngô Văn Quang (thường gọi là ông Chín Quang), cựu chiến binh nay đã ngoài 80 tuổi, ngụ khu vực Trường Hòa, phường Trường Lạc, quận Ô Môn, hồi tưởng.

Ông tham gia cách mạng năm 1952, đấu tranh chính trị trong lòng giặc bằng cách thành lập đoàn văn nghệ. Trong thời gian này ông đã biên soạn nhiều vở tuồng phục vụ đồng bào nhiều nơi. Mấy năm 1959-1960, bởi Luật 10/59 của Ngô Đình Diệm mà nhiều cơ sở của ta bị đánh phá. Qua năm 1960 ta lần lượt xây dựng lại cơ sở, nhưng trên các tuyến sông, đường bộ then chốt và các ngã ba bị giặc đóng đồn bót không thể đi lại được. Chi bộ Đảng Trường Lạc đề ra kế hoạch đào con kinh mang tên Giải Phóng, từ Trà Luộc tắt qua Kinh Đình để đi qua Trái Bầu, Cái Túc, Mương Khai xã Trường Thành, nối khu vực qua lộ Vòng Cung thông đến Cần Thơ.

Sau một thời gian vận động, mờ sáng ngày 25 tháng 4 âm lịch năm 1961, hơn 70 bà con nông dân dùng leng, cuốc bắt tay vào việc đào kinh. Kinh đào được một phần thì giặc chia làm nhiều mũi tấn công: Trà Luộc đi vô, Rạch Tra đi xuống, Trái Bầu, Trà An đổ lên. Phía ta, lực lượng du kích ít ỏi nên không thể ngăn chặn. Giặc nhanh chóng chặn đường rút lui của ta về hướng Trường Thành ở giữa bờ kinh Sư Được. Ở đây chúng leo lên ngọn cây nhìn xuống thấy rõ ta "chém vè" ở từng bụi lác, chúng vây bắt được hơn mười người, trói ngoặt tay sau lưng gom lại bờ đìa gần đó. Từng người bị hành quyết tại chỗ, nhưng không ai khai ra những người đã thoát.

Ông Ngô Văn Quang. 

Trong mười một anh em hy sinh, chín người ở địa phương, còn hai người ở xa mới về. Có anh mới cưới vợ hai hôm, có anh vợ vừa mới sinh con ba ngày. Sau vụ bắt bớ giết hại ấy, con Kinh Giải Phóng dang dở, giặc tưởng đâu đã trấn áp được lòng dân, nhưng nào ngờ dân chuyển sang đào kinh âm thầm ban đêm. Chi bộ phân công từng nhóm nhỏ chừng 15 trai tráng khỏe mạnh đào, có phân công người canh gác cẩn thận hai đầu, khi có ám hiệu báo động thì tản ra thành dân đi bắt chuột. Cứ mỗi đêm đào chừng vài trăm mét, tình hình động thì ngưng, yên thì đào. Chẳng bao lâu con kinh dài non cây số được thông tuyến. Thấy nước bắt nguồn từ Rạch Trà Luộc chảy qua Trái Bầu, Trường Thành, Định Môn, bà con mừng lắm. Việc đi lại rất nhanh, an toàn tránh được đồn bót, nối liền 3 xã: Trường Lạc, Trường Thành, Định Môn.

Lúc chiến sự ở Cần Thơ gay go vào đỉnh điểm của "Việt Nam hóa chiến tranh", giặc đã ra sức ngăn chặn mọi đường của quân ta bằng hệ thống đồn bót dày đặt. Con Kinh Giải Phóng lúc bấy giờ trở thành đường dây đỏ nối liền vùng căn cứ cách mạng từ rừng U Minh, Kiên Giang đi lên, không qua hệ thống đồn bót giặc. Qua Kinh Giải Phóng rồi qua lộ Vòng Cung là đến sân bay Trà Nóc, thủ phủ của Tư lệnh Quân Khu IV của giặc. Con kinh nhỏ nhưng mang sứ mạng lớn đưa rước hàng ngàn lượt cán bộ chiến sĩ qua lại một cách an toàn, giặc không hề hay biết.

***

"Sứ mệnh của con Kinh Giải Phóng tưởng chừng đã chấm dứt sau khi chiến tranh kết thúc, nào ngờ nó luôn gắn bó với con người bước qua những giai đoạn khó khăn để phát triển", ông Chín Quang nói.

Mùa thu hoạch lúa bên Kinh Giải Phóng.

Hiện nay, tại Ô Môn con Kinh Giải Phóng đi qua hai khu vực Trường Hòa và Trường Trung thuộc phường Trường Lạc. Dọc theo con kinh, là những cuộc "hội thảo đầu bờ" của các lão nông gắn bó cả đời với nơi đây như ông Hai Đức, Út Củng, Út Thung. Ông Hai Đức vẫn nhớ như in ngày 30-4-1975, xóm làng mừng ngày thống nhất đất nước. Ông Hai Đức lúc ấy 30 tuổi, nghe theo lời cha, ông bám ruộng quê nhà. Những năm đó năng suất không cao, chừng 10 giạ- 15 giạ lúa một công là trúng lắm. Mỗi năm canh tác một vụ lúa mùa, mười hai tháng trông chờ vào cây lúa. Trải qua những năm khó khăn 1987- 1988, nông dân ven bờ Kinh Giải Phóng thay thế dần lúa mùa bằng các giống lúa mới ngắn ngày; từ phát cấy chuyển sang cày trâu, cày máy; lại tăng cường cải tạo đất. Nông dân ven Kinh Giải Phóng đề xuất với chính quyền, xẻ những con kinh nhỏ từ kinh Giải Phóng lên để dẫn và thoát nước phục vụ sản xuất.

Phải mất mười năm trời cây lúa ngắn ngày mới ổn định trên vùng đất Kinh Giải Phóng. Đến những năm 1990, có sự tham gia của các kỹ sư Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, khoa học kỹ thuật được đưa vào đồng ruộng, nông dân nhanh chóng tiếp thu và ứng dụng. Các nhóm lúa dài MTL, dài thơm dẻo nhóm JM, nhóm tròn lỡ như OM đều được nông dân ở Kinh Giải Phóng trồng thử nghiệm. Cuối cùng, nhóm OM được bà con ưa thích vì năng suất cao, mùa thuận có thể thu hoạch đến 1,2-1,3 tấn/công/vụ.

Ông Hai Đức nói con Kinh Giải Phóng trực tiếp tải nước phục vụ cho hơn 50 hécta ruộng hai bên bờ kinh. Còn nếu tính ảnh hưởng của nguồn nước Kinh Giải Phóng phải nói có vài ngàn hécta. Cứ vào mùa thu hoạch lúa, trên cánh đồng lúa no hạt oằn bông, không ai khỏi bồi hồi nhớ đến dòng nước của con Kinh Giải Phóng có lẫn máu của mười một anh em hy sinh khi đào khơi dòng nước. Năng suất lúa đã ghi lại một bước phát triển, đổi đời nông dân ở 2 khu vực Trường Hòa và Trường Trung là thực tế. Vùng đất này ngày xưa nông dân một năm thu hoạch 10 giạ/công (tương đương 2 tấn/hécta/năm), nay chỉ vụ đông xuân thôi cũng có 12 tấn/hécta, vụ hè thu 10 tấn/hécta, vụ thu đông 10 tấn/hécta.

***

Con Kinh Giải Phóng lúc mới được đào bề ngang khoảng bốn mét nhưng qua năm tháng nước chảy xói mòn làm cho kinh rộng ra. Nông dân đôi bờ nhờ có dòng nước Kinh Giải Phóng mà tiếp cận cây lúa ngắn ngày, bắt đầu phát triển vườn cây ăn trái: nhãn da bò, chôm chôm, sầu riêng hạt lép... Các tuyến giao thông phục vụ sản xuất, lưu thông nông sản cũng được đầu tư, hứa hẹn những bước phát triển không ngừng trong đời sống nhân dân ở con kinh từng là huyết mạch giao thông của cách mạng ta những năm chống Mỹ.

Chia sẻ bài viết