27/02/2008 - 23:14

Thi vào đại học, cao đẳng

Chọn ngành như thế nào?

Những yếu tố nào cần được xem xét, cân nhắc khi chọn ngành thi vào các trường đại học, cao đẳng? Làm hồ sơ đăng ký dự thi, thí sinh phải chú trọng những điểm nào? Học như thế nào để thi đại học, cao đẳng có kết quả tốt?… Đó là hàng loạt những thắc mắc mà nhiều học sinh đặt ra khi mùa tuyển sinh đang đến gần.

Để giúp các thí sinh có quyết định phù hợp, Báo Cần Thơ xin giới thiệu kinh nghiệm của một số cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo nhiều năm tham gia công tác tư vấn nghề nghiệp cho học sinh.

Tiến sĩ PHẠM HÙNG LỰC, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ: Nên học đều và học kỹ chương trình, từ lớp 10 đến lớp 12

Qua nhiều năm làm công tác tuyển sinh đại học, tôi nhận thấy sai lầm lớn nhất của các thí sinh là chưa xác định chính xác năng lực của mình. Các thí sinh thường quan tâm điểm chuẩn tuyển sinh năm trước là bao nhiêu, chỉ tiêu lấy vào năm nay bao nhiêu... mà không chú trọng đến sức học của mình nên dễ chủ quan.

Để giúp học sinh chọn ngành, nghề phù hợp với khả năng, các trường phổ thông cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tư vấn hướng nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện cho học sinh tham quan cơ sở vật chất các trường đại học, cao đẳng để các em có thể định hướng đúng ngành nghề. Để thực hiện tốt công tác tư vấn hướng nghiệp, giáo viên phải hiểu rõ năng lực của học sinh để định hướng các em chọn ngành và phụ huynh là người tư vấn, động viên các em.

Những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra đề thi sát chương trình THPT. Vì vậy, học sinh nên học đều và học kỹ chương trình từ lớp 10 đến lớp 12. Bên cạnh đó, trong quá trình học phổ thông, nhà trường phải rèn luyện kỹ năng giải quyết câu hỏi, bài toán cho học sinh, nhất là kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm.

Thạc sĩ NGUYỄN VĨNH AN, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Cần Thơ: 6 bước để chọn đúng ngành

Để lựa chọn ngành nghề phù hợp, thí sinh phải trải qua 6 bước: Thứ nhất, thí sinh phải xác định mong muốn của mình sau khi tốt nghiệp: làm việc ngay, đi học tiếp...? Thứ hai, thí sinh cần xác định mình yêu thích ngành nghề nào nhất. Trong quá trình học ở bậc trung học, thí sinh đã được nhà trường hướng nghiệp. Trên cơ sở đó, các em xác định sở thích của mình. Thứ ba, thí sinh tìm kiếm thông tin về ngành nghề mà mình đã chọn, khối thi, cân nhắc xem ngành nghề đó có phù hợp với mình hay không. Thứ tư, thí sinh cần tìm hiểu điều kiện học tập ở bậc đại học, ở các trường có mở ngành mà mình đã chọn, bao gồm các thông tin về: chương trình đào tạo; hệ thống quản lý đào tạo; học phí, điều kiện sinh hoạt, ăn ở... có phù hợp với bản thân và gia đình hay không. Thứ năm, thí sinh nên cân nhắc xem học lực của mình có khả năng thi đậu vào ngành, vào trường mà mình đã chọn... Sau cùng, thí sinh khẳng định lại ngành học, trường học, bậc học mà mình quyết định đăng ký dự thi. Về bậc học, thí sinh đừng nên quan niệm sau khi học xong THPT phải vào đại học. Khi khả năng không thể “với” tới đại học và điều kiện kinh tế không cho phép... thì các em nên chọn thi vào các trường cao đẳng ở địa phương. Sau khi hoàn tất chương trình học cao đẳng, các em có thể đăng ký học liên thông từ cao đẳng lên đại học để đạt mục tiêu học nâng cao trình độ.

Với các thí sinh có sức học trung bình, khá, nên tham khảo tỷ lệ chọi của các ngành khi lựa chọn ngành nghề. Tuy nhiên, các thí sinh nên nhớ tỷ lệ chọi hàng năm đều thay đổi, không theo một qui luật nào cả. Vì vậy, thí sinh nên xem xét yếu tố tỷ lệ chọi ở nhiều năm và có bước so sánh.

