20/11/2019 - 09:48

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Chủ động để vụ đông xuân thuận lợi 

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cho biết: “Sản xuất lúa của ĐBSCL những năm gần đây và từ đây về sau chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thủy văn bất lợi tác động sản xuất, các đối tượng dịch hại. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ lúa gạo của thế giới cũng có biến động bất lợi, khi nhiều quốc gia nhập khẩu gạo tăng cường năng lực sản xuất để tự cung tự cấp và có thêm nhiều quốc gia tham gia xuất khẩu gạo và cạnh tranh với nhau…”.

►Thích ứng với điều kiện sản xuất bất lợi

Năm nay lũ thấp và rút nhanh, mùa mưa kết thúc sớm và lưu lượng nước từ sông Mekong đổ về ĐBSCL dự báo cũng ít nên vụ lúa đông xuân 2019-2020 có nguy cơ phải đối mặt hạn mặn vào cuối vụ. Theo ông Lê Thanh Tùng, nhiều khả năng xảy ra hạn mặn sớm hơn mọi năm một tháng, từ giữa tháng 12-2019 đến đầu tháng 1-2020 hạn mặn sẽ xuất hiện tại các tỉnh ven biển. Nước mặn cũng xâm nhập sâu hơn vào đất liền, với khoảng 70km và độ mặn khá cao, có thể đạt 4-6%o. Thời gian xâm nhập mặn dự báo kéo dài hơn, nếu trước đây khoảng 2 tháng thì năm nay có thể lên đến 3 tháng. Hiện nay, chúng ta chưa có giống lúa chịu được hạn mặn ở mức 4%o trong thời gian từ 5-7 ngày trở lên mà vẫn đảm bảo tốt năng suất, chất lượng sản phẩm. Để tránh thiệt hại do hạn mặn, các địa phương cần chủ động bố trí lịch thời vụ và lựa chọn giống lúa có thời gian sinh trưởng phù hợp.

Ông Lê Quốc Cường, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, Bộ NN&PTNT, cho biết: “Trong điều kiện thiếu nước do lũ thấp và rút sớm, nhiều loại dịch hại lúa có điều kiện thuận lợi để bùng phát gây hại ngay từ đầu vụ đông xuân, nhất là chuột, ốc bươu vàng, cỏ dại. Đặc biệt, chuột đang có xu hướng gia tăng và tích trữ mật độ, có khả năng bùng phát thành dịch. Vụ lúa hè thu và thu đông 2019, không xảy ra dịch bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, rầy nâu cũng ở mật số thấp. Tuy nhiên, hằng năm rầy nâu vẫn thường xuất hiện gây hại lúa dịp Tết, khi nông dân có thói quen phun ngừa trước để an tâm ăn Tết, dễ tạo bùng phát rầy nâu sau Tết. Ngoài ra, còn có nhiều đối tượng dịch hại nguy hiểm khác như: sâu năng, bệnh đạo ôn và bạc lá… Bà con cần quan tâm quản lý dịch hại ngay từ đầu vụ và áp dụng các giải pháp kỹ thuật cho tốt”.

►Để có vụ mùa thắng lợi

Ban Quản lý dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững Cần Thơ (VnSAT Cần Thơ) vừa phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức tọa đàm đầu bờ tại xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ về đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật, phát triển liên kết, xây dựng hợp tác xã gắn với doanh nghiệp để nông dân “được mùa, được giá” vụ đông xuân 2019-2020. Các diễn giả là nhà quản lý, nhà chuyên môn trong lĩnh vực nông nghiệp đã trao đổi, chia sẻ với nông dân nhiều giải pháp nhằm ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật, phát triển các mô hình hợp tác sản xuất và liên kết hiệu quả với doanh nghiệp để giảm giá thành sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và có đầu ra ổn định.

Cần Thơ đã xuống giống được hơn 52.985ha lúa vụ đông xuân 2019-2020. Trong ảnh: Ruộng lúa được hơn 10 ngày tuổi ở huyện Cờ Đỏ.

Ông Lê Quốc Cường, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, Bộ NN&PTNT cho rằng, cần thực hiện tốt các khâu chuẩn bị từ làm đất, chọn giống, gieo sạ và quản lý dịch hại, chủ động gia cố bờ bọng để đề phòng triều cường và phòng tránh thiên tai. Nông dân chú ý sắp xếp mùa vụ hợp lý, có thời gian cho đất nghỉ và làm đất thật kỹ tiêu diệt mầm sâu bệnh, tránh ngộ độc hữu cơ và giúp cây lúa khỏe ngay từ đầu, tăng cường được khả năng chống chịu sâu bệnh và các yếu tố thời tiết bất lợi. Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, trong bối cảnh mới của thị trường lúa gạo hiện nay, muốn lúa gạo bán được giá cần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đạt tiêu chí của các doanh nghiệp thu mua. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào kỹ thuật canh tác lúa của nông dân. Nước ta đã nghiên cứu và cho ra đời nhiều giống lúa gạo ngon, năng suất cao và chất lượng tốt, vấn đề là nông dân cần sản xuất theo hướng an toàn, bớt sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón độc hại để giảm chi phí và có sản phẩm đạt chuẩn các quốc gia nhập khẩu.

Để tiêu thụ lúa gạo thuận lợi, ông Phạm Văn Quỳnh, Chuyên gia kỹ thuật của Dự án Dự án VnSAT Cần Thơ, cho biết, điều cần là giá thành sản xuất phải thấp và chất lượng hạt gạo ngon và tốt để có nhiều người mua. Nhiều nông dân còn sử dụng giống, phân bón và các loại vật tư quá mức cần thiết, cũng như còn nhiều thất thoát trong và sau thu hoạch nên giá thành hạt lúa ở mức cao. Do vậy, ngành chức năng tiếp tục quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn nông dân tổ chức lại sản xuất trên tinh thần xây dựng các “cánh đồng lớn” và tổ chức liên kết hợp tác để bà con được huấn luyện tiến bộ kỹ thuật, các giải pháp kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” và áp dụng ngày càng đồng bộ và hữu hiệu hơn để đạt hiệu quả tốt. Từ đó, cũng xây dựng được các hợp tác xã có đủ năng lực để hoạt động hiệu quả và có mối liên kết tốt với doanh nghiệp để thực hiện tốt việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Theo ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, xu hướng hợp tác và phát triển liên kết là tất yếu để sản xuất hàng hóa lớn, đủ sức cạnh tranh. Thời gian qua, sở cũng tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển hợp tác xã và hỗ trợ  nâng cao năng lực hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Quan tâm quy hoạch, xây dựng và phát triển các vùng sản xuất tập trung chuyên canh lúa, cũng như các loại cây ăn trái, rau màu và hoa kiểng. Qua đó, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã để áp dụng sản xuất theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, đảm bảo chất lượng,  an toàn và bền vững.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết