27/03/2009 - 08:25

Chương trình kiểm tra, giám sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương năm 2009

* Tăng cường vai trò giám sát của xã hội trong phòng, chống tham nhũng

Ngày 26-3-2009, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết: Tiếp tục thực hiện mục tiêu, phương hướng và nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, năm 2009, chương trình kiểm tra, giám sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm:

Chương trình kiểm tra năm 2009 của Bộ Chính trị sẽ kiểm tra 3 nội dung:

- Kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị;

- Kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước;

- Kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, Nghị quyết Trung ương 9 (khóa IX) và Nghị quyết Đại hội X của Đảng về sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

Thành lập 3 đoàn kiểm tra, mỗi đoàn do một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị làm Trưởng đoàn.

Chương trình kiểm tra năm 2009 của Ban Bí thư:

- Kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi tiêu mua sắm tài sản và sử dụng ngân sách nhà nước để tổ chức các đoàn cán bộ đi công tác nước ngoài đối với: 2 ban thường vụ tỉnh ủy, 1 đảng đoàn, 1 ban cán sự đảng ở Trung ương, 1 cơ quan cấp bộ.

- Kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tiếp nhận, quản lý và phân bổ nguồn tiền ủng hộ khắc phục hậu quả thiên tai, người nghèo và các hoạt động từ thiện đối với 1 đảng đoàn ở Trung ương.

- Kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước để tổ chức các đoàn cán bộ đi nước ngoài và quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản đối với 1 ban thường vụ tỉnh ủy.

- Kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước để tổ chức các đoàn cán bộ đi công tác nước ngoài đối với 2 ban thường vụ thành ủy trực thuộc Trung ương.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra, giám sát theo điều 32, Điều lệ Đảng quy định:

- Kiểm tra có dấu hiệu vi phạm đối với 13 tổ chức đảng;

- Kiểm tra 17 đảng viên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý và cán bộ thuộc cấp ủy cấp dưới quản lý;

- Kiểm tra 17 tổ chức đảng về thực hiện nhiệm vụ kiểm tra và thi hành kỷ luật trong Đảng;

- Giám sát 24 tổ chức đảng, trong đó có 20 ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, 4 tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và cấp trên cơ sở;

- Kiểm tra công tác tài chính đảng đối với 4 tổ chức;

- Giám sát việc quản lý tài chính Đảng đối với 3 Ban thường vụ tỉnh ủy

-Phúc tra thực hiện kết luận kiểm tra tài chính đảng đối với 1 ban thường vụ thành ủy và 1 doanh nghiệp đảng.

* Thực hiện Chương trình công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ngày 26-3, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã về làm việc với tỉnh Đắc Lắc.

Sau khi nghe báo cáo của Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng tỉnh Đắc Lắc từ năm 2008 đến nay, đồng chí Lê Hồng Anh đã đánh giá cao việc tỉnh Đắc Lắc thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), Chương trình số 13 của Tỉnh ủy và Quyết định số 1034 của UBND tỉnh Đắc Lắc. Đồng chí Lê Hồng Anh chỉ ra những mặt còn hạn chế, đề nghị tỉnh Đắc Lắc sớm khắc phục nhất là trong thời gian tới tỉnh cần phổ biến sâu rộng hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, Luật phòng, chống tham nhũng đến mọi người dân, chú trọng giáo dục về bản lĩnh chính trị, kỷ luật kỷ cương, ý thức phê bình, tự phê bình, không ngừng rèn luyện đức tính cần, kiệm, liêm chính gắn liền với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”... Tỉnh cần biểu dương gương người tốt, việc tốt trong công tác phòng, chống tham nhũng, đồng thời, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, phát hiện, xử lý nghiêm, rõ ràng, công khai, minh bạch các đối tượng tham nhũng. Tỉnh Đắc Lắc cần đôn đốc, thực hiện các biện pháp cần thiết để thu hồi tài sản tham nhũng và nhanh chóng khắc phục hậu quả do tham nhũng gây ra, người có hành vi tham nhũng phải được xử lý kiên quyết, dứt điểm, tài sản tham nhũng phải được thu hồi về cho Nhà nước và cho công dân. Cần tăng cường hơn nữa vai trò giám sát của xã hội, các tổ chức đoàn thể trong công tác phòng, chống tham nhũng...

QUANG HUY (TTXVN)

Chia sẻ bài viết