* TẤN HÀO
Nài nỉ mãi bà Hạnh mới đồng ý vào thành phố ở với Dũng. Bà Hạnh không nhớ nổi đây là lần thứ mấy đứa con trai út của bà về chèo kéo bà đi. Mấy năm trước bà đã tìm đủ mọi lý do để chối từ. Nào là mẹ còn khỏe, ở quê ngày ngày mẹ ra vườn, ra đồng làm lụng cho chắc chân chắc tay. Thế mới sống lâu được! Vào thành phố cứ “ăn không ngồi rồi” dễ sinh bịnh lắm; nào là vợ chồng thằng Lân đi làm suốt ngày, nhà cửa không ai trông coi, con cái nheo nhóc. Nó đang cần mẹ. Mẹ bỏ vào trong ấy hưởng cho sướng cái thân. Mẹ không đành! vân vân và vân vân... Những lần ấy Dũng không sao đưa mẹ vào được. Nhưng lần về quê này bà Hạnh không thể từ chối. Bởi nay bà đã bước vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, không còn sức để ra đồng ra rẫy như bà thường bảo. Còn các cháu thì đã lớn khôn đều tự lo liệu được phần mình...
Được mẹ thuận ý, Dũng như mở cờ trong bụng. Trước khi đưa mẹ đi, Dũng tổ chức một bữa tiệc nhỏ. Chủ động đi mời những người bạn già, gần gũi và tâm đắc của bà Hạnh đến gặp mặt và chia tay cùng bà. Hay tin bà Hạnh ngày mai vào thành phố ở với thằng út, những người bạn của bà có mặt đầy đủ. Trong bữa liên hoan mọi người đều tỏ ra phấn khởi và mừng cho bà. Ai cũng bảo: “Thằng út nó ở chốn phồn hoa đô hội, lại giàu có. Bà vào sống với nó sẽ được sung túc trong tuổi xế chiều! Ai chúc sao chúc, vui sao vui, riêng bà Hạnh mặt cứ buồn rười rượi. Biết mẹ đang mang một nỗi lòng ray rứt khi phải xa quê hương xứ sở, xa bà con thôn xóm, Lân - người con trai lớn - động viên: “Mẹ buồn gì! Tuổi mẹ cao rồi cần phải nghỉ ngơi, tịnh dưỡng. Chú út làm ăn được có đủ điều kiện bồi bổ cho mẹ. Mẹ sẽ sống được lâu với con với cháu. Ở quê còn khó quá, bữa ăn của mẹ còn thiếu lắm! Mẹ không thể ăn uống như các cháu được. Mẹ cứ vào trong đó, thỉnh thoảng con đưa các cháu vào thăm!”. Bà Hạnh ngước nhìn mọi người, nhìn các cháu đang vô tư ăn uống. Mắt bà rân rấn nước...
Tiệc xong, mọi người chào ra về. Bà Hạnh nở nụ cười hom hem, ậm ự nhỏ trong miệng. Bà lưu luyến tiễn chân các bạn già ra đến đầu ngõ. Chờ cho mọi người khuất bóng, bà Hạnh mới quay vào. Bà rảo bước dạo khắp khu vườn. Cây ăn trái trong vườn bà đang mùa trổ hoa. Những cánh hoa màu trắng rơi đầy lối đi của bà. Bà đưa tay sờ vào từng gốc cau, gốc ổi... Bà khom người nhổ những cây cỏ dại dưới chân..., bà cứ vừa đi vừa lẩm nhẩm như nói với chính mình “Ngày mai vào thành phố ở với thằng út rồi!”.
