Tại Diễn đàn thường niên Vùng Duyên hải lần thứ II trong khuôn khổ Dự án cải thiện sức chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu - Vùng ven biển Đông Nam Á (sau đây gọi tắt là Diễn đàn), vừa diễn ra tại TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng), đại biểu các nước đã chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình đã triển khai để thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) tại vùng ven biển của 3 nước Việt Nam, Campuchia và Thái Lan. Theo các nhà khoa học, BĐKH sẽ tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn thế giới và Việt Nam là 1 trong 5 nước sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, là nguyên nhân gây ra thiên tai, đặc biệt là bão lũ, hạn hán ngày càng ác liệt.
Hơn 30 dự án thí điểm tại 8 tỉnh ven biển 3 nước
 |
Sóc Trăng đã triển khai dự án khôi phục và trồng rừng ngập mặn - một trong những giải pháp dựa vào hệ sinh thái tự nhiên để thích ứng với BĐKH. |
Từ năm 1994, Chính phủ Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Khung của Liên Hiệp Quốc (UNFCCC) về BĐKH. Hiện nay, Việt Nam đang hoàn thiện chương trình hành động để chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Theo Tiến sĩ Vũ Sĩ Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam - Bộ Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua nhiều tổ chức quốc tế đã hợp tác với Việt Nam triển khai các chương trình, dự án nghiên cứu tình hình diễn biến và tác động của BĐKH đến tài nguyên, môi trường, sự phát triển kinh tế - xã hội và bước đầu thực hiện các giải pháp ứng phó. Tổ chức bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai chương trình nghiên cứu về BĐKH, trong đó Dự án cải thiện sức chống chịu với tác động của BĐKH - vùng ven biển Đông Nam Á (do Liên minh Châu Âu tài trợ). Đây là một chương trình có ý nghĩa quan trọng đối với công tác thích ứng với BĐKH của 3 nước Việt Nam, Thái Lan và Campuchia. Có thể nói, dự án nhằm tăng cường năng lực của chính quyền và người dân địa phương trong việc thiết lập và thích ứng với BĐKH, đồng thời sẽ là cơ hội để các cộng đồng vùng khác nhau dọc ven biển có thể học hỏi lẫn nhau và đảm bảo các thông điệp chính sách được tuyên truyền đến tất cả các cấp.
Sau hai năm thực hiện dự án tại 8 tỉnh ven biển của 3 nước, hơn 30 dự án thí điểm được thiết kế theo đặc thù thực tế của từng địa phương, nhằm nâng cao năng lực thích ứng của người dân và hệ sinh thái mà họ đang sống, qua đó giúp đối phó với những tác động có thể lường trước được của BĐKH và lập kế hoạch giảm rủi ro thiên tai. Tại Việt Nam, 10 dự án thí điểm được triển khai thực hiện tại 4 tỉnh, thành (Sóc Trăng, Kiên Giang, Bến Tre và huyện Cần Giờ - TP Hồ Chí Minh). Cùng với dự án Rừng ngập mặn cho Tương lai (MFF), dự án đã đầu tư khoảng 350.000 USD để thực hiện các dự án thí điểm nói trên. Hoạt động của Dự án bao gồm: Phục hồi rừng ngập mặn, nâng cao nhận thức, nước sạch và vệ sinh môi trường, phát triển du lịch cho các cộng đồng nghèo sống phụ thuộc vào rừng ngập mặn và thay đổi thói quen không tốt trong nông ngư nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Cộng đồng bảo vệ môi trường và hệ sinh thái tự nhiên
Sóc Trăng là tỉnh có bờ biển dài 72 km và là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề của BĐKH và nước biển dâng của Việt Nam. Nhiều năm qua, tỉnh đã xây dựng nhiều chương trình, dự án và có nhiều giải pháp cụ thể để thích ứng với BĐKH. Qua đó, đẩy mạnh tuyên truyền trong cộng đồng dân cư và triển khai nhiều mô hình dự án thí điểm phát triển bền vững và thích nghi với những tác động của BĐKH và nước biển dâng. Tại Diễn đàn, đại biểu tỉnh Sóc Trăng đã giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm với các nước về vấn đề đa dạng hóa sinh kế nhằm thích ứng với BĐKH, hoạt động khôi phục rừng ngập mặn và gia cố đê bao tại huyện Cù Lao Dung; Mô hình đồng quản lý rừng ngập mặn ở ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu
Là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng của BĐKH và nước biển dâng, tỉnh Kiên Giang cũng đã xây dựng nhiều mô hình để quản lý, bảo vệ môi trường, phục hồi nguồn lợi thủy sản, thiên nhiên, rừng ngập mặn và ngăn chặn sự xói lở bờ biển. Trong số này, mô hình bảo tồn ghẹ xanh tại đảo Phú Quốc và Hà Tiên đã đem lại những hiệu quả thiết thực cho người dân sống vùng ven biển. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường tỉnh Kiên Giang, khi được sự hỗ trợ của IUCN và các tổ chức khác, tỉnh cử cán bộ đi học hỏi, nghiên cứu, tham quan mô hình nuôi ghẹ xanh ở Campuchia. Sau đó, xây dựng mô hình bảo vệ ghẹ xanh và hỗ trợ vốn cho người dân để nhân rộng mô hình đến cộng đồng. Đồng thời, thành lập Ngân hàng mua ghẹ trứng và tuyên truyền, vận động người dân chủ động bảo vệ nguồn lợi thủy sản này. Bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng cho biết: "Tham gia diễn đàn lần này, chúng tôi biết được nhiều mô hình thích ứng BĐKH mang lại việc quả thiết thực tại các nước Thái Lan, Campuchia và các tỉnh, thành khác của nước ta. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, tạo điều kiện tốt nhất để cộng đồng bảo vệ rừng, nguồn lợi thủy sản; đồng thời, nhân rộng mô hình nuôi ghẹ xanh để giúp người dân trong vùng dự án nâng cao nhận thức, tăng thu nhập".
Theo ông Kông Kim Sreng, cán bộ cấp cao Dự án thuộc Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế Campuchia, BĐKH đang là thách lớn của mọi cộng đồng, chúng ta cần sớm tìm ra những giải pháp thích ứng với môi trường khí hậu đang thay đổi. Ông Sreng cho biết: "Những thông tin, kinh nghiệm được chia sẻ tại Diễn đàn giúp chúng tôi biết Việt Nam, Campuchia và Thái Lan làm những gì để chống chịu, thích ứng với BĐKH. Tôi hy vọng rằng, những kinh nghiệm mà chúng ta học hỏi được sẽ áp dụng hiệu quả cho việc giảm nhẹ rủi ro do ảnh hưởng BĐKH và nước biển dâng tại mỗi quốc gia của mình".
Theo Tiến sĩ Robert Mather - Giám đốc Khu vực Đông Nam Á, thực tế buộc tất cả chúng ta phải tìm ra cách để thích ứng trong một môi trường khí hậu đang thay đổi. Trong khi các dự án thiên về giải pháp công trình hiện vẫn đóng một vai trò nhất định trong việc nâng cao sức chống chịu với BĐKH, thì những dự án thí điểm của IUCN trong thời gian qua cho thấy phát triển dựa trên quy hoạch từ cấp cơ sở và các giải pháp "mềm" dựa vào hệ sinh thái tự nhiên là công cụ kết nối những giải pháp được mong đợi đối với cộng đồng ven biển trong thích ứng với BĐKH.
Tại Diễn đàn, nhiều chuyên gia đã khẳng định để đạt được tính bền vững của chương trình dự án, rất cần sự hỗ trợ của người dân địa phương và công tác vận động, tuyên truyền, chính sách phù hợp của địa phương. Đặc biệt, cần có sự hợp tác chặt chẽ từ cộng đồng địa phương, từ các cơ quan Trung ương đến địa phương và thông tin truyền thông.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu mực nước biển dâng lên 1 mét thì có khoảng 10% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng và con số này là 25% nếu mực nước biển dâng lên 3 mét. Theo đó, các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ bị ngập hầu như hoàn toàn. |
Bài, ảnh: LÝ THEN