 |
Một góc của Trung tâm Đại học Tại chức Cần Thơ. |
Hơn 30 năm phát triển, Trung tâm Đại học Tại chức Cần Thơ đã đào tạo hơn 15 ngàn sinh viên tốt nghiệp ra trường; trong số đó có nhiều người thành công và giữ vị trí quan trọng trong xã hội. Phát huy thành quả đạt được, tập thể trung tâm đã không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo, nhằm khẳng định vai trò trung tâm đào tạo cán bộ cốt cán cho địa phương và vùng ĐBSCL...
Hành trình 31 năm phát triển
Dịp các bộ, ngành Trung ương đến thẩm định Đề án thành lập Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ tháng 5-2012 tại Trung tâm Đại học (ĐH) Tại chức Cần Thơ, đến dự và phát biểu trong buổi làm việc, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của đơn vị trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương; động viên tập thể cán bộ cố gắng nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học... nhằm xây dựng trung tâm ngày càng phát triển.
Không phải ngẫu nhiên mà đồng chí Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh vai trò của Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ, bởi lẽ, sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng và thống nhất (sau năm 1975), trên đất Tây Đô có 2 cơ sở đào tạo lớn là Trường ĐH Cần Thơ và Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ (trước đây còn gọi là Trường Kinh tế - Kỹ thuật Hậu Giang). Trong đó Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ là cơ sở đào tạo hệ đại học không chính qui nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế là đào tạo đội ngũ cán bộ cho các ngành, các cấp ở địa phương. Để đáp ứng yêu cầu thực tế, Trường Kinh tế - Kỹ thuật Hậu Giang nhiều lần đổi tên, như: Trung tâm Đào tạo Bồi dưỡng Tại chức tỉnh Hậu Giang, Trung tâm ĐH Tại chức tỉnh Hậu Giang. Từ năm 1992, đổi tên thành Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ đến ngày nay.
Theo tiến sĩ Dương Thái Công, Hiệu trưởng Trung tâm, thực hiện chủ trương của thành phố, trung tâm đã chuyển hướng công tác đào tạo cho phù hợp với tình hình thực tế trong từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của địa phương với các nhiệm vụ chính trị như: Chuẩn hóa cán bộ, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao và thực hiện xã hội hóa giáo dục. Hơn 30 năm qua, trung tâm đã liên kết với 11 trường ĐH trên cả nước đào tạo hơn 15 ngàn sinh viên ở các ngành khoa học xã hội nhân văn, kinh tế, xây dựng... Qui mô đào tạo của trường hiện có khoảng 10.000 sinh viên. Theo Ban Giám hiệu Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ, đặc thù của trung tâm là đơn vị liên kết đào tạo với các trường ĐH, trong đó có nhiều trường ĐH uy tín, chất lượng như: ĐH Cần Thơ, ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh, ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh... Vì thế cán bộ, giảng viên ở trung tâm có điều kiện giao lưu, học hỏi kinh nghiệm giảng dạy, công tác quản lý với cán bộ các trường bạn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Bước phát triển mới
Đến cơ sở 1 (số 256 Nguyễn Văn Cừ, phường An Hòa, quận Ninh Kiều) của Trung tâm, nếu ai đã từng đến Trung tâm dễ dàng nhận thấy sự “thay da đổi thịt” của đơn vị. Bởi vì, “mặt tiền” trung tâm rộng rãi, xanh - sạch đẹp hơn, với con đường đan phẳng lỳ trải dài đến tận khu giảng đường. Trung tâm có 40 phòng học lý thuyết có trang bị màn hình LCD 50 inches, thư viện, phòng thí nghiệm... Ở cơ sở 2 (phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, diện tích trên 17 ha), lãnh đạo Trung tâm đang gấp rút thực hiện các thủ tục bồi hoàn giải phóng mặt bằng để đưa vào sử dụng. Ngoài ra, Trung tâm đã được UBND thành phố phê duyệt và cấp vốn xây dựng các phòng thí nghiệm thực hành; dự án xây dựng khối lớp học 1 trệt 6 lầu với tổng kinh phí khoảng 80 tỉ đồng... Theo lãnh đạo Trung tâm, những năm qua, cơ sở vật chất của Trung tâm không ngừng phát triển, nhất là từ khi có chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cấp thành Trường ĐH Kỹ thuật -Công nghệ Cần Thơ trên cơ sở nâng cấp Trung tâm. Việc chuẩn bị nguồn lực cơ sở vật chất cũng nhằm mục tiêu trên.
Đối với một cơ sở đào tạo, nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng. Để chuẩn bị cho bước phát triển mới, ngoài việc khuyến khích cán bộ, giảng viên học tập nâng cao trình độ, Trung tâm còn tranh thủ nguồn đào tạo từ một số chương trình, đề án của địa phương nhằm tạo điều kiện cho giảng viên học sau đại học. Nhờ vậy, đến nay, Trung tâm có 144 cán bộ, công nhân viên (trong đó có 109 giảng viên cơ hữu). Giảng viên có trình độ sau đại học là 61 người; trong đó có 12 giảng viên tốt nghiệp thạc sĩ từ Đề án Cần Thơ 150. Theo tiến sĩ Dương Thái Công, Hiệu trưởng Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ, Trung tâm đã tập trung kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học. Đồng thời, Trung tâm còn bố trí lực lượng cán bộ làm cố vấn học tập nhằm theo dõi, giúp đỡ sinh viên trong việc học tập. Định kỳ 6 tháng, lãnh đạo Trung tâm, các phòng ban gặp gỡ với đại biểu sinh viên các lớp để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của sinh viên...
Với cách làm trên, không chỉ phát huy tính dân chủ trong trường học, Trung tâm còn thực hiện vấn đề tính nghiêm túc trong học tập, rèn luyện và thi cử, nâng cao hiệu quả đào tạo. “Quan trọng là chúng tôi muốn thay đổi cách nhìn về hệ đào tạo tại chức đối với xã hội. Đào tạo đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động ngày càng khó tính”- Tiến sĩ Dương Thái Công nhấn mạnh.
Bài, ảnh: B.KIÊN
Năm 2012, Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ liên kết đào tạo với hơn 10 Trường ĐH công lập uy tín trong nước mở các loại hình đào tạo, gồm:
* ĐH hệ vừa làm vừa học: Kinh doanh quốc tế, kinh tế kế toán, tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, tài chính doanh nghiệp, kế toán doanh nghiệp, kế toán kiểm toán, kinh tế xây dựng và quản lý dự án, quản lý đất đai, lưu trữ và quản trị văn phòng, du lịch...
* ĐH bằng 2: Luật học, tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh.
* Đào tạo từ xa (xét tuyển): Luật, kế toán, tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, sư phạm tiếng Anh...
* Trung cấp chính quy (xét tuyển): Kế toán doanh nghiệp sản xuất, công nghệ cơ điện lạnh, điện công nghiệp và dân dụng, công nghệ chế biến bảo quản thực phẩm.
Liên hệ: Phòng Đào tạo, Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ, số 256 Nguyễn Văn Cừ, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. ĐT: 07103.890060 - 07103.891302.
|