Thực hiện phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, các tôn giáo trên địa bàn thành phố đã chung tay cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận thực hiện nhiều mô hình thiết thực trong bảo vệ môi trường (BVMT), ứng phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn; tích cực đóng góp chăm lo tốt an sinh xã hội. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các tôn giáo càng thể hiện và phát huy tinh thần đoàn kết “đạo đời hòa hợp”...
Thượng tọa Thích Bình Tâm, trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam, Phó Trưởng Ban Trị sự GHPGVN thành phố, hướng dẫn phật tử đốt rác tại lò xử lý rác của Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam (xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền).
►Chung tay bảo vệ môi trường
Theo bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN thành phố, từ năm 2016, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN thành phố đã ký kết giao ước cùng 11 tổ chức tôn giáo trên địa bàn thực hiện mô hình các tôn giáo chung tay BVMT. Các tổ chức tôn giáo đã đăng ký thực hiện 31 mô hình thiết thực về BVMT.
Theo Thượng tọa Thích Bình Tâm, Trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam, Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) TP Cần Thơ, Ban Trị sự GHPGVN thành phố đã triển khai đến tất cả 168 cơ sở thờ tự và vận động tăng, ni, phật tử BVMT bằng những hành động cụ thể: thu gom và xử lý rác thải trong sinh hoạt hằng ngày, hạn chế khói nhang khi phật tử lễ Phật; tạo môi trường sống xanh, sạch, đẹp... Đồng thời, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố ký kết ghi nhớ hợp tác về thả giống phóng sinh, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, BVMT hằng năm, vào hai ngày 1-4 (Ngày truyền thống nghề cá Việt Nam) và Lễ Vu Lan. Tăng cường phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật thả giống phóng sinh bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho tăng, ni, phật tử… Đến nay, đã thả trên 13 tấn cá giống các loại về với tự nhiên.
Tại Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam, Ban Trị sự GHPGVN thành phố chọn xây dựng mô hình điểm “Thu gom và xử lý rác thải trong sinh hoạt hằng ngày, hạn chế khói nhang khi phật tử lễ Phật; vệ sinh cảnh quan môi trường nơi tự viện, nhà ở để tạo môi trường sống xanh, sạch, đẹp”. Thiền viện xây lò đốt rác, bếp ăn không khói, lắp đặt hệ thống sản xuất nước đóng chai để phục vụ tại tự viện... Đặc biệt, tại bàn để hương lễ Phật có khẩu hiệu: “Mỗi người thành tâm lễ Phật chỉ một nén hương”, hạn chế được khói nhang; đặt bảng hiệu các tiêu chí quy định về xây dựng cơ sở thờ tự tín ngưỡng, tôn giáo văn hóa, văn minh tại khuôn viên của Thiền viện… Thượng tọa Thích Bình Tâm cho biết: “Mô hình của Thiền viện đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường tặng Bằng khen. Ban Trị sự GHPGVN thành phố tiếp tục nâng chất và nhân rộng mô hình đến các cơ sở thờ tự của Phật giáo. Đồng thời, hướng dẫn Ban Trị sự các quận, huyện phát động các tự viện đăng ký thực hiện các mô hình “Chủ động trong việc thu gom và xử lý rác thải đúng nơi quy định; trồng nhiều cây xanh, hoa kiểng tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp”; vận động khách tham quan, người tham gia sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, không hoạt động mê tín, dị đoan,…
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo phường Thới Long, quận Ô Môn tặng suất cơm miễn phí cho bà con nghèo.
Các tổ chức tôn giáo khác cũng có nhiều mô hình thiết thực, như mô hình của Ban Trị sự Thành hội Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam thành phố thực hiện ở 2 Hội quán. Trong đó, Hội quán Hưng Định tự xây dựng mô hình “Trồng cây thuốc, phơi và chế biến thuốc Nam sạch”, Hội quán Hưng Bảo tự với mô hình “Trồng cây thuốc với các loại cây thuốc đặc trưng, phơi và chế biến, bảo quản sạch, phục vụ điều trị bệnh” được đông đảo tín đồ ủng hộ, tham gia thực hiện, thu hút nhiều người đến tham quan, hốt thuốc, khám chữa bệnh… Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) thực hiện mô hình “Xây dựng lò đốt rác, trồng cây xanh, bình chữa cháy”, tại Hảo Hào tự, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt. Chùa trồng trên 350 cây xanh các loại, bố trí 6 thùng đựng rác thải, lắp đặt hệ thống xử lý nước, tạo nguồn nước sạch sinh hoạt, xây lò xử lý rác thải trong khuôn viên chùa, thành lập đội phòng cháy chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn với 20 thành viên để ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra,…
Đồng bào Công giáo thành phố cũng tích cực tham gia phong trào chung tay BVMT và ứng phó biến đổi khí hậu. Ông Trần Đức Hiếu, Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP Cần Thơ, cho biết: Giáo hạt Cần Thơ phối hợp phát động thực hiện “Xử lý rác thải nông thôn” tại Họ đạo Giáo xứ Trường Long, huyện Phong Điền, có hơn 283 hộ dân đăng ký thực hiện; trong đó, có 236 hộ là tín đồ giáo dân. Mô hình giúp các hộ dân nâng cao ý thức và biết phân loại, xử lý rác thải, tích cực trồng cây xanh, hoa kiểng trước nhà và trên các tuyến đường trong ấp, góp phần tạo vẻ mỹ quan, thân thiện với môi trường; xây dựng mô hình “Sáng, xanh, sạch, đẹp” trong khuôn viên nhà thờ, các hộ giáo dân và khu dân cư… Từ đó, góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng nếp sống văn minh...
►Vì an sinh xã hội
Song song với hoạt động BVMT, các tôn giáo tích cực chăm lo cho người nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, mỗi tôn giáo đều có những hoạt động thiết thực hướng đến cộng đồng.
Theo ông Lê Văn Thưởng, Trưởng Ban Đại diện Giáo hội PGHH thành phố, hơn 4 tháng đầu năm, tín đồ PGHH đã đóng góp hơn 2 tỉ đồng để cùng chính quyền, Mặt trận phòng, chống dịch COVID-19. Ban Trị sự PGHH phường Thới Long là một trong những đơn vị nổi bật. Ông Lê Văn Bảy, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội PGHH phường Thời Long, thông tin: “Ngoài việc phát hơn 100 phần quà, gồm gạo, mì và nhu yếu phẩm, Bếp ăn tình thương của Ban Trị sự còn cung cấp mỗi ngày khoảng 300 suất cơm miễn phí cho bà con có hoàn cảnh khó khăn. Thời gian qua, Ban Trị sự còn phối hợp Mặt trận cất nhà Đại đoàn kết, nâng cấp sửa chữa nhiều tuyến đường, cầu giao thông, trị giá hàng trăm triệu đồng…”.
Ông Trần Đức Hiếu, Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố, tham quan mô hình trồng rau trong nhà lưới của Hội Dòng con Đức Mẹ (quận Bình Thủy).
Theo Thượng tọa Thích Bình Tâm, Phó Trưởng Ban Trị sự GHPGVN thành phố, thời gian diễn ra dịch bệnh, bà con tín đồ Phật giáo thành phố đã quyên góp tặng 291 bồn chứa nước, 3.500 phần quà cho người bán vé số dạo, người nghèo, lao động bị thất nghiệp, tổng trị giá hơn 1,8 tỉ đồng. Chị Trần Thị Thúy Kiều, người bán vé số dạo, có hoàn cảnh khó khăn, ngụ tại phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, bộc bạch: “Gia đình chỉ có tôi là lao động chính, do chồng tôi bệnh, con tôi còn nhỏ. Nhận được quà tặng gồm 10kg và mì gói, nước tương, gia đình giảm bớt phần nào khó khăn…”.
Bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN thành phố, cho biết: “Trong 4 tháng đầu năm 2020, Ủy ban MTTQVN thành phố tiếp nhận nguồn ủng hộ của các tôn giáo, với tổng trị giá hơn 5 tỉ đồng, từ nhu yếu phẩm đến tiền mặt để góp phần phòng, chống dịch COVID-19 cũng như ứng phó biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn…”. Theo bà Nguyễn Thúy Hằng, Ủy ban MTTQVN thành phố sẽ tiếp tục phối hợp tuyên truyền, phát động các vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo tham gia thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp, vì sự phát triển chung; vận động mỗi hộ gia đình tham gia thu gom rác phân loại rác, thiêu hủy, xử lý rác thải... Ủy ban MTTQVN thành phố cũng khuyến khích các hoạt động bác ái, từ thiện, giữ gìn và thân thiện với môi trường của chức sắc, tín đồ và người dân; kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ, chia sẻ với những người nghèo khó, người gặp khó khăn tại cộng đồng dân cư khi gặp phải thiên tai, dịch bệnh, bão, lũ… Qua đó, cùng các cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chung tay xây dựng thành phố ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Bài, ảnh: Tâm Khoa