04/11/2010 - 08:41

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thị sát, chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ tại Khánh Hòa, Ninh Thuận và Phú Yên

* KIÊN GIANG: Giông, lốc đánh chìm 24 tàu thuyền đánh bắt hải sản
* BẠC LIÊU: Hơn 53.000ha lúa, tôm, hoa màu bị ngập nước
* TP CẦN THƠ: Mực nước trên sông Hậu sẽ lên cao trong những ngày tới

Ngày 3-11, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng đoàn công tác đã đi máy bay trực thăng, thị sát tình hình mưa lũ tại Khành Hòa và Ninh Thuận; đến thăm đồng bào thôn Thuận Lợi, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước và chỉ đạo tỉnh Ninh Thuận khắc phục hậu quả lũ lụt.

Đến thăm thôn Thuận Lợi, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) nơi nước lũ tàn phá, gây thiệt hại lớn về cây trồng vật nuôi, Chủ tịch nước được bà con đón chào nồng nhiệt. Hầu hết bà con đã quên chuyện buồn của lũ, quên chuyện thiếu đói cận kề, chỉ mong được gặp mặt Chủ tịch, vị lãnh đạo cao nhất nước. Chủ tịch nước xúc động, chân tình thăm hỏi bà con, chia sẻ những mất mát, thăm hỏi người già trẻ em, chúc mừng bà con đã vượt qua những khó khăn từ cơn lũ dữ. Chủ tịch nước nhắc nhở chính quyền địa phương chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho bà con, giúp cho người dân sớm khắc phục lũ lụt, nhanh chóng khôi phục sản xuất, đặc biệt là phải quan tâm công tác vệ sinh môi trường, phòng trừ dịch bệnh, khôi phục trường lớp cho các cháu đi học lại bình thường. Người dân thôn Thuận Lợi cảm ơn Chủ tịch nước đã gác lại nhiều công việc quan trọng để đến thăm bà con vùng lũ, hứa với Chủ tịch nước là sẽ đoàn kết, giúp đỡ nhau khắc phục khó khăn, nhanh chóng khôi phục sản xuất, ổn định đời sống. Nhân dịp này, Chủ tịch nước cũng đã tặng một số phần quà cho các gia đình có nhiều khó khăn sau lũ và hỗ trợ cho thôn Thuận Lợi 200 triệu đồng để thôn cứu trợ cho đồng bào.

* Chiều 3-11, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã thị sát và chỉ đạo công tác đối phó với tình hình lũ lụt đang diễn ra nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cho rằng tình hình mưa lũ đã tác động xấu đối với các tỉnh Nam Trung bộ nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng. Chủ tịch nước chia sẻ nỗi đau với các gia đình có thân nhân thiệt mạng vì đợt lũ lụt này; hoan nghênh Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Khánh Hòa đã tích cực triển khai có hiệu quả các biện pháp ứng phó, hạn chế các thiệt hại do mưa lũ gây ra; đồng thời biểu dương chính quyền cơ sở trong tỉnh cùng với người dân đã chủ động, tích cực và đoàn kết vượt qua khó khăn, tổ chức cứu người, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn. Chủ tịch nước lưu ý, theo dự báo thời tiết, trong vài ngày tới còn có đợt mưa lớn, tỉnh Khánh Hòa cần tiếp tục cảnh giác, sớm triển khai các biện pháp ứng phó. Trước mắt, Khánh Hòa cần tiến hành công tác hỗ trợ, chăm sóc cho người dân có cái ăn, cái mặc, sớm ổn định cuộc sống và khôi phục lại sản xuất. Chủ tịch nước nhấn mạnh: tỉnh Khánh Hòa là trọng điểm kinh tế của miền Trung, nhất là trên lĩnh vực du lịch, do đó chính quyền tỉnh cần sớm khắc phục về cơ sở hạ tầng, giúp đỡ các doanh nghiệp sớm ổn định kinh doanh, sản xuất. Trung ương sẽ đáp ứng các yêu cầu của tỉnh về việc cấp 500 tấn gạo để cứu đói cho dân; hỗ trợ lúa giống, rau giống và thuốc khử trùng; đồng thời hỗ trợ sớm 30 tỉ đồng giúp Khánh Hòa khắc phục về cơ sở hạ tầng thiết yếu.

* Chiều tối ngày 3-11, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đến kiểm tra tình hình phòng chống, khắc phục hậu quả lũ lụt tại tỉnh Phú Yên.

* Ngày 3-11-2010, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương- Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện số 33/CĐ-TW Về việc đối phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới gần bờ. Đến chiều 3-11, vùng áp thấp trên khu vực vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định- Ninh Thuận đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

* Theo Văn phòng Ban Chỉ đạo PCLB&TKCN Trung ương, mưa to lũ lớn xảy ra trong những ngày qua tại các tỉnh từ Phú Yên đến Bình Thuận đã làm 8 người chết, tăng 2 người so với ngày 2-11 (Khánh Hòa 5 người, tăng 1 người; Phú Yên 3 người, tăng 1 người); mất tích 6 người, tăng 3 người (Ninh Thuận 4 người, tăng 1 người; Khánh Hòa 1 người; Phú Yên 1 người, tăng 1 người). Nhà bị sập đổ 622 nhà (Khánh Hòa 168, Ninh Thuận 454); có 6.100 nhà bị ngập (Khánh Hòa 508, Ninh Thuận 5.152, Bình Thuận 440).

* Chiều 3-11, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang) cho biết, do ảnh hưởng của đợt gió mùa đông bắc, kèm theo giông, lốc, liên tiếp trong các ngày qua (31/10-2/11) trên địa bàn huyện có 24 tàu thuyền đánh bắt hải sản bị sóng biển nhấn chìm. Trong đó có 9 phương tiện đánh bắt xa bờ, 14 thuyền câu gần bờ. Tuy nhiên, số tàu thuyền bị chìm trên đang đánh bắt khu vực quanh đảo và khi xảy ra sự cố đã được các tàu cá khác kịp thời cứu vớt nên không gây thương vong về người. Cùng thời gian này, mưa giông còn làm sập 10 nhà dân, trong đó có 3 nhà sập hoàn toàn, thiệt hại ban đầu gần 500 triệu đồng.

* Mưa lớn trong nhiều ngày liên tiếp làm ngập úng hơn 53.000 ha lúa, tôm, hoa màu ở các huyện vùng ngọt hóa phía Bắc tỉnh Bạc Liêu. Trong số đó, nặng nhất là trà lúa thu đông, lúa- tôm tại huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Hồng Dân, Phước Long, diện tích bị ngập khoảng 30.000ha, nhiều khả năng thiệt hại hoàn toàn.

Thống kê chưa đầy đủ của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu, đến sáng ngày 3-11, hơn 90% diện tích sản xuất lúa kể trên chìm sâu trong nước. Mực nước tăng nhanh khiến hệ thống cống, đập của địa phương không thể tháo kịp nước ra ngoài để cứu lúa. Hiện chưa thống kê chính xác mức độ thiệt hại nhưng rất nhiều khả năng diện tích lúa thu đông phải gieo cấy lại.

* Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) TP Cần Thơ, cho biết: Do ảnh hưởng của đợt triều cường kết hợp gió Đông Bắc thổi mạnh mực nước trên các sông, rạch trong TP Cần Thơ tiếp tục lên nhanh và ở mức cao từ ngày 4 đến 9-11-2010. Mực nước cao nhất trên sông Hậu tại Cần Thơ ở mức 1,92m - 1,97m, vượt mức báo động III (1,90m) từ 2cm đến 7cm. Thời gian xuất hiện đỉnh triều lúc sáng sớm: 5 - 6 giờ, chiều tối 17 - 18 giờ vào các ngày 5, 6, 7 và 8-11-2010.

Ban Chỉ huy PCLB-TKCN TP Cần Thơ đề nghị các sở, ban ngành, UBND và Ban chỉ huy PCLB-TKCN các cấp triển khai thực hiện các công việc như: Gia cố, tôn cao các tuyến đê bao còn thấp, xung yếu ở các cồn trên sông Hậu; triển khai các phương án phòng, tránh, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân trong mùa nước, tăng cường quản lý con em, không để trẻ em bị té sông chết đuối; tiến hành kiểm tra các tuyến kênh, rạch ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao, khuyến cáo và tổ chức di dời dân đến nơi an toàn; kiểm tra các bến đò ngang trên sông Hậu và các con sông, rạch lớn trên địa bàn để đảm bảo việc chở đúng số người theo quy định, trang bị đầy đủ phương tiện cứu hộ cứu nạn; thực hiện biện pháp chống ngập tại các kho tàng, bến bãi... Các đơn vị nêu trên cũng cần có biện pháp phòng tránh sự cố xấu có thể xảy ra trong đợt triều cường như gió mạnh, sấm sét, lốc xoáy, mưa lớn...

TTXVN-HỮU TÙNG-H.V

Chia sẻ bài viết