25/01/2014 - 10:42

Chung sức chung lòng để Cần Thơ phát triển

TUYẾT TRINH – MỸ HOA - THANH LONG

Năm 2014, Cần Thơ tròn 10 năm tuổi với vị thế thành phố trực thuộc Trung ương, đây là dấu mốc phát triển quan trọng của thành phố. Tự hào về những thành tựu nổi bật, sự nỗ lực bứt phá, chung tay góp sức của chính quyền và nhân dân để tạo nên diện mạo của một thành phố trẻ năng động.

Nhân dịp Xuân Giáp Ngọ, Báo Cần Thơ đã ghi nhận những ý kiến tâm huyết của các đồng chí lãnh đạo địa phương góp sức để thành phố vươn tầm khẳng định vị thế là trung tâm, động lực phát triển của vùng ĐBSCL…

Ông Võ Văn Chính, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều:
Năng động, sáng tạo xây dựng quận trung tâm, đô thị văn minh hiện đại

 

Với lợi thế là quận trung tâm của TP Cần Thơ, nơi đóng đô của nhiều cơ quan dân chính Đảng thuộc cả Trung ương và thành phố, là cửa ngõ của thành phố và vùng ĐBSCL, Ninh Kiều đã hình thành và phát triển khá rõ nét cơ cấu kinh tế: dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Ninh Kiều đã nắm bắt cơ hội và tập trung các nguồn lực phát triển theo hướng xây dựng đô thị văn minh hiện đại, phù hợp với những tiềm năng lợi thế của quận. Trong nội bộ từng ngành kinh tế phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế được cải thiện đáng kể. Các trung tâm, khu phố thương mại - dịch vụ đã và đang hình thành, thu hút sự quan tâm, chú ý của các nhà đầu tư. Đến nay quận Ninh Kiều đã thể hiện được vai trò trung tâm của thành phố trên các mặt thương mại - dịch vụ, đào tạo nhân lực và trung tâm điều trị bệnh cho người dân đồng bằng...

 Đường đèn Đại lộ Hòa Bình. Ảnh: TÔ HOÀNG VŨ

Trong chiến lược phát triển, Ninh Kiều phấn đấu đến năm 2020 trở thành quận trung tâm, đô thị văn minh hiện đại với các trung tâm dịch vụ tài chính cao cấp, các trung tâm thương mại lớn, hiện đại, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho toàn vùng, điểm hấp dẫn du khách trong vùng ĐBSCL và trọng điểm kinh tế của Cần Thơ. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị cần phải đi trước một bước, làm cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn quận. Do đó, quận huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và kiến thiết đô thị. Xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông, nâng cấp mạng lưới thông tin liên lạc, hạ tầng đô thị gắn bảo vệ môi trường theo hướng xây dựng một đô thị văn minh hiện đại, mang đặc trưng của vùng sông nước ĐBSCL. Song song đó, phát triển dịch vụ để tạo sức hấp dẫn, phát huy các tiềm năng lợi thế so sánh của quận. Khai thác tối đa lợi thế về vị trí địa lý, cảnh quan sông nước, du lịch sinh thái, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, tham quan của du khách trong và ngoài nước. Tập trung, khuyến khích đầu tư phát triển các dịch vụ chất lượng cao phục vụ du lịch. Tăng cường hợp tác, liên doanh liên kết du lịch với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh bạn trong khu vực ĐBSCL để phát triển mạnh mạng lưới du lịch. Tập trung đầu tư phát triển các ngành công nghiệp truyền thống, có thế mạnh của quận. Quận tập trung đầu tư phát triển mạnh các ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, bưu chính viễn thông, giao thông vận tải, chuyển giao khoa học công nghệ, giáo dục, văn hóa, y tế... xứng tầm trung tâm kinh tế - tài chính của TP Cần Thơ.

