Nông dân ĐBSCL đang xuống giống lúa hè thu khoảng 876.000 ha. Vụ hè thu năm nay ở ĐBSCL, diện tích xuống giống dự kiến từ 1,45 đến 1,5 triệu ha, cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Trong điều kiện chi phí sản xuất tăng, làm sao để thắng lợi vụ hè thu 2008? Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ về vấn đề này.
DIỆN TÍCH TĂNG THEO GIÁ LÚA
Theo khuyến cáo của Cục Trồng trọt, các tỉnh không canh tác một giống lúa vượt quá 20% diện tích trên cùng một khu vực, dù giống đó có khả năng chống chịu sâu bệnh. Phải tuân thủ lịch thời vụ (kết thúc vào ngày 5-7-2008) để giảm thiểu dịch hại, làm ảnh hưởng đến năng suất. Dự kiến, sản lượng lúa hè thu năm nay đạt khoảng 7 triệu tấn lúa hàng hóa. Hiện nay, giá lúa đang ở mức cao, nên nhiều nông dân ở tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang đã chuyển đất từ vườn cây ăn trái, trồng màu sang trồng lúa.
* Việc nông dân “xé rào” xuống giống không theo lịch thời vụ có ảnh hưởng đến năng suất không, thưa tiến sĩ?
- Bây giờ khó mà tính được ảnh hưởng của dịch hại trên lúa hè thu. Năm nay, do giá lúa đang ở mức cao nên nhiều nông dân tranh thủ gieo sạ ngay khi thu hoạch lúa đông xuân, mà không cho đất có thời gian nghỉ. Do đó, dịch hại còn tiềm ẩn trong đất và nguy cơ bùng phát rất cao. Nếu mạnh ai nấy làm rất khó kiểm soát dịch bệnh. Tôi cho rằng, để làm tốt vụ hè thu 2008 trong tình hình tất cả chi phí sản xuất đều tăng, nông dân cần phải có sự chuẩn bị tốt ngay từ khâu làm đất, tuân thủ lịch thời vụ theo khuyến cáo, bón phân cân đối... để không ảnh hưởng đến năng suất.
* Sản xuất vụ hè thu nhiều rủi ro, năng suất lại không bằng vụ đông xuân. Theo tiến sĩ, liệu nông dân có đạt lợi nhuận trong cơn “bão giá”?
- Trung bình, năng suất vụ đông xuân đạt 6 tấn/ha, chi phí sản xuất chiếm từ 30 đến 40%. Còn vụ hè thu chi phí chiếm hơn 50% giá thành, năng suất trung bình khoảng 4 tấn/ha. Với giá lúa hàng hóa khoảng 6.000 đồng/kg, tôi nghĩ nông dân vẫn có lợi nhuận. Vấn đề còn lại là các nhà khoa học, ngành nông nghiệp, cơ quan chức năng phải nhập cuộc để giúp nông dân tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất. Để thắng lợi trong vụ hè thu, nông dân nên sử dụng hạt giống khỏe, giống xác nhận càng tốt, đồng thời áp dụng “3 giảm 3 tăng”... Không nhất thiết phải bón phân nhập, phân hỗn hợp DAP, bởi giá đắt mà đôi khi không hiệu quả. Bà con có thể sử dụng phân đơn như: lân, kali... sản xuất nội địa cũng đảm bảo chất lượng. Mặt khác, cần quan tâm đến khâu thu hoạch và sau thu hoạch để giảm tỷ lệ hao hụt. Hiện nay, thất thoát từ khâu gặt đập khoảng 6%, phơi sấy 3- 5%... Nếu dùng máy gặt đập liên hợp (GĐLH) sẽ giảm chi phí thuê nhân công và giảm tỷ lệ thất thoát xuống còn 3%. Nhưng phải chọn máy tốt, phù hợp với cánh đồng của từng vùng. Những vùng diện tích lớn như An Giang, Đồng Tháp... sử dụng máy GĐLH, còn vùng đất hẹp thì dùng máy gặt xếp dãy. Tuy nhiên, về lâu dài thì nhà nước nên phối hợp làm giao thông nông thôn cho tốt để phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp.
THIẾU GIỐNG XÁC NHẬN
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) toàn vùng mới sử dụng khoảng 34% giống xác nhận trong gieo sạ. Trên thực tế, hàng năm ĐBSCL cần khoảng 400.000 tấn giống lúa xác nhận, nhưng nguồn giống từ các Viện, trường, trung tâm... chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu. Năm 2006, dịch rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá bùng phát, nông dân tìm giống xác nhận rất khó khăn. Hiện nay, ĐBSCL mới có một trung tâm kiểm nghiệm và chứng nhận giống lúa. Mục tiêu có 1 triệu ha lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu tại các tỉnh phía Nam đến năm 2010 là thách thức lớn.
* Nhiều nông dân cho rằng giống xác nhận năng suất không cao hơn lúa hàng hóa. Nhận định này có đúng không, thưa tiến sĩ?
- Thực tế, giống xác nhận chính quy có qui trình kiểm định, kiểm nghiệm đạt chuẩn chỉ khoảng 9%. Số còn lại do các cơ quan, trung tâm giống tự chứng nhận khi kiểm tra đúng qui trình sản xuất được khuyến cáo. Viện đang xin Bộ NN&PTNT thành lập trung tâm và sắp tới sẽ có một số tỉnh cũng thành lập trung tâm kiểm định giống. Hiện nay, giá giống lúa xác nhận gấp 1,3 lần so với giá lúa thường, nông dân cho rằng năng suất không bằng lúa thường là không đúng. Bởi trồng lúa giống xác nhận sẽ giảm sâu bệnh và bệnh lúa von (ở vùng Ô Môn, Cờ Đỏ- TP Cần Thơ bị rất nhiều), tăng độ thuần của hạt gạo. Còn dùng giống thường, độ thuần không đạt yêu cầu. Do vậy, cần phải có cơ chế, chính sách để khuyến khích nông dân sử dụng giống xác nhận trong gieo sạ.
Theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, từ năm 2008, Viện lúa ĐBSCL chỉ nghiên cứu lai tạo giống đầu dòng ra siêu nguyên chủng và nguyên chủng rồi chuyển giao qui trình nhân giống xác nhận cho các trung tâm, hợp tác xã, câu lạc bộ... ở các địa phương. Như vậy, sản lượng nhân giống nhanh hơn, với số lượng nhiều, giá thành giảm sẽ khuyến khích người dân sử dụng.
* Thưa tiến sĩ, năng lực cung ứng giống xác nhận không đáp ứng nhu cầu. Vậy, kế hoạch 1 triệu ha lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu vào năm 2010 liệu có đạt mục tiêu?
- Viện đã thực hiện dự án nhân giống lúa xuất khẩu với Bộ NN&PTNT từ năm 2000 (từ năm 2000 đến 2010) và đang làm giai đoạn 3 để đạt 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở khu vực phía Nam. Bước đầu, dự án đạt hiệu quả, dù chưa cao. Hiện nay, khoảng 70-80% giống lúa của Viện đưa ra đều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Trước đây, giá gạo của Việt Nam kém Thái Lan khoảng 50 USD/tấn, còn hiện tại, gạo cùng cấp, giá bán ngang bằng Thái Lan. Năm 2007, Viện sản xuất trên 30 tấn giống siêu nguyên chủng và 500 tấn giống xác nhận. Hiện tại, chúng tôi đang hợp tác với một số nông dân làm giống xác nhận khoảng 100 ha. Nhưng về lâu dài, Viện chỉ nhân giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng.
