23/06/2020 - 07:13

Chủ động khắc phục các sự cố điện trong mùa mưa bão 

Vừa qua, trên địa bàn TP Cần Thơ đã xảy ra mưa lớn kèm theo giông lốc, sấm sét làm đổ cây cối vào lưới điện. Tại quận, huyện, một số cột điện bị gãy, đổ, nghiêng, đứt dây... gây mất điện cục bộ. Nhờ có sự chủ động ứng phó nên ngành điện đã nhanh chóng khắc phục sự cố, đóng điện vận hành an toàn.

Sau cơn mưa chiều ngày 10-6, một trụ điện trong khu dân cư tại phường An Cư, quận Ninh Kiều bị ngã đổ, ngành điện đã cử lực lượng đến hiện trường khắc phục sự cố.

Tại huyện Phong Điền, sau cơn mưa lớn kèm theo giông lốc lúc 13 giờ 20 phút, ngày 31-5, trên địa bàn ấp Tân Nhơn, xã Tân Thới, cây đổ ngã vào lưới hạ áp làm gãy 2 trụ hạ thế không số thuộc trạm Trà Bét 1 trụ trạm 251/17 - 479LH. Tại ấp Nhơn Khánh A, xã Nhơn Nghĩa cây đổ ngã vào lưới hạ áp gãy 1 vị trí trụ kép hạ thế (2 trụ). Trận mưa kèm theo giông lốc đầu giờ chiều ngày 7-6, cũng đã làm gãy 2 trụ bê tông ly tâm 14m trung thế số 326 - 477CT); trụ bê tông ly tâm 18m số 326/1- 477CT (trụ 18m) và ảnh hưởng 2 trụ trung thế bị răn nứt: trụ số 326/2 - 477CT (trụ 18m); trụ số 326/3 - 477CT (trụ 14m). Trong những cơn mưa lớn kèm theo giông lốc, sấm sét xảy ra cuối tháng 4, tháng 5 và đầu tháng 6, tại hầu hết các quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đường dây, lưới điện. Tuy nhiên, ngay sau khi hết mưa, ngành điện đã nhanh chóng khắc phục sự cố cung cấp điện trở lại. 

Nhằm đảm bảo an toàn điện, ngăn ngừa và phòng tránh tai nạn thương tâm về điện. Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cũng đã chỉ đạo 21 công ty điện lực thành viên kiểm tra hành lang lưới điện cao áp, rà soát toàn bộ các khu vực trũng thấp có nguy cơ ngập úng khi mưa to để cải tạo nâng cao tủ điện, tiến hành duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời những hư hỏng. EVNSPC đã triển khai diễn tập công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tổ chức lực lượng ứng trực, chuẩn bị tốt hệ thống thông tin liên lạc, vật tư dự phòng; yêu cầu người đứng đầu các đơn vị quán triệt không để xảy ra tư tưởng chủ quan, lơ là đối với công tác phòng chống, ứng phó thiên tai. EVNSPC đã và đang liên tục phổ biến, khuyến cáo đến khách hàng sử dụng điện và người dân nắm chắc những nội dung cơ bản nhất để bảo vệ bản thân và gia đình. Theo đó, EVNSPC chỉ đạo các đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, kiểm tra công tác chuẩn bị, đồng thời đưa ra những cảnh báo về an toàn điện trong mùa mưa bão đến người dân ở 21 tỉnh thành phía Nam. Trong đó, lưu ý người dân khi gặp bất kỳ sự cố điện trong mưa bão, phải báo ngay thông tin về Trung tâm Chăm sóc khách hàng EVNSPC (hotline 1900 1006 hoặc 1900 9000) hoặc số điện thoại 114 của lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy.

Ông Trần Vĩ Đức, Phó Giám đốc Công ty Điện lực TP Cần Thơ (PC Cần Thơ), cho biết, đã chỉ đạo các Điện lực trực thuộc tại các quận, huyện triển khai kiểm tra các điểm xung yếu, sửa chữa, vệ sinh sứ trên đường dây trung áp, kịp thời phát hiện, khắc phục kịp thời sứ hỏng để giảm suất sự cố trên lưới điện... Kiểm tra hành lang an toàn lưới điện cao áp (HLATLĐCA), kịp thời phát hiện, xử lý những vị trí có nguy cơ mất an toàn cao; tiến hành phát quang, chặt tỉa cây xanh vi phạm HLATLĐCA nhằm ngăn ngừa sự cố hoặc tai nạn điện xảy ra. PC Cần Thơ còn xây dựng các phương án phòng chống thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ" (lực lượng tại chỗ, đảm bảo chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và "3 sẵn sàng" (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả); tổ chức phổ biến, hướng dẫn, diễn tập để chủ động ứng phó với thiên tai đặc biệt đối với tình huống giông, lốc, sét làm hư hại hệ thống điện. Phối hợp các công ty điện lực của các tỉnh, thành tổ chức diễn tập phòng, chống thiên tai- tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, địa phương tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật quy định về bảo vệ hành lang lưới điện và an toàn điện cho người dân.

Khi có mưa, bão, lũ, hệ thống hạ tầng cơ sở nói chung, trong đó có hệ thống điện lực thường bị ảnh hưởng. Một số sự cố thường gặp là đứt dây dẫn điện, nghiêng và đổ cột, cháy nổ các thiết bị điện, nước lũ hoặc sạt lở đất cuốn trôi các cột điện. Rất nhiều sự cố do bão làm đổ cây cối vào lưới điện, gió bão cuốn các biển quảng cáo, mái tôn, rơm, rạ cuốn vào dây dẫn điện. Do đó, khi có gió bão cấp 6 trở lên, điện lực sẽ cắt điện các tuyến dây nổi cho đến khi bão tan mới kiểm tra, khôi phục lại. Những khu vực ngập sâu, có thể ảnh hưởng đến an toàn đều được đơn vị điện lực chủ động cắt điện. Theo PC Cần Thơ, để phòng tránh tai nạn điện, đặc biệt là mùa mưa bão, các tổ chức, cá nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt những điều cần thiết. Cụ thể, các chủ đầu tư, các chủ công trình tuyệt đối không xây dựng lấn chiếm trái phép HLATLĐCA. Những người không có nhiệm vụ không được trèo lên cột điện hoặc vào trạm điện. Tại các hộ gia đình, cần kiểm tra lại các thiết bị trong gia đình để đảm bảo hoạt động tốt. Tuyệt đối không dùng dây trần làm dây dẫn điện trong nhà; không dùng điện theo cách lấy điện một pha bằng một dây dẫn, còn dây nguội đấu xuống giếng, xuống ao hoặc đấu nối vào đường ống nước. Những hộ dân sống trong vùng lũ cần lắp hệ thống điện riêng biệt cho tầng thấp để dễ dàng cắt điện khi bị sự cố; trường hợp nhà bị ngập nước mà không cắt được điện, phải đứng trên các nơi chưa bị ngập, gọi điện thoại hoặc kêu cứu để mọi người báo cơ quan điện lực cắt điện...

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết