27/10/2017 - 09:17

“Phát triển tài nguyên bản địa kết hợp sức mạnh công nghệ”

Chìa khóa thúc đẩy phát triển kinh tế ĐBSCL 

Diễn đàn Mekong connect 2017 - diễn ra ngày 25 và 26 -10, tại Bến Tre, nhiều chuyên gia tư vấn kinh tế, các nhà hoạch định chính sách với các doanh nghiệp, chính quyền đã thảo luận về 25 đề tài quan trọng, xoay quanh những trăn trở làm thế nào để phát triển nguồn tài nguyên bản địa của ĐBSCL. Trước mắt đó là: dừa, gạo, cá, sen - du lịch, nhất là làm sao ứng dụng công nghệ trong việc phát triển các nguồn tài nguyên bản địa đó.

Trăn trở khai thác tài nguyên bản địa

ĐBSCL có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển nông nghiệp và thủy sản của cả nước. Thế nhưng, ấn tượng về ĐBSCL vẫn chỉ là “vùng đất giàu tiềm năng”. Theo các chuyên gia kinh tế, chìa khóa để phát triển kinh tế ĐBSCL là phát triển tài nguyên bản địa. Nhưng, điều kiện cần và đủ là các sản phẩm từ tài nguyên bản địa được sản xuất theo quy trình ứng dụng công nghệ hiện đại từ chế biến, sản xuất, cho đến làm bao bì và có chiến lược hiệu quả xây dựng thương hiệu -quảng bá cho sản phẩm.

Các đại biểu tham quan và tìm hiểu sản phẩm tài nguyên bản địa của Vùng ĐBSCL tại Mekong Connect 2017. Ảnh: M. HOA

ĐBSCL có trên 3,8 triệu héc-ta đất nông nghiệp, chiếm hơn 27% diện tích cả nước. Theo Bộ NN&PTNT, ĐBSCL là trung tâm sản xuất và cung cấp nông sản lớn cả nước tham gia trong chuỗi giá trị toàn cầu với mức đóng góp 40,7% trong giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp; 53,4% sản lượng lúa, 70% sản lượng trái cây, 58,7% sản lượng thủy sản, 90% sản lượng gạo xuất khẩu cả nước. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng của vùng chưa vững chắc; tiềm năng và lợi thế của vùng chưa được khai thác hiệu quả…

Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), đưa ra ví dụ sinh động về vấn đề này trong bài viết trên trang facebook cá nhân Nghịch lý thứ 4: Tài nguyên bản địa, sao thế giới nâng niu còn ta bỏ mặc?. “Mấy hôm nay, mọi người chuyển cho nhau bức ảnh dân CPC đi tour du lịch “Cánh đồng hoa điên điển” của họ. Một người bình: hay là dân CPC thính ngửi mùi tiền? Không, không phải vậy. Chúng ta đều biết nước Pháp đang làm giàu với: rượu vang, phô mai, sườn trừu nướng, bánh crêpe, bánh macaron…; người Nhật mở quán tưng bừng ở VN với: rượu Sake, mì Udon, Sushi, rau củ chiên Tempura, mì Ramen…, người Nga lại có nhiều món khó quên: súp củ cải đỏ, trứng cá hồi, rươu Vodka, bánh mì muối, salad Nga… Tài nguyên của địa phương thật gần và dễ khai thác: Mộc mạc, dễ tìm, sẵn ngay canh mình, ngay bờ ao nhà mình… Các nước đang khai thác tốt, thậm chí, dãi sản phẩm mới từ tài nguyên bản địa, họ đang nối dài vô tận, như Thái Lan đã chế được 100 món mới từ dừa. Ta đã thử làm 100 món bánh dân gian Nam bộ là sản phẩm sau gạo. Nhưng chưa thấy đi xa gì hơn ngoài việc 1 đơn vị khai thác có lời khách nói hơi buồn vì kinh doanh thiếu chăm chút và chuyên nghiệp, uổng...”.

Về những hạn chế để phát huy tài nguyên bản địa của vùng, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), cho biết: Hiện nay các chương trình cơ chế, chính sách hỗ cho nông dân và doanh nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp rất ít. Việc tiếp cận nguồn vốn để đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế… “Nếu áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp sẽ đem lại hiệu quả tối ưu. Chẳng hạn, trong hoạt động tưới tiêu, nếu áp dụng công nghệ cao sẽ vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa cung cấp đủ nước cho cây lúa phát triển tốt hơn. Ngoài ra, khi áp dụng công nghệ để bón phân sẽ cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây lúa, gia tăng năng suất và chất lượng cho lúa…”, ông Phạm Thái Bình chia sẻ.