Trường Đại học Cần Thơ đang in ấn các tài liệu về danh mục ngành nghề tuyển sinh năm 2008, sẽ sớm triển khai đến các trường THPT ở ĐBSCL. Đây là cẩm nang có đầy đủ thông tin về khối thi, chương trình đào tạo, cơ hội việc làm... của từng ngành. Trường còn in khoảng 15.000 tờ tài liệu bướm phát cho học sinh nhằm giúp các em nắm được thông tin chi tiết về các ngành nghề đào tạo của Trường Đại học Cần Thơ trong năm 2008. Trên website của trường cũng có đầy đủ các thông tin về danh mục ngành nghề tuyển sinh năm 2008, tỷ lệ chọi của các ngành năm 2007, qui chế tuyển sinh năm 2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo... Thí sinh có thể truy cập vào địa chỉ www.ctu.edu.vn để tìm hiểu thêm.

Thạc sĩ HUỲNH THANH NHÃ, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ: Thí sinh nên cẩn trọng khi ghi nguyện vọng 1 và trường dự thi

Hai khối đào tạo của Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ là: kinh tế và kỹ thuật. Gần đây, xu thế đăng ký dự thi vào khối kinh tế cao hơn so với các ngành thuộc khối kỹ thuật. Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý thế mạnh của ĐBSCL nói chung là phát triển nông nghiệp. Nguồn cán bộ nông nghiệp, chế biến thủy sản hiện đang thiếu.

Thực tế, nhiều thí sinh chưa tiên lượng được khả năng học tập của mình nên lúng túng khi xác định ngành nghề dự thi. Vì vậy, nhà trường và phụ huynh phải tiếp sức cho thí sinh trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp. Đồng thời, địa phương cũng phải hỗ trợ thông tin qui hoạch, phát triển lao động trong tương lai để thí sinh cân nhắc, lựa chọn.

Hàng năm, vào tháng 3, Trường Cao đẳng Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ đều tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THPT ở các tỉnh, thành: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng,... Qua hồ sơ đăng ký dự thi của các thí sinh, chúng tôi nhận thấy các em thường mắc sai lầm khi ghi các mục trường dự thi, nguyện vọng 1 trong phiếu đăng ký dự thi. Ví dụ như, thí sinh chọn trường dự thi là Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) và nguyện vọng 1 là vào một trường đại học, cao đẳng khác thế nhưng lại ghi nhầm nguyện vọng 1 là Trường ĐHCT. Khi có kết quả tuyển sinh, các em không đậu đại học và không đậu cả trường cao đẳng. Vì vậy, các thí sinh phải cẩn trọng khi làm hồ sơ đăng ký dự thi.

Ông NGUYỄN QUÍ ĐÔN, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ: Còn nhiều cơ hội học tập cho học sinh khi không đậu đại học

Nhiều năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo tập trung chỉ đạo các trường phổ biến cụ thể qui chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho học sinh THPT, nhất là học sinh lớp 12. Cùng với giáo viên chuyên trách, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn tham gia hướng nghiệp cho học sinh, các trường còn thường xuyên thông tin tư vấn cho phụ huynh. Ngoài lực lượng trong ngành tham gia hướng dẫn tuyển sinh, các trường còn kết hợp với các đơn vị thông tin đại chúng, các trường đại học tổ chức tư vấn tại đơn vị cho học sinh. Có thể khẳng định những trường ở các quận trung tâm thành phố không thiếu thông tin về tuyển sinh. Riêng các trường vùng ven, do ở xa, điều kiện tiếp xúc với các đoàn tư vấn khó khăn nên thông tin có phần hạn chế. Vì vậy, ngành giáo dục yêu cầu các trường phải nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện vai trò tư vấn hướng nghiệp của mình; tăng cường tìm hiểu thông tin để hướng dẫn cho phụ huynh và học sinh.

Khi chọn ngành thi đại học, học sinh cần suy nghĩ, cân nhắc điều kiện, năng lực của bản thân, khả năng kinh tế của gia đình. Tình trạng học sinh học thật giỏi nhưng không đậu đại học hay vào học đại học rồi lại thấy ngành không phù hợp với mình... không phải là không có. Cần lưu ý là xã hội ngày càng mở ra nhiều cơ hội học tập cho mọi người, không đậu hoặc không có điều kiện học đại học, các em vẫn có thể học nghề, học cao đẳng... Sau đó, sẽ tham gia các lớp tại chức, liên thông hoặc chuyên tu... để nâng cao tay nghề, nâng cao trình độ chuyên môn.

Ông NGUYỄN ĐỨC MẠNH, Hiệu trưởng Trường THPT Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh: Không nên chọn ngành theo trào lưu

Trường THPT Thạnh An luôn quan tâm, xem trọng công tác tư vấn ngành nghề cho học sinh. Giáo viên chuyên trách của trường thường xuyên tư vấn hướng dẫn cho học sinh ngành nghề phù hợp với năng lực học tập của các em. Trường cũng yêu cầu giáo viên chủ nhiệm nắm thật chắc năng lực học tập của từng học sinh và khả năng thi đại học... Khi đã nắm được thông tin từ giáo viên chủ nhiệm, giáo viên chuyên trách, ban giám hiệu sẽ cùng với giáo viên chuyên trách tư vấn thêm cho các em. Trường còn thường xuyên tìm những thông tin trên mạng về nhu cầu các trường đại học, một số ngành nghề dễ đậu đại học và điều kiện cần thiết để đậu vào các trường này... Sau đó, dán lên bảng thông tin để học sinh theo dõi. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều học sinh chọn ngành nghề theo trào lưu mà không thật sự suy nghĩ, cân nhắc kỹ hoàn cảnh, năng lực bản thân...

Do trường ở xa thành phố nên rất ít đoàn của các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề... đến tư vấn. Điều kiện của trường cũng không cho phép trường tổ chức đưa học sinh đến trung tâm thành phố để nghe tư vấn. Các đơn vị tổ chức tư vấn thường liên hệ với trường trễ nên trường không chủ động sắp xếp được thời gian, nhất là cận đến ngày nộp hồ sơ của học sinh. Nếu được tư vấn sớm, các em sẽ có thời gian suy nghĩ, cân nhắc lựa chọn ngành nghề, hiệu quả tư vấn sẽ cao hơn.

Vai trò của phụ huynh rất quan trọng trong việc hướng dẫn học sinh chọn ngành nghề. Phụ huynh phải nắm được năng lực thật sự của con em mình, không nên chọn ngành nghề quá sức đối với các em. Khi phụ huynh định hướng đúng ngành nghề, phù hợp với sức học của con em mình, điều kiện kinh tế gia đình... sẽ giảm áp lực cho học sinh rất nhiều trong kỳ thi.

Bà NGUYỄN HOÀI THI, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Châu Văn Liêm: Cần “biết mình biết ta” khi làm hồ sơ dự thi

Trường THPT Châu Văn Liêm rất chú trọng đến công tác hướng nghiệp cho học sinh, nhất là học sinh lớp 12. Đi đôi với thực hiện chương trình hướng nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo qui định, trường còn tổ chức các buổi sinh hoạt, hướng dẫn học sinh cách chọn ngành nghề phù hợp. Giáo viên bộ môn cũng lồng nội dung tư vấn nghề nghiệp vào chương trình giảng dạy. Trường thường xuyên tập hợp các thông tin về tuyển sinh để dán vào bảng thông tin của trường. Đặc biệt, vào đầu tháng 3 hàng năm, trường tổ chức họp phụ huynh học sinh để tư vấn các ngành nghề, thông báo tình hình học tập của từng học sinh để phụ huynh định hướng chọn nghề phù hợp cho con em mình. Trường còn kết hợp với các đơn vị tổ chức tư vấn tuyển sinh tại trường. Trong thời gian làm hồ sơ dự thi, học sinh thắc mắc gì về tuyển sinh đều được giáo viên, ban giám hiệu giải đáp...

Mặc dù ở ngay trung tâm TP Cần Thơ nhưng có thể nhận thấy học sinh của trường rất thiếu thông tin về tuyển sinh, nhất là thông tin định hướng. Chẳng hạn, học sinh cần biết vào năm 2012, nhu cầu lao động của TP Cần Thơ như thế nào, ngành nghề nào sẽ phát triển... nhưng hầu như các thông tin này đều thiếu, không cụ thể. Tôi thấy hầu như các đợt tư vấn của các trường đại học, các đơn vị truyền thống đều cận thời gian nộp hồ sơ đăng ký dự thi và khá dồn dập. Theo tôi, nếu các đợt tư vấn được thực hiện trong học kỳ 1, hiệu quả sẽ cao hơn.

Những năm qua, khi làm hồ sơ đăng ký dự thi, học sinh thường rơi vào trường hợp đăng ký chạy theo trào lưu, chọn những ngành đang là “top” và theo ý định của gia đình mà không chú ý đến năng lực, đặc điểm ngành nghề có phù hợp với mình không, cũng như nhu cầu xã hội khi ra trường. Vì vậy, “biết mình biết ta” khi làm hồ sơ dự thi là rất quan trọng, cần thiết.

GIANG- NGỌC- HUIÊN (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết