16/06/2019 - 08:02

Chim sáo có sang sông? 

Truyện ngắn: Hoàng Khánh Duy

Mấy năm sau, Nhân trở lại xóm Đậu Biếc tìm con sáo sậu.

Nhân nhớ hồi nào con sáo còn ở bên kia sông, chiều nào nó cũng đứng hót dưới rào giậu đổ trước hiên nhà. Mỗi lần Nhân muốn qua thăm con sáo chỉ cần đi ngang cây cầu khỉ lắt lẻo, nhịp bên này đã gãy sau đợt mưa giông kéo dài, người xóm Đậu Biếc thấy vậy lấy khúc cây ken vào đó rồi đóng đinh. Thế là chiều nào Nhân cũng đứng bên này sông ngó sang tìm con sáo. Mấy thằng nhỏ trong xóm nhìn Nhân, hát hoài:

Chiều chiều, anh đứng ở bên sông

Buồn thương con sáo sậu

Khi lúa mùa trổ đòng đơm bông

Buồn cho con sáo sậu

Nó lẻ bầy sổ lồng mà bay…

Tụi nó biết con sáo sậu của anh là người mà tụi nó gọi bằng hai tiếng thân thương: “Chị Hoài”. Nhân cũng gọi là chị bởi Hoài lớn hơn anh những năm tuổi. Chị Hoài đến xóm Đậu Biếc từ hồi nào không ai nhớ. Nhưng tuổi thơ Nhân đã gắn bó với chị, những buổi đi học ngang qua cánh đồng í ới gọi chị Hoài đang lom khom cắt lúa. Hoàng hôn ôm trùm xóm Đậu Biếc, Nhân đứng bên này sông nhìn sang, chị Hoài đang ngồi nhặt rau, tóc vén sang một bên vai mượt mà, óng ả. Mấy lần đi sau lưng chị Hoài, mùi thơm tóc chị thoảng vào trong mũi khiến tim Nhân xốn xang. Nhân cứ giữ mãi hình ảnh chị Hoài trong lòng mình, cùng với những cảnh vật yên bình nơi quê nghèo. Những mái nhà lúp xúp ven sông, những rào giậu sớm chiều lung linh màu hoa đậu biếc. Nhà Nhân bên này, nhà chị Hoài bên ấy, cách một dòng sông.

***

Nhưng chị Hoài không còn ở bên kia sông. Hai năm đi nghĩa vụ, xa xóm Đậu Biếc, một buổi trưa, người trong xóm thấy Nhân đứng tần ngần dưới bóng tre ngoài Bến Miễu. Nhân mặc đồ bộ đội, vai đeo ba lô, trông chững chạc. Láng giềng tấm tắc khen cái thằng hồi năm nẳm nào còn èo uột sợ gió sợ sương, vậy mà bây giờ lớn “oách dễ sợ”. Về nhà, yên ủi má xong, Nhân nói với má:

- Để con qua sông thăm chị Hoài một chút.

Giọng má chùng xuống:

- Con đi chưa lâu thì nó rời xóm Đậu Biếc, không ai biết đi đâu. Mấy lần má biên thơ cho con định nói, nhưng sợ con buồn, má lại thôi.

Nhân chợt sôi nước mắt. Hôm Nhân lên đường chị Hoài còn sang nhà tiễn, tặng khăn tay hình đôi uyên ương tung cánh do chị thêu. Hồi đó Nhân nói thương chị Hoài, nhưng chị không ưng. Chị nói Nhân nhỏ tuổi hơn chị, còn chị là đứa mồ côi, chắc gì ba má Nhân gật đầu. Cứ như thế, chị Hoài sống êm đềm trong tiềm thức của Nhân. Con chim sáo đậu bên giàn đậu biếc, chiều nào cũng vỗ cánh hót mấy điệu khúc tình quê sâu lắng ngọt bùi lắm mộng mơ...

Nhân yểu xìu như cây đàn chùn dây lạc phím. Chiều hôm đó, Nhân ra bờ sông ngó sang mảnh đất cũ. Chỗ đó bây giờ đậu biếc đã nở rộ, ngôi nhà nhỏ hồi xưa chị Hoài sống cũng đổ sập xuống. Xóm Đậu Biếc không thay đổi bao nhiêu, chỉ thiếu vắng bóng hình của chị. Hôm ấy Nhân lại sang sông, đứng trước ngôi nhà nơi mà ngày xưa có bóng dáng chị Hoài ngồi hong tóc, nhặt rau, hò ơ hời trong những hoàng hôn buông khói sóng. Mắt Nhân cay cay. 

