21/10/2013 - 21:23

Chung sức nhân rộng mô hình “Cánh đồng lớn”

Mô hình "cánh đồng lớn" (CĐL) đã chứng minh mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân trồng lúa và doanh nghiệp. Song, vì nhiều lý do mà hiện việc phát triển mô hình này tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh ĐBSCL nhìn chung vẫn chậm. Mới đây, lãnh đạo TP Cần Thơ cùng một số sở, ngành hữu quan thành phố đã có buổi họp với các doanh nghiệp bàn về giải pháp đẩy nhanh việc phát triển mô hình CĐL trên địa bàn thành phố…

CĐL: thiết thực, nhưng...

Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, CĐL từ 400ha vụ hè thu 2011, đến vụ đông xuân 2012-2013 thành phố đã nhân rộng lên 9.146,8ha với 7.005 hộ dân tham gia, tăng gấp 22,8 lần so vụ hè thu 2011. Trong vụ hè thu 2013 diện tích thực hiện mô hình tiếp tục tăng thêm 5,6ha, đạt mức 9.152,5 ha, với 5.066 hộ dân tham gia. Mặc dù diện tích sản xuất lúa vụ thu đông thấp hơn các vụ đông xuân và hè thu nhưng CĐL trong vụ thu đông 2013 vẫn đạt mức 7.460,6 ha, với 4.481 hộ dân tham gia. Tính chung, tổng diện tích tham gia mô hình CĐL trong năm 2013 là 25.760 ha (cả 3 vụ: đông xuân, hè thu, thu đông), tăng 16.870 lượt ha so với năm 2012 và tổng số hộ dân tham gia là 16.429 hộ, tăng 12.692 hộ so với năm 2012. Có trên 30 doanh nghiệp tham gia đầu tư, cung ứng các loại vật tư đầu vào và bao tiêu lúa cho nông dân trong CĐL. Ngoài ra, Nông trường Sông Hậu và Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp Cờ Đỏ có tổng diện tích canh tác lúa 9.900ha cũng tổ chức theo mô hình liên kết và bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân như mô hình CĐL. Tính gộp chung diện tích lúa của 2 đơn vị này thì diện tích thực hiện mô hình CĐL tại TP Cần Thơ chiếm 20% tổng diện tích sản xuất lúa của thành phố.

Hiện nay, do còn ít doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm nên nông dân tại nhiều địa phương ở TP Cần Thơ còn gặp khó trong việc liên kết sản xuất, hình thành CĐL.

Chỉ khoảng 2 năm phát động thực hiện CĐL, diện tích sản xuất lúa tham gia mô hình của thành phố đạt được kết quả trên là điều rất đáng khích lệ. Đặc biệt, năm 2013 có nhiều doanh nghiệp liên kết với nông dân thực hiện CĐL liên tục suốt 3 vụ lúa, chứ không thực hiện 1-2 vụ lúa như năm 2012. Tuy nhiên, so tổng diện tích sản xuất lúa cả năm 2013 của thành phố (trên 236.530ha) thì số lượt số diện tích lúa thực hiện CĐL vẫn còn ít. Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: "Từ những thành công và lợi ích thiết thực mang lại của CĐL, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ xác định tiếp tục đẩy mạnh việc nhân rộng mô hình CĐL trong thời gian tới. Vụ đông xuân 2013-2014, dự kiến thực hiện mô hình CĐL với diện tích khoảng 14.000 ha. Nhưng khả năng thực hiện mô hình CĐL trong vụ đông xuân 2013-2014 vượt hơn diện tích trên là rất lớn, bởi theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT thành phố, tính đến ngày 9-10-2013, có 14 doanh nghiệp đăng ký tham gia xây dựng vùng nguyên liệu và tiêu thụ lúa của nông dân thông qua CĐL là trên 27.000ha".

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp và các sở, ngành chức năng thành phố, diện tích tham gia mô hình CĐL tại thành phố vẫn còn khiêm tốn, số lượng doanh nghiệp tham gia liên kết với nông dân trong sản xuất và tiêu thụ lúa thông qua CĐL cũng không nhiều. Hơn nữa, tỷ lệ diện tích lúa trong các CĐL được doanh nghiệp bao tiêu cho nông dân còn thấp, chỉ chiếm khoảng 15- 28% trong các vụ lúa gần đây. Vì vậy, muốn nhân rộng CĐL, giúp việc sản xuất, tiêu thụ lúa theo hướng ổn định, bền vững, rất cần có sự tham gia tích cực hơn của các doanh nghiệp.

Để CĐL "nở nồi"

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho rằng: "Để ổn định chất lượng và đầu ra sản phẩm, việc tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân thực hiện mô hình CĐL gắn với hợp đồng bao tiêu sản phẩm là hướng đi tất yếu. Do đó, các doanh nghiệp cần nghĩ đến lợi ích chung mà tích cực tham gia". Theo ông Toại, tham gia mô hình CĐL nông dân có lợi thấy rõ khi giảm được chi phí sản xuất do áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và được doanh nghiệp cho tạm ứng vốn hoặc hỗ trợ cho mua các vật tư đầu vào, với chất lượng đảm bảo nhưng giá rẻ. Còn doanh nghiệp cũng có lợi khi đặt hàng nông dân sản xuất theo nhu cầu của mình, nắm rõ chất lượng sản phẩm, có thể cam kết được chất lượng với người mua và bán được giá cao hơn.

Thu mua lúa gạo phục vụ chế biến xuất khẩu tại Công ty Lương thực Sông Hậu ở khu Công nghiệp Trà Nóc, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.

Tham dự cuộc họp mới đây với lãnh đạo TP Cần Thơ cùng lãnh đạo một số sở, ngành hữu quan thành phố về tình hình phát triển mô hình CĐL trên địa bàn thành phố, nhiều doanh nghiệp cho biết, tới đây sẽ tích cực liên kết với nông dân để thực hiện CĐL, xây dựng vùng nguyên liệu cho mình. Song, để CĐL có thể "nở nồi" nhanh rất cần có hỗ trợ tích cực từ chính quyền thành phố, ngành nông nghiệp và các cấp chính quyền ở địa phương. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng rất cần Nhà nước có sự hỗ trợ thêm bằng các cơ chế, chính sách ưu đãi, nhất là ưu đãi về vốn. Theo ông Lê Việt Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Mekong, từ năm 2002, công ty bắt đầu thực hiện liên kết sản xuất và bao tiêu lúa cho nông dân. Đến nay, công ty ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho trên 40.000 lượt ha lúa. Song, nông dân sản xuất theo dạng nông hộ nhỏ, nên rất khó cho doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu, DN cũng khó khi tìm nguồn lúa giống chất lượng cung ứng cho dân. Thêm vào đó, vấn đề vốn và nguồn nhân lực để thực hiện việc thu mua lúa và thanh toán tiền ngay cho nông dân cũng gây nhiều trở ngại cho DN. "Có ít doanh nghiệp liên kết với nông dân thực hiện mô hình CĐL với diện tích vài ngàn ha trở lên do doanh nghiệp không có đủ vốn hỗ trợ vật tư đầu vào cho nông dân, thu mua sản phẩm. Do vậy, muốn khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp trong phát triển các CĐL, cần có cơ chế, chính sách về vốn cho doanh nghiệp. Để nông dân và doanh nghiệp gặp nhau và gắn kết chặt với nhau trong hợp đồng bao tiêu sản phẩm thì vai trò của chính quyền địa phương, nhất là các xã cần thể hiện rõ"- ông Lê Việt Hải, nói.

Theo ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu, phân tích, chưa gỡ "nút thắt" về vốn, nên doanh nghiệp khó mở rộng bao tiêu sản phẩm cho CĐL. Đặc biệt, doanh nghiệp ngán ngại liên kết với các hộ nông dân nhỏ lẻ khi chưa được sự hỗ trợ tích cực của chính quyền tại một số địa phương. Nếu được sự hỗ trợ tốt của chính quyền, doanh nghiệp chỉ cần đến địa phương một vài lần là có thể ký được hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân. Do vậy, UBND thành phố cần có quy định bắt buộc các cấp chính quyền địa phương phải tham gia công tác này.

Để thúc đẩy việc nhân rộng CĐL, cùng với việc kêu gọi các doanh nghiệp tích cực tham gia, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng thành phố và địa phương tập trung hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Đồng chí đề nghị, doanh nghiệp cần làm tốt các hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu lúa cho nông dân, không để xảy ra "bẻ hợp đồng". Về phía chính quyền địa phương sẽ cam kết cùng doanh nghiệp tổ chức sản xuất đáp ứng các đơn hàng của doanh nghiệp, đảm bảo sản xuất trong mô hình CĐL cao hơn hẳn bên ngoài về việc giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng lợi nhuận cho nông dân.

Bài, ảnh: Khánh Trung

 

Chia sẻ bài viết