Ông Mai Hồng Châu, Chủ tịch UBND quận Cái Răng:
Chuyển dịch cơ cấu theo hướng “Công nghiệp – thương mại – dịch vụ và nông nghiệp chất lượng cao”

 

Mười năm - một chặng đường không phải dài so với lịch sử phát triển của một quận, song đủ để làm thay đổi diện mạo của một huyện vùng ven. Bằng sự nỗ lực không ngừng, tinh thần đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đã nỗ lực phấn đấu xây dựng và phát triển quận Cái Răng bước đầu đạt được những thành tựu quan trọng. Các nguồn lực của quận đã và đang phát huy, kinh tế luôn tăng trưởng cao và ổn định, bình quân hàng năm tăng 18%; năm 2013, thu nhập bình quân đầu người đạt 42,6 triệu đồng tăng gấp 4 lần so với năm 2004. Cơ cấu kinh tế được xác định là “Công nghiệp - thương mại - dịch vụ và nông nghiệp chất lượng cao”, khu vực công nghiệp - xây dựng hiện chiếm 56,41% trong cơ cấu GDP, thương mại - dịch vụ là 37,19%, nông nghiệp - thủy sản giảm còn 6,4%. Hệ thống các chợ được sắp xếp và phát triển tốt hơn. Đặc biệt là các chợ Cái Răng, Phú Thứ, Cái Chanh, chợ 586 hoạt động đạt hiệu quả. Các chính sách an sinh xã hội được quận đặc biệt quan tâm thường xuyên, thực hiện chăm lo gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với nước và hộ nghèo; hàng năm giảm hơn 1% hộ nghèo. Cùng với sự phát triển của thành phố, diện mạo quận Cái Răng luôn được xây dựng phát triển và có nhiều thay đổi. Mười năm qua, quận đầu tư phát triển hơn 350 công trình với số tiền 48.500 tỉ đồng từ nguồn vốn của trung ương, thành phố, quận và xã hội hóa cùng các thành phần kinh tế. Đến nay, trên địa bàn quận có nhiều công trình trọng điểm có tầm quan trọng cấp thành phố và trung ương đã hoàn thành đưa vào sử dụng, như: cầu và đường dẫn cầu Cần Thơ, Cảng biển Cái Cui cấp vùng, Quốc lộ 61B, đường Nam sông Hậu, Trường Đại học Tây Đô, siêu thị Big C, chung cư cao tầng Hoàng Anh Gia Lai, Trung tâm Văn hóa Tây Đô cấp vùng... Nhiều khu dân cư mới, các khu công nghiệp Hưng Phú 1, 2 gần 3.400 ha được hình thành trên địa bàn quận, góp phần phục vụ đời sống nhân dân và thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Chào thành phố 10 năm trực thuộc Trung ương. Ảnh: TÔ HOÀNG VŨ

Phấn khởi trước những thành tựu to lớn cùng với sự đổi thay khá toàn diện, sâu sắc trên các lĩnh vực đã khẳng định thành công từ tầm nhìn chiến lược và xác định cơ cấu kinh tế của quận. Trên cơ sở đó, quận Cái Răng tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu đúng hướng, tập trung rà soát và điều chỉnh quy hoạch phù hợp với nhiệm vụ mới. Quận tập trung phát triển kinh tế, tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, hướng về cơ sở... Song song đó, quận quan tâm chỉ đạo phát triển kinh tế toàn diện, thực hiện cải cách hành chính… từng bước xây dựng thành quận đô thị xanh, sạch, đẹp và văn minh. Bằng tất cả các nguồn lực, phát huy lợi thế sẵn có trên địa bàn, Cái Răng quyết tâm xây dựng và phát triển xứng đáng là quận cửa ngõ của thành phố.

Ông Lê Tâm Niệm, Chủ tịch UBND quận Bình Thủy:
Phải là một trong những trung tâm kinh tế mạnh của thành phố

 

Quận Bình Thủy liên tục có những bước tiến quan trọng phát triển kinh tế - xã hội. Các nguồn lực và lợi thế của quận được phát huy, với mục tiêu tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa và đô thị hóa. Hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển khá tốt theo hướng đa dạng hóa, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống của nhân dân. Kinh tế nông nghiệp đi vào chiều sâu và chất lượng, phát triển ổn định. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đầu tư xây dựng khá đồng bộ; công tác khuyến nông, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất được quan tâm. Chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng tăng tỷ trọng thủy sản, trái cây, giảm tỷ trọng cây lúa; cơ cấu vật nuôi và cây trồng, phát triển mô hình sản xuất rau an toàn được chuyển đổi hợp lý.

Trên địa bàn quận đang có nhiều công trình, dự án quy hoạch triển khai góp phần phát triển quận trở thành một trung tâm kinh tế mạnh về công nghiệp - thương mại dịch vụ - nông nghiệp đô thị. Thực hiện các biện pháp mời gọi đầu tư và xúc tiến đầu tư xây dựng cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp quận được quan tâm. Có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn. Tăng cường vai trò quản lý nhà nước, đảm bảo ổn định nguồn hàng hóa thiết yếu và tổ chức tốt khâu lưu thông, phân phối; thúc đẩy và phát triển thương mại. Lợi thế của quận đang có như: sân bay Quốc tế Cần Thơ, cảng, khu công nghiệp, khu chế xuất, các di tích lịch sử, văn hóa đã tạo nên thế và lực để phát triển mạnh thương mại, dịch vụ du lịch của quận. Hiện nay hệ thống chợ trên địa bàn đã được quy hoạch, tập trung xây dựng mới và nâng cấp một số chợ xuống cấp đáp ứng nhu cầu của nhân dân theo hướng văn minh, hiện đại. Nông nghiệp vẫn được quan tâm theo hướng nông nghiệp đô thị. Áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới trong sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp. Quy hoạch phát triển làng hoa kiểng, vùng sản xuất rau an toàn, rau sạch ở các phường: Long Tuyền, Long Hòa và Thới An Đông đạt hiệu quả kinh tế cao. Tận dụng thời cơ, khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế song song với huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế của Bình Thủy…

Ông Nguyễn Hoàng Ba, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền:
Khai thác tối đa các nguồn lực để trở thành quận sinh thái

 

Huyện Phong Điền khi mới thành lập, kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng còn thấp kém, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Giải quyết vấn đề này, những năm qua, Đảng bộ, quân và dân huyện Phong Điền không ngừng phấn đấu, nỗ lực vượt qua khó khăn, huy động mọi nguồn lực của địa phương, tập trung thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Tốc độ kinh tế tăng trưởng khá và ổn định, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, năng lực cạnh tranh dần được cải thiện, đời sống và thu nhập của người dân ngày càng tăng. Mô hình cánh đồng mẫu được hình thành và từng bước mang lại hiệu quả theo hướng sản xuất lúa chất lượng cao. Diện tích rau màu không ngừng được mở rộng, gắn với sản xuất và tiêu thụ. Cây ăn trái được quy hoạch tập trung cải tạo, hình thành nhiều vùng chuyên canh với một số loại cây trồng chủ lực như: dâu Hạ Châu, vú sữa… tạo tiền đề phát triển ngành du lịch sinh thái huyện nhà. Từng bước chuyển đổi cơ cấu giống thủy sản, phát triển các đối tượng nuôi ít ảnh hưởng môi trường để phục vụ du lịch sinh thái.

Ảnh: KIM XUÂN

Từ những ưu thế của địa phương, huyện Phong Điền tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại – dịch vụ, du lịch, nông nghiệp sinh thái chất lượng cao. Xác định nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng, đảm bảo chiến lược phát triển lâu dài và bền vững theo hướng áp dụng khoa học công nghệ cao. Phong Điền tiếp tục hình thành những vùng sản xuất tập trung chuyên canh và đa canh có lượng hàng hóa lớn gắn kết với thị trường tiêu thụ ổn định. Công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp phát triển với quy mô vừa và nhỏ, tốc độ tăng trưởng bền vững ở mức hợp lý. Chú trọng phát triển ngành công nghiệp chế biến hàng nông sản, thức ăn gia súc, sản phẩm cơ khí… phát triển và khai thác có hiệu quả các làng nghề truyền thống gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Khai thác các nguồn lực bên ngoài để hình thành cụm công nghiệp tập trung quy mô nhỏ. Phát triển đảm bảo đúng quy hoạch huyện sinh thái, bảo vệ môi trường, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển bền vững. Đồng thời, huyện tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại và du lịch, hợp đồng tiêu thụ hàng nông sản, thu hút đầu tư phát triển thương mại – dịch vụ. Hình thành và nâng cao vai trò các hợp tác xã nông nghiệp trong các hoạt động tiêu thụ hàng nông sản và dịch vụ phát triển khoa học, công nghệ. Trên nền tảng này, Phong Điền sẽ khai thác tối đa mọi nguồn lực, tiềm năng, lợi thế, xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phấn đấu trở thành quận sinh thái…