Nhân dáo dác tìm chim sáo. Không gian lặng thinh. 

***

Bến Ràng vừa xảy ra một vụ sạt lở đất.

Nhân xuôi theo dòng sông này, qua bao nhiêu xóm làng, đồng bãi xanh biếc. Trên hành trình đó, gặp ai Nhân cũng hỏi thăm người con gái tên Hoài, mặt trái xoan, tóc dài và “đôi mắt biết nói”. Người ta cười bảo Nhân biển người xuôi ngược, biết sao mà chỉ bây giờ? Nhân thì chẳng có lấy một tấm ảnh nào của chị Hoài để tìm. Dòng sông hiền hòa chảy ngang qua xóm Đậu Biếc gắn liền với tuổi thơ Nhân, chưa bao giờ Nhân nghĩ rằng mình sẽ đi hết dòng sông này. Má nói sông dài lắm, dài như cuộc đời, mà sông này nối tiếp sông khác, rẽ về hướng khác. “Đời sông như đời người trên sông, vậy đó!”. Nhân dũng cảm ngược sông. Hành trình ấy thật gian nan. Ước gì gặp con sáo của mình, Nhân sẽ đưa nó về xóm Đậu biếc sống những tháng ngày bình yên. 

Hai tháng sau, Nhân đến bến Ràng. Làng xóm nhuốm màu cổ kính. Những ngôi nhà mang dấu tích thời gian nằm bên con đường nhỏ rợp bóng. Người bến Ràng kể lại ở đằng kia tháng trước xảy ra vụ sạt lở lớn. Nhân nhìn về phía đó. Cái bến nước bị lở một lỏm khuyết sâu vào đất liền. Mấy chiếc rễ cây bị bứt đứt nhô ra nhọn hoắc, sình lầy nhão nhoẹt. In vào trong mắt Nhân là mấy căn nhà gỗ xiêu vẹo một nửa trên mặt nước, một nửa bị vùi dưới lòng sông. Dòng sông này rộng lắm, ghe tàu qua lại nhiều mà không có hàng rào chắn đất. Mỗi ngày sóng vỗ, nhiều ngày lở bờ. 

- Chú biết không, có cô gái mấy năm trước đến bến Ràng dựng nhà ngoài bến nước, mở quán bán tạp hóa, đêm đó cũng bị vùi trong lòng sông. Chắc cô gái bị nước cuốn trôi rồi cũng nên. Tội nghiệp, con gái đẹp hết biết, tóc dài, mặt trái xoan, lại hiền như gạo. 

Người già nói đến đó, cổ họng Nhân ứa nghẹn. Anh hỏi:

 - Cô ấy tên Hoài phải không bà?

- Chú biết sao? Tui cũng nghe người ta nói cô gái đó tên Hoài, mồ côi, xinh đẹp lắm, mà xấu số.

Chim sáo mà Nhân đi tìm, nơi nào Nhân cũng dừng lại ngó chừng xem con sáo có đậu trên cành, có say mê miền cỏ hoa nào đó mà quên đi cái xóm Đậu Biếc nghèo nàn hay không? Nhưng rồi anh hay tin con sáo đã biệt tăm trong im lặng.

Ngôi nhà mới được dựng ngoài bến Ràng. Trong ngôi nhà đó, mỗi ngày Nhân ngồi nhìn ra sông. Hy vọng như tia nắng trong ánh hoàng hôn, song Nhân vẫn đợi. Đợi với chờ, chẳng phải hai điều ấy luôn tồn tại trong cuộc đời của mỗi chúng ta hay sao?

***

Những chuyến tàu cứ dập dìu qua lại trên sông, ngang bến Ràng. Đường về xóm Đậu Biếc xa tít tắp. Đã một mùa én lượn trên bầu trời. Chưa bao giờ sáo trở lại chốn đây.