Bóng nắng xuống dần trong khu vườn. Bà Hạnh bước vô nhà. Lân và Dũng đang uống trà trên phản gõ. Anh em rỉ rả chuyện trò. Bà Hạnh đến ngồi bên các con. Bà lấy trong túi ra miếng trầu đã têm sẵn, bỏ vào miệng móm mém nhai. Trông nét mặt bà bây giờ có vẻ tươi tắn. Có lẽ bà đã xác định cho chuyến đi ngày mai. Nhìn mẹ, Dũng bảo: “Ngày mai mẹ chỉ đem theo những gì cần thiết. Quần áo nào cũ thì để lại. Vào trong ấy con sẽ may cho đồ mới!”. Bà Hạnh gật đầu: “Ừ! Mẹ chẳng đem gì đâu? Chỉ vài bộ mới may năm vừa rồi với chiếc võng kia thôi!”. Nghe mẹ bảo đem chiếc võng theo, Dũng trố mắt: “Cái võng rách hết rồi mẹ đem vào làm gì? Vả lại để cho các cháu nó nằm cho mát. Vào trong đó con mua cho cái khác, thiếu gì!”. Thấy mẹ có vẻ chần chừ do dự, Lân lên tiếng góp ý: “Chú út nói đúng đó mẹ ạ! Mẹ đem chiếc võng ấy vào không khéo bạn bè chú ấy đánh giá. Cho rằng đã đưa mẹ vào nuôi mà còn tiếc chiếc võng rách. Mẹ đừng đem theo làm gì! Bây giờ nếu không còn gì căn dặn con cháu thì mẹ đi ngủ sớm, để mai lên đường cho khỏe!”.
Bà Hạnh không nói thêm lời nào. Bà lại võng nằm, tiếng võng kêu lên kẽo kẹt. Bà lim dim ru giấc ngủ. Vãn chuyện với anh, Dũng cũng lên giường ngủ sớm. Đêm miền quê yên ắng, tiếng võng đưa kẽo kẹt nghe rõ mồn một. Tiếng võng cứ kêu đều lúc to lúc nhỏ, giống như một câu chuyện cổ tích kể hoài không dứt. Và Dũng chập chờn chìm vào giấc ngủ.
Trời chưa sáng hẳn Dũng và bà Hạnh đã lên đường. Vợ chồng Lân cùng các cháu đưa nhau ra tận con đường lớn của làng, bịn rịn tiễn chân bà... Chiếc xe đã chạy khá xa nhưng bà Hạnh còn ngoái đầu nhìn lại. Quê của bà. Nơi bà đã sống ngót bảy mươi năm cuộc đời. Những lũy tre, những vườn cau... cứ xa dần... xa dần...
* * *
Ở với vợ chồng Dũng, bà Hạnh được chăm lo đầy đủ. Trong từng bữa cơm, hai vợ chồng Dũng cố ép bà ăn hết món nầy đến món nọ. Dũng bảo: “Mấy mươi năm nay mẹ ở quê xa, vợ chồng con không sao chăm sóc được. Nay cuối đời mẹ vào sống với chúng con. Mẹ phải cố gắng ăn uống cho bõ những ngày kham khổ!”. Để cho các con vui bà Hạnh gắng ăn gắng uống. Và kết quả của sự dồn dập ấy, bà ngã bịnh phải ăn cháo uống thuốc mất mấy ngày. Sau khi khỏi bịnh, bà nói với Dũng: “Ở quê, ăn rau ăn mắm mà cả cuộc đời làm lụng vất vả mẹ cứ khỏe ra. Chẳng phải tốn một viên thuốc. Vào thành phố ăn sung mặc sướng mà không chịu được. Bụng cứ nặng trịch suốt ngày. Khí hậu thì nóng bức. Người thì đông. Khó thở vô cùng...”. Biết mẹ chưa quen với ẩm thực thành phố cũng như khí hậu và sự ồn ã chốn đô thị, Dũng bắt đầu giảm nhẹ phần ăn uống của mẹ và đưa bà lên ở tầng hai. Lên tầng hai bà Hạnh được bố trí căn phòng khá rộng với chiếc giường nệm dày cộm. Đêm nằm trên giường nệm bà Hạnh cứ trằn trọc không sao ngủ được. Bà nói với Dũng: “Cái giường rộng quá. Một mình mẹ nằm thấy trống trải vô cùng. Ở quê, giường của mẹ chỉ có mét hai, ấy vậy mà mẹ còn kêu thằng cháu nằm cho ấm. Hơn nữa mẹ chỉ quen ngủ trên võng. Nếu không có võng thì con đổi giường hẹp cho mẹ!”. Nghe mẹ tâm sự, Dũng cười nói: “Phòng rộng thì phải để giường rộng. Bố trí thế mới cân đối, hài hòa mẹ ạ! Nằm rộng thoải mái hơn chứ sao mẹ lại muốn nằm chật? Các cháu đều có phòng riêng. Chúng nó ngủ một mình đã quen không ngủ chung với bà được. Thôi thì đổi giường làm gì! Con sẽ mua thêm cho mẹ chiếc võng!”. Đêm sau trong phòng bà Hạnh có thêm chiếc võng cước màu đỏ. Nhìn chiếc võng bà Hạnh nghĩ bụng: sao ở thành phố người ta thích cái gì cũng màu mè lòe loẹt thế? Trông cái gì cũng thấy lóa mắt. Bù cho quê mình, nhìn đâu cũng thấy màu xanh. Dễ chịu con mắt vô cùng...
Ở với vợ chồng Dũng mới mấy tháng bà Hạnh trông gầy đi rất nhiều. Lo lắng trước tình trạng xuống cân của mẹ, Dũng đưa bà Hạnh đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe. Qua hàng loạt các xét nghiệm, chụp hình, siêu âm... Bác sĩ kết luận bà Hạnh không có dấu hiệu nghi vấn bệnh trạng nào. Theo kinh nghiệm nghề nghiệp bác sĩ nói với Dũng: “Anh xem lại tâm lý bà. Con người dù có ăn uống đầy đủ mấy đi nữa nhưng khi tư tưởng không ổn, trong lòng cứ ẩn sâu một nỗi buồn lo nào ấy thì dẫu không bệnh trạng cũng chẳng khỏe lên được!”. Nghe bác sĩ, đêm về Dũng gác tay lên trán tìm lại trong bộ nhớ của mình về những đối xử của vợ của con từ khi mẹ bước chân vào. Nhưng tìm hoài Dũng vẫn không thấy một thiếu sót dù nhỏ nào. Dũng tự nhủ: “Hay là những lúc mình đến cơ quan, ở nhà có xảy ra chuyện gì chăng?”. Bồn chồn với ý nghĩ không hay, khiến Dũng đứng ngồi không yên. Thấy Dũng có vẻ ưu tư, bứt rứt, bà Hạnh gạn hỏi: “Có chuyện gì vậy con?”. Dũng đến bên mẹ nói như nhận lỗi: “Mẹ à! Mấy tháng nay mẹ ở với vợ chồng con, từ ăn uống đến thuốc thang đầy đủ, nhưng mẹ không lên cân mà còn gầy đi rất nhiều. Bác sĩ bảo mẹ chẳng có bịnh gì, chắc là do trong lòng mẹ có nỗi ray rứt nào đấy. Con lo quá! chẳng hay vợ con và các cháu có gì không phải với mẹ?”. Bà Hạnh im lặng. Đôi mắt sâu của bà nhìn Dũng đầy sự trìu mến. Bà nói: “Con đừng suy diễn mà tự dằn vặt mình như thế! Đừng nghĩ không tốt cho vợ con mà tội nghiệp. Bây giờ mẹ chẳng giấu gì con, mẹ nhớ quê quá! mẹ không đêm nào ngủ được!”. “Con đã nói với mẹ rồi. Mẹ sống ở quê cả đời rồi còn gì!”. Thấy Dũng giận dỗi, bà Hạnh thấy thương con vô cùng. Bà đưa bàn tay xương xẩu vuốt lên đầu Dũng. Bà chậm rãi: “Chính vì cả đời ở quê nên bây giờ mẹ không thể sống xa quê hương đất tổ được. Từ gốc ổi, cây cau, đến bờ tre ao nước đã là lẽ sống, là máu thịt của mẹ. Mẹ muốn đêm đêm được đặt tấm lưng lên chiếc võng. Được nghe tiếng đưa kẽo kẹt đầy thân thương ấy!”. Dũng nhìn mẹ khó hiểu: “Mẹ nhớ quê, nhớ bạn bè thì nghe được. Đằng nầy lại nhớ tiếng kẽo kẹt của chiếc võng. Lạ thật! Về quê có mấy ngày, hễ mỗi khi nghe tiếng đưa kẽo kẹt ấy con thấy khó ở vô cùng. Vậy mà mẹ...”. “Khó ở à?” Bà Hạnh cốc nhẹ vào trán Dũng “Tổ cha mầy chứ khó ở! Mẹ nhớ hồi bé mẹ đưa con ngủ, sợ tiếng kẽo kẹt làm con tỉnh giấc. Mẹ lấy vải lót vào ống tre cho võng khỏi kêu. Lót xong mẹ đưa hoài mà con vẫn không ngủ. Mẹ hỏi “Sao vậy?” Con bảo “sao võng không hát nữa hả mẹ? Võng không hát con không ngủ được!”. Thế là mẹ lấy vải ra, tiếng võng lại kẽo kẹt và con nhắm mắt ngủ say. Sau nầy khi con lớn lên, con bảo tiếng kẽo kẹt ấy là tín hiệu báo cho con biết mẹ có ở nhà hay đã đi làm đồng... Tiếng võng đưa chẳng những đã theo mẹ mà còn theo con trong từng giấc ngủ suốt cả thời thơ ấu!”. Dũng đến ôm đôi vai gầy của bà Hạnh, thủ thỉ: “Con xin lỗi mẹ!”. “Con có lỗi gì đâu. Chẳng qua là thời gian làm con quên đấy thôi, chứ con là một con người tốt; một đứa con có hiếu. Con đã làm toại nguyện lòng mong mỏi của mẹ. Mẹ không hề có chút gợn buồn gì về vợ chồng con. Nhưng...”. Bà Hạnh nghẹn giọng “Nhưng cuối đời chắc mẹ không sống được cùng con như con mong muốn. Con hãy hiểu cho mẹ. Hãy để mẹ về... quê thôi!”. Nói chưa trọn câu, hai dòng nước mắt tuổi già lăn dài xuống khuôn mặt nhăn nheo của bà Hạnh. Nhìn mẹ, Dũng xao xác cả nỗi lòng. Đây là lần thứ hai Dũng nhìn thấy mẹ khóc. Lần đầu tiên mẹ khóc khi hay tin cha hy sinh ở chiến trường. Giọt nước mắt mất mát đau thương hồi ấy đã làm nhòe đôi mắt đẹp của mẹ. Giọt nước mắt lần nầy cũng chảy đầy sự thương yêu ray rứt. Ở với Dũng thì nỗi nhớ quê cứ khắc khoải, cứ đoài đoạn mãi lòng bà. Còn về quê thì day dứt với tình cảm của con...
Dũng đưa tay lau nước mắt trên khuôn mặt mẹ: “Con xin mẹ đừng buồn! Mẹ đã dành cả cuộc đời vì chúng con. Giờ đây lúc bóng xế chiều tà, chúng con muốn mẹ được vui vẻ. Được sống những giây phút cho mình. Mẹ có quyền chọn lựa. Ngày mai con đưa mẹ ra ga tàu để về quê. Mẹ nhé!”...
* * *
Dũng đưa bà Hạnh ra ga. Chuyến tàu nhanh còn hai mươi phút nữa mới khởi hành. Hai mẹ con vào phòng đợi. Dũng mua thêm mấy lon nước bỏ vào xách bà Hạnh và không quên căn dặn: “Mẹ về quê mua chiếc võng khác mà nằm. Chiếc võng ấy rách hết rồi!”. “Ừ, mẹ biết! Nhưng võng tàu thơm đó không thấy bán nữa. Ngày nay thiên hạ xây toàn nhà đẹp, võng tàu thơm không hợp cảnh hợp người. Hơn nữa làm võng tàu thơm tốn công lắm! Phải chặt tàu ngâm nước, lấy sợi se dây rồi mới đan võng. Công nhiều mà giá lại rẻ, nên người ta bỏ nghề gần hết. Ở làng ta chỉ còn bà Sáu nhưng bà ấy cũng yếu rồi! Chỗ nào tình nghĩa lắm đến đặt bà mới làm cho. Nằm trên võng tàu thơm mẹ mới ngủ được! Để rồi mẹ sang bà ấy xem sao!”.
Chuyến tàu nhanh đã đến giờ lăn bánh. Dũng đưa mẹ lên tàu. Một hồi còi rúc dài. Bà Hạnh nhoài người ra cửa sổ, nắm chặt tay con: “Bận gì thì bận nhưng nhớ về thăm quê nghe con!”. Dũng nhìn theo con tàu mà lòng ngổn ngang bao suy nghĩ. Sân ga trở nên yên vắng như một dấu lặng trong lòng Dũng. Dũng quay xe về hướng xí nghiệp. Giờ làm việc sắp trễ. Dũng xuôi theo những dòng người đang ken dày trên đường. Một ngày mới của thành phố công nghiệp đang bắt đầu...