09/07/2017 - 11:43

Chiếc xáng và cuộc khẩn hoang miền Nam

Ở ĐBSCL có nhiều địa danh liên quan đến chiếc xáng như: Xáng Cụt, Vàm Xáng, Búng Xáng… Người miền Nam từ sự ngỡ ngàng trước một con "quái vật bằng sắt", như lời nhà Nam bộ học Sơn Nam thuật lại, đã dần quý mến những công trình, công dụng mà chiếc xáng mang đến. Vậy rồi người đời xưa đã xúc cảm biết bao khi nhìn cảnh: "Kinh Xáng mới đào, tàu Tây mới chạy".

Kinh xáng thành "con đường lúa gạo"

Trước khi nói về việc đào xáng ở miền Tây, xin nói đôi điều về vùng đất này thuở chưa khai khẩn. Việc trồng lúa, lên liếp làm vườn không thể nào thực hiện do phèn chua, hệ thống nước tưới tiêu không có. "Tháo chua rửa phèn", "làm vườn thì phải khai mương" là những yêu cầu tất yếu nhưng với một vùng "đất rộng người thưa" thì sức người chẳng thể nào làm nổi.

Cầu Cái Tư- đoạn cuối của kinh xáng Xà No.

Người Pháp khi vào đô hộ vùng đất này cũng thấy cái khó nhưng phải làm ấy. Khoảng 1866, người Pháp đã cho xáng qua nạo vét rạch Bến Lức và sông Bảo Định. Sau đó, người Pháp lại dùng xáng đào kinh Chợ Gạo, kinh Trà Ôn. Riêng kinh xáng Xà No được đào từ năm 1901 đến tháng 7-1903, nối từ sông Cần Thơ (nay là Vàm Xáng, Phong Điền), gọi là Vàm Xáng Xà No đến sông Cái Lớn (đoạn sông Cái Tư), gọi là Vàm Xáng Hỏa Lựu, chảy thấu ra vịnh Thái Lan, dài non 60km. Công ty Montvennoux trúng thầu với giá 3,5 cắc/thước khối. 4 chiếc xáng được dùng đào kinh là Loire (bà con quen gọi Xáng La), Nantes (bà con quen gọi Xáng Năn), Mỹ Tho I và Mỹ Tho II. Chiếc Xáng La và Xáng Năn mạnh 350 sức ngựa, gàu lớn 375 lít, thổi bùn ra xa 60 thước, đào sâu nhất tới 9 thước. "Rõ ràng là những con quái vật bằng sắt, khổng lồ, vô địch, ngày đêm gào thét 4, 5 ngàn thước còn nghe lồng lộng"- cụ Sơn Nam thuật lại trong "Lịch sử khẩn hoang miền Nam". Cần nói rõ thêm, thực dân đào kinh xáng đầu tiên là vì lợi ích, mong muốn làm giàu, khai thác thuộc địa; nhưng cũng phải công nhận lợi ích mà kinh xáng mang lại cho người khai hoang chẳng ít.

Kinh xáng Xà No hoàn thành, đất chưa ráo đã có người "cắm dùi" giành chỗ tốt. Chuyện làm ăn, buôn bán phất lên thấy rõ. Lúa gạo từ miệt Bạc Liêu, Rạch Giá… vận chuyển dễ dàng lên Cái Răng, Cần Thơ hay xa hơn nữa. Kinh xáng phát lên thành "con đường lúa gạo". Khi mặt tiền kinh xáng đã hết, bà con lấn sâu vào trong. Dọc kinh xáng Xà No, lại cho có những kinh "xôm lươn": cứ cách 1 cây số lại cho đào 1 con kinh lớn, đặt tên theo kiểu Một Ngàn, Hai Ngàn…; cách nửa cây số thì đào kinh nhỏ hơn, gọi là Mười Ngàn Rưỡi, Mười Một Ngàn Rưỡi… Vào sâu bên trong lại có những con kinh cắt ngang, tạo thế bàn cờ. Kinh đào tới đâu, nhà mọc tới đó.

Ở Vàm Xáng Xà No, khi mà dân chúng đông đúc, 5 năm sau khi khánh thành kinh xáng (1908), hương chức làng Nhơn Ái xin lập chợ Vàm Xáng. Một con số khác mà cụ Sơn Nam đưa ra là từ khoảng năm 1901- 1906, mức sản xuất nông nghiệp của tỉnh Cần Thơ tăng lên 116 ngàn tấn, đứng nhất sản lượng ở Nam kỳ. Ông lại công nhận rằng: "Thủ đô kinh tế Hậu Giang lại cũng là thủ đô văn hóa" khi mà một kiểu văn minh mới là văn minh miệt vườn, văn minh kinh xáng ra đời trên vùng đất này.

Lạ kỳ chiếc xáng

Ngẫm lại mới thấy hay, hàng ngàn địa danh ở ĐBSCL có nguồn gốc từ chiếc xáng. Ở nội ô Cần Thơ, có địa danh hồ Xáng Thổi và công trình Búng Xáng đang triển khai là điển hình. Những cách đặt địa danh kiểu này cùng với kinh Xáng, cầu Xáng, bờ Xáng… khá dễ hiểu. Xin ví dụ vài địa danh thú vị khác. Vùng Thới Lai, TP Cần Thơ, có chợ Bà Đầm. Bà con kể lại, địa danh có nguồn gốc là khi xáng đào nối kinh Ô Môn vào vùng này, chủ máy xáng là người Pháp. Chiều chiều, vợ ông chủ mặc đồ đầm ngộ nghĩnh, đi lại trên xáng; người dân qua lại thấy vậy gọi bà đầm. Khi kinh đào xong, Bà Đầm cũng trở thành tên gọi. Hay ở nhiều địa phương có địa danh Xáng Nổ, Xáng Chìm là để ghi lại sự cố khi đào kinh: chiếc xáng bị chìm hay máy bị nổ. Ở Gò Quao- Kiên Giang có địa danh Xáng Cụt, được lý giải là cuối con kinh là cùng- cụt, không nối thông với kinh, rạch nào khác. Từng chi tiết nhỏ bỗng hóa thành tên gọi, cho thấy sự hiện diện của chiếc xáng thuở xưa.

Phà Xáng Cụt (Gò Quao- Kiên Giang).

Văn nghệ dân gian Nam bộ cũng ưu ái cho chiếc xáng chẳng ít. Bởi công năng múc đất nhanh chóng của xáng, nên những ai hưởng thụ nhiều nhưng lười nhác thì ông bà ví von: "Ăn như xáng múc, làm như lục bình trôi". Người Cần Thơ ai cũng thuộc lòng câu ca dao:

"Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền

Anh có thương em thì cho bạc cho tiền

Đừng cho lúa gạo, xóm giềng cười chê"

Câu ca này được hiểu trong bối cảnh đào kinh xáng Xà No. Có thể khẳng định ngay, câu ca dao có sau năm 1903- tức sau khi kinh Xà No đào xong- bởi có địa danh Vàm Xáng. Thiển nghĩ, câu ca dao có lẽ xuất hiện sau 5-7 năm nữa với dữ kiện "đừng cho lúa gạo". Người viết cũng không cho rằng vì vùng này trồng nhiều lúa gạo (vì phải kể đến vườn tược) mà là vì sau khi kinh Xà No đào xong, người Huê Kiều ở Cái Răng mở hàng chục chành lúa lớn, ghe chài miệt Bạc Liêu, Cà Mau, U Minh về đây tấp nập, khung cảnh lên xuống lúa gạo nhộn nhịp.

Cũng lạ kỳ với chiếc xáng trong tâm trí của bà con, biểu trưng cho sự bền vững, trường cửu:

"Chừng nào chiếc xáng nọ bung vành,

Tàu Tây liệt máy, em mới đành bỏ anh"

Và đây chính là tâm tư của một chàng trai chánh gốc Cần Thơ làm nghề "đi ghe"- tức dùng ghe làm phương tiện buôn bán đồ nông sản, lá lợp nhà… Chán chường nghề đi ghe, anh than:

"Ngồi trên mui ghe chài lớn
Cầm lái về kinh xáng Thới Lai
Nhìn thấy khói đốt đồng mù mịt lên khơi,
Bây giờ anh mới biết chán đời đi ghe"

Xóm làng hoang vu, đất ruộng phèn chua vàng rện, bỗng đâu kinh xáng cắt ngang, quê hương thay đổi, khiến người ta hồ hởi, rộn ràng:

"Đèn treo dưới xáng tỏ rạng bờ kinh

Em có thương anh thì nói cho thiệt tình

Để anh lên xuống chớ một mình bơ vơ"

Cảnh đẹp- lòng vui, từ khi có con kinh xáng, các cô thiếu nữ miệt vườn, miệt ruộng cũng hồ hởi không kém, nói với người mình thương:

"Kinh xáng mới đào. Tàu Tây mới chạy

Thương thì thương đại. Bớ điệu chung tình

Con nhạn bay cao khó bắn, con cá ở ao quỳnh khó câu"

Quê tôi Bạc Liêu thuở xưa thường thấy mấy chiếc xe mũi nhọn cong vút, sơn màu xanh của những người Chăm vùng An Giang mà quen gọi là ghe Chà Và, bán cá vồ giống. Lời rao như vầy: "Cá vồ bán chịu tới tháng 11 hôn?". Người dân trên bờ đọc câu ca:

"Chèo ghe đi bán cá vồ

Nước chảy ồ ồ không thấy ai mua"

Hỏi ra, đường đi của họ là thượng nguồn sông Tiền, sông Hậu đi dần về sông Cần Thơ, đi vào kinh Xà No rồi dọc theo miệt Ba Đình, Chắc Băng mà buôn bán. Mấy ông còn nói đời cha chú của họ cũng đi bằng đường này. Rõ ra, kinh xáng còn mở cửa cho nhiều cuộc làm ăn. Đó là nghề thương hồ, nghề bán hàng bông, nghề "bán tiệm"- tức gian hàng tạp hóa kiểu nhỏ ở ngã ba vàm…

Ký ức của tôi còn là những chuyến tàu cây từ Huyện Sử, Thới Bình, Cà Mau- đi Vĩnh Thuận- Ba Đình rồi dọc kinh Xà No mà lên Cần Thơ. Mất cả ngày cho hành trình đó. Ngồi tàu cây có nhiều chuyện vui, nghe bà con kể chuyện làm ăn, buôn bán, gia đạo. Có mấy cậu bán bánh mì, bắp nấu cho khách làm quà, có cả mấy anh sơn đông mãi võ bán thuốc trặc đả… Kinh xáng đào, tàu khách chạy thông tuyến, đi nhiều chặng ngắn, dài có đủ. Bến tàu lục tỉnh Cần Thơ cũng nhờ vậy mà sầm uất từ những thập niên đầu của thế kỷ XX.

***

Còn bao chuyện thú vị về chiếc xáng và những dòng kinh xáng khắp mọi nẻo đồng bằng. Chiếc xáng là văn minh phương Tây nhưng giá trị của những con kinh xáng- văn minh kinh xáng là do chính người Nam bộ tạo nên, lưu giữ và làm giàu cho mảnh đất này.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Tài liệu tham khảo:

- "Lịch sử khẩn hoang miền Nam", Sơn Nam, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 1994.

- "Tìm hiểu đất Hậu Giang", Sơn Nam, Phù Sa xuất bản, 1959.

Chia sẻ bài viết