12/08/2011 - 20:20

CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ

"Chìa khóa" mời gọi doanh nghiệp

TP Cần Thơ rất cần chính sách đặc thù tạo đòn bẩy mời gọi đầu tư.

Môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh thông thoáng là những yếu tố quyết định kết quả thu hút đầu tư của các địa phương. Tuy nhiên, để tạo môi trường đầu tư tốt cần có chính sách đồng bộ đi kèm và phải tạo dựng một hình ảnh mới, hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư.

* Những “nút thắt”

Thành phố Cần Thơ được xác định là trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về công nghiệp, thương mại- dịch vụ, giáo dục- đào tạo, tài chính- ngân hàng... nhưng phát triển chưa xứng tầm với đô thị trung tâm. Chất lượng nguồn nhân lực, hạ tầng cơ sở (nhất là hạ tầng giao thông) chưa đầu tư đồng bộ, quỹ “đất sạch”... đang là trở ngại lớn cho thành phố trong mời gọi đầu tư.

Thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, thành phố đã cấp phép mới cho 700 doanh nghiệp (DN) đầu tư trong nước, vốn đăng ký 3.417 tỉ đồng. Trên lĩnh vực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thành phố thu hút thêm 3 dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, vốn đăng ký trên 52,1 triệu USD. Đến nay, thành phố thu hút trên 818 triệu USD vốn FDI, nhưng vốn thực hiện chỉ chiếm 23,5% trên tổng vốn đăng ký. Trong 7 tháng đầu năm, các DN FDI đạt doanh thu 165,3 triệu USD; trong đó, xuất khẩu 28,5 triệu USD, còn lại là tiêu thụ nội địa.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ Phạm Thế Vinh cho biết, từ đầu năm 2011 đến nay, thu hút vốn FDI, vốn trong nước đều tăng so cùng kỳ, nhưng mức tăng không nhiều. Qui mô dự án FDI nhỏ, các DN vốn trong nước thì có đến trên 90% là DN nhỏ và vừa, nên năng lực cạnh tranh còn nhiều hạn chế. Hạ tầng cơ sở thành phố có nhiều dự án trọng điểm của Trung ương đầu tư đã góp phần cho thành phố trong thu hút đầu tư, nhưng một số công trình giao thông vẫn chưa đầu tư đồng bộ, nên việc khai thác tiềm năng còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, môi trường đầu tư của thành phố cũng chưa hấp dẫn nhà đầu tư.

Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp (BQL KCX &CN) Cần Thơ cho rằng, “đất sạch” là vấn đề nan giải của thành phố trong thu hút đầu tư. Công tác giải phóng mặt bằng, đền bù và thu hồi đất vướng nhiều thủ tục, chính sách, giá bồi hoàn cao làm nhà đầu tư ngán ngại. “Suất đầu tư 1m2 đất công nghiệp từ 60-70 USD, cao gấp 2-3 lần so với các địa phương lân cận, nên nhà đầu tư rất cân nhắc tính hiệu quả của từng dự án khi quyết định đầu tư”- ông Hùng nói. Năm 2011, các khu công nghiệp đề ra mục tiêu thu hút 100 triệu USD vốn đầu tư, theo ông Hùng kế hoạch này có thể đạt được, nhưng muốn vượt chỉ tiêu rất khó. Năm 2011 phấn đấu có 50ha đất sạch để thu hút đầu tư, nhưng công tác giải phóng mặt bằng rất nhiêu khê.

Các khu công nghiệp (KCN) được xem là “hạt nhân” trong việc thúc đẩy thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp của địa phương. Theo BQL KCX&CN Cần Thơ, việc mời gọi đầu tư vào các KCN đã khó, việc tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho DN càng khó hơn. Hiện nay, kết cấu hạ tầng kỹ thuật bên ngoài KCN và hạ tầng kỹ thuật xã hội của thành phố còn bất cập, hạn chế như: cầu Trà Nóc chỉ cho phép xe tải trọng dưới 20 tấn, trong khi xe chở hàng hóa vào KCN trên 20 tấn. Thêm vào đó, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đa phần chỉ cho vay vốn ngắn hạn, vốn trung và dài hạn không nhiều, nên hoạt động mở rộng sản xuất kinh doanh của DN cũng hạn chế.

* Khai thác chính sách đòn bẩy

Trong 6 KCN đang hoạt động của thành phố hiện đã cho thuê hơn 546,5ha đất công nghiệp với 197 dự án, vốn đăng ký trên 1,75 tỉ USD. Trong các KCN đang hoạt động chỉ có KCN Trà Nóc 1 lấp đầy, KCN Trà Nóc 2 lấp đầy 91,8% diện tích đất công nghiệp; các KCN còn lại như: Hưng Phú I, Hưng Phú 2A, 2B, Thốt Nốt (giai đoạn I) diện tích đất công nghiệp cho thuê còn khiêm tốn, do công tác giải phóng mặt bằng chậm và do thay đổi chính sách bồi hoàn, nên chậm tiến độ xây dựng hạ tầng. Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng BQL KCX&CN Cần Thơ cho biết: “Từ đầu năm đến nay, ban quản lý tiếp rất ít nhà đầu tư, do không có đất sạch và mời gọi nhà đầu tư hạ tầng rất nhiêu khê, giá bồi hoàn đất của đô thị loại I cao, buộc phải cho DN thuê lại cao. Nếu giá thuê cao, nhà đầu tư không vào”...

Tại các cuộc họp bàn về chính sách thu hút đầu tư vào thành phố, nhiều lãnh đạo sở, ngành cho rằng, để phát triển nhanh, thành phố rất cần chính sách đặc thù riêng. Thêm vào đó, thành phố phải tạo được môi trường kinh doanh năng động. Ông Phạm Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ cho biết: “Sở đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành 33 danh mục dự án mời gọi đầu tư, vốn trên 2 tỉ USD. Những dự án mời gọi phải tạo được điểm nhấn cho thành phố trong tương lai. Trong đó, ưu tiên những dự án công nghệ cao trên lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, đầu tư hạ tầng cơ sở các KCN”. Theo ông Vinh, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đang làm dự án đề nghị Nhật Bản hỗ trợ đánh giá thực trạng đầu tư của thành phố và đề ra giải pháp, chiến lược thu hút đầu tư cụ thể. Đồng thời, sở đang xây dựng chiến lược thu hút vốn ODA giai đoạn 2011- 2015 để trình UBND thành phố; xây dựng chính sách hỗ trợ cho DN khi đầu tư vào thành phố...

Ông Vinh cho rằng, ngoài nỗ lực của thành phố, rất cần chính sách từ Trung ương, như có thể nới rộng cho thành phố cơ chế vay vốn của các tổ chức nước ngoài (theo qui định hiện nay là vay vốn không vượt quá 30% ngân sách địa phương)... Thêm vào đó, Quyết định 366/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện tiếp Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị xây dựng thành phố Cần Thơ thời kỳ công nghiệp hóa; Quyết định 492/2009/QĐ-TTg của Chính phủ qui hoạch vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL đã xác định thành phố Cần Thơ là trung tâm vùng ĐBSCL, một cực phát triển quan trọng. Nếu những chiến lược đòn bẩy này được khai thác tốt sẽ cải thiện môi trường đầu tư cho thành phố.

Bài, ảnh: Gia Bảo

Chia sẻ bài viết