17/03/2022 - 06:09

Chủ động sản xuất nông nghiệp thích ứng khô hạn, xâm nhập mặn ở ĐBSCL 

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, thời gian giữa và cuối tháng 3 này, tình hình khô hạn, xâm nhập mặn (XNM) ở ĐBSCL sẽ giảm hơn so với đầu tháng, do mưa trái mùa xuất hiện trên diện rộng. Tuy nhiên, khô hạn, XNM vẫn còn ở mức độ cao, lấn sâu vào nội đồng, ảnh hưởng sản xuất của người. Do đó, giải pháp ứng phó, chuyển đổi cây trồng, sản xuất thích ứng khô hạn, XNM đang cần các địa phương trong vùng thực hiện, nhằm giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra…

Ứng phó khô hạn

Huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) thực hiện nạo vét kênh, rạch, thủy lợi nội đồng.

Huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) thực hiện nạo vét kênh, rạch, thủy lợi nội đồng.

Ông Nguyễn Văn Hải, ở xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ), cho biết: “Ngay thời điểm này, nước dưới kênh, rạch đều xuống thấp, sản xuất nông nghiệp chịu nhiều chi phí bơm tát, tích trữ nước. Do đó, ngay sau khi thu hoạch lúa đông xuân 2021-2022 xong, gia đình tôi chuyển sang trồng mè thay cho vụ lúa hè thu. Vì mè là cây trồng sử dụng ít nước hơn lúa, hạn chế được bơm tát, giảm chi phí sản xuất trong mùa khô này…”.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, ngay từ đầu năm ngành Nông nghiệp thành phố đã tập trung hướng dẫn, hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp tình hình khô hạn, thiếu nước ngọt sản xuất. Đến nay, diện tích cây trồng sử dụng ít nước như rau, màu, đậu các loại và cây công nghiệp ngắn ngày được gieo trồng là 6.236ha (chủ yếu sản xuất trên nền đất lúa kém hiệu quả), tương đương với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, rau được gieo trồng 4.154ha, cao hơn 90ha so với cùng kỳ (đã thu hoạch được 2.460ha), diện tích gieo trồng tập trung tại huyện Cờ Đỏ, Thới Lai và quận Bình Thủy, Thốt Nốt; cây bắp gieo trồng được 383ha (đã thu hoạch dược 213ha), tập trung chủ yếu tại quận Thốt Nốt, huyện Cờ Đỏ, Thới Lai và Phong Điền; cây đậu gieo trồng được 425ha (đã thu hoạch được 280ha); cây công nghiệp ngắn ngày gieo trồng được 375ha, cao hơn so với cùng kỳ là 138ha, trong đó diện tích cây mè là 366ha (cao hơn so với cùng kỳ là 135ha), tập trung chủ yếu tại quận Thốt Nốt, Ô Môn, huyện Vĩnh Thạnh... Cây ăn trái hiện có tổng diện tích là 23.416ha phát triển tốt, gồm các loại cây trồng, như xoài, nhãn, quýt, mận, chanh, bưởi, chôm chôm... Ước sản lượng thu hoạch khoảng 167.776 tấn.

Ngành Nông nghiệp các quận, huyện tập trung thực hiện chiến dịch thủy lợi mùa khô, nạo vét kênh, mương nội đồng, tích trữ nước phục vụ sản xuất. Điển hình huyện Vĩnh Thạnh đã tổ chức thực hiện nạo vét, gia cố lại một số tuyến kênh, mương máng tưới tiêu với khối lượng thực hiện trên 60.000m3. Quận Thốt Nốt cũng chuẩn bị triển khai nạo vét và sửa bờ các tuyến kênh, đầu tư xây dựng trạm bơm điện từ nguồn vốn ngân sách nhà nước năm 2022. Đồng thời đang làm hồ sơ quyết toán 6 công trình đã thi công hoàn thành, gồm 1 công trình rạch Cái Ngãi, Cả Chát ở phường Trung Kiên có chiều dài 3,255km, khối lượng thực hiện 21.743m3, với tổng kinh phí đầu tư trên 792 triệu đồng, phục vụ sản xuất nông nghiệp với diện tích 110ha; nạo vét, thi công 2 công trình kết hợp giao thông nông thôn với chiều dài 1,12km, kinh phí thực hiện 3,381 tỉ đồng… Các công trình trên góp phần phục vụ sản xuất nông nghiệp trong mùa khô hạn, phát triển hạ tầng kinh tế tại các địa phương.

Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, khuyến cáo: “Sau khi thu hoạch lúa đông xuân 2021-2022, các địa phương cần tích cực vận động nông dân chuyển đổi trồng cây màu trên nền lúa kém hiệu quả, nhằm ứng phó khô hạn, thiếu nước ngọt sản xuất. Đối với những địa phương không xuống giống được vụ màu, nên cày ải, phơi đất để tiêu diệt mầm bệnh lưu tồn trên đồng ruộng và xử lý rơm rạ để chuẩn bị tốt vụ mùa tiếp theo. Đối với vườn cây ăn trái cần chú ý hệ thống nước trong mương vườn phải thông thoáng và xuôi dòng; thường xuyên thay đổi nước trong mương vườn; giữ mực nước trong mương cách mặt liếp khoảng 0,6m trong mùa khô và 0,8m trong mùa mưa; hạn chế tưới nước lên lá cây, nếu có tưới từ trên xuống và lượng nước phải nhiều; không nên tưới sau 3 giờ chiều, tốt nhất tưới vào buổi sáng; duy trì độ ẩm đất thích hợp khoảng 70-80% để bảo vệ cây trồng phát triển tốt trong mùa khô hạn…”.

Vẫn còn đe dọa

Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, đến nay, nông dân TP Cần Thơ đã xuống giống lúa hè thu 2022 được 38.072ha, đạt 52,58% so với kế hoạch và sớm hơn 29.736ha so với cùng kỳ năm 2021. Lúa hè thu 2022 vừa mới xuống giống sinh trưởng và phát triển tốt. Trên những trà lúa đã xuống giống, ngành Nông nghiệp địa phương khuyến cáo nông dân chủ động theo dõi, điều tiết nước để hạn chế khô hạn, thiếu nước cục bộ, khống chế cỏ dại, che chắn cây lúa non. Các địa phương bố trí diện tích xuống giống còn lại theo cơ sở khung thời vụ của thành phố kết hợp với biện pháp “xuống giống né rầy, đồng loạt, tập trung cho từng vùng, từng cánh đồng, lưu ý tình hình hạn đầu vụ”; theo dõi chặt chẽ tình hình khô hạn, đặc biệt tổ chức bơm tát, dự trữ nước trong kênh, rạch, ao, mương nhằm phục vụ sản xuất, khô hạn kéo dài…

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, từ đầu tháng 3 đến nay, tại ĐBSCL mặn xâm nhập sâu 1g/l cao nhất trên sông Tiền từ 52-55km, sông Hàm Luông từ 70-74km, các cửa sông khác từ 54-61km, trên hệ thống sông Vàm Cỏ mặn vào sâu từ 95-108km. Ven biển Tây, hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đi vào hoạt động nên mặn được chủ động kiểm soát. Tình trạng trên đã làm ảnh hưởng đến việc lấy nước ngọt phục vụ sản xuất tại các vùng cửa sông. Đặc biệt, tại các tỉnh ven biển xâm nhập mặn đã làm ảnh hưởng đến sản xuất ở cả khu vực có nước mặn và nước ngọt tại các địa phương này…

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam dự báo: Trong những ngày giữa và cuối tháng 3-2022, xâm nhập mặn 1g/l tại khu vực ĐBSCL có giảm hơn đầu tháng 3, tuy nhiên vẫn giữ mức cao, lấn sâu vào nội đồng. Cụ thể, trên sông Tiền mặn xâm nhập từ 52-54km, sông Hàm Luông 68-72km, các cửa sông khác từ 54-60km, trên hệ thống sông Vàm Cỏ mặn vào sâu từ 93-105km… Trong đó, vùng thượng ĐBSCL, bao gồm phần đất tỉnh An Giang, Đồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang và TP Cần Thơ, nguồn nước đảm bảo thực hiện các kế hoạch sản xuất, nhưng cần tranh thủ dự trữ, tích nước. Vùng giữa ĐBSCL, bao gồm phần đất thuộc TP Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, tỉnh Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, giữa và cuối tháng 3, mặn có thể xâm nhập sâu đến 52-60km (tùy cửa sông), làm ảnh hưởng thời đoạn đến các cửa lấy nước vào những ngày triều cao từ ngày 16 đến 19-3-2022. Vùng ven biển ĐBSCL (Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và tỉnh Kiên Giang) được xem là có thể bị ảnh hưởng đến sản xuất cả mặn và ngọt ở vùng này. Mặn bất thường, hạn hán thiếu nước có thể xảy ra ở các vùng chưa kiểm soát mặn triệt để.

Vì vậy, các địa phương cần tăng cường công tác giám sát mặn và cần cập nhật các bản tin dự báo thường xuyên để ngăn chặn mặn xâm nhập sâu nội đồng… Thời gian tới, các địa phương vùng ĐBSCL cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý chuyên ngành để bố trí lịch mùa vụ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng sử dụng ít nước, thích nghi mặn, hạn hán, đặc biệt cần chờ nguồn nước ngọt trên sông ổn định hoặc chờ mưa diện rộng mới xuống giống vụ lúa hè thu 2022 tiếp theo…

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết