Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG
Trên địa bàn TP Cần Thơ, từ đầu năm 2022 đến nay, có 50.447 lao động được giải quyết việc làm (GQVL) bằng nhiều hình thức như giới thiệu đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; lao động tự tạo việc làm tại chỗ; thông qua nguồn vốn chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm (gọi tắt là cho vay GQVL). Hiện doanh số chương trình cho vay GQVL là 449 tỉ đồng, với 10.338 lao động vay; dư nợ chương trình 1.009 tỉ đồng, tạo việc làm cho 25.260 lao động.

Nguồn vốn cho vay GQVL giúp hộ tiểu thương ở xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, duy trì và ổn định việc kinh doanh.
Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thành phố tổ chức rà soát nhu cầu vay vốn 5 chương trình tín dụng chính sách cho người dân, trong đó, nhu cầu vay vốn chương trình GQVL là 475,705 tỉ đồng, gồm: năm 2022 là 211,705 tỉ đồng và năm 2023 là 264 tỉ đồng. Trong tổng số trên 241 tỉ đồng Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam giao thành phố cho vay 5 chương trình, có 130 tỉ đồng cho vay GQVL. Chi nhánh NHCSXH thành phố giải ngân kịp thời số vốn này cho 2.682 hộ để tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm. Anh Vương Thanh Hải, ở khu vực Thạnh Mỹ, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, chủ cơ sở sản xuất, thiết kế các loại cửa sắt, nhôm, cho biết: "Sau dịch bệnh, việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Nhờ được hỗ trợ vay vốn kịp thời, tôi từng bước khôi phục kinh doanh, duy trì việc làm, thu nhập cho anh em thợ".
Các năm qua, để tăng cường nguồn vốn phục vụ cho vay, ngân sách thành phố và các quận, huyện chuyển sang NHCSXH trên 439 tỉ đồng, tập trung cho vay các mô hình, nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ để thu hút thêm lao động, góp phần hoàn thành chỉ tiêu GQVL trên địa bàn thành phố. Theo Chi nhánh NHCSXH thành phố, tuy nguồn vốn cho vay GQVL tăng qua các năm, nhưng chủ yếu từ nguồn vốn huy động và vốn địa phương, trong khi nhu cầu vay vốn GQVL của người lao động rất lớn, đa dạng, nên cơ bản chưa đủ đáp ứng. Do hạn chế nguồn vốn nên phần lớn tập trung cho vay lao động trong gia đình theo quy định (tối đa 50 triệu đồng), rất ít cơ sở sản xuất, kinh doanh được vay vốn theo nhu cầu. Ở một vài địa phương việc lồng ghép giữa chương trình tín dụng với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn người dân cách thức làm ăn chưa được thường xuyên; đa số hộ vay sản xuất quy mô nhỏ lẻ nên gặp nhiều rủi ro, hiệu quả chưa cao. Trong thực tế, khá nhiều hộ dân, nhiều mô hình có kế hoạch mở rộng sản xuất, kinh doanh nên có nhu cầu tăng vốn vay GQVL. Cụ thể, các thành viên tổ hợp tác trồng hẹ, ở phường Thạnh Hòa; tổ hợp tác chăn nuôi dê, ở phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt... cần được hỗ trợ tăng vốn vay để mạnh dạn mở rộng quy mô, trang bị máy móc phục vụ sản xuất, giảm công lao động, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, đảm bảo chất lượng nông sản.
Trong các phiên họp sơ kết quý, tổng kết năm hoạt động cho vay tín dụng chính sách của thành phố, vấn đề đáp ứng nhu cầu vốn vay GQVL cho người lao động được đề cập và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn. Cùng với việc tiếp tục bố trí nguồn ngân sách ủy thác qua NHCSXH; đẩy mạnh huy động tiền gửi các tổ chức, cá nhân và vận động thành viên tổ tiết kiệm và vay vốn tham gia gửi tiền hằng tháng để tạo nguồn vốn cho vay, lãnh đạo UBND thành phố chỉ đạo Chi nhánh NHCSXH thành phố tiếp tục đề nghị NHCSXH Trung ương quan tâm bổ sung nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng chính sách cho thành phố, nhất là chương trình cho vay GQVL, đáp ứng nhu cầu vốn vay của người lao động.