06/02/2009 - 21:12

Cho con tri thức vào đời

Với suy nghĩ “Chỉ có học là con đường lập thân tốt nhất”, vợ chồng cô Đào Thị Mai Hương, ở số 128 khu vực Yên Hạ, phường Lê Bình, quận Cái Răng, TP Cần Thơ đã không quản nhọc nhằn, nuôi dạy các con nên người, xây dựng nếp nhà mẫu mực. 4 người con của cô giờ đã ăn học thành tài. Gia đình cô Hương được chọn là “Gia đình hiếu học” tiêu biểu của phường Lê Bình.

Cô Hương quê ở Hậu Giang, xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo. Là chị cả nên cô Hương phải nghỉ học sớm, cùng cha mẹ đi làm lo cho các em. Năm 21 tuổi, cô lấy chồng, về Cần Thơ sinh sống. Chồng cô là chú Phan Văn Nhị, hoàn cảnh nghèo nên cũng vất vả từ nhỏ. Gần suốt cuộc đời mưa nắng dãi dầu, nhưng thời gian không xóa được nét rắn rỏi trên gương mặt hiền từ, phúc hậu của hai người. Nỗi vui sướng con cái thành đạt không ngăn nổi những giọt nước mắt mỗi khi cô chú nhớ lại chặng đường khó nhọc mấy chục năm gánh gạo nuôi con ăn học. Và khi nhắc đến các con, ánh mắt cô chú luôn ánh lên niềm tự hào.

Ngày trước, 4 người con lần lượt ra đời trong điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn, lo cái ăn đã khó, nói chi chuyện học. Nhưng vợ chồng cô Hương - chú Nhị quyết tâm nuôi con ăn học thành tài để thoát cảnh nghèo của cha mẹ, có tương lai sáng sủa hơn. Cô Hương quan niệm: “Không cho con tiền, chỉ cho con tri thức. Có người bảo vì tôi cho con đi học nhiều nên nghèo, nhưng tôi nghĩ khác, cho con đi học là cho con tài sản lớn nhất”.

Mấy chục năm qua, từ những luống rau này, vợ chồng cô Hương - chú Nhị đã nuôi 4 người con ăn học thành tài. 

Làm ruộng, làm thuê nhiều nghề, có khi cô chú đi làm xa cả tháng trời, giao con cho bà nội chăm sóc. Thấu hiểu nỗi cực khổ của cha mẹ, các con của cô đều gắng học, bảo ban nhau chăm ngoan để cha mẹ, người thân vui lòng. Dù nghèo nhưng cô không cho các con ra ngoài kiếm tiền vì sợ con lơ là việc học. Cô Hương chỉ cho các con phụ đan rổ với bà nội để kiếm thêm tiền chi tiêu, còn mọi lo toan bên ngoài cô chú gánh hết. Tận dụng tối đa số đất ít ỏi, chú Nhị xen canh đủ thứ, từ trồng lúa chung với đậu, rau răm, rau má, bầu bí... Mấy chục năm nay, đều đặn mỗi sáng cô Hương cắt rau gánh ra chợ bán. Những gánh rau thấm đẫm nhọc nhằn đã nuôi dưỡng, hun đúc trong các con cô biết bao ước mơ, hoài bão.

Thương hoàn cảnh cô chú, người quen thường cho quần áo, thức ăn... Chính quyền địa phương hỗ trợ hết lòng, giúp cô chú vay vốn làm ăn, tác động để nhà trường giảm học phí. Nhờ vượt khó học giỏi, các con của cô thường xuyên được lãnh thưởng. Người thân hai bên nội ngoại thấy cô chú như vậy cũng bắt chước theo, hướng con cái vào chuyện học hành.

Trải qua không ít khó khăn, 4 người con của cô Hương giờ đã gặt hái được “quả ngọt” từ quyết tâm phấn đấu không ngừng. Người con đầu là Phan Thị Ngọc Thi, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Cần Thơ; người con kế là Phan Hoàng Văn, tốt nghiệp Trường Đại học Cần Thơ chuyên ngành cơ khí; người thứ ba là Phan Thị Kim Thoa, tốt nghiệp Trường Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh chuyên ngành may; con út là Phan Thị Kiều Tiên, tốt nghiệp trung cấp kế toán. Tất cả đều đang có công ăn việc làm ổn định tại Cần Thơ. Học giỏi, tính tình hiền lành, hiếu thảo, 4 người con của cô Hương là niềm tự hào của gia đình đối với bà con lối xóm. Kiều Tiên bộc bạch: “Chúng tôi không mặc cảm thân phận nghèo khó, cha mẹ lam lũ, mà ngược lại, khi thầy cô, bạn bè hỏi, chúng tôi đều hãnh diện khoe về cha mẹ. Nếu không có sự hy sinh cao cả của cha mẹ thì chúng tôi sẽ không được như ngày hôm nay”.

Ngoài cật lực lao động, vợ chồng cô Hương - chú Nhị còn đồng thuận trong việc giáo dục và uốn nắn các con. Ai phạm lỗi thì nhẹ nhàng khuyên bảo để biết mà sửa chữa, chưa bao giờ trong nhà cự cãi lớn tiếng. “Dạy con nhỏ nhẹ nhưng nghiêm khắc” là cách mà cô Hương áp dụng trong việc tề gia từ trước đến giờ. Vợ chồng cô chú luôn bàn với nhau để tìm cách chỉ dạy con bằng chính việc đối nhân xử thế của bản thân, luôn giữ gìn đạo đức, tình nghĩa xóm làng, sống giản dị, tiết kiệm, biết thương người... Mấy năm nay, các con của cô Hương thường dạy kèm mấy em nhỏ trong xóm, ai có điều kiện thì đóng tiền, không thì dạy miễn phí như một cách trả ơn những người đã giúp đỡ gia đình mình ngày xưa.

Nhà cô Hương trước đây nghèo nhất xóm, chỉ là căn chòi lá lụp xụp, năm nào cũng chịu cảnh nước ngập hàng mấy tháng trời. Cuối năm rồi, anh em trong họ và các con góp mỗi người ít tiền, giúp cô chú sửa lại căn nhà khang trang đón Tết. Cô chú sắp bước qua tuổi 60 nhưng vẫn còn rất khỏe, ngày ngày làm vườn, đỡ đần các con trong chuyện mưu sinh.

Nhận xét về gia đình cô Hương, bà Lê Thị Tám, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Lê Bình, khen ngợi: “Từ trước đến nay, gia đình cô Hương có lối sống mẫu mực, chan hòa với xóm làng, nhiệt tình trong công tác xã hội tại địa phương. Nhà nghèo nhưng cô chú vẫn cố gắng vượt khó, tạo dựng tương lai cho con là điều rất đáng biểu dương”.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết