23/06/2013 - 20:29

Phát triển chăn nuôi ở TP Cần Thơ

Chú trọng chất lượng và bảo vệ môi trường

Trong thời gian tới, heo được xác định là một trong những đối tượng vật nuôi quan trọng tại TP Cần Thơ. Trong ảnh: Heo nuôi dạng trang trại tại huyện Vĩnh Thạnh.
Ảnh: ANH KHOA

TP Cần Thơ vừa tổ chức họp Hội đồng thẩm định xem xét thông qua Dự án quy hoạch phát triển chăn nuôi, giết mổ, bảo quản chế biến gia súc, gia cầm và cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung công nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2020. Tại cuộc họp này, nhiều đại biểu thống nhất phát triển ngành chăn nuôi thành phố theo hướng chú trọng nâng cao chất lượng và bảo vệ môi trường; không “chạy” theo số lượng. Thành phố sẽ quan tâm khuyến khích phát triển các mô hình chăn nuôi tập trung công nghiệp, cụm giết mổ tập trung quy mô lớn hiện đại; phấn đấu trở thành trung tâm cung cấp giống và các dịch vụ chăn nuôi cho vùng ĐBSCL…

* Không chạy theo số lượng

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ - đơn vị được UBND thành phố giao chủ trì thực hiện Dự án quy hoạch phát triển chăn nuôi, giết mổ, bảo quản chế biến gia súc, gia cầm và cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung công nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ đến năm 2020. Để thực hiện dự án này, Sở NN&PTNT thành phố đã chọn Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) làm đơn vị tư vấn.

Dựa vào kết quả khảo sát thực trạng, dự đoán xu hướng phát triển và các điều kiện thuận lợi, khó khăn trong phát triển chăn nuôi, giết mổ gia súc gia cầm tại thành phố, đơn vị tư vấn xây dựng 2 phương án quy hoạch phát triển chăn nuôi, giết mổ tại thành phố đến năm 2020. Trong đó, đơn vị tư vấn đã đề xuất chọn phương án 2 vì xác định các vật nuôi chính của thành phố đến năm 2020 là heo, gà, vịt. Trong đó, ưu tiên phát triển đàn gà, kế đến là đàn heo theo hướng công nghiệp và nâng tỷ lệ đàn nuôi trong các cơ sở tập trung. Đồng thời, giảm các điểm giết mổ, dần hình thành các cụm giết mổ tập trung hiện đại có quy mô lớn nằm ở xa các khu dân cư và quận nội ô thành phố… Phương án này được xác định có tính khả thi và ưu điểm hơn ở chỗ không đẩy mạnh phát triển số lượng đàn vật nuôi mà phát triển đàn vật nuôi thương phẩm ở mức vừa phải. Thay vào đó là chú trọng nâng cao giá trị chăn nuôi bằng việc đẩy mạnh phát triển khâu sản xuất, cung ứng giống và các dịch vụ chăn nuôi. Mặt khác, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và quan tâm các vấn đề bảo vệ môi trường. Theo tiến sĩ Nguyễn Trọng Uyên, Phó phân viện trưởng, Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, tỉnh Đồng Nai có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi và có nền chăn nuôi phát triển mạnh nhưng cũng chỉ đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất chăn nuôi khoảng 9,25%/năm. Do vậy mục tiêu tốc độ tăng ở mức 6,6%/năm như phương án 2 là vừa phải (phương án 1 là 11%), phù hợp với tình hình phát triển công nghiệp, dịch và điều kiện đô thị hóa tại thành phố đang diễn ra nhanh, đất cho trồng lúa ổn định, đất cho chăn nuôi có xu hướng thu hẹp, lao động chuyển dịch sang lĩnh vực phi nông nghiệp nhiều.

* Quan tâm đầu ra sản phẩm

Theo phương án quy hoạch được đơn vị tư vấn đề xuất chọn, TP Cần Thơ sẽ đẩy mạnh phát triển các cơ sở chăn nuôi tập trung, khuyến khích và tạo điều kiện thành lập các hình thức hợp tác sản xuất (hợp tác xã, tổ hợp tác…) trong các vùng phát triển cơ sở chăn nuôi tập trung. Đến năm 2020, đàn heo tại thành phố đạt mức 200.000 con bao gồm heo thịt và heo giống bố mẹ (trong đó đàn heo thịt trên 170.800 con), đàn gia cầm lên 2,5 triệu (trong đó đàn giống khoảng 75.000 con). Bên cạnh đó, thành phố duy trì đàn bò đạt trên 4.500 con (trong đó bò sữa ổn định 600 con -chiếm 12% tổng đàn), với các con lai có tỷ lệ máu HF từ 50-75% (F1, F2, F3), nâng đàn bò lai sind lên 3.800 con (chiếm 98% tổng đàn). Thành phố cũng duy trì đàn trâu ở mức 500 con, đồng thời khuyến khích người dân phát triển các vật nuôi đặc sản như: heo rừng, nhím, trăn, rắn, ba ba… gắn với mô hình gia trại, trang trại nhằm đáp ứng nhu cầu tại chỗ, nhất là nhu cầu của các nhà hàng, khách sạn phục vụ khách du lịch.

Về cơ sở giết mổ gia súc gia cầm, theo định hướng sẽ không quy hoạch điểm giết mổ phân tán, mà sẽ dần hình thành các cụm giết mổ tập trung quy mô lớn đảm bảo các yêu cầu quy định về quản lý giết mổ, thú y và môi trường để tạo sự ổn định lâu dài, tiết kiệm chi phí đầu tư hạ tầng, thuận lợi quản lý. Cơ sở nào không có khả năng hoặc không đủ điều kiện nâng cấp, cải tạo đảm bảo các tiêu chuẩn tối thiểu theo quy định thì không cấp phép tiếp tục hoạt động. Dự kiến từ 32 cơ sở giết mổ hiện nay sẽ giảm xuống còn 25 cơ sở vào năm 2015 và giảm còn 15 cơ sở vào năm 2020. Ngoại trừ quận Ninh Kiều, phấn đấu đến năm 2020 mỗi quận, huyện trong thành phố có 1-2 cụm cơ sở giết mổ tập trung với trang thiết bị hiện đại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các thành viên Hội đồng thẩm định dự án “Quy hoạch phát triển chăn nuôi, giết mổ, bảo quản chế biến gia súc, gia cầm và cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung công nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ đến năm 2020” đã thống nhất việc chọn phương án 2 như đề xuất của đơn vị tư vấn. Tuy nhiên, để hoàn thiện hơn, thúc đẩy ngành chăn nuôi thành phố phát triển ổn định và bền vững, việc quy hoạch phát triển chăn nuôi giết mổ tại thành phố cần phải gắn với các giải pháp đảm bảo về đầu ra cho sản phẩm và có các giải pháp về công nghệ cho giết mổ và các công nghệ, biện pháp xử lý các chất thải trong chăn nuôi. Mặt khác, cần quan tâm nhiều đến việc phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao và hướng đến trở thành trung tâm cung cấp giống và các dịch vụ chăn nuôi cho vùng ĐBSCL. Ông Trần Thanh Bé, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, cho rằng: “Đơn vị tư vấn đã thực hiện tương đối đầy đủ các nội dung của một dự án quy hoạch và những nội dung, định hướng đưa ra là cơ bản phù hợp, nhất là việc phát triển đàn vật nuôi cung cấp thịt gắn với việc tăng cường phát triển sản xuất con giống. Tuy nhiên, dự án cần nêu rõ các chỉ tiêu, mục tiêu về phát triển con giống và các giải pháp về đầu ra cho sản phẩm thịt và con giống. Đặc biệt, để TP Cần Thơ trở thành trung tâm cung cấp các loại giống vật nuôi cho vùng ĐBSCL cần có các giải pháp phát triển thị trường tiêu thụ con giống”. Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, trong điều kiện diện tích đất phục vụ sản xuất nông nghiệp có xu hướng thu hẹp, ngành nông nghiệp thành phố xác định phát triển sản xuất không chạy theo số lượng mà chú ý nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển các dịch vụ, nhất là dịch vụ về giống nông nghiệp cho vùng ĐBSCL. Đồng thời, trong quá trình chăn nuôi và giết mổ cần phải có các giải pháp bảo vệ môi trường, có định hướng về các công nghệ hiện tại và tương lai cho việc xây dựng các cụm giết mổ tập trung và xử lý các chất thải trong chăn nuôi.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng cho rằng: Dự án cần đề ra các giải pháp cụ thể để tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm; đồng thời có các giải pháp về tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ môi trường… Đơn vị tư vấn cần ghi nhận các ý kiến đóng góp để chỉnh sửa hoàn thiện dự án trước khi trình UBND thành phố phê duyệt…

Khánh Trung

 

Chia sẻ bài viết