Bà Hoàng Kim Cương, Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ:
Nhân rộng các mô hình kinh tế phù hợp với tiềm năng, thế mạnh

 

Cờ Đỏ là huyện mới, gồm các xã, thị trấn thuộc vùng sâu, vùng xa, nên điều kiện kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, đời sống của một bộ phận nông dân còn nhiều khó khăn. Nhận diện được vấn đề này, ngay từ những ngày đầu thành lập, huyện đã xác định: ổn định tổ chức bộ máy, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế -xã hội, phát huy các mô hình kinh tế phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Huyện Cờ Đỏ hiện có hơn 25.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, để phát huy tiềm năng này, Cờ Đỏ xây dựng nền nông nghiệp đa dạng, bền vững, chất lượng cao, góp phần tăng cao thu nhập cho người dân. Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, Cờ Đỏ đã và đang tập trung triển khai hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, phương pháp canh tác, lựa chọn mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao… Đến thời điểm này, huyện có trên 95% diện tích sản xuất lúa chất lượng cao, hơn 30% diện tích thực hiện theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, đang phát huy hiệu quả trong sản xuất và từng bước nhân rộng trên toàn địa bàn huyện.

Cờ Đỏ quan tâm đầu tư đúng mức cho lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ . Ước tính giá trị tăng trưởng hàng năm đạt từ 15 – 20%. Để tăng giá trị sản xuất công nghiệp, Cờ Đỏ còn quan tâm công tác cải cách hành chính, thực hiện chính sách ưu đãi, thu hút nhà đầu tư, đến xây dựng cơ sở sản xuất tại địa phương.

Phong trào xây dựng nông thôn mới đã và đang triển khai khá mạnh mẽ trên địa bàn huyện. Cờ Đỏ đã và đang tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi; triển khai lập Đề án xây dựng nông thôn mới cấp huyện giai đoạn 2011 – 2020. Đến nay, so với 20 tiêu chí của Bộ tiêu chí TP Cần Thơ về nông thôn mới, xã Trung An đã đạt 19 tiêu chí; các xã như: Trung Hưng, Trung Thạnh, Thới Đông đạt từ 10 – 11 tiêu chí; 5 xã còn lại như: Thạnh Phú, Thới Hưng, Đông Hiệp, Thới Xuân, Đông Thắng đạt từ 6 – 9 tiêu chí.

Để kinh tế của huyện phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới, Cờ Đỏ đã tập trung hoàn thiện quy hoạch phát triển kinh tế -xã hội từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trên cơ sở đó, Cờ Đỏ định hướng xây dựng kế hoạch 5 năm và hàng năm, kết hợp tốt các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước với vốn đầu tư của các thành phần kinh tế xây dựng công trình, dự án… phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện. Ngoài ra, Cờ Đỏ sẽ tập trung đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong đầu tư phát triển kinh tế hạ tầng; phát huy có hiệu quả các mô hình kinh tế hộ, kinh tế tập thể… phấn đấu đến năm 2020 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông Nguyễn Vũ Phương, Chủ tịch UBND quận Ô Môn:
Phấn đấu để xứng đáng là quận đô thị công nghiệp của thành phố

 

Những năm qua, quận Ô Môn luôn nằm trong tốp những địa phương có tốc độ tăng trưởng cao của thành phố, bình quân trong 10 năm đạt 15,3%, so với mức tăng trưởng năm 2004 là 14,36%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, từng bước hình thành cơ cấu kinh tế công nghiệp, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp chất lượng cao. Năm 2013 so năm 2004, tỷ trọng khu vực nông nghiệp, thủy sản chiếm 9,08%, giảm 2,1 lần; khu vực công nghiệp, xây dựng đạt 61,76%, tăng 1,1 lần; khu vực thương mại, dịch vụ chiếm 29,16%, tăng 1,1 lần. Việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển tăng đáng kể qua các năm, tổng vốn huy động đầu tư toàn xã hội trên địa bàn quận 10 năm đạt hơn 6.768 tỉ đồng. Năm 2013, thu nhập bình quân đầu người đạt 31,12 triệu đồng, tăng gấp 4 lần so năm 2004. Công tác vận động xã hội hóa được tăng cường, huy động nhiều nguồn lực chăm lo an sinh xã hội và đầu tư phát triển quận. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển mạnh về quy mô và chất lượng, góp phần giải quyết nhiều lao động tại chỗ và nâng cao đời sống nhân dân. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hằng năm tăng bình quân khoảng 28,63%. Lĩnh vực thương mại - dịch vụ phát triển đáng kể, với các loại hình kinh doanh phong phú, đa dạng; giá trị tăng thêm trong thương mại, dịch vụ bình quân 15,26%/năm. Đặc biệt tháng 7-2012, dự án chợ Trung tâm quận Ô Môn được hoàn thành và đi vào hoạt động đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các hộ tiểu thương mua bán ổn định, phát triển kinh doanh, thay đổi bộ mặt đô thị của quận. Sản xuất nông nghiệp đang chuyển dần theo hướng chuyên canh, chất lượng cao, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Cơ cấu sản xuất chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng thủy sản, dịch vụ nông nghiệp, giảm dần tỷ trọng trồng trọt… Song song đó, diện mạo đô thị của quận có sự thay đổi nhanh chóng, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội ngày càng được hoàn thiện. Quận đã xây dựng, đưa vào sử dụng một số công trình lớn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển trước mắt cũng như lâu dài. Nhiều công trình hạ tầng kinh tế quan trọng được đầu tư trên địa bàn quận như: Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn, Khu công nghiệp Trà Nóc 2… Ngoài tuyến Quốc lộ 91, từ trung tâm quận đến các phường đều có đường ô tô, hệ thống giao thông liên khu vực, liên phường được bê tông hóa, phục vụ tốt cho đời sống, sản xuất và thu hút đầu tư phát triển.

Thời gian tới, quận Ô Môn tiếp tục phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp chất lượng cao; phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp, mô hình phát triển kinh tế có thế mạnh của địa phương; tăng cường công tác xúc tiến mời gọi đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Quận sẽ phát huy lợi thế để phát triển thương mại, dịch vụ; quy hoạch hệ thống chợ trên địa bàn, tập trung xây dựng mới và nâng cấp một số chợ theo hướng văn minh, hiện đại. Xây dựng và phát triển nông nghiệp ven đô thị chất lượng cao; nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả. Ô Môn sẽ tập trung các nguồn lực để phát triển đô thị; đẩy nhanh việc xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, hoàn thiện dần hạ tầng đô thị theo tiêu chí đô thị loại I… Quận tiếp tục thực hiện tốt chính sách thu hút cán bộ khoa học kỹ thuật nhằm chủ động ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến vào quản lý, sản xuất, kinh doanh và đời sống; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất văn hóa, thể dục thể thao; thực hiện tốt chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm, giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc...

Ô Môn đã và đang cùng với các địa phương khác đồng hành trên con đường xây dựng và phát triển thành phố. Phát huy những thành tựu đạt được, quận Ô Môn tiếp tục phấn đấu xây dựng và phát triển quận Ô Môn xứng đáng là quận đô thị công nghiệp của thành phố trực thuộc Trung ương.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt:
Đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ và công nghiệp

 

Phát huy truyền thống đoàn kết, tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, thời gian qua, quận Thốt Nốt đã tận dụng tối đa những ưu điểm để đạt nhiều thành tựu rất quan trọng trong lĩnh vực kinh tế. Kinh tế của quận duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13,64% (từ năm 2009-2013). Thu nhập bình quân đầu người năm 2013 ước đạt hơn 63 triệu đồng (tăng 27,651 triệu đồng so với năm 2009).

Cơ sở hạ tầng đô thị Thốt Nốt ngày càng được hiện đại hóa và phát triển theo hướng xanh-sạch-đẹp. Các công trình hạ tầng như: khu dân cư, trung tâm thương mại… đã tạo điểm nhấn cho một đô thị đang trên đà phát triển. Các phường đều có đường ô tô đến trung tâm, các tuyến lộ giao thông nông thôn được bê tông hóa và nâng cấp mở rộng từ 3,5m trở lên… đáp ứng nhu cầu phát triển ở địa phương. Nhiều dự án, công trình được đầu tư xây dựng đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Trụ sở UBND quận, Bệnh viện Đa khoa Thốt Nốt, Trung tâm Dạy nghề quận, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị, trụ sở hành chính các phường, trạm y tế… góp phần nâng tầm đô thị Thốt Nốt ngày càng đẹp hơn. Quận đang xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư xây dựng các khu trung tâm, khu đô thị. Hệ thống viễn thông, công nghệ thông tin ngày càng phát triển với công nghệ hiện đại, chất lượng phục vụ ngày càng cao; mạng lưới cung cấp nước sạch, nước hợp vệ sinh được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Hệ thống lưới điện trên địa bàn quận được cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới đảm bảo nhu cầu phục vụ sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của nhân dân.

Để là trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, Thốt Nốt sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển một số ngành công nghiệp có thế mạnh như: chế biến nông- thủy sản, công nghiệp cơ khí, công nghiệp chế tạo và các ngành công nghiệp tiềm năng như: thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng… Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu dân cư, khu tái định cư. Phát triển nền nông nghiệp hàng hóa với sản phẩm đa dạng phù hợp với vùng sinh thái, môi trường sạch, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và cung cấp nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang kiến thiết đô thị, kêu gọi đầu tư, hỗ trợ vốn, kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ, cung cấp cây con giống chất lượng, năng suất cao, đáp ứng cho nhu cầu của thị trường.

Thốt Nốt đang quy hoạch hình thành 3 vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao là vùng chuyên sản xuất giống lúa chất lượng cao, lúa xuất khẩu gắn với quy hoạch cánh đồng mẫu; vùng nuôi trồng thủy sản xuất khẩu và vùng sản xuất màu chuyên canh hoặc xen canh gắn liền với quy hoạch các đề án hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề, phát triển các nghề phi nông nghiệp, tổ chức sản xuất… nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị mạnh của thành phố.

Ông Nguyễn Thanh Danh, Chủ tịch UBND huyện Thới Lai:
Tập trung đầu tư và xây dựng có hiệu quả mô hình cánh đồng mẫu lớn

 

Thới Lai xác định kinh tế nông nghiệp giữ vai trò chủ đạo. Vì vậy, thời gian qua huyện tập trung đầu tư và hỗ trợ nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất để phát triển nông nghiệp theo hướng đa canh; xây dựng có hiệu quả mô hình cánh đồng mẫu lớn. Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp từ khâu làm đất đến thu hoạch… góp phần tăng năng suất, chất lượng nông sản, nâng cao chất lượng đời sống của người nông dân. Song song đó, huyện kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cho nông dân tại các cánh đồng lớn, nhân rộng các mô hình kinh tế hoạt động có hiệu quả… Tiếp tục đẩy mạnh phát triển đa dạng mô hình kinh tế hộ; mỗi xã xây dựng mô hình chuyên canh phù hợp với điều kiện của địa phương. Phát triển vùng lúa chất lượng cao, vùng chuyên canh rau sạch, nuôi trồng thủy sản; xây dựng mô hình chăn nuôi phù hợp... góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển toàn diện hơn.

Thới Lai đã và đang xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội được quan tâm đầu tư theo phương châm “liên hoàn, khép kín”, hệ thống giao thông nông thôn đường bộ và đường thủy, phát huy tác dụng thúc đẩy giao thương. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, từng xã, thị trấn đều có kế hoạch xây dựng cầu, đường nối liền các tuyến giao thông liên xã, liên ấp. Tại các nơi đông dân cư đều có đường bê tông, giúp người dân đi lại dễ dàng cả hai mùa mưa nắng. Ước tính, huyện đã làm mới hơn 298,600 km đường bê tông nông thôn; xây dựng hoàn chỉnh các công trình thủy lợi thuộc dự án vùng lúa chất lượng cao, vùng nuôi trồng thủy sản tại các xã như: Trường Xuân, Đông Thuận, Đông Bình, Trường Thành, Thới Thạnh. Đồng thời, huyện đã đầu tư nạo vét kinh xáng Thị Đội để phát huy lợi thế vận tải thủy đảm bảo nguồn nước cho sản xuất.