ĐBSCL đâu chỉ có lúa, gạo, trái cây, thủy sản, tài nguyên bản địa của ĐBSCL còn là con người, văn hóa, phong tục, là thiên nhiên và biết bao sản vật miền Tây Nam bộ.

Tìm đường đến thành công

Theo các chuyên gia, phát triển tài nguyên bản địa, phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL bền vững và hiệu quả, yêu cầu cấp bách là phải tái cơ cấu lại nền nông nghiệp dựa trên cơ sở ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản và tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết tạo thành chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực và liên kết vùng. Ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre, cho biết: Diễn đàn Diễn đàn Mekong connect 2017  thúc đẩy và tăng cường mối liên kết, hợp tác và hỗ trợ nhau cùng phát triển bền vững giữa 4 tỉnh, thành ABCD Mekong. Diễn đàn chú trọng đẩy mạnh các hoạt động hội nhập cho doanh nghiệp của 4 tỉnh, thành ABCD Mekong, như: xây dựng thương hiệu, kết nối-truyền thông, quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ; nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách và triển khai các dự án, chương trình cụ thể để tăng cường tính liên kết vùng hướng đến phát triển bền vững của từng địa phương và vùng ĐBSCL.

Giới thiệu sản phẩm đặc trưng của vùng ĐBSCL – mắm Bà Giáo Khỏe 55555 tại Mekong Connect 2017. Ảnh: M. HOA

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết: Để phát triển sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực của vùng ĐBSCL, ngành nông nghiệp tập trung rà soát quy hoạch vùng, quy hoạch phát triển sản xuất ngành hàng chủ lực nhằm khai thác hợp lý tiềm năng, lợi thế của vùng ĐBSCL. Đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng tập trung, thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, hiện đại để sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững. Trong đó, chú trọng giải pháp phát triển sản xuất thủy sản, trái cây, lúa gạo thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Phát triển nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Đầu tư hiện đại hóa các cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ trong vùng, như: Viện lúa ĐBSCL, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II… tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là hệ thống thủy lợi, hệ thống cảng cá, khu công nghiệp nuôi, chế biến và bảo quản sản phẩm…

Ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết:  Cả nước hiện có khoảng 1.800 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Chính sách tập trung vào hỗ trợ năng lực khởi nghiệp, hỗ trợ các nguồn lực ban đầu và các hoạt động kết nối đầu tư. Đây sẽ là một thuận lợi lớn để thúc đẩy doanh nghiệp ngành nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến, sản xuất, cho đến làm bao bì hay quảng bá - làm thương hiệu cho sản phẩm nông sản – tài nguyên bản địa của ĐBSCL phát triển.

Bà Vũ Kim Hạnh trong bài viết của mình đã thử “viết ra công thức để làm giàu từ tài nguyên bản địa. Đó là: Cần tính chuyện lâu dài, bền vững, và làm giàu, không phải đắp đổi qua ngày. Cần phối hợp 2 nhóm giải pháp: giải pháp cứng là phải đảm bảo an toàn, tuân thủ đúng tiêu chuẩn Việt Nam và Quốc tế, có sử dụng, bổ sung kỹ thuật mới, công nghệ mới. Và giải pháp mềm là có nghiên cứu, am hiểu thị trường, xem xét toàn chuỗi giá trị, định vị thương hiệu sản phẩm, có quan tâm bao bì, mẫu mã và có dồn sức phát triển sản phẩm mới và phát triển thị trường. Là nỗ lực lớn, chung, không chỉ của một công ty đơn lẻ nào và không dàn đều mà có thứ tự ưu tiên, có phương pháp đầu tư và quản trị.

Một nghiên cứu mới đây trên thế giới cho thấy, “tính bản địa” là một trong bảy từ khóa quan trọng nhất đối với người tiêu dùng tương lai. Bảy từ khóa này bao gồm: Tiết kiệm, bền vững, công nghệ, bản địa, sức khỏe, đơn giản, tự do. Đó là những từ khóa của người tiêu dùng tương lai, thế hệ thiên niên kỷ - Millenials (thế hệ Y) và thế hệ Z (thế hệ sau Millenials). Họ được mệnh danh là những người tiêu dùng số. Trên thế giới, số lượng người tiêu dùng số này đang chiếm tỷ lệ khủng từ 40-77% tùy theo thị trường. Tại Việt Nam, tỷ lệ này là 59%.

M. HOA

Chia sẻ bài viết