25/11/2017 - 09:01

Chữ hiếu thời nay 

Ngày cuối tuần, thấy con cháu nhà bà Tư (ở Hậu Giang) tụ họp, quây quần ăn uống, ông Ba (nhà đối diện) đi ra đi vào “đứng ngồi không yên”. So về mọi mặt, nhà ông Ba khá giả hơn, con cái thành đạt hơn nhưng khổ nỗi đều ở xa, có khi mỗi năm về thăm gia đình 1-2 lần. Trong khi đó, cứ dịp lễ, Tết hay cuối tuần, nhà bà Tư luôn rôm rả, đông vui.   

Chăm sóc, phụng dưỡng

Gia đình êm ấm, con cháu ngoan ngoãn, hiếu thảo là niềm hạnh phúc của nhiều người. Ảnh mang tính min họa.

Ông bà Ba có 3 người con, tất cả đều tốt nghiệp đại học, công việc ổn định, thu nhập cao. Thời trẻ, vợ chồng ông cố gắng làm lụng chăm lo các con ăn học với mong muốn có tương lai tốt đẹp hơn. Thấu hiểu cha mẹ vất vả, các con ông chăm chỉ học hành và tạo lập sự nghiệp. Hai con gái lớn lập gia đình và sinh sống ở TP Cần Thơ. Riêng con trai út lập nghiệp ở TP Hồ Chí Minh. Ông Ba kể: “Mấy năm nay, đứa nào cũng bận rộn công việc, con cái nên hiếm khi cả gia đình sum họp. Hễ đứa này sắp xếp về được lại vắng đứa kia và ngược lại. Nhà cửa trống vắng, hiu quạnh, chỉ có vợ chồng già thui thủi đi ra đi vào…”.

Tình cảnh ông Ba cũng là của chung nhiều gia đình ít con, con đi làm ăn, lập nghiệp xa nhà, ít có điều kiện về thăm gia đình. Bà Lê Thị Mai (Kiên Giang) bộc bạch: “Tôi lo cưới vợ xong cho 3 con trai, những tưởng nhà cửa sẽ đông vui vì thêm con, cháu. Vậy mà, đứa nào cũng ở xa. Mỗi năm chỉ gặp nhau vài ba ngày Tết”. Theo bà Mai, các con đều hiếu thảo, biết quan tâm, chăm lo cha mẹ. Hằng ngày, các con gọi điện thoại thăm hỏi; hằng tháng, gửi tiền, quà biếu ông bà. Mỗi lần bà cần sắm vật dụng gia đình, các con góp tiền mua tặng. Tuy nhiên, bà Mai vẫn chạnh lòng mỗi khi ai vô tình nhắc chuyện con cái.   

Tương tự, bà H. (quận Bình Thủy) chẳng may trượt chân ngã, nằm viện điều trị gần 1 tuần nhưng chỉ có chị Khanh, con dâu út tới lui chăm sóc. Khi nhiều người nuôi bệnh cùng phòng thắc mắc hỏi thăm gia cảnh, bà H. bật khóc. Bà H. kể, bà có nhiều con, cháu nhưng không đứa nào rảnh vào viện thăm nuôi, chỉ việc “ra tiền” để con dâu út “ra công” chăm sóc. Tuy  một mình lăng xăng, tất bật nhưng chị Khanh rất vui vẻ, chu đáo mọi việc. Chị Khanh bộc bạch: “Các anh chị bận đi làm nên không có thời gian rảnh. Vợ chồng tôi làm ruộng nên thời gian rộng rãi, thoải mái hơn. Vả lại, trước giờ, tôi sống chung với mẹ nên rất hiểu tính nết, việc chăm sóc dễ dàng, thuận lợi hơn”.    

Để cha mẹ an lòng

Có dịp trò chuyện với các bậc cha mẹ, nhất là các cụ lớn tuổi mới biết, niềm vui tuổi già đôi khi không phải “cơm ngon, áo đẹp”, mà chính là thái độ, cách cư xử cũng như sự hòa thuận của các con. Cô Lê Thị Bảy (quận Bình Thủy) nói: “Tôi có 2 con dâu chung sống thuận hòa, luôn quan tâm, giúp đỡ nhau. Không khí gia đình lúc nào cũng đầm ấm, vui vẻ”. Cũng theo cô Bảy, để có được sự êm ấm, viên mãn hiện nay, gia đình cô từng có lúc trải qua sóng gió. Nguyên nhân bắt nguồn từ sự tị nạnh, thiếu thông cảm giữa hai con dâu. Cô Bảy cho biết: “Thật ra, con dâu nào cũng hiếu thuận, luôn muốn “lấy lòng” mẹ chồng nhưng cách làm khác nhau. Con dâu này đi làm có thu nhập ổn định thường mua quà cáp, biếu tiền mẹ chồng; con dâu kia giỏi việc nội trợ, nấu nướng, đảm đang quán xuyến trong ngoài. Thấu hiểu điều đó nên tôi luôn đối xử rất công bằng. Mỗi khi con dâu làm sai, tôi đều thẳng thắn rầy dạy”. Từ chỗ “bằng mặt không bằng lòng”, giờ hai con dâu xem nhau như chị em ruột.

Trong xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống có nguy cơ bị xói mòn nhưng quan niệm về “chữ hiếu” vẫn vẹn nguyên giá trị và ít nhiều “mở rộng” hơn về nghĩa. Đó không chỉ là sự quan tâm chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già; lòng yêu thương, kính trọng bậc sinh thành, mà còn là sự phấn đấu thành đạt, yên bề gia thất để cha mẹ yên lòng. Anh Trần Văn Thanh (quận Bình Thủy) chia sẻ: “Ngày nay, nhiều bạn trẻ vì quá đam mê công việc hoặc không muốn vướng bận gia đình, con cái nên chọn cách sống độc thân. Theo tôi, đây là một trong những biểu hiện sự “bất hiếu””. Cũng với suy nghĩ đó nên dù công việc ổn định, lương cao, có điều kiện chăm lo đầy đủ, chu đáo cho cha mẹ nhưng anh Thanh vẫn canh cánh nỗi lo chưa tìm được người tâm đầu ý hợp để kết hôn, sinh con nối dõi. Bởi với anh Thanh, việc “thành gia lập thất”, tu chí làm ăn là cách “trả hiếu” thiết thực nhất của đạo làm con.

Bài, ảnh: TRÂM ANH 

Chia sẻ bài viết