CHỌN GIẢI PHÁP AN TOÀN
Vụ lúa đông xuân 2007-2008, giá lúa hàng hóa bình quân trên mức 5.000 đồng/kg. Tuy nhiên, cơ cấu sử dụng giống lúa còn nhiều bất ổn, nhiều giống lúa có sự gia tăng đột biến về diện tích tại các địa phương. Theo thống kê, giống lúa IR 50404, OM 576 ở Đồng Tháp chiếm 43,6%, Trà Vinh 40%, Tiền Giang 31%, Hậu Giang 20%... trên tổng diện tích gieo sạ. Giống lúa Jasmine 85 chiếm 40% tại TP Cần Thơ, Tiền Giang khoảng 20%... Điều này rất khó kiểm soát khi dịch bệnh bùng phát.
* Theo tiến sĩ, việc chọn giống vụ hè thu thế nào để hạn chế thiệt hại trong sản xuất?
- Toàn vùng có khoảng 100 giống, trong đó chủ lực chừng 20 giống và 80% giống có nguồn gốc từ Viện lúa. Sản xuất nông nghiệp rất nhiều rủi ro, dịch bệnh, thiên tai... đều có ảnh hưởng đến năng suất, thu nhập nông dân. Đặc biệt, vụ hè thu chi phí đầu tư cao hơn đông xuân, nhưng năng suất thấp hơn nhiều. Do đó, phải sử dụng giống chống chịu sâu bệnh. Hiện nay, những giống lúa thơm, đặc sản rất dễ bị nhiễm dịch bệnh. Còn những giống lúa thường như IR 50404, OM 4498, OMCS 2000, OM 2517... bán được giá và năng suất khá cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh. Tôi nghĩ phải sử dụng hạt lúa khỏe để gieo sạ trong “bão giá” và chấp nhận giống lúa thường.
* Như vậy sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch nâng cao giá trị hạt gạo?
- Tất nhiên, việc sử dụng giống lúa thường để gieo trồng sẽ ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng hạt gạo của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, tôi nghĩ nên chọn giải pháp an toàn, đảm bảo thu nhập cho người dân và an ninh lương thực, đồng thời giảm chi phí đầu tư cho nông hộ. Sử dụng giống lúa thường, nhưng là giống xác nhận thì độ thuần cao, vẫn xuất khẩu được.
* Thưa tiến sĩ, các tỉnh trong vùng đã qui hoạch hàng loạt các khu công nghiệp (KCN) để phục vụ công nghiệp hóa. Điều này sẽ tác động như thế nào đến sản lượng lúa gạo và an ninh lương thực?
- Vấn đề này đang làm các nhà khoa học rất băn khoăn. Các nước trên thế giới chọn KCN ở những vùng không sản xuất nông nghiệp được. Còn ĐBSCL, tỉnh nào cũng muốn có KCN để phát triển công nghiệp. Tất cả nghị quyết đều khuyến cáo giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp- xây dựng mà không theo qui hoạch chung của vùng. Phần lớn diện tích qui hoạch KCN đều là đất tốt. Chẳng hạn, TP Cần Thơ những khu đất nằm dọc theo sông Hậu rất tốt cho sản xuất nông nghiệp.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hàng năm cả nước có khoảng 60.000- 70.000 ha đất nông nghiệp bị mất do quá trình công nghiệp hóa. Tôi cho rằng, nếu không có qui hoạch điều chỉnh kịp thời ngay từ bây giờ, thì sẽ ảnh hưởng đến sản lượng lương thực, an ninh lương thực, xuất khẩu trong tương lai. Hơn nữa, chất thải từ công nghiệp hiện ảnh hưởng khá lớn đến vấn đề an sinh xã hội. Dĩ nhiên, nó cũng tác động đến sản xuất nông nghiệp. Phát triển công nghiệp nếu không được qui hoạch thống nhất sẽ phải trả giá khi môi trường bị ô nhiễm.
* Xin cảm ơn tiến sĩ!
Gia Bảo (thực hiện)