30/09/2024 - 13:04

Chiến lược cân bằng quyền lực của Thổ Nhĩ Kỳ 

Trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị giữa phương Tây và Nga - Trung Quốc không ngừng leo thang, Thổ Nhĩ Kỳ dựa vào vai trò ngoại giao linh hoạt tiếp tục đa dạng hóa các liên minh, đảm bảo vị thế “không bị ràng buộc” trước mọi kịch bản xung đột tiềm ẩn.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan phát biểu trước Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc.  Ảnh: UNN

Cân bằng giữa phương Tây với Nga và Trung Quốc

Nằm giữa lục địa Á - Âu, Thổ Nhĩ Kỳ giữ vai trò chủ chốt trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khi giúp khối quân sự do Mỹ dẫn đầu kiểm soát vị trí chiến lược tại điểm nối giữa Biển Đen với Trung Đông và Địa Trung Hải. Là quốc gia có quy mô lực lượng quân sự lớn thứ 2 trong NATO, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nơi Lầu Năm Góc đặt căn cứ không quân và cất giữ vũ khí hạt nhân.

Là thành viên quan trọng trong cộng đồng quân sự xuyên Đại Tây Dương, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan mặt khác theo đuổi chiến lược phòng ngừa rủi ro riêng, bao gồm duy trì quan hệ chặt chẽ với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tiếp tục mở rộng quan hệ quốc tế ngoài các đồng minh phương Tây, Ankara vào đầu tháng 9 đã nộp đơn xin gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) do Nga - Trung Quốc dẫn đầu. Trước đó, nước này còn bày tỏ quan tâm tới khả năng gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) cũng do Mát-xcơ-va và Bắc Kinh làm nòng cốt.

Gia nhập BRICS sẽ là động thái chưa từng có tiền lệ với một thành viên NATO. Trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ không vi phạm quy tắc của khối nhưng sẽ mâu thuẫn với tinh thần đồng minh khi một thành viên muốn đa dạng hóa liên minh bằng cách hợp tác với các đối thủ của phương Tây. Dấu hiệu về những thay đổi chiến lược của Ankara còn khiến nhiều chuyên gia quan ngại về sự suy giảm quyền thống trị của Mỹ. Theo Giáo sư Cagri Erhan tại Đại học Altinbas (Thổ Nhĩ Kỳ), thế giới sẽ rất khác biệt vào năm 2050, ở đó quyền bá chủ của Mỹ sẽ suy yếu trước những bất đồng quan điểm hiện diện trong NATO. Chuẩn bị cho viễn cảnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ chủ động duy trì vị thế ở phương Tây song song việc củng cố quan hệ với phương Đông.

Tránh phụ thuộc vào bất kỳ ai

Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với nhiều cuộc xung đột và các điểm nóng tiềm tàng ở khu vực. Ví dụ như dọc theo biên giới với Iraq và Syria, Ankara đang duy trì các chiến dịch chống lại các tay súng người Kurd tìm kiếm độc lập. Nước này còn vướng tranh chấp với quốc gia láng giềng Hy Lạp về đảo Síp cùng nhiều vấn đề gây tranh cãi khác.

Trong bối cảnh mối đe dọa an ninh ngày càng gia tăng, giới chuyên gia đánh giá Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải tự mình đối mặt những vấn đề đó nếu không thể giải quyết thông qua NATO. Đây là động lực thúc đẩy Ankara theo đuổi các liên minh theo nhiều hướng khác nhau để đảm bảo an ninh quốc gia trước mọi kịch bản. Trong đó, chiến lược lớn của Thổ Nhĩ Kỳ là duy trì cách tiếp cận chặt chẽ với phương Tây trong khi cân bằng quan hệ với các cường quốc khác để tránh phụ thuộc vào bất kỳ ai trong số họ.

Hiện tại, câu hỏi đặt ra là lập trường “quyết đoán và tự lực” của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tác động như thế nào đến chính trị quốc tế, nhất là nguy cơ làm suy yếu sự thống nhất của NATO. Thách thức này từng được phản ánh khi chính quyền Tổng thống Erdogan liên tục phản đối đơn xin gia nhập liên minh quân sự của Thụy Điển; hay như cách Ankara ủng hộ Ukraine tương tự các đồng minh lại vừa hợp tác với Mát-xcơ-va.

Một số ý kiến cho rằng Tổng thống Erdogan sẽ vẫn tranh thủ lợi thế ngoại giao để theo đuổi chiến lược thực dụng, cân bằng giữa vai trò thành viên NATO và quan hệ hữu nghị với các đối thủ chính của khối quân sự như Nga, Trung Quốc hay Iran. Điều quan trọng là Mỹ và đồng minh châu Âu phải tìm cách để Thổ Nhĩ Kỳ đóng góp tích cực cho hòa bình trong khi tự vạch ra lộ trình riêng của mình trong NATO.

MAI QUYÊN (Theo Nikkei)

 

Chia sẻ bài viết