Mấy lần Nhân về nhà, má Nhân nói thôi đừng đi tìm chị Hoài nữa. Sống chết có số. Mà còn sống thì cũng đâu biết chị Hoài ở đâu mà tìm. Sông thì dài lắm, làm sao biết được quãng nào sâu hay cạn, dữ hay lành… mà ôm ấp mộng mơ cuộc đoàn viên sum họp. Chưa bao giờ má nói với Nhân vì sao chị Hoài rời bỏ xóm Đậu Biếc. Chắc má đang cố gắng giữ lấy những hình ảnh tươi đẹp nhất trong anh về người chị năm xưa có ngôi nhà bên kia sông, giọng hò mượt mà như nước chảy. Má khuyên Nhân xem như với chị Hoài có duyên mà không nợ. Nhân ậm ừ, yên ủi má:

- Má ráng đợi con một năm nữa, nếu không tìm được chị Hoài, con sẽ về nhà, má tính chuyện trăm năm cho con.

Đời người như sông. Tình người cũng sâu nặng như sông…

Hoàng hôn tím phủ triền sông. Những con tàu mờ dần trong khói sóng. Chiều bến Ràng buồn man mác, mấy con bìm bịp thắc thẻo kêu chiều nhưng Nhân ngó hoài chẳng thấy con sáo sậu nơi đâu. Hết năm, Nhân không trở về xóm Đậu Biếc như lời hứa với má.

Một buổi sáng người bến Ràng trông thấy có cô gái ngồi ngẩn ngơ trước nhà Nhân hong tóc. Cô có dáng vóc và gương mặt y hệt người con gái năm xưa đã từng sống trong ngôi nhà nhỏ trên bến nước, ngôi nhà mà đêm đất lở đã bị vùi cả xác nhà xuống dòng sông. Nhưng cô khờ khạo và lầm lũi hơn. Hình như một biến động nào đó đã cướp đi hồi ức tươi đẹp của cô, khiến cô lặng câm.

Người con gái đó là vợ của Nhân. Anh không dám chắc đó là chị Hoài trong ký ức xa xưa của mình, không dám chắc sự hữu duyên đưa con sáo về với anh ở một bãi bờ xa xôi cách xóm Đậu Biếc bao nhiêu dòng sông không nhớ rõ. Anh vẫn chờ. Chờ ngày cô gái tỉnh trí, khơi dậy ký ức tươi nguyên năm nào bên bờ sông với ngôi nhà vuông sân có rào giậu đổ. “Đời lạ thiệt, những bất ngờ cứ nối tiếp nhau trong cuộc sống mà đôi khi mình không đoán trước được”, hồi đó má nói vậy. Cũng lâu rồi Nhân không về thăm má, chắc má buồn lắm! Giống như chị Hoài, Nhân cũng vỗ cánh bay xa khỏi xóm Đậu Biếc, xa dòng sông, xa rào giậu đổ và bóng má liêu xiêu ở tuổi xế chiều.

Đời lạ thiệt. Lạ như một buổi sáng Nhân mở cửa thấy người con gái ngồi co ro trước cửa nhà, sau đêm mưa. Nhân thốt lên: “Chị Hoài”. Nhưng người con gái không nói không rằng, cứ lặng thầm, lùi lũi suốt năm ròng. Lạ như một buổi chiều vợ Nhân bất ngờ gọi: “Nhân ơi, là chị Hoài của Nhân nè”. Bây giờ con chim sáo năm nào đã thực sự quay về với rào giậu đổ. “Sao hồi đó chị bỏ xóm Đậu Biếc mà đi? Sao chị không đợi em trở về?”, Nhân hỏi. Chị Hoài nức nở: “Chị bị người ta ức hiếp. Chị chịu không nổi. Xin lỗi em…”.

Đêm trăng nọ có người đàn ông lẻn vào căn nhà bình yên của chị, chị chống trả quyết liệt. Đột nhiên cánh cửa nhà đổ sập, mấy người đàn bà xông xồng xộc vào xỉ vả, hành hạ người con gái đơn độc, mắng chị là “Con giật chồng”. Tủi nhục, oan ức, chị Hoài rời bỏ xóm Đậu Biếc, lỗi hẹn với Nhân.

Nhân ôm chị Hoài. Đời lạ thiệt, phải vậy không?

Chia sẻ bài viết