Phấn đấu đến năm 2015, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của huyện Thới Lai đạt từ 12-13%, thu nhập bình quân đầu người là 27 triệu đồng, sản lượng lúa hằng năm đạt từ 290 ngàn tấn trở lên, giá trị thương mại dịch vụ đạt trên 700 tỉ đồng... Đến năm 2015, Thới Lai thực hiện bê tông hóa ấp liền ấp, xã liền xã; đảm bảo 12/13 xã, thị trấn có đường bê tông cho xe ô tô lưu thông đến trung tâm; không còn nhà ở tạm bợ. Ngoài ra, huyện sẽ điều chỉnh bổ sung quy hoạch trung tâm huyện, đề xuất quy hoạch phát triển cụm tuyến công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp như: Tuyến kênh Xáng Thị Đội, kênh Xáng Ô Môn, cụm kinh tế thị trấn Thới Lai-Trường Xuân… Để hoàn thành các mục tiêu định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới, Thới Lai không chỉ chú trọng đầu tư nông nghiệp công nghệ cao mà tăng dần tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ. Huyện tập trung xây dựng các vùng nguyên liệu, phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm nông sản. Khuyến khích, vận động nhân dân khôi phục, phát triển nghề truyền thống, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Quan tâm phát triển ngành cơ khí để phục vụ sản xuất nông nghiệp và công nghiệp; triển khai xây dựng trung tâm thương mại tại thị trấn Thới Lai và xã Trường Xuân. Bên cạnh đó, Thới Lai còn khuyến khích, ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh; nghiên cứu hướng dẫn một số hộ có điều kiện tổ chức mô hình vườn du lịch, du lịch sinh thái tại xã Trường Thành; mở rộng chợ nông thôn, góp phần đảm bảo an sinh - xã hội cho địa phương và thành phố.

Ông Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh:
Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao lợi nhuận cho người dân

 

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện Vĩnh Thạnh khá ổn định, tăng trưởng bình quân 15%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2013 là 29,56 triệu đồng, tăng hơn 3 lần so với năm 2004. Kinh tế nông nghiệp phát triển theo hướng ngày càng toàn diện, nâng cao giá trị sản xuất, cải thiện đời sống cho nông dân. Huyện đã lãnh đạo thực hiện có hiệu quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn đạt hiệu quả, đưa cơ giới hóa vào các khâu trong quá trình sản xuất từ làm đất đến thu hoạch. Quy hoạch hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng sản xuất lúa –thủy sản, lúa - màu có hiệu quả. Đến nay, toàn huyện có trên 98% diện tích lúa chất lượng cao, năng suất và sản lượng đều tăng, lợi nhuận từ 30 – 35 triệu/ha; diện tích nuôi thủy sản được mở rộng, sản lượng tăng. Chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô bán công nghiệp, phát triển trong điều kiện kiểm soát được dịch bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Vĩnh Thạnh luôn quan tâm huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới, tập trung đầu tư nâng cấp, xây dựng hệ thống cầu, đường giao thông nông thôn. Các dự án đường giao thông từ huyện đến các xã được quy hoạch và triển khai. Xây dựng hệ thống thủy lợi, đê bao khá hoàn chỉnh; mạng lưới điện, nước sạch... phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt đời sống cho nhân dân được quan tâm đầu tư, làm bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Bên cạnh đó, thương mại, dịch vụ phát triển đa dạng đáp ứng nhu cầu thiết thực đời sống của nhân dân. Các dịch vụ bưu chính viễn thông, dịch vụ tín dụng, ngân hàng hoạt động khá mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp từng bước khẳng định vị thế... Song song đó, huyện còn tạo điều kiện thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt là dọc tuyến kênh Cái Sắn và Tỉnh lộ 919 góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn.

Để kinh tế huyện Vĩnh Thạnh tiếp tục phát triển nhanh và ổn định, huyện tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát triển toàn diện, nâng cao lợi nhuận. Tổ chức lại sản xuất theo hướng nền nông nghiệp bền vững với dạng qui mô hàng hóa, bằng cách bổ sung quy hoạch vùng sản xuất cây, con chủ lực của huyện. Tạo điều kiện thuận lợi, để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, phát triển ngành nghề phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn trên địa bàn; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới dây chuyền sản xuất, ứng dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, tăng sức cạnh tranh sản phẩm hàng hóa trên thị trường. Sớm triển khai thi công cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; mời gọi đầu tư phát triển ưu tiên các ngành chế biến sản phẩm nông – thủy sản… Khuyến khích phát triển các ngành cơ khí phục vụ sản xuất và dân dụng; có chính sách hỗ trợ phát triển các ngành nghề truyền thống; xây dựng kinh tế hợp tác, nâng cao trình độ của lực lượng sản xuất... từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của huyện và thành phố.

Chia sẻ bài viết