20/10/2010 - 21:42

"Chiếc máy tính đầu tiên trên thế giới" sắp ra đời

Máy phân tích (Analytical Engine) – mô hình máy tính chạy bằng hơi nước được thiết kế năm 1873 và được xem là “chiếc máy tính đầu tiên trên thế giới”, là một trong những phát minh vĩ đại nhất chưa hoàn tất do “cha đẻ” của máy qua đời khi nó vẫn còn nằm trên giấy. Tuy nhiên, tâm nguyện của nhà toán học người Anh Charles Babbage sắp thành hiện thực khi chiến dịch quyên góp tiền để chế tạo chiếc máy này vừa được khởi động tại Anh.

Máy tính cơ học tự động.

Sau 173 năm, máy phân tích hoàn chỉnh vẫn còn nằm trên giấy.

Sinh năm 1792 tại Luân Đôn, Charles Babbage được xem là “ông tổ” của ngành tính toán bằng máy vì đã khai sinh ra khái niệm này khoảng 100 năm trước khi chiếc máy điện toán đầu tiên trên thế giới ra đời. Ông bắt đầu nghiên cứu máy phân tích sau khi sáng chế thành công máy tính cơ học tự động (difference engine), nặng 8 tấn, cao 3 mét, có thể thực hiện được những phép tính phức tạp và in kết quả ra giấy. Thế nhưng, do sự phức tạp của hệ thống máy phân tích và những tranh cãi dai dẳng xung quanh việc đầu tư cho dự án, chiếc máy này không thể được hoàn tất, dù nó đã đạt được nhiều giải thưởng danh giá. Sau khi Babbagen mất năm 1871, bản thiết kế của máy do con trai ông giữ.

John Graham-Cumming, một lập trình viên mê khoa học và là người khởi xướng chiến dịch nói trên, hy vọng sẽ tập hợp được 50.0000 người ủng hộ và quyên góp 400.000 USD để khởi động dự án chế tạo máy phân tích. “Khi đọc sổ ghi chép của Babbage, bạn sẽ thấy rằng đó thực sự là chiếc máy tính đầu tiên. Nó có bộ nhớ dung lượng lớn, một bộ xử lý trung tâm (CPU), vi mã, một máy in, một máy vẽ đồ thị và chạy bằng các chương trình ghi trên những thẻ đục lỗ”, Graham-Cumming giới thiệu. Kích thước của máy khi chế tạo bằng sắt và đồng sẽ tương đương chiếc xe tải nhỏ và vận hành bằng hơi nước. Tiến sĩ Doron Swade, nhà nghiên cứu lịch sử máy tính, nhận định việc chế tạo Máy phân tích có thể giải đáp “những câu hỏi lịch sử thú vị”, chẳng hạn: “Phải chăng thời đại thông tin đã có từ thời nữ hoàng Victoria?”.

Mặc dù máy móc ngày nay có thể khiến máy phân tích trở nên lỗi thời nhưng nó vẫn được xem là thiết kế đầu tiên của “chiếc máy tính có mục đích chung”, có thể được lập trình để thực hiện nhiều công việc khác nhau. Ông Swade cho rằng nếu chế tạo thành công, hệ thống máy này sẽ mang đến cho chúng ta nhiều điều bất ngờ. Đến nay, chưa có ai lắp ráp hoàn chỉnh máy phân tích dù nhiều người, trong đó có con trai của Babbage và Tiến sĩ Swade, đã chế tạo các linh kiện cho nó.

Hiện chiến dịch lắp ráp máy phân tích mang tên Đồ án 28 thu hút được 1.600 người cam kết đóng góp vào nguồn quỹ. Tuy nhiên, theo Graham-Cumming hiện vẫn còn khá nhiều công việc cần làm trước khi chiến dịch gây quỹ hoàn tất, bao gồm việc số hóa bản thiết kế gốc nằm trong bộ sưu tập sổ tay của ông Babbage, đang được lưu trữ tại Bảo tàng Khoa học ở Luân Đôn. Bên cạnh đó, dự án cũng cần một nhà nghiên cứu tài giỏi để đọc bản vẽ và giải mã các thuật ngữ của Babbage. “Chúng tôi cần mô phỏng máy phân tích bằng mô hình không gian 3 chiều, sau đó sửa lỗi cho nó để từ đó có thể giúp nó trở thành phiên bản thân thiện với mọi người trên thế giới”, Graham-Cumming giải thích. Ông cho biết việc chế tạo mô hình máy phân tích ảo có thể giải quyết “95% vấn đề” và cho phép các chuyên gia sử dụng máy tính để thiết kế hàng nghìn linh kiện cần thiết để hoàn thiện chiếc máy khổng lồ này.

THANH TRÚC (Theo BBC, Telegraph)

Chia sẻ bài viết