26/07/2014 - 20:22

Chung tay lo chuyện đền ơn đáp nghĩa

Bài 3: TRỌN NIỀM TRI ÂN

Trở lại thăm mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Nén (92 tuổi) ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy, chúng tôi rất vui khi thấy Mẹ vẫn khỏe mạnh và minh mẫn. Gặp chúng tôi lần nào Mẹ cũng chỉ có một uớc nguyện là tìm được hài cốt người con trai thứ ba. Ước nguyện của Mẹ cũng là niềm trăn trở của biết bao người mẹ, người vợ, người con... ngày đêm mong tìm được hài cốt người thân. Thấu hiểu điều đó, thời gian qua, các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực trong công tác tìm kiếm mộ, cất bốc hài cốt liệt sĩ, nhằm xoa dịu những mất mát đau thương của biết bao gia đình, đồng thời cũng là sự tri ân đối với những người ngã xuống vì độc lập dân tộc.

Đưa các anh về cùng đồng đội

Hừng sáng một ngày thượng tuần tháng bảy, trong làn mưa trắng xóa, từ trung tâm thành phố, chiếc U-óat chở chúng tôi cùng đoàn cán bộ Ban Chính sách, thuộc Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự TP Cần Thơ tiến thẳng về huyện Thới Lai để làm nhiệm vụ thiêng liêng: Tìm kiếm và cất bốc hài cốt liệt sĩ.

Cán bộ Ban Chính sách, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự TP Cần Thơ và lực lượng dân quân xã Định Môn, Thới Lai cất bốc, đưa hài cốt liệt sĩ về Nghĩa trang Liệt sĩ TP Cần Thơ. Ảnh: H. THU    
 

Vượt đoạn đường xa trên 30km, chúng tôi đến khu vườn của anh Võ Thanh Tùng, ở ấp Định Hòa B, xã Định Môn, Thới Lai. Sau những trận mưa tầm tả, các bờ đất trơn như thoa mỡ. Ban Chỉ huy quân sự xã cùng lực lượng dân quân đã có mặt từ rất sớm, cuốc xẻng sẵn sàng. Theo hướng dẫn của anh Tùng - chủ nhà, cũng là người đã từng cải táng hài cốt liệt sĩ - lực lượng dân quân nhanh chóng bắt tay vào việc. Anh Tùng kể: Năm 1990, trong một lần tát mương, vô tình anh chạm phải xương người. Lúc ấy, anh Tùng chỉ mới hơn 10 tuổi, chưa hiểu chuyện, nên rất sợ, vội vùi lại dưới mương. Lớn lên, nhập ngũ, anh được nghe kể nhiều câu chuyện về những cán bộ, chiến sĩ cách mạng hy sinh được đồng đội chôn vội trên đất dân. Năm 2003, xuất ngũ trở về địa phương, qua hỏi thăm những người cao niên, anh biết ngày trước, gần nhà mình có đồn địch, đồng thời xung quanh đó cũng có bộ đội đóng quân, được nhân dân nuôi chứa. Thế là anh và gia đình quyết định cất bốc hài cốt và chôn trên đất vườn. Hơn 10 năm trôi qua, cảnh vật dần thay đổi, anh Tùng không xác định được vị trí cụ thể. Không nản lòng, lực lượng dân quân và anh em Ban Chính sách ra sức đào đất, hết vị trí thứ nhất, vị trí thứ hai, rồi đến vị trí thứ 3. Nắng dần lên cao, người nào cũng mồ hôi nhễ nhại, nhưng ai ai cũng quyết tâm tìm cho được hài cốt liệt sĩ. Đến trưa, tâm nguyện của mọi người đã đạt thành. Nhìn anh em cẩn trọng nâng bộ hài cốt từ lòng đất lên rửa sạch, rồi xếp vào chiếc quách, phủ lên lá cờ Tổ quốc, tôi nghe sống mũi mình chợt cay cay. Hài cốt người liệt sĩ vô danh được đưa về nằm cạnh đồng đội ở Nghĩa trang liệt sĩ TP Cần Thơ. Kể về những chuyến đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, Trung tá Lê Minh Phụng, Trưởng Ban Chính sách, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, ngậm ngùi: “Mỗi khi nghe bà con báo trên đất nhà có hài cốt liệt sĩ là chúng tôi khảo sát và tiến hành tìm kiếm... Dù vất vả đến đâu, chúng tôi cũng quyết tâm tìm để các anh được mồ yên mả đẹp. Đây là trách nhiệm, nghĩa vụ, là sự tri ân của thế hệ trẻ đối với cha ông đã anh dũng hy sinh vì độc lập dân tộc”.

Lời tâm sự của Trung tá Lê Minh Phụng khiến chúng tôi nhớ lại chuyến tìm kiếm và cất bốc hài cốt 4 liệt sĩ thuộc Tiểu đoàn 309, Trung đoàn 1, Quân khu 9 đã anh dũng hy sinh năm 1968, trong trận đánh địch tại Rạch Nước Lạnh (nay thuộc phường Long Tuyền, quận Bình Thủy). Từ lời kể của các đồng chí của Trung đoàn 1, năm 2013, cán bộ Ban Chính sách, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố kết hợp cùng lực lượng dân quân của địa phương tìm kiếm. Công việc tiến hành ròng rã suốt một ngày trời. Và rồi mọi người đã lặng đi, rưng rưng nước mắt khi tìm thấy tất cả 4 bộ hài cốt. Có lẽ những ai tham dự buổi lễ cải táng 4 hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ TP Cần Thơ, do Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ, các sở, ban, ngành TP Cần Thơ tổ chức sẽ khó mà quên được không khí trang nghiêm, long trọng, nhất là khi nghe lãnh đạo thành phố đọc bài điếu văn: “Do điều kiện chiến tranh kéo dài, hài cốt các liệt sĩ chỉ biết được đơn vị, còn tên tuổi, quê hương của các anh vẫn chưa xác định được. Song dù ở nơi nào trên đất nước này cũng xin hương hồn các anh hãy xem quê hương Cần Thơ là nơi đất lành, hiền hòa để nằm lại; bia mộ các anh được khắc ghi gắn liền với quê hương Cần Thơ. Đảng bộ, nhân dân Cần Thơ xin thay mặt cả nước và gia đình các anh nguyện chăm sóc, giữ gìn phần mộ chu đáo...”.

Lời hứa từ lương tâm

Với mong muốn tìm hài cốt, mộ đồng đội, góp phần xoa dịu những mất mát, đau thương của các gia đình, người thân liệt sĩ, thời gian qua, dấu chân của Cựu Chiến binh - đại tá Nguyễn Văn Tường in dấu khắp các nghĩa trang liệt sĩ. Khi chúng tôi đến nhà thăm chú đúng lúc chú chuẩn bị cho chuyến đi tìm mộ đồng đội.

Theo tiếng gọi non sông, 16 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Văn Tường lên đường nhập ngũ. Năm 1968, chú được điều về đơn vị Tiểu đoàn 309, Trung đoàn 1, Quân khu 9. Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, cũng như chiến tranh biên giới Tây Nam, làm nhiệm vụ Quốc tế giúp bạn Campuchia, Trung đoàn 1 luôn có mặt trên các chiến trường trọng điểm, ác liệt; đã lập nên những chiến công oanh liệt, hiển hách, thế nhưng cũng không tránh khỏi những đau thương, mất mát. Hàng vạn cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh xương máu và nằm lại trên các chiến trường. Chú Tường trầm ngâm: “Sau ngày giải phóng, Đảng, quân dân các địa phương đã qui tập đưa hài cốt về các nghĩa trang liệt sĩ. Song cũng không ít liệt sĩ nằm lại đâu đó trên đất nước Việt Nam cũng như nước bạn, nhưng chưa có điều kiện qui tập về. Có nhiều gia đình đồng đội tìm đến tôi với hy vọng tìm được phần mộ, hài cốt con em mình hy sinh trong chiến tranh. Tiếp cận với họ, tôi càng hiểu được tâm tư, sự khát khao mãnh liệt của những người mẹ, người vợ, người con mong mỏi tìm được hài cốt, phần mộ của con, chồng, cha mình...”.

Chính niềm day dứt đó đã thôi thúc chú Tường thực hiện “hành trình” thu thập, tìm kiếm thông tin về mộ liệt sĩ. Ban đầu, chú xin sao chép lại danh sách liệt sĩ của Trung đoàn 1. Dù tuổi ao sức yếu, nhưng chú Tường không quản đường sá xa xôi, khi thì xe đò, khi thì hon-đa ôm… chú đến nhiều địa phương, liên lạc với các cựu chiến binh Trung đoàn 1, để thăm hỏi thông tin, phục vụ cho công tác tìm kiếm. Chú tâm sự: “Đi đến đâu tôi cũng nhận được sự giúp đỡ chân thành của chính quyền và nhân dân. Bởi không riêng tôi mà mọi người đều mong muốn góp phần bù đắp và xoa dịu sự mất mát của những gia đình đã cống hiến những người con thân yêu của mình vì độc lập của dân tộc”. Cầm trên tay những quyển album ghi lại hành trình tìm hài cốt liệt sĩ của chú, tôi lặng người xúc động khi biết chú đã vất vả ngược xuôi đến các nghĩa trang liệt sĩ từ Hà Nội, Nghệ An, đến An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu và tận mũi Cà Mau. Sau mỗi chuyến đi, chú cặm cụi viết những lá thư về thông tin liệt sĩ để gửi đi khắp mọi miền Tổ quốc với mong muốn từng lá thư sẽ đem lại niềm hy vọng mới của các gia đình liệt sĩ đang đau đáu ngóng đợi tin con, em mình. Nhiều năm qua, nhà chú Tường đã thành một địa chỉ quen thuộc đối với nhiều gia đình liệt sĩ. Không chỉ đi tìm mộ, giúp người thân liệt sĩ có thông tin, chú Tường và gia đình còn tình nguyện đón tiếp, lo nơi ăn chốn ở cho thân nhân đi tìm mộ liệt sĩ. Với sự nỗ lực tìm kiếm, xác minh của chú, từ năm 2007 đến nay, chú Tường đã tìm được khoảng 120 ngôi mộ đồng đội đồng chí của mình.

Cũng như chú Tường, hơn 10 năm qua, tại các nghĩa trang liệt sĩ ở các tỉnh miền Đông, Tây Nam bộ in hằn dấu chân chú Nguyễn Cao Xiểm, đại tá về hưu, hiện ở phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Cứ vài ba tháng chú lại tìm đến các nghĩa trang liệt sĩ ghi danh đồng đội rồi về nhà tẩn mẩn biên thư cho thân nhân đồng đội. Danh sách các liệt sĩ được chú Xiểm sưu tập lên đến hàng ngàn. Đến nay, chú đã tự túc kinh phí để tìm và cùng gia đình đưa hàng trăm liệt sĩ về lại quê nhà.

SỸ KHANG

-------------------

Bài cuối: ĐỂ CÔNG TÁC ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA NGÀY CÀNG HIỆU QUẢ

 Tháng 5-2014, tại Cần Thơ, Ban Chỉ đạo tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo được thành lập. Theo đó, giải pháp, nhiệm vụ tập trung thực hiện từ nay đến năm 2020 là phát huy sức mạnh của các tổ chức, lực lượng trong tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Ban chỉ đạo sẽ vận động các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, trao đổi kinh nghiệm về công tác tìm kiếm, quy tập; đồng thời hoàn thành việc giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội trong chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; tập trung rà soát, kiện toàn hồ sơ, tài liệu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ ở các đơn vị, địa phương (xây dựng cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ); hoàn thành cơ bản việc lập bản đồ tìm kiếm, quy tập ở các cấp; triển khai đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh các hoạt động tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở trong nước. Các địa phương cũng sẽ rà soát, đánh giá lại tình hình tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ trên địa bàn; xác định các vị trí có thông tin, tổ chức cất bốc bảo đảm chặt chẽ, chu đáo và chính xác.

Chia sẻ bài viết