“Đào tạo nhân tài thì công khanh đều ở cửa ông mà ra”
“Ông thực đáng được coi là ông tổ của các nhà nho nước Việt ta mà thờ vào Văn Miếu”
(Nhà sử học Ngô Sĩ Liên)
 |
Chu Văn An
Phạm Công Thành vẽ |
Thăng Long- Hà Nội trong nghìn năm lịch sử của mình là một vùng đất văn hóa nổi tiếng. Đấy là nơi “Đô hội trọng yếu để bốn phương sum họp”, là kinh sư của muôn đời.
Hàng trăm danh nhân văn hóa, danh nhân lịch sử đã xuất hiện ở Thăng Long- Hà Nội. Họ có thể sinh ra ở vùng đất khác, nhưng sự nghiệp văn hóa lừng lẫy, những chiến công vang dội của họ lại gắn liền với mảnh đất nghìn năm văn hiến này.
Chu Văn An là một trí thức lớn, một danh nhân của chính mảnh đất Thăng Long- Hà Nội. Ông sinh năm 1292, người xã Quang Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Đây là xã nằm trên bờ phải sông Tô Lịch- con sông cổ của kinh thành Thăng Long xưa. Ông đậu Thái học sinh (Tiến sĩ), nhưng không chịu ra làm quan mà mở trường dạy học ở quê nhà. Rất đông học sinh đến học. Nhiều người trong số đó thành đạt và nổi tiếng như Lê Quát, Phạm Sư Mạnh. Biết tiếng ông, vua Trần Minh Tông đã mời ông ra Thăng Long, giữ chức Tư nghiệp trường Quốc Tử Giám dạy các hoàng tử.
Nói về Chu Văn An, sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Ông tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, bền giữ tiết tháo, không cầu lợi lộc. Ông ở nhà đọc sách, học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa, vào chính phủ như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát đã làm tới chức hành khiển mà vẫn giữ lễ học trò, khi đến thăm thầy thì lại ở dưới giường, được nói chuyện với thầy vài câu thì lấy làm mừng lắm. Còn học trò nào xấu đến, thì ông nghiêm khắc trách mắng, thậm chí la hét không cho vào. Ông là người trong sạch, thẳng thắn, nghiêm nghị, lẫm liệt, đáng sợ đến như vậy đấy”.
Tương truyền, một lần Phạm Sư Mạnh, bấy giờ đang làm Nhập nội hành khiển (một chức quan gần như Tể tướng), về thăm thầy Chu Văn An. Gặp ngày phiên chợ người đông, quân lính thét loa, vung roi mở đường cho kiệu quan hành khiển, huyên náo, ồn ào.
Chu Văn An biết được việc đó, đã chỉ vào mặt Phạm mà mắng:
- Về thăm thầy mà làm náo loạn cả bàn dân thiên hạ, thì ta còn mặt mũi nào mà ngẩng nhìn mọi người nữa!
Rồi ông phủi áo bỏ vào nhà trong. Phạm Sư Mạnh vừa biết lỗi vừa hối hận, cứ quỳ gối bên giường, mãi đến khi thầy nguôi giận tha lỗi mới dám đứng dậy. Từ đó, mỗi lần về thăm thầy, Phạm Sư Mạnh chỉ mặc áo vải thâm, đi cùng vài người như học trò thường.
Đến đời Trần Dụ Tông chính trị đổ nát, quyền thần nhiều kẻ làm trái phép nước, ông khuyên can Dụ Tông, dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần, đều là những kẻ quyền thế được vua yêu. Người bấy giờ gọi là “Thất trảm sớ”. Sớ dâng lên nhưng không được trả lời, Chu Văn An treo mũ quan về quê, ông đến núi Phượng Hoàng, Chí Linh ở. Khi nào có Triều hội lớn thì mới đến kinh sư. Dụ Tông đem chính sự lớn trao cho ông, nhưng ông không nhận. Hiến Từ thái hậu bảo: “Ông là người không thể bắt làm tôi được”. Vua sai nội thần đem quần áo ban cho ông. Ông lạy tạ xong, liền đem cho người khác hết. Thiên hạ đều cho ông là bậc cao thượng.
Nói về ông, sử thần Ngô Sĩ Liên viết:
“Người hiền được dùng ở đời, thường lo người làm vua không thi hành những điều sở học của mình. Cho nên vua tôi gặp nhau từ xưa vẫn là rất khó.
Những nhà nho nước Việt ta được dùng ở đời không phải không nhiều, nhưng kẻ thì chỉ nghĩ đến công danh, kẻ thì chuyên lo về phú quý, kẻ lại a dua với đời, kẻ chỉ cốt ăn lộc giữ thân, chưa có ai chịu để tâm đến đạo đức, suy nghĩ tới việc giúp vua nêu đức tốt cho dân được nhờ, như Tô Hiến Thành đời Lý, Chu Văn An đời Trần.
Nhưng Tô Hiến Thành gặp được vua sáng suốt, cho nên công danh sự nghiệp được thấy ngay đương thời. Chu Văn An không gặp vua anh minh, nên chính học của ông đời sau mới thấy được. Hãy lấy Chu Văn An mà nói, thờ vua thì thẳng thắn can ngăn, xuất xử thì làm theo nghĩa lý, đào tạo nhân tài thì công khanh đều ở cửa ông mà ra, tiết tháo cao thượng thì thiên tử cũng không bắt làm tôi được. Huống chi tư thế đàng hoàng mà đạo làm thầy được nghiêm, giọng nói lẫm liệt mà bọn nịnh hót phải sợ. Ngàn năm về sau, nghe phong độ của ông há không làm cho kẻ điêu ngoa thành liêm chính, người yếu hèn biết tự lập được hay sao? Ông thực đáng được coi là ông tổ của các nhà nho nước Việt ta mà thờ vào Văn Miếu”.
Người xưa quan niệm chỉ khi nằm trong áo quan rồi, thì sự nhận định về một con mgười mới hoàng toàn chính xác. Sau khi mất, Chu Văn An đã được truy tặng tước Văn Trinh Công. Chúng ta điều biết Văn Miếu Hà Nội là nơi thờ Chu Công, Khổng Tử- hai ông tổ của nho học và Chu Văn An là người thầy giáo Việt Nam đầu tiên. Ở làng Quang Liệt quê hương ông, nhân dân thờ và suy tôn ông làm thành hoàng.
***
 |
Văn Miếu Quốc Tử Giám. (The Gioi Publishers Hanoi- 1994). |
Việc Chu Văn An từ quan về ẩn cư ở núi Phượng Hoàng, làm nhiều người, trong số đó có những học trò thành đạt của ông, hết sức nuối tiếc. Họ nói : “Phần lớn là quan to trong triều, kể cả nhà vua, đều là học trò của thầy, sao thầy nở bỏ mà đi?”. Ông khảng khái trả lời:
- Ta bỏ đi vì nhà vua không chịu nghe lời nói thẳng.
Rồi ông dặn dò các học trò của mình:
- Các con học ta nên nhớ một điều, là bậc sĩ phu chân chính, phải dám nói lên sự thật vì lợi ích của nhân dân, làm sao cho dân được ấm no, thiên hạ được thái bình. Còn chức trọng, quyền cao mà không làm được gì có lợi cho dân, cho nước, thì chức tước, địa vị phỏng có nghĩa lý gì.
Khi được tin ông về giảng dạy ở Quốc Tử Giám- trường đại học đầu tiên của nước ta, Trần Nguyên Đán đã viết bài chúc tụng: “Bể học xoay chiều sóng, phong tục trở về thuần hậu. Trường lớn trong nước được thầy dạy như Bắc đẩu, Thái sơn”.
Trong đền Huỳnh Cung, nơi ông mở trường dạy học cũng có đôi câu đối:
Huỳnh Cung thư phổ huân cao tại
Tô lịch văn nguyên tẩm nhuận trường
Nghĩa là:
Vườn sách chốn Huỳnh Cung, khói hương còn mãi
Nguồi văn sông Tô Lịch, nhuần thấm dài lâu.
Tại ngôi trường Huỳnh Cung này, còn ghi lại một truyền thuyết nổi tiếng, có làng đã ghi trong thần phả của mình. Tương truyền khi Chu Văn An mở trường dạy học ở đây, rất nhiều học trò từ xa đến xin học. Trong số này, có một chàng trai tuấn tú, sáng nào cũng đến thật sớm để nghe giảng. Thầy khen là chăm chỉ, thông minh, nhưng không rõ tung tích ở đâu. Ông bèn cho người dò xem thì cứ đến khu Đầm Đại, một khu đầm lớn hình vành khuyên nằm giữa các làng Đại Từ, Pháp Vân, Tứ Kỳ, Huỳnh Cung, Linh Đàm thì biến mất. Ông biết là thần nước.
Một lần đại hạn, ruộng đồng khô cạn, dân tình lo lắng, khi giảng bài xong ông hỏi các học trò xem ai có thể giúp dân được không? Bỗng người học trò ấy đứng dậy, chắp tay thưa:
- Con xin vâng lời thầy để giúp dân. Nhưng mai kia có chuyện gì không hay, xin thầy chu toàn cho!
Sau đó người ấy ra sân lấy nghiên mài mực, ngửa mặt lên trời khấn, rồi dùng bút vẩy mực ra bốn phương. Hết mực anh ta tung cả bút nghiên lên trời. Lập tức mây đen kéo đến, trời đột ngột đổ một trận mưa lớn kéo dài. Đêm ấy có tiếng sét to, sáng hôm sau một con thuồng luồng lớn chết nổi lên ở đầm. Thầy Chu Văn An được tin khóc thương và cho học trò làm lễ an táng. Nhân dân các làng cũng đến dự lễ rất đông, và sau đó họ lập đền thờ thần nước. Hiện nay mộ thần vẫn còn, là một gò đất nổi lên giữa đầm nước. Còn chỗ nghiên mực rơi xuống đã biến thành một đầm nước lúc nào cũng đen, nhân dân gọi là Đầm Mực. Quản bút rơi xuống làng Tả Thanh Oai, và biến làng này thành một làng văn học nổi tiếng, với những tên tuổi đã đi vào lịch sử như Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm...
Tại làng Bằng Liệt, còn ghi một câu đối chữ Hán, dịch ra như sau:
Mây lành từ nghiên mực bay lên, một ngọn bút ra công, trời thuận theo lẽ phải !
Mưa tốt giữa sân son đổ xuống, nghìn cánh đồng dội nước, đất nẻ trổ mùa hoa.
Truyền thuyết dân gian này đã chứng tỏ trường học của Chu Văn An có một sức mạnh kỳ lạ, khiến thủy thần cũng lên trần tìm học. Sức cảm hóa của thầy đã khiến người học trò thủy thần này vui lòng hy sinh cả thân mình để làm mưa cứu hạn cho dân.
Uy tín và lòng yêu mến người thầy đã được dân gian hóa thân vào truyền thuyết như thế, chứng tỏ lòng kính trọng mãi mãi của nhân dân, và của học trò đối với một người thầy lớn, một người thầy đã dành cả cuộc đời tâm huyết của mình cho ghề dạy học.
Chu Văn An là một trí thức lớn, một danh nhân của Thăng Long - Hà Nội, đã nêu tấm gương sáng mãi, có ảnh hưởng rất sâu rộng trong thời đại của ông và những thế hệ về sau.
BÙI CÔNG